Breaking News

Tran Chi Thien Tran Chi Thien

Home , � Đồng hành cùng sinh viên

Đồng hành cùng sinh viên

“Bạn đã đi qua cuộc đời hay chưa?”, đó không thể coi là một câu hỏi thừa đối với các bạn sinh viên mà đó là sự suy ngẫm…

Vào lúc 8h30 tại A116 Đại học Kinh tế TPHCM cơ sở A 59C Nguyễn Đình Chiểu đã diễn ra chương trình “Đồng hành cùng sinh viên: Kỹ năng sống - kỹ năng giao tiếp – tình bạn – tình yêu” thuộc Trung tâm quan hệ doanh nghiệp - hỗ trợ sinh viên. Với sự góp mặt của báo cáo viên ThS tâm lý Nguyễn Công Vinh - cố vấn chiến lược công ty Hồn Việt và nhà tài trợ là Trung tâm Đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt Vietnam Insight.

Mở đầu chương trình là trò chơi “đôi tình nhân đẹp nhất” và đoạn VideoClip đã đoạt giải cuộc thi 8X-3T. Nhưng không khí hội trường thật sự được khuấy động khi các tràng vỗ tay thật giòn giã thật to vang lên, cùng những tiếng đồng thanh “sinh viên kinh tế” dưới sự dẫn nhịp của ThS Nguyễn Công Vinh. Có thể vì dáng vẻ thân thiện và từng trải, tận tâm nhiệt tình của ThS Nguyễn Công Vinh, từ đây đến suốt bài viết xin được gọi ThS là bác Vinh!

Bác Vinh đã tâm sự rằng cũng giờ này cách đây khoảng 20 năm, bác “không biết mình đang đi trên con đường như thế nào”, và động lực để bác đến với chương trình chính là vì “sứ mệnh của cuộc đời”. Như một người cha, một người thầy, bác Vinh thật sự rất am hiểu tâm tư cuộc sống các bạn sinh viên. Những mối quan tâm của các bạn sinh viên là: học, chơi, yêu, việc làm thêm, sinh hoạt cộng đồng, ăn ở, lối sống, kĩ năng nghề nghiệp nhưng những mối quan tâm đó có thật sự được quan tâm đúng mức? “Bạn đã đi qua cuộc đời hay chưa?”...Vì đối tượng tham dự chương trình đa số là K33, K34 nên những hiện tượng tâm lí phổ biến ở các bạn sinh viên những năm đầu tiên mà bác Vinh đưa ra đã đánh trúng vào các bạn: tâm lí “xả hơi” – Tâm lí lo lắng của “niềm vui chưa dứt thì bao nỗi âu lo...” – tính ì năm nhất - sống khép kín hay tập trung ganh đua học tập – yêu đương thả cửa - mục tiêu quá lí tưởng hoặc chưa xác định rõ. Bác Vinh nhấn mạnh rằng đời sinh viên là một bước chuẩn bị quí giá trong việc xây dựng nhân hiệu của mỗi người trong tương lại, các bạn sinh viên đặc biệt là năm nhất, sau quãng đời học sinh, đi qua ngưỡng cửa đại học, giờ đây, điểm khởi đầu của đời sinh viên cũng là điểm khởi đầu của quá trình xây dựng nhân hiệu, “nếu không bắt đầu từ bây giờ thì sau khi kết thúc đời sinh viên, xây dựng được một nhân hiệu cho riêng mình là rất khó khăn và mất nhìêu thời gian”. Về vấn đề thời gian, bác Vinh cũng đã nói “4 năm đại học rất vui nên đi qua rất mau”, có phải những quãng thời gian đẹp nhất, ý nghĩa nhất thường trôi qua rất nhanh? Không ai muốn cuộc đời mình vô vị và nhạt nhẽo, 4 năm đại học là một khoảng thời gian thanh xuân sung sức nhất để tạo nên ý nghĩa cuộc đời. Bác Vinh bắt đầu đi vào phân tích một cách sâu sắc các hiện tượng tâm lí phổ biến của sinh viên. Từ “cái quyền được xả hơi” là chính đáng, những khó khăn trong đời sống sinh viên, đến đặc biệt khuyến cáo tính ì của các bạn sinh viên năm nhất vì “tính ì kéo lại, niềm tự hào qua rất nhanh” (!)

