Breaking News

Tran Chi Thien Tran Chi Thien

Home , , � Về nhà…

Về nhà…


-Hú … ù... Sao về có một mình vậy Hoàng?
Tiếng gió cứ vù vù bên tay hòa lẫn tiếng xe máy inh ỏi làm suýt chút nữa thì Hoàng đã không nghe tiếng gọi. Không khác vào đâu được, cái dáng người gầy nhom như que củi và giọng nói cứ ồm ồm như mấy người bị bệnh lâu ngày, khan cổ họng, rặng không ra hơi, Hoàng thoáng nhìn thì đã nhận ra đó chính là Long – bạn học chung hồi nhỏ của mình.
-Ờ, không về một mình thì về với ai mậy!!!
-Tới giờ vẫn chưa có cô nào bám cho à? Nhìn anh mày mà học hỏi đi cưng, sắp có đứa thứ ba rồi đó mày !!
-Khỉ, tao có mà như mày …
Vẫn cái lối nói hách dịch đó lâu rồi Hoàng đã không được nghe. Lần trước về mà có gặp được Long đâu. Tính ra cũng gần bốn tháng chứ ít gì. Trong bóng chiều mờ nhạt, Hoàng nhận ra Long đã hơi khác trước. Có thể do cuộc sống bươn chải nhiều đã làm cho Long trở nên mạnh mẽ hơn. Mái tóc dài tấm tấm bùn đất khuất sau ót, nhìn thoáng qua cũng biết mấy tháng rồi không được vợ cắt tóc cho, làn da nó ngăm hẳn, chắc là phải dang nắng nhiều lắm. Chẳng bù với Hoàng, cái nắng ở thành phố còn khủng khiếp hơn nhiều, nhưng dù Hoàng có dang nắng đến phát bệnh thì da vẫn không đen tí nào, không biết đó là may hay rủi đây nữa. Nghe má nó nói, hồi má nó mang nó trong bụng, không hiểu sao cứ thèm bắp hầm mãi, ăn liên tục trong mấy tháng, rồi khi sanh nó ra thì nó trắng như thế…
-Thấy cái vườn sầu riêng của tao chưa? Mướt lắm đó mày, năm tới là có trái rồi đó!
Long cười khoái chí rồi đưa tay về phía sau lưng.
-Biết rồi, cái miếng “chuối” của vợ mày chứ gì!!!
Hoàng nhận ra mảnh vườn khuất sau những tán lá mới xanh lại của nhà bà Sáu, chắc là nó vừa được bán tháng rồi. Phía bên trái là vườn sa bô gần như trụi lá của chú năm “xỉn”. Lâu lắm rồi, cái hồi vợ chú bỏ chú đi với người tình, mảnh vườn cũng héo úa theo, nghĩ đến mà thương. Rồi lục lọi trong tấm màn đêm đang buông dần, Hoàng mới nhận thấy được ngọn của những cây sầu riêng đang vươn mình đâm thẳng lên vùng trời bao la. Hoàng chợt nghĩ đến những con người khác, ví như Long, như những ngọn cây biết vươn mình vượt lên hoàn cảnh tối tăm trong hiện tại thì sẽ có lúc, họ sẽ được đáp trả lại một cách xứng đáng. Hoàng mong sao, những cơn mưa rồi sẽ mau chóng tan nhanh, và Hoàng tin rằng, ngày mai…trời lại sáng…

