Breaking News

Tran Chi Thien Tran Chi Thien

Home , � Sinh viên trường ĐH Kinh tế Tp.HCM nói gì về ngày tết của mình

Sinh viên trường ĐH Kinh tế Tp.HCM nói gì về ngày tết của mình

Tết – ngày báo hiệu của một năm cũ đã qua, và một năm mới lại đến. Người Việt ăn mừng tết với một niềm tin thiêng liêng: tết là ngày đoàn tụ của gia đình, là một khởi đầu mới, một niềm tin mới và một hy vọng mới.
Là sinh viên Kinh tế, sau một năm dài miệt mài với công việc học tập, họ sẽ nói gì và chia sẻ những cảm xúc gì về ngày tết của mình?


Ngày tết – ngày trở về

Cảm giác bâng khuâng, nôn nao, rạo rực trong lòng là những xúc cảm của nhiều người khi mùa xuân đến. Tiết trời bắt đầu có sự chuyển đổi. Những cành lá già rơi rụng đi, để cho những mầm non nhú lên, đón ánh nắng mới. Gió cũng đổi hướng, mang theo tiết trời ấm áp, xua đi cái giá