Breaking News

Tran Chi Thien Tran Chi Thien

Home , � Làm bài thuyết trình theo nhóm

Làm bài thuyết trình theo nhóm


Sinh viên năm nhất, bước vào giảng đường đại học sẽ không khỏi bỡ ngỡ trước một hình thức học mới mẻ: “làm thuyết trình”. Khi trở thành sinh viên, “thuyết trình như cơm bữa” là điều dễ hiểu. Làm bài thuyết trình là một phương pháp học rất hiệu quả, không chỉ giúp sinh viên tìm hiểu sâu hơn về các nội dung trong môn học mà còn phát triển thêm các kỹ năng làm việc nhóm, tìm kiếm thông tin, kỹ năng thuyết trình,…và quan trọng hơn hết giúp cho sinh viên có cơ hội nói trước đám đông, khắc phục tình trạng rụt rè, giúp các bạn tự tin hơn trong giao tiếp và “làm quen thêm bạn mới”.

Khi càng vào giai đoạn chuyên ngành số lượng bài thuyết trình sẽ càng dày đặc hơn; có tuần làm 2-3 bài thuyết trình là chuyện bình thường. Thông thường, làm thuyết trình tốn khá nhiều thời gian. Cái khó của thuyết trình đó là làm thế nào để “vừa lòng tất cả”. Các bạn sẽ đối mặt với một vấn đề là làm việc nhóm.

Làm việc nhóm là gì?

3 hay 4 hay thậm chí 10 người được phân công cùng thực hiện một đề tài. Các vấn đề gặp phải khi cùng làm việc với nhau là mỗi người một ý, mỗi người một vẻ,…làm sao để có một kết quả mỹ mãn, để mọi người phối hợp hoàn hảo, đó không phải là một điều dễ dàng.

Tôi giờ là sinh viên năm 3, cũng đã từng làm hơn chục bài thuyết trình, sau đây xin chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm khi làm việc nhóm mà tôi đã đúc kết.

Các bạn sinh viên năm nhất khi mới bắt đầu làm quen với thuyết trình thường dò dẫm là chính. Khi được nhận đề tài, mọi người bắt đầu bảo nhau tìm các tài liệu về đề tài đó; rồi mọi người bắt đầu lọc vấn đề ra, rồi cùng làm bài powerpoint. Nói chung, quan điểm vẫn là làm việc theo nhóm, cái gì cũng cần có sự đồng thuận của cả nhóm. Một vấn đề nhỏ cũng chờ cả nhóm quyết mới thực hiện, khi cùng trao đổi dễ dẫn đến các cuộc tranh luận; điều này làm mọi người hiểu sâu hơn vấn đề nhưng nói chung là mất rất nhiều thời gian. Một bài thuyết trình có thể mất từ 2-3 tuần để làm và nhóm phải triệu tập họp rất nhiều lần.

Khi bắt đầu làm việc nhóm là lúc ta phát hiện ra những thành viên ưu tú trong nhóm của mình: những người luôn sôi nổi đưa ra ý kiến, dẫn dắt suy nghĩ của các thành viên khác, giải quyết các xung đột ý tưởng. Những người đó thường đóng vai trò trưởng nhóm. Vì vậy, ngay khi bắt đầu bài thuyết trình hãy chọn ra 1 người làm leader cho nhóm của bạn. Các bạn cũng sẽ thấy một số thành viên khá hờ hững với bài thuyết trình: đi họp trễ, vắng mặt, không tìm tài liệu, không phát biểu ý kiến, hay lơ đãng…thông thường tâm lý của các bạn này là khá dè dặt do chưa làm quen với phong cách làm việc nhóm; tự cảm thấy mình kém năng lực hơn nên không tham gia vào các cuộc tranh luận; …dẫn đến mất hứng thú trong khi làm thuyết trình.

Làm việc nhóm thì càng nhiều ý kiến đưa ra càng tốt và mọi người đều có thể tham gia tranh luận đưa ra luận điểm của mình. Đóng góp, đánh giá ý kiến phải trên tinh thần xây dựng hướng đến kết quả bài thuyết trình hơn là phản bác nhau, gây mất tình cảm giữa các thành viên.

Nhiều nhóm thuyết trình từ chỗ không quen biết, sau khi cùng làm nhiều bài thuyết trình cùng nhau giải quyết những vấn đề hóc búa, cùng nhau trải nghiệm sự thành công của bài thuyết trình hoặc sự ê chề khi thầy đánh giá bài thuyết trình sai bét. Điều đó làm mọi người xích gần nhau hơn, nhiều nhóm đã trở thành bạn thân của nhau.

