Nếu cho tôi một ước mơ, tôi sẽ dành nó cho dì tôi - người có một cuộc đời bất hạnh.
Bạn đã bao giờ thử nghĩ nếu tương lai sau này mình không thể sinh con thì thế nào hay chưa? Nếu chưa thì tôi mong bạn đừng có suy nghĩ lầm lạc rằng “con cái là gánh nặng” bởi lẽ tôi đã chứng kiến được nỗi đau của người không thể có con là thống thiết đến mức nào!
Dì tôi là con gái cả trong gia đình đông anh em. Chính vì thế mà dì đã phải sớm trưởng thành hơn những người con gái đồng trang lứa. Ông tôi có một xưởng gỗ không lớn lắm nhưng cũng đủ miệng
ăn để làm cho dì tôi thêm cực. Thế nên chỉ mới 8 tuổi dì tôi đã có những dấu hiệu của bệnh đau dạ dày. Năm lên 18 tuổi, dì tôi là người con gái duy nhất trong xóm đậu lớp cao trung nên được ông tôi cho vào Huế học tập. Tưởng chừng như con đường phía trước đã bớt cơ cực nhưng buồn thay “ cái khổ tâm đáng sợ gấp nhiều lần khổ thân”. Ở nhà tuy khổ nhưng được gần cha, gần mẹ, được vui vầy cùng các em còn ở xứ Huế mộng mơ, niềm vui không thấy, nỗi buồn thì chất đầy. Dì tôi sống thiên về nội tâm. Vì thế, vui không bộc lộ, buồn càng dấu kín. Không muốn ông ngoại tôi buồn nên mỗi lần về nhà dì đều không dám kể về thái độ coi con cháu như con ở của hai người em của ông tôi.
Cố nén tủi nhục, dì cố gắng học hết lớp cao trung rồi về Nha Trang phụ cô bán hàng. Ở đó dì gặp được Bác tôi- người chồng nghĩa tình bây giờ. Vượt qua sự cấm đoán của ông cố tôi, dì đã đến được bến bờ hạnh phúc. Cuộc sống như một giấc mộng mở ra trước mắt. Cả nhà ai cùng đều mừng vì dì lấy được một người chồng làm thầy giáo, yêu vợ, hiền lành, tốt bụng. Nhưng cuộc đời đâu ai chìu lòng người, trong khi gia đình mong chờ tin hỉ thì dì tôi vẫn bặt tin. Đến lúc không chờ được nữa thì dì cùng bác tôi đi khám bệnh. Xét nghiệm đưa ra làm cho dì tôi như chết lặng, bác tôi buồn rầu. Người nuốt nước mắt vào trong, người khóc ướt cả gối. Gia đình bác tôi khi biết dì không thể có con thì bắt đầu ghẻ lạnh, chì chiết dì thậm tệ. Tuyệt tình hơn, người trong dòng họ bác tôi ai cũng xúi bác bỏ vợ lấy người khác. Dì tôi tủi thân, đau đớn nhưng không biết tỏ cùng ai, vẫn cố hết sức làm tròn bổn phận dâu thảo. Nếu không có sự ủng hộ của bác tôi, chắc dì tôi đã bỏ cuộc. Vì thương dì tôi không con nên ông tôi đã giao cậu út cho dì nuôi dưỡng. Cứ tưởng niềm vui được gia đình bác từ từ chấp thuận và có cậu tôi làm con sẽ kéo dài được nhưng không ai ngờ được rằng những khổ cực ngày xưa giờ đã để lại di chứng. Dì tôi đau dạ dày nặng và phải mổ cắt bỏ 2/3 dạ dày. Bắt đầu từ đó mỗi ngày dì tôi chỉ còn ăn được một chén cơm. Người dì cứ ngày một gầy đi, tóc ngày một rụng nhiều, răng ngày một mềm yếu, đến cuối cùng, bác sĩ chuẩn đoán dì bị loãng xương nặng. Mỗi ngày dì tôi uống bao nhiêu là thuốc. Có lần đùa vui, dì tôi nói “ dì giỏi nhất là uống thuốc thay cơm”. Dì tôi cười mà sao như có nước trong mắt.
Tin dữ cứ đến dồn dập, ông tôi bị ung thư gan qua đời. Cả nhà bị một cú sốc lớn vì chuyện xảy ra thật đột ngột. Dì tôi lúc ấy như người mất hồn cứ bên linh cửu ông tôi mà nói mãi một câu: “ Ba hứa khi thằng Chung-là cậu út tôi- đi Mỹ thì ba vô ở với con mà”. Sau lần đó dì tôi sút đến 3 kí. Cái thân thể gầy còm 36 kí giờ thật là thảm hại. Cả nhà tôi xúm lại khuyên bảo, dì tôi mới nguôi ngoai. Ông tôi mất chưa được bao lâu, nỗi đau chưa kịp hàn gắn thì cả nhà cậu tôi đều được bảo lảnh sang Mỹ. Dì tôi bây giờ không còn nước mắt để khóc. Bao nhiêu đau đớn làm dì tôi như già đi, bóng dáng nhỏ bé cứ lặng lẽ ra cửa đứng nhìn, đếm từng ngày mong 5 năm trôi qua như giấc mộng để gia đình cậu tôi về Việt Nam đoàn tụ. Dì tôi cứ ôm mãi một lời hứa như thế để can đảm bước tiếp. Nhưng nỗi khổ như không biết điểm dừng, hai cái bóng già nua nương tựa vào nhau giờ đã có một cái ngã xuống. Sau lần té làm cột sống bị tổn thương nặng khiến không thể cúi xuống được, dì tôi bất ngờ không còn ngồi dậy được nữa. Mọi sinh hoạt cá nhân đều do bác đảm trách. Ba mẹ tôi vào thăm mà không khỏi rơi nước mắt vì cảnh nhà quanh quẽ. Dì tôi giờ không còn nghiêng người được nữa. Bác tôi mỗi lần đi đâu đều phải đóng cửa để dì tôi một mình. Vì biết như vậy nên bác tôi rất hạn chế ra ngoài. Khi ba mẹ tôi vô thăm, ba tôi phải trông quán cho bác tôi chạy đi cắt tóc. Còn dì tôi, khóc không thành tiếng. Nghe mẹ kể đến đây tôi không sao ngăn được ước muốn được lớn thật nhanh để ra trường về Nha Trang làm việc, sống và chăm sóc bác, dì tôi như một người con. Một người con ruột thịt bên cạnh chăm lo cho mình là một tâm nguyện mà bác dì tôi không bao giờ đạt được.
Thùy Trang
rat co cam xuc