Mấy đứa bạn của Hoàng học chung hồi nhỏ, bây giờ đã lấy vợ gả chồng gần hết. Thằng Long cũng không ngoại lệ, nó có vợ lâu lắm rồi. Mà vợ nó không ai xa lạ, chính là con Thủy lùn có khúc, được cái là thân hình tròn tròn, được mệnh danh “ú nu hiền mội”. Thế mà chúng nó lấy nhau mới ghê ấy chứ. Một đứa là Long, sống ở trên trời, còn một đứa là Thủy, là nước, vậy mà sống chung dưới một mái nhà. Nó bảo: “Rồng bay lâu cũng mệt, cũng phải uống nước chứ, rồi sao lấy nhau, ở với nhau tới giờ luôn, ngộ thiệt !!!!”. Ngày đó, ba đứa chơi thân nhau lắm, ăn, chơi, đi đứng, học hành…gần như là chung nhau, chỉ có chuyện … ngủ… là không chung thôi. Mấy đứa kia chọc ghẹo: “có khi nào tụi mình coi được cái chuyện “ông táo” thiệt ở ngoài đời hông ta, hai ông, một bà, hí hí!!!”. Hoàng cứ mặc, mà có nằm mơ cũng không thấy cảnh đó nữa chi là, “ Nó lùn quá, sao lấy được!” có lần thằng Long bảo thế. Nhưng rồi “mơ” cũng thành “thiệt”. Lên lớp chín, ba đứa học trường ở xã cách nhà khoảng bốn cây số, duy nhất chỉ có một trường thôi, hàng ngày cứ thay nhau cùng đèo tới trường, rồi từ trường về nhà. Nghi ngờ lắm, thằng Long lần nào mà quá gian nó là nó đưa luôn cho chiếc xe đạp, nó còn nói:
-Thôi mày chạy luôn đi, tao qua nhà con Thủy rồi chở nó đi luôn, hai đứa con trai mà cõng chiếc xe …chắc gãy. Nhà nghèo rớt mồng tơi, hư chiếc xe, ổng bả cạo đầu tao cho coi!
- Sao mày hổng để tao chở con Thủy cho?-Hoàng hỏi cắt cớ.
- Ờ… thì… thì tao nhẹ hơn mày, chạy xe nó dễ hơn!!!

Rồi đùng một cái, hai đứa rớt tốt nghiệp cái “phịch”. Sốc tập một. Tính ra, dù không giỏi như Hoàng nhưng hai đứa nó học cũng được lắm chứ. Ấy vậy mà… thiệt là không hiểu.
Học được nửa năm lớp mười, Hoàng nhận được thiệp mời đám cưới của hai tụi nó. Sốc tập hai…
Hỏi nó sao kỳ vậy, nó đáp:
-Tụi tao hẹn hò bí mật, đến cả mày còn không biết tới chi ổng bả. Hai đứa thương nhau rồi lấy nhau thôi. Đám tụi tao không có mời chi nhiều, biết quê mình nghèo, không mấy ai khá giả nên chỉ làm đơn sơ, mấy cô mấy chú đến mừng cho tao với nó là được rồi. À, ổng bả hứa, nếu tao có chí làm ăn, sau khi cưới xong thì cho tao công ruộng, còn bên nhà con Thủy cho nó công vườn trồng chuối, cho hai đứa mần ăn, thấy cũng ham ham.
-Ừ, lấy nhau thì nhớ thương nhau đó, mày mà lạng quạng là chết với tao nghe chưa, mà mày đừng có kêu nó là con này con nọ, nghe kỳ lắm…

