Breaking News

Tran Chi Thien Tran Chi Thien

Home , � Bài viết đạt giải cuộc thi 20-11

Bài viết đạt giải cuộc thi 20-11


Giải Nhì: Màu Huyết Dụ
Trong cuộc chạy đua hối hả với cuộc sống này, có khi nào ta dừng lại để nghe một âm thanh quen thuộc nào đó? Có khi nào ta trầm lặng để thả hồn vào một đám mây? Hay một thoáng nào đó ta nghĩ đến những đổi thay trong cuộc đời mình, nghĩ đến những người đi ngang qua và làm nên sự đổi thay ấy?
Năm tháng trôi đi, tôi đã vô tình quên, nhưng hôm nay bất giác tôi chợt giật mình vì màu đỏ của những chiếc lá huyết dụ kia đang nhợt nhạt!. Tìm đâu trong cơn mưa chiều nay để tôi thấy màu huyết dụ của cơn mưa những năm về trước! Thật đẹp, thật trong sáng và thật không thể nào quên được.
Lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác lâng lâng khi chẳng biết vui hay buồn. Có lẽ bởi thế nên tôi lại suy nghĩ miên man và thả mình trên lối về quá khứ. Mưa, tiếng mưa tí tách của cơn mưa cuối mùa không còn dữ dội nữa mà thay vào đó là nỗi da diết, dai dẵng và có chút gì đó đượm buồn như níu kéo. Dù sao thì như thế cũng làm cho con người ta thanh thản hơn, thời gian trôi chậm hơn và màu huyết dụ kia cũng làm tôi biết nhớ đến một người!. Thầy ơi! Không biết thầy bây giờ dạy ở trường nào?  Thầy có gì thay đổi sau bao năm chia tay lớp? Một nỗi hối hận và nuối tiếc chợt ùa về khi bao năm tháng qua tôi đã không giữ liên lạc được với thầy! Người ta nói thời gian trôi đi và phủ lên kỉ niệm những lớp bụi mờ nhưng với tôi và với riêng kỉ niệm này thì thơi gian lại đánh bóng nó lên từng chút một.
Giá như Sài Gòn có mùa đông thì tôi sẽ đổ thừa cho gió đông đã làm tôi vô tình như thế. Tất cả lại trở về nguyên vẹn. Mùa thu ấy lá rụng xao xác, những cơn mưa cuối thu mang đông tới. Cái cảm giác se lạnh, thu chưa qua hẵn mà đông tới còn nhiều bỡ ngỡ ấy mang lại cho chúng tôi nhưng cảm xúc thật lạ. Và thêm vào những cảm xúc giao mùa ấy là sự xuất hiện của một “nhân vật” lạ - một thầy giáo trẻ về thực tập ở trường tôi. Nếu như chỉ có vậy thì tôi chẵng nói đến làm gì, thầy giáo chủ nhiệm lớp tôi chuẩn bị đi công tác và cái “nhân vật lạ” ấy nghiễm nhiên chủ nhiệm lớp tôi là một vấn đề lớn đối với bọn quỷ chúng tôi. Nhưng chúng tôi vẫn là cái “thứ ba” nghịch ngợm, khó bảo, hồn nhiên và vô tư của lứa tuổi mười bốn. Con nít thì đã qua mà người lớn vẫn chưa tới. Tôi là một trong những cái “ thứ ba” lì lợm và khó bảo nhất, lại pha thêm một chút tự kiêu nữa nên nhiều lúc tôi trở nên quá đáng. Và hình như thầy đã thấy điều đó ở tôi ngay từ những lần đầu tiên lên lớp, trong những bài kiểm tra và trong tất cả những hoạt động trên lớp của tôi. Tôi biết nhưng tôi cứ giả vờ như không biết. “Có bao giờ con bé này lại để ý đên ba cái chuyện đó”, đó là cái câu mà tôi đã viết trong nhật kí của mình những ngày ấy. Nhưng cuộc sống có bao giờ như ý ta đâu. Vi phạm trong thi cử, trốn tham gia lao động … đến với tôi thường xuyên và tôi chưa bao giờ biết lo lắng những việc như thế. Bởi