Bàn về một câu hỏi đã được đặt ra trước đó: " Nên ở nhà bà con, hay ở trọ cùng một vài người bạn, hay KTX”. Tuỳ hoàn cảnh và suy nghĩ của mỗi người mà có sự lựa chọn khác nhau, đối với bác Vinh thì lại chọn KTX, đó không phải là sự áp đặt mà đơn thuần để dẫn dắt đến một vấn đề sâu xa hơn, đó là tính đa hình của mối quan hệ sinh viên nói riêng và con người nói chung.

Cuộc sống luôn chứa đựng trong nó nhiều thử thách, để vượt qua bằng con đường đúng đắn thì mỗi người cần trang bị cho mình những kỹ năng sống. Sống cũng không gói gọn trong động từ “sống” mà còn ở các mối quan hệ xã hội. Có thể tưởng tượng các mối quan hệ như những sợ chỉ, chúng được se gọn hay rối tung thì tuỳ thuộc vào người nắm giữ nó…”Tối về giọng Bắc – Trung – Nam”, mượn lời bài hát Bạn Tôi, bác Vinh nói về sự hoà hợp. Khái niệm TeamWork giờ đây không còn là khái niệm quá xa lạ đối với giới học sinh – sinh viên Việt Nam nhưng để thực hiện được điều đó thì không phải ai cũng làm được. Vậy vì sao người ta cần đến TeamWork? Vì “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Bác Vinh nhận xét như sau:” chỉ khi có chung mục đích thì có thể kết hợp với nhau thành một, nếu không chỉ là khối rời rạc”. Nhưng mỗi người có một tâm lí khác nhau, tâm lí là chụp lại hình ảnh cuộc sống vào tư duy con người, những hình ảnh đó được đi qua một lăng kính, nghìn lẻ một người là nghìn lẻ một lăng kính chủ quan khác nhau. Vậy làm sao để có thể hoà hợp những tâm lí khác nhau đó thành một? Trước khi nói về giải pháp, bác Vinh nêu lên bản chất tâm lí con người: tính động, tính tương thích, tính đối tượng. Vì thế hướng khắc phục tâm lí đó là: kiểm soát tính chủ quan của bản thân, nên hoá thân mình trước khi hành xử, sống phải biết chấp nhận người khác, và để tư duy mở. Có một lời khuyên chân thành như sau: ”chỉ cần 50% người thương yêu mình là đã thành công rồi”. Có lẽ, sau khi nghe lời khuyên này, nhiều bạn đã cảm thấy giải toả hơn, thoải mái hơn về những khúc mắc về tâm lí tình cảm. Nhưng ai cũng muốn được nhiều người thương yêu mình, và chúng ta cần hiểu họ. Một trong những cách để hiểu nhau là trước khi làm gì thì nên cố gắng hoá thân thành người khác để xem người khác cần tiếp nhận điều gì ở mình:” người nào biết chấp nhận người khác thì người đó sẽ thành công”. Và càng khó hơn đối với những ai có vị trí cao - một thủ lĩnh sinh viên. “Làm thủ lĩnh sinh viên không nhất thiết phải là người giỏi nhất mà là người phải biết chấp nhận tất cả, qui tụ được họ và tạo cho họ điều kiện thể hiện được cái tôi của họ, đặc biệt là phải có tư duy mở, phong cách mở”. Các hoạt động Đoàn thể, những tổ chức CLB, đội nhóm là một trong những điều kiện tuyệt vời để tạo dựng các mối quan hệ, cũng như nâng cao kỹ năng giao tiếp, TeamWork, và thể hiện sự đoàn kết. Chúng ta cũng nên cố gắng tận dụng những giây phút “sống trong tình bạn thân”, phát huy qui luật lây lan cảm xúc, khống chế qui luật di truyền cảm xúc. Nói như vẻ đang diễn giải một bài thuyết nhưng thật ra, những gì chúng ta cần làm đều nằm trong từng câu từng chữ nêu trên. Nhịn một chút, nhường một chút, cảm nhận một chút, chia sẽ một chút…điều đó có khó với bạn?