Đến giờ thì Thủy đã tay bế tay bồng hai đứa rồi, mà nghe bà Tám nhiều chuyện xóm dưới kể lại là nó lại mang thai được ba tháng. Hôm trước má của Hoàng gọi điện báo, thì ra là bà Tám đi đám chung rồi mới nói cho nghe. Thật là, má Hoàng là người cùng xóm mà còn chưa hay tin ấy, thế mà bà Tám lại hay, lại biết, thế mới tài ấy chứ…Long thì ham con gái, nó nói con gái dễ thương, dễ dạy, giống như hiền muội nhà nó, nhưng hai đứa trước thì toàn trai hết, giống nó y hệt. Cái cằm nhọn, lỗ mũi thì bè bè, chỉ có cái trán thì cao và đôi mắt long lanh như hai hòn ngọc, không khác vào đâu được, ông trời thật không chiều lòng người.
-Tao ráng kỳ này kiếm một đứa con gái thử coi được hông. Vợ tao nó nói là nó chắc chắn, nhưng hai lần trước thì đã lòi ra ông tướng rồi còn gì!
-Ừ, thử nữa đi, mày ráng lần sau thêm một thằng nữa rồi nhà mày sẽ giàu to đó!
-Sao giàu?
-Ờ thì, nhà có tứ quý, giàu chắc!
-Thiệt, mày…
Vừa cười, Hoàng vừa cho xe nổ máy. Ánh sáng đèn bất chợt soi rọi thẳng con đường phía trước như vừa xé toạt không gian của một màn đêm mùa hạ. Phía tây vẫn còn hơi ửng đỏ, trong ánh nhìn của Hoàng, từng đôi cánh cứ nhịp nhàng bay về phía chân trời xa, cho đến khi nó chỉ còn là một chấm nhỏ rồi lịm dần. Bụi tre ngà ven đường đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời.
Nhà Hoàng nằm bên bờ của một con kênh nhỏ, hướng về phía Đông. Ông thầy trong một ngôi chùa nào đó, Hoàng không nhớ rõ, chỉ biết một lần cha dắt cho đi chùa, đã nói những lời khó hiểu, đại loại là: số cha nó, cất nhà phải hướng cửa cái về phía Đông thì mới làm ăn được, Hoàng chỉ nhớ vậy. Ngôi nhà hiện tại vẫn quay về hướng Đông, nhưng mà không phải là nhà của gia đình Hoàng. Đó là ngôi nhà mà người cô ruột cho cha Hoàng ở nhờ để mua bán nhỏ. Tính ra, cha Hoàng bắt đầu đi buôn trái cây hồi Hoàng học lớp 5. Hoàng nhớ có lần đi phụ đẩy xe đồ, nó còn siêng năng chép bài vào một tờ giấy be bé, bỏ cẩn thận vào trong túi quần, lâu lâu lại lấy ra đọc đọc. Có ngường hỏi: sao siêng vậy? Hoàng tỉnh bơ đáp: học bài để mai cô kêu lên thì có cái mà trả, kiếm cái mười to tướng đem về cho má để má cho ăn chè, tính từ hổm tới giờ má con thiếu con cả chục ly chè của ông Tám rồi đó, hihi!!! Lớn rồi, Hoàng vẫn thích ăn chè. Đợt rồi về, ngoại nấu cho một nồi chè đậu xanh, Hoàng khoái chí, một mạch ăn hơn … nửa nồi. Lần này về, dù không đòi hỏi gì hết, nhưng Hoàng biết chắc chắn ngày mai sẽ được ăn chè của ngoại và canh khoai mỡ của má nấu. Má Hoàng biết Hoàng thích ăn canh này nhất. Rồi ngày mai, má sẽ đi hái trái cây về cho Hoàng, nó biết thế. Má vẫn thích hỏi: “ Con muốn ăn gì, má làm cho!” “ Khỏi làm gì cũng được, về đến nhà ăn gì cũng ngon!”. Má Hoàng biết tánh con mình: không đòi hỏi. Từ bé đến lớn vẫn thế, đến cái lúc Hoàng đậu đại học, Hoàng vẫn tỉnh như không, không đòi gì cả. Có chiếc xe máy ở nhà, nhưng Hoàng vẫn một mực đem chiếc xe đạp của mình lên thành phố đi học. Nhưng được một năm thì Hoàng bị căng gân dưới lòng bàn chân, bác sĩ bảo phải hạn chế đạp xe đạp đi, rồi Hoàng mới chịu đem xe máy lên, rồi đó cũng trở thành phương tiện đi lại từ thành phố về nhà. Xa quê hoàng mới thấy nhớ kinh khủng. Dù nhà chưa được cao to như người ta nhưng Hoàng vẫn thấy ấm cúng, bởi nơi đó có cha, má, có anh hai, có những người thân yêu luôn dõi theo từng bước chân của Hoàng. “Quê hương mỗi người chỉ một; Như là chỉ một mẹ thôi; Quê hương nếu ai không nhớ; Sẽ không lớn nổi thành người”, Hoàng vẫn nhớ lời dặn dò của ngoại trước khi đi học xa.