thầy giáo cũ chỉ nhắc nhở và trừ điểm rèn luyện của tôi thôi. Nhưng lần này, không phải là thầy cũ nên những hình phạt cũng không còn cũ nữa. “Các em ạ, mùa lũ vừa qua đã làm vườn hoa của trường mình hư hỏng đi nhiều, thầy nghĩ là chúng ta nên làm lại cho nó đẹp như ngày trước. Chiều chủ nhật tuần này, mấy em bị phạt mang theo một số cây hoa và dụng cụ lên trường. Thầy sẽ cùng các em sữa lại vườn hoa”. Đó, thầy đã  “tuyên án” như thế với những “bị cáo” chúng tôi. Tôi biết lần này thì không thể trốn được nữa rồi. Thế là chiều chủ nhật ngọt ngào với bao dự định ngọt ngào của tôi đã trở nên cay đắng. Tôi hận thầy hơn bao giờ hết mà chẳng thèm mảy may một chút trách mình. Giờ sinh hoạt lớp đã tan mà cứ nghe văng vẵng bên tai những lời nhận xét của thầy, tại sao trước kia tôi không bao giờ suy nghĩ về những lời nhận xét ấy nhỉ? Đang nặng nề vác những suy nghĩ trên vai thì bỗng một bàn tay đặt khẽ :” Thạch à, Chiều mai em mang theo cây huyết dụ đi nhé, khoảng năm cây em ạ. Em tìm được chứ?”. Nếu như lần khác thì tôi đã vặn vẹo lại vài câu rồi nhưng lần này không hiểu sao tôi chỉ biết lí nhí “dạ” và vụt chạy. Nhưng tại sao lại là cây huyết dụ  và có ai ngoài tôi phải mang cây này không thì tôi chắc chỉ có thầy mới biết cho đến khi tôi biết. Tất cả những gì tôi tìm kiếm cho ngày chủ nhật đều trở nên đối phó. “ Cây huyết dụ có gì đẹp mà thầy lại bắt mình phải trồng nó nhỉ? Ôi, ông thầy này khó hiểu quá!”. Tôi lại viết như thế vào nhật kí thân thương của mình. Cái gì tới rồi cũng sẽ tới, giống như sáng thứ bảy qua đi thì chiều chủ nhật cũng tới vậy. Uể oải xách những gốc cây mà tôi đã đi tìm hôm qua đang bừa bộn ở góc sân. Tâm trạng đã khá hơn chút đỉnh và tôi đang dự tính cho nhưng trò quậy phá mới chiều nay. Buổi chiều mùa đông, mưa phùn nhẹ rắc, vậy là đông đã về được một tháng rồi. Những hàng cây ven đường trơ trọi, khẳng khiu, mùa đông làm mọi thứ trở nên im lặng. Vườn hoa mấy hôm nay các lớp khác có tu sữa nên đã đẹp hơn, trông không còn xơ xác như những ngày sau lũ nữa. Tôi đến hơi muộn, khi chỉ còn mình thầy đang loay hoay bên gốc bằng lăng. Đảo mắt qua một lượt trên vườn hoa và tôi phát hiện ra chỉ có một mình tôi phải đưa loài cây này. Lí nhí chào thầy và vứt những gốc hoa tôi nghiệp bên cạnh. Thầy chẳng hề để ý đến thái độ của tôi,” Thạch này, em có biết một loài hoa đều mang một ý nghĩa không? Cây huyết dụ này cũng vậy đấy”. Tôi nhìn xuống những “cây không ra cây, rác không ra rác” dưới chân mình và tự hỏi :” Ý nghĩa ư? Cũng có à? Là gì vậy nhỉ?”