Đến với chương trình này, các bạn sinh viên không chỉ được tiếp nhận nhiều thông tin bổ ích mà còn được chia sẽ những vấn đề những quan điểm về cuộc sống xung quanh. “Có nên đi làm thêm, dạy thêm?” - “dạy thêm”, “tiếp thị”, “mì tôm” (trích bài hát Bạn Tôi). Làm thêm có phải là một trào lưu khi: tôi thấy bạn làm thêm, tôi cũng muốn thử đi làm thêm? Hay vì hoàn cảnh gia đình mà khiến cho không ít các bạn sinh viên phải chia bớt thời gian học tập của mình? Hay đơn thuần là “tôi muốn thử sức”, muốn tìm kiếm và chuẩn bị cho mình hành trang nghề nghiệp trước khi rời ghế nhà trường? Những lí do thật chính đáng, nhưng ai cũng biết rằng “việc học là trên hết”. Bối rối giữa hai lối đi, bạn không biết chọn như thế nào. Bác Vinh nói về nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên là do: nhu cầu (sinh tồn, muốn khẳng định), cọ xát (để có được kinh nghiệm sống và làm việc), chia sẻ (để hiểu được giá trị cuộc sống). Nhiều người cho rằng việc làm thêm sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập, nhưng bác Vinh lại không nghĩ như vậy. Bác Vinh khuyên rằng “cuộc đời sinh viên không chỉ học ở giảng đường mà còn học ở bạn bè”, đồng nghĩa “ngoài chuyên môn cần có cọ xát”. Nhưng khi đi làm thì “phải xác định việc làm đó có hỗ trợ gì cho học tập hay không, nếu có hại thì không nên làm”. Một ví dụ lý thú của bác Vinh về một người bạn đã chọn cho mình một nghề nghiệp, mà khi mới nêu tên đã thật sự làm cho không ít bạn sinh viên phải ngạc nhiên, trầm trồ thán phục: bảo vệ đêm(!). Đó là: ngày đi học, đêm về học ở cổng gác, ngủ ở cổng gác, dẫn đến việc: không cần tốn tiền thuê nhà trọ, yên tĩnh và lý tưởng để học, kết quả: hiện nay là một doanh nhân thành đạt. Cũng trong quá trình học tập và làm thêm, bạn thu nhận được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm, vậy đặt ra câu hỏi là bạn có nên chia sẻ? “Kiến thức là cái mà càng cho nhiều thì càng mở rộng”, khi mình chia sẽ kiến thức cho ai thì mình đang học lại kiến thức đó một lần nữa. Quả là điều đó không thừa chút nào!

Dường như trong “đời sinh viên”, những vấn đề xoay quanh học – chơi – yêu chẳng bao giờ là kể cho đủ! “Chuyện chơi và mở rộng mối quan hệ - chuyện học và chuyện yêu”, bạn băn khoăn? Trong cuộc sống đầy rẫy những cạm bẫy, nhiều bạn trẻ sợ không dám mở rộng các mối quan hệ nhưng thật sự đó không phải là cách để “sống trên đời sống”. Đời sinh viên có gì vui bằng khi quanh mình có thật nhiều những người bạn, càng mở rộng mối quan hệ thì càng dễ thành công trong tương lai, không phải là tính toán mà chỉ là làm cho đời sinh viên thú vị hơn, ý nghĩa hơn thôi. Một cách hài hước, bác Vinh nói rằng “cuộc đời sinh viên mà không chơi thì đã đánh mất một phần lớn cuộc đời sinh viên, học thì học nhưng phải có chơi, mà chơi phải có lợi cho việc học”. Bạn đừng quá chau mày về câu “chơi có lợi cho việc học”! Nếu ai từng tham gia vào các hoạt động Đoàn thể, đội -nhóm- CLB ắt hẳn đã từng “chơi” những kiểu chơi như thế. Bác Vinh lại dí dỏm: “học mà không yêu thì chẳng còn gì là đời sinh viên”. Những tràng pháo tay thật lớn đã thay cho lời ủng hộ đến bác Vinh.