Ngôi nhà hiện tại xuống cấp trầm trọng, phải chấp vá thường xuyên mới tạm ổn. Nếu ở thành phố thì chắc nó xuống cấp bốn chứ chẳng chơi. Chỉ có cái mái hiên trước cửa là còn nguyên, toàn bộ thì mối ăn, mọt đục, nhìn từ tấm vách bên này còn thấy nhà của chú Hai ở vách bên kia, trời nắng thì không sao, còn mưa thì ngồi co ro trên chiếc giường nhỏ xíu, lỡ mà gió mạnh như cơn bão đổ bộ vào Bến Tre ba năm trước thì chắc nhà Hoàng sẽ đi tong, chỉ còn cái nền nhà dính với đất thì còn giữ được thôi. Mà nghe má Hoàng thở dài, nói bâng quơ thôi thì đủ biết: “Thôi rồi, chủ nhà người ta nói sắp về nhà này rồi, không biết mình ở đâu đây!”
Cũng không khác gì nhiều so với những nhà trong xóm, nhà Hoàng ngày đó cũng nghèo, bữa đói, bữa no. Hai anh em Hoàng cũng đi đặt lờ, đặt lợp, kiếm thêm con cá, con tép về ăn. Có lần, anh hai của Hoàng chặt vỏ sầu riêng xem có còn sót hay không, vô tình Hoàng chui đầu vào xem. Thế là trán của Hoàng bị móp một chút cho đến tận bây giờ, và nếu như Hoàng không tiết lộ bí mật to lớn ấy thì cũng không ai biết được cái trán móp ấy ( chỉ trừ cha má Hoàng và những người mà Hoàng đã kể …!!!^^).
Nghèo là thế, nhưng hai anh em vẫn thương nhau, không tranh cãi, không đánh đập, không tranh giành, đến giờ vẫn thế…
Rồi thời gian trôi qua vùn vụt như nước sông Tiền cứ mãi tuôn tràn ra biển cả mênh mông, anh hai không thi đỗ được đại học, nhường cơ hội cho cậu em út bé bỏng của mình. Hoàng biết rằng, dù anh không nói ra nhưng anh hai vẫn muốn tiếp tục được đi học. Nhưng mà, nếu như cả hai anh em đi cả rồi thì ai sẽ là người phụ giúp cho công việc buôn bán của gia đình, khi mà sức cha và tuổi mẹ ngày một lớn dần! Ước mơ, hi vọng, thất bại rồi lại cứ ước mơ….và một lối đi khác đã mở ra… Hoàng đã quyết tâm đi lên bằng con đường học vấn, và người anh thương mến của Hoàng sẽ xây dựng kinh tế tại gia đình.
Bà con trong xóm phần đông cũng không khá giả gì. Quanh năm chỉ biết có nghề trồng lúa, xen vào hai vụ cà, ba vụ dưa. Phải đưa tấm thân mà “ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mới có được cái ăn, cái mặc, còn đâu thời gian mà chăm chút cho chuyện học hành của con cái. “ Không học được thì về nhà chăn trâu !”, thường là vậy. Rồi kể từ khi chuyển đổi qua trồng cây ăn trái, cuộc sống dần khá lên, “trời sinh voi sinh cỏ”- ngoại Hoàng nói hoài, và thường động viên Hoàng những lúc khó khăn. Những ngôi nhà mái lá đơn sơ ngày nào giờ đã được thay thế bởi những ngôi nhà tường, mái tôn, lát gạch sạch sẽ, nhà không quá lớn nhưng cũng đủ để che nắng, đội mưa. Duy chỉ có ngôi nhà của Hoàng sắp về đến là vẫn như cũ, nhưng trong nhà cũng có cái ti vi, cái tủ lạnh be bé và cả chiếc xe máy của Hoàng đi học là cả một niềm vui của gia đình. À, còn cái máy giặt hơi xịn mà cha Hoàng mua cách nay chắc bốn năm rồi. Tưởng là vợ mình sẽ bớt khổ khi giặt đồ nhưng nào ngờ, cha Hoàng mua về lại không sử dụng được vì … nước ở đây quá mạnh, mạnh đến nỗi sợ làm hư tua-bin quay của máy nên đành để đó. Và thế là, hàng đêm, má Hoàng phải thức khuya hay dậy thật sớm để canh từng giọt nước nhỏ vào lu cho đầy, ngày mai có cái để mà tắm gội.