Cái cảm giác lần đầu tiên thuyết trình đôi khi là nỗi ám ảnh của nhiều bạn, lần đầu tiên đứng trước đám đông, trình bày trước giảng viên …không ai là không hồi hợp, liệu mình có đủ sự giữ bình tĩnh khi trình bày vấn đề hay run cầm cập; liệu mình có nói sai không, mình có phá hoại công sức của cả nhóm không…?

Đừng lo quá, thuyết trình xong bạn sẽ thở phào nhẹ nhõm khi thấy rằng mình đã chinh phục được nỗi sợ của bản thân và nó cũng không quá khủng khiếp như mình đã tưởng. Dẫu lần đầu còn nhiều sai sót, nhưng hãy tự nhủ lần sau mình sẽ làm tốt hơn nữa.

Cách nào để bắt đầu một bài thuyết trình hiệu quả?

Trước hết, hãy họp mặt lại!
Đảm bảo rằng mọi thành viên trong nhóm đều hiểu được yêu cầu của đề tài. Bài thuyết trình của mình nói về vấn đề gì? Từ đó cùng thảo luận lập ra một dàn bài cụ thể.
Hãy cho mọi người thấy bài thuyết trình của mình sẽ có mấy phần? Mỗi phần có những mục nhỏ nào? Rồi hãy chia các phần đó cho từng người phụ trách.

Hãy chỉ định một thời gian cụ thể, hạn chót để mọi người nộp phần bài của mình là khi nào? Gửi cho ai tổng hợp? Hãy đảm bảo rằng người được phân công hiểu rõ họ phải làm gì?
Trưởng nhóm tổng hợp bài xong, hãy lập ra một bài Word hoàn chỉnh, mọi người hãy họp nhau một lần nữa và xem xét, thống nhất đồng ý với các phần mà mọi người đã làm chưa? Phần nào sai, chưa hoàn chỉnh thì cả nhóm cùng thảo luận hoặc chia ra tìm tài liệu tiếp tục hoàn chỉnh nó.

Hãy chọn một bạn có khả năng làm powerpoint và chắc rằng bạn ấy hiểu rõ những gì các bạn đã làm. Người làm powerpoint rất quan trọng, phải có cái nhìn tổng thể của cả bài thuyết trình, biết rằng phần nào sẽ chú trọng, phần nào sẽ chỉ cần nói qua để thể hiện ý tưởng lên từng slide thuyết trình. Kỹ năng làm powerpoint cũng rất cần thiết; một bài thuyết trình hay cần phải bố cục tốt, hình ảnh minh họa sinh động; và tuyệt đối tránh trường hợp đưa quá nhiều chữ lên slide. Đó là điều mà hầu hết những bạn mới lần đầu làm thuyết trình đều gặp phải. Hãy tóm tắt ý trên bài thuyết trình và đưa nó lên slide bằng những gạch đầu dòng. Hãy nhớ powerpoint chỉ là một công cụ phụ trợ chứ không phải là phần chính của một bài thuyết trình, đừng bao giờ chăm chú đọc hết những gì trên slide. Hãy diễn giải những vấn đề được nói đến trên slide.

Hãy công bằng khi đánh giá sự đóng góp của các bạn trong nhóm:

Ngay từ đầu hãy cùng nhau thống nhất các tiêu chí đánh giá: không đi họp mấy lần, nộp bài trễ, bài làm kém,…để đánh giá tốt sự tham gia của các thành viên trong nhóm thuyết trình. Không nên vì tình cảm cá nhân mà có sự đánh giá không công bằng cũng như trưởng nhóm có thể gặp rắc rối khi giảng viên kiểm tra mức độ hiểu biết của các thành viên về vấn đề được thuyết trình. “Đã thống nhất từ đầu, anh không làm tốt thì anh phải chịu…”.

Bằng khả năng của mình hãy làm bài thuyết trình của mình sôi nổi hơn, kèm một số chi tiết lý thú, câu hỏi giao lưu khán giả,… hãy tạo cho nhóm thuyết trình của mình một tác phong chuyên nghiệp và hiệu quả.

Ho.tt ( STSV)
Được thực hiện bởi STSV-www.sangtacsv.com

4 comments to "Làm bài thuyết trình theo nhóm"

  1. thường nhiên says:

    rất bổ ích cho tân SV K34 n more...

  2. she says:

    bài này cũng tốt cho những ai chưa có tác phong thuyết trình nữa...

  3. Anonymous says:

    cam on ban nhju nha
    mjh se lam baj cua ban lun
    hom nay mjh lam baj thuyet trjnh tu chon
    nen mjh se muon baj viet of ban lam
    hiiiiiiiiii
    thankssssssss

Leave a comment