Vấn đề muôn thuở: "yêu"! Quay lại với đoạn VideoClip đã chiếu, bác Vinh nói về hiện tượng “sống thử” trong giới trẻ hiện nay. Một lần nữa, các bạn sinh viên tham dự chương trình được bày tỏ, bộc lộ suy nghĩ của mình. Có nhiều người ủng hộ, có nhiều người phản đối và cũng có nhiều người “không phản đối”… Để nói một cách khách quan nhất, bác Vinh đã cung cấp cho hội trường những số liệu thống kê về quan điểm “sống thử” hiện nay. Sự chênh lệch vô cùng lớn về các con số giữa nam và nữ đã phản ánh rõ bản chất “sống thử” và “sống thật”. Vậy có thể kết luận là nên hay không nên? Đặc tính sinh học, quan niệm giá trị đạo đức phương Đông khiến đa số phản đối nhưng thật bất ngờ khi bác Vinh - một người già dặn trong cuộc sống, một người mà thế hệ chịu nhiều ảnh hưởng của quan niệm phương Động lại không nằm trong đa số đó. Bác Vinh “không phản đối”. Con người tồn tại trên đời là để hướng đến hạnh phúc? Để có được hạnh phúc, có khi người ta phải đánh đổi rất nhiều. Bác Vinh nói về hai loại tình yêu: tình yêu có điều kiện và tình yêu cảm xúc. Theo bác Vinh, tình yêu cảm xúc là tình yêu gần với tình yêu đích thực nhất. Hôn nhân là kết quả của một tình yêu, nó ràng buộc tình yêu đó đến suốt quãng đường còn lại của con người dù hôn nhân đó có bền lâu và hạnh phúc hay không. Khi xã hội phát triển, nhu cầu về hạnh phúc của con người càng được thể hiện rõ, “sống thử” là cách mà họ làm để tìm hiểu nhau hơn, để có được quyết định đúng đắn hơn cho hôn nhân sau này. Nói vậy cũng không có nghĩa là nhất quán đồng tình việc “sống thử”, nó còn phụ thuộc vào cách xác định vấn đề như thế nào. Khi quyết định “sống thử” thì cả đôi bên phải lường trước và chịu trách nhiệm về các hệ luỵ kèm theo, biết kiểm soát, và phải thật sự nghiêm túc. Bác Vinh đã nêu ra những điều “nên – không nên” khi lựa chọn “sống thử”. Bác Vinh cũng khẳng định rằng: bác chỉ “không phản đối” khi nói với những bạn học sinh – sinh viên, những người có kiến thức, còn những nơi dân trí còn thấp, bác sẽ “kịch liệt phản đối”. Cuối cùng thì mọi vấn đề được nhìn nhận và giải quyết như thế nào đều tuỳ thuộc vào ý thức của mỗi người chúng ta.

…“Bản năng” (tự khoái) và “siêu tôi” (hệ thống chuẩn mực) luôn giằng co nhau để đưa đến “cái tôi” (giá trị hình ảnh) của mỗi con người, tạo sự cân bằng giữa “con” và “người”, tạo nên giá trị nhân văn con người…

Kết thúc chương trình là lễ trao học bỗng toàn phần cho 21 bạn sinh viên K34 có điểm đầu vào cao nhất của Trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt Vietnam Insight, mỗi phần học bỗng trị giá 2.800.000 đVN, ngoài ra, còn trao cho 100 bạn sinh viên tham dự chương trình suất học bỗng bán phần của Trung tâm.

Hơn 3 tiếng rưỡi nhưng lại trôi qua rất nhanh, có nhiều bạn sinh viên dù đã kết thúc chương trình từ lâu nhưng vẫn đến gặp bác Vinh hỏi han nhiều điều. Hy vọng nhà trường sẽ có thêm nhiều chương trình bổ ích như thế này dành cho sinh viên chúng ta…

Minh Ngọc (stsv)

0 comments to "Đồng hành cùng sinh viên"

Leave a comment