Chiếc xe thả dốc vào sân nhà. Trời đã tối, chỉ còn nhìn thấy mấy tàu chuối bên vườn nửa sáng, nửa tối bởi ánh đèn hắt ra từ trong nhà, xuyên qua vách. Ngoài đồng, tiếng ếch nhái kêu râm ran. Gió thổi lồng lộng, mang theo hơi sương lành lạnh, thổi vào mình Hoàng mát rượi. Mùi đất ẩm bốc lên, hòa vào gió. Hoàng hít một hơi thật dài như để cảm nhận mùi vị của quê hương, của xứ sở này. Hoàng chợt nhận ra rằng… “mình đã về đến nhà!”
Gần 100 cây số đường trường chạy xe máy trong suốt 3 giờ đồng hồ vẫn không sao làm Hoàng thấm mệt. Hoàng bước vào nhà, tháo cái mắt kính cận bị bụi đường lấp đầy chỉ còn thấy mờ mờ.
-Đâu! Đại ca mua gì cho tui đâu?
Nằm trên cái võng màu xanh hơi chuyển sang xám vì má mua cũng cả năm rồi, cái tay chống cằm, ở trần trùi trụi, chỉ mặc cái quần cộc mà thôi. Cha Hoàng bao giờ cũng thế, nắng mưa không làm ông bệnh nổi, thế mà con ma men nó không chừa một ai. Cha Hoàng bệnh gan hơn sáu tháng, hôm đi xét nghiệm trên thành phố, bác sĩ hỏi có đủ tiền uống thuốc không, uống phải cả năm với trăm ngoài mới hết được. Rồi cha Hoàng về, mấy ngày đầu không ăn uống gì được. Cái bụng to tròn như cái trống của ông giờ cũng không thèm đánh. 4, 5 ký là bước khởi đầu. Ông gầy xuống nhanh kinh khủng, rồi dần dần cũng bình tĩnh lại. Thấy cha mình nằm rên tối ngày, má chọc: “ Biết sợ chết rồi hả, chuyến này cho ông tỉnh ra, uống cho nhiều mà vợ con nói có nghe đâu, bây giờ ôm con bệnh rồi thì vợ con lo cho ông chứ ai vào đây!”, Hoàng cũng thấy tội cho cha mình quá. Mấy hôm trước điện thoại về hỏi thăm, thì nghe cha Hoàng bớt nhiều rồi, chắc là sẽ khỏi nhanh hơn. Chắc là nhờ mấy chai nước mà kỳ rồi, Hoàng chở má đi xin dưới mộ Ông Tiên đem về, chỉ là mấy chai nước mưa múc ở nhà đem theo, rồi Hoàng thấy má Hoàng cầu váy gì gì đó, cũng không rõ, má nói: con còn nhỏ, mai mốt lớn rồi tự khắc biết! Hoàng cũng không hỏi chi nhiều. Hôm nay về, thấy cha tươi tỉnh, miệng thì cứ cười suốt, cái vẻ mặt thì nghỉnh nghỉnh như thách thức điều gì, hay như là cái vẻ háo hức để chờ đợi. Cái vẻ mặt ấy giống y hệt Hoàng hồi nhỏ, khi nôn nóng chờ má nó đi chợ về có hai cục kẹo chia cho hai anh em nó. Không khác vào đâu được, người trong xóm vẫn nói: chắc là đúc từ khuôn ra mới giống y như thế! Đến nỗi có người lạ nhầm lẫn hai cha con như hai anh em vậy, nghĩ thiệt ngộ...
-Khoan, để đại ca chào cả nhà cái chứ! Dạ, đại ca nhỏ thưa đại ca lớn, thưa má, thưa anh hai mới về!
Hoàng vẫn thích cái cách xưng hô đại ca với cha của mình.
- Đại ca có mua cái gì đâu, có chục ổ bánh mì ăn chơi thôi!
Hoàng đặt cái ba lô màu xám lên cái bàn dài để ngổn ngang nào tập, sổ sách, viết thước, máy tính, ly uống nước… biết bao là thứ linh tinh.
-Sao bề bộn vầy nè!
-Thì có ai ở nhà đủ sức để dọn đâu nè!
Má Hoàng nói bâng quơ nhưng Hoàng cũng đủ hiểu. Ngồi một mình trên chiếc giường ăn cơm bên đây, chén bát nhiều vô kể. Chắc cha và anh hai đã ăn cơm xong rồi, chỉ có má cặm cụi nhai cho xong cái chén cơm và nồi kho tương. Không hiểu sao, mấy năm nay má không ăn mặn được, cứ cá thịt vào là buồn nôn, có lần thèm quá, ăn đại cá kho, lần đó má ối xanh mặt, chở không kịp đến bệnh viện nữa là. Rồi thôi, ăn chay suốt, lâu lâu thèm thèm thì thử một chút. Má nói: chắc kiếp trước ăn ở ác nên kiếp này phải trả, chịu thôi! Kiếp trước thì đành chịu, chứ Hoàng thấy má nó là một người vợ hiền lành, hiền theo cung cách của một người con gái quê mùa chính cống. Ngày ấy, nghe ngoại nó kể lại, má nó đẹp như tiên vậy đó. Hoàng biết mà, Hoàng còn giữ tấm ảnh của má trong bóp, tuy cũ rồi nhưng vẫn thấy được mặt của má nó, hiền lành, phúc hậu, mái tóc búi ngang vai. Có nhiều người để mắt tới, nhưng rồi lại về làm vợ ba nó. “Lớp ba cô đi lấy chồng, lớp bốn trường cháy!” cái câu nói đùa như biện minh cho sự thua thiệt trong việc học hành của cha và má, hay nói khác đi, đó chính là cả một thế hệ đi trước, có mấy ai mà ăn học đến nơi đến chốn. Rồi cuộc sống vất vả của làng quê nghèo, đốt đèn bằng dầu mù u, đã làm cho những người con gái xuân thì như má Hoàng trở nên già đi. Tóc cháy, da mồi, mắt thâm và sâu lại. Giờ nhìn lại, má không còn như xưa nữa…
Anh hai của Hoàng nằm trên giường, hai tay chắp sau đầu xem tivi cũng bật cười. “Hai anh em gì mà một thằng để tóc dài thòn, còn một thằng thì chưa gì đã cạo trọc lóc, thấy ghê, y chang trong tù mới ra!”- Cha nó vẫn bảo thế, những lúc ấy, Hoàng chỉ cười. Mà cha Hoàng nói có sai đâu, tóc Hoàng mới ra được chừng 3, 4 phân là cắt còn 1 phân. “ Một năm hớt kiểu này, đỡ tiền!”- Hoàng cười. Mùa này trái cây còn ít nên được nghỉ sớm, chứ vào khoảng tháng ba, tháng tư hay mười, mười một thì khiếp vía. Cả nhà phải thức đến 2, 3 giờ sáng, chưa chi đến năm giờ là người ta lại chở đồ đến cửa, biết sao giờ, mối mang cả mà. Dạo này có nhiều chỗ mọc lên, tranh giành nhau để thu mua, kể ra đi từ thành phố Mỹ Tho sang đến bến cảng Ngũ Hiệp thì không biết bao nhiêu mà kể xiết. Xứ Tiền Giang là xứ của trái cây mà. Kể sơ sơ thôi thì có mấy thứ đặc sản như: sơ ri ở miệt Gò Công, vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng ở Cai Lậy, còn chôm chôm, bưởi, sa bô, ổi, mít, nhãn …. ôi đủ thứ. “Ở thành phố thì phải mất tiền mua chứ về dưới, ra vườn hái thôi là ăn nghỉ khỏe luôn!”- một con bạn học chung Hoàng bảo thế. Nhà Hoàng đến mùa nào thì mua theo, không cố định, nhưng dường như sầu riêng là loại trái cây có nhiều nhất ở khu vực này. Thử leo lên cây me cao chót vót của nhà bà Chín mà coi, nhìn mỏi mắt mà chỉ thấy chi chít những ngọn sầu riêng như những ngọn chông đâm thẳng lên bầu trời. Mảnh vườn ờ nhà, cha và anh hai cũng đặt thêm giống sầu riêng mới, xen lẫn vào những gốc sầu riêng bị xì mủ, nay cũng cao lớn lắm rồi. Kỳ này về, Hoàng sẽ cùng gia đình đốn hạ hết những cây sầu riêng đó, mà chắc là đốn hết, chứ mảnh vườn có tí tẹo mà xì mủ gần hết, để chi nữa. “Lo chăm sóc cho cây mới vài năm là có ăn” – cha Hoàng bảo vậy.
Lục lọi trong cái ba lô một lúc, Hoàng rút ra một cái áo thun mới toanh, hiện lên những viền đan chéo nhau trông rất thích mắt.
-Đây, quà của đại ca đây!
-Đâu, coi thử coi!
-Trời, mua cái áo thì thấy gớm, nhiêu mà rẻ ạ?
Nói vậy thôi, nhưng cha Hoàng cũng cười tủm tỉm rồi mặc vô liền, ra vẻ khoái chí lắm.
-Cái áo vầy mà chê, lấy tiền con lãnh được để mua đó! Mà hổng dễ gì mua đâu, đi mấy ngày trời, lục hết mấy cái siêu thị mới lựa được đó. Hai trăm mấy chứ chẳng ít đâu đó. Cha của con thì phải mặc từ này trở lên hông, chứ mấy cái bình thường thì hổng thèm!
-Ừ, cha mày thì phải vậy chứ sao! Má Hoàng xen vào.
Nói cho vui, chứ lục hết cái tủ quần áo mà coi, có cái nào quá một trăm đâu. Họa may có cái áo may đi đám con dì ba thì có trên trăm thiệt. Còn lại thì toàn hàng chợ với hàng bán dạo không thôi. “Mua chi cho mắc, lỡ rách thì tiết hùi hụi”. Cha Hoàng không thích xe xua cho mấy, có mặc và sạch sẽ là được.
Nói chuyện cái áo mất hai trăm mấy. Thực ra, kỳ đó nhận nhuận bút của trường, sau khi nộp quỹ thì còn sáu trăn hai. Phải khao bạn bè trong câu lạc bộ hết cả trăm, đây là thủ tục bắt buộc, sao tránh khỏi. Rồi cái hôm đi mua áo, xui xẻo gặp đại ca giao thông chỉ vào mặt, hết trăm nữa. Mà hôm đó bị oan thiệt “thấy ổng đứng giữa lằn xe hai bánh và bốn bánh, né ổng mà ổng điểm mặt, thấy ghét! Còn cái ông kia còn nói chuyện nhẹ nhàng lắm”-Hoàng kể cho mấy bạn trong nhà trọ nghe.
-Đi làm hả con!
-Dạ, con … đi học!
- Năm mấy rồi?
- Năm hai rồi chú.
- Cho chú xem giấy tờ đi con.
Xong rồi, thì:
-Nộp phạt nghe con.
-Dạ, con nộp luôn giờ được hông chú?
-Được!

-Mai mốt chạy sát lề nghe con!
-Dạ, con chào chú!
-Ờ.

Hic, vậy là cái áo đó tới ba trăm mấy, chịu nổi hông!!!
Nhưng cái chuyện bị phạt, Hoàng đâu có kể cho cha nghe đâu, mà kể cũng chẳng ích gì, thấy cha vui là được.
-Rồi, hết hai trăm mấy, mai mốt đi thì gom đi ba mớ chứ gì, biết mà, dụ con tép bắt con tôm hả mậy? Riết chắc cái đầu tao trọc luôn quá !!!- Cha Hoàng cười vó vẻ than vãn.
-Về con đâu có xin “lúa” đâu, tại chừng con đi, má tự đưa chứ bộ. Mà con thấy tóc cha còn nhiều mà, sao mà trọc được!

Những câu chuyện trò vui cứ tiếp đến. Và ngoài kia, bóng đêm càng nặng dần…
Trải chiếu ngoài nền xi măng, căng mùng xong là Hoàng nằm dật người mình xuống chiếc gối màu lam quen thuộc mà má Hoàng vẫn cất trong tủ. Hoàng quên đi cái cảm giác đau buốt vì chứng bệnh gai xương sống bẩm sinh gây nên. Mùi ẩm của chiếc chiếu cối hòa vào trong gió không nhầm vào đâu được. Trên thành phố Hoàng vẫn ngủ chiếu, nhưng dường như có một sự xa lạ, một sự tách biệt mà chỉ khi về nhà, Hoàng mới thấy, mới nghe, mới ngưởi và nhận biết được nó-mùi vị của làng quê. Gió từng hồi thổi nhẹ qua tấm màn màu xanh lơ, mang hơi lạnh của sương đêm đến xung quanh, bao lấy căn nhà lụp xụp. Hoàng cảm thấy se lạnh, với lấy tấm chăn, phủ qua người. Tiếng muỗi vo ve bên ngoài, tiếng cây lá xào xạc, Hoàng như nghe được những cung bậc âm thanh trong một bài hát vang lên trong đêm khuya, của thiên nhiên, của đất trời. Hoàng không nghĩ ngợi được nhiều, nhắm mắt, và cái thời thơ ấu lại hiện về trong tâm trí, nhưng mơ màng, ẩn hiện. Và đâu đó, tiếng cuốc trong đêm hè vang lên, lặng lẽ từng hồi…từng hồi…