. Không đợi cho tôi hỏi thầy đã say sưa kể về sự tích của nó. Đó là câu chuyện về một bác đồ tể sau bao ngày làm nghề giết lợn, sau khi nghe kể về giấc mộngcủa sư cụ, hối hận vì lâu nay bàn tay mình đã vấy máu, liền chạy về nhà, cầm con dao bầu rồi sang giữa sân chùa, cắm dao thề rằng xin giải nghệ từ nay. Và sau đó, con dao ấy hóa thành một loài cây có lá màu đỏ như máu, nhọn như lưỡi dao bầu, người ta gọi đó là cây huyết dụ. Tôi im lặng, thầy không kể về bác đồ tể với cuộc đời sau đó nhưng tôi biết thầy đang chừa một khoảng trống cho tôi suy nghĩ. Thầy vừa kể, vừa nhanh nhẹn trồng những cây hoa xuống lớp đất vừa vun xới. Tôi bị phạt nhưng thực ra tôi chỉ đến và nghe thầy nói chuyện. Thầy kể về cuộc đời của thầy, kể về những câu chuyện tuổi thơ và lâu lâu tôi lại bắt gặp hình ảnh của mình trong những câu chuyện ấy. Tôi dần nhận ra, bao ngày qua thầy đã hiểu mình hơn cả mình nữa. Chiều mùa đông như được sưởi ấm bằng giọng nói ngọt ngào, thân thương mà những ngày qua tôi không hể để ý. Cho đến hôm nay tôi hiểu được rằng mình đã quá ích kỉ và mình cần phải thay đổi. Những dự định chọc phá của tôi tự nhiên bỏ chạy, giờ trong tôi chỉ còn lại những câu chuyện của thầy và những suy nghĩ đang nhảy múa. Trời đã nhuốm màu đen sẫm, thầy trò ra về. Ra tới cổng, thầy dừng lại nắm lấy tay tôi: “ Ngày mai là buổi cuối cùng thầy ở lại trường, thầy về thực tập, không gắn bó với các em lâu được. Thầy hi vọng là các em sẽ cố gắng và thầy tin là các em sẽ làm được. Em giúp thầy chăm sóc những cây huyết dụ kia nhé?”. Tai tôi như ù đi, tôi bật khóc ngon lành như chưa bao giờ được khóc. Tôi khóc những giọt nước mắt muộn màng. Có mấy khi con bé bướng bỉnh này khóc như vậy đâu. Tối hôm ấy tôi đã suy nghĩ thật nhiều, vậy là không được học thầy nữa, tôi viết vào nhật kí những lời tôi sẽ nói với thầy vào ngày mai. Ngày thầy đi, vẫn mưa phùn và gió lạnh, chúng tôi tiễn thầy ra tới cổng, thầy nói với chúng tôi nhiều lắm. Nhưng bọn tôi chỉ gật đầu và mắt long lanh dường như chỉ chực khóc mà thôi. Xe lăn bánh, tôi chẳng nói được câu nào, không hiểu cái gì đã không cho tôi nói. Những ngày sau đó, mọi việc lại đâu vào đấy. Nhưng tôi thay đổi. Hiền hòa, cởi mở, khiêm tốn, thùy mị và nết na hơn. Nhiều lúc, người ta lại thấy một con bé tóc dài ngồi khép nép bên bụi cây huyết dụ. Đó là những lúc nó nghĩ về những ngày qua, nghĩ về thầy và hối hận vì đã không xin được địa chỉ mới của thầy. Đó là những lúc nó nhớ đến một chiều chủ nhật và một bài học đầu đời đã ghi sâu vào trái tim nó. 20-11 năm ấy, thầy đã rời xa mái trường, một lời chúc, một lời tri ân tôi cũng không nói được với thầy. Và những 20-11 sau đó cũng vậy, tôi chỉ có thể ghi vào nhật kí, buộc vào gió, và gửi đến thầy bằng hi vọng của màu đỏ huyết dụ thầy đã đặt niềm tin. Tôi nghĩ ở một nơi nào đó, thầy sẽ vui khi biết được điều này!
Có những thứ đi ngang qua đời mình một cách lặng lẽ mà khi ta nhận ra thì nó đã rời xa ta mãi mãi. Từ những ngày ấy, trong vườn tôi “tự nhiên” mọc lên những cây huyết dụ, cho đến hôm nay khi đã rời xa quê hương, bên tôi vẫn luôn có màu đỏ của loài cây ấy. Lại một mùa 20-11 nữa sắp về, khi tôi viết ra được những điều này, lòng tôi bỗng nhẹ nhõm hơn. Tôi lại buộc vào gió, gửi  thầy cũng màu huyết dụ: “ Cảm ơn thầy, bài học làm người em chẳng thể nào quên”!.

 Nguyễn Thị Thanh Thạch - Lớp 46 k35

0 comments to "Bài viết đạt giải cuộc thi 20-11"

Leave a comment