Ngô Văn Hậu – Mar4K33

7 comments to "Về nhà…"

  1. Going to... says:

    Looked at me in there...

  2. k34 says:

    truyen hay va that wa^^

  3. Vy_Le says:

    hay, moc mac, va tinh cam. Hau oi! em lam` chi nho' ba me wa' a`!

  4. hongnhung says:

    hihi, truyện dài quá nhỉ, vẫn chưa đọc hết nhưng có đoạn nói trái cấy là thích nhaats^^, chị thích nhất là sầu riêng

  5. Vincent says:

    Một câu chuyện thật hay! Hay vì nó được diễn đạt bằng những ngôn từ thât mộc mạc, hay vì mọi việc trong câu chuyện thật nhẹ nhàng và giản dị...người viết chắt lọc những hình ảnh, tip chuyện thật gợi cảm,...Trưởng bộ phận chuyên mục STSV có khác! keke

  6. born to be .... says:

    thấy bài viết có cái gì đó hơi là lạ, đọc lại lần thứ 3 thì lại thấy khác so với hai lần đầu, chẳng hiểu sao, còn mọi người thấy sao?

  7. Quyen says:

    Tuy có đôi chỗ hơi dài dòng nhưng rất tự nhiên, ngôn ngữ mộc mạc và giản dị lắm.

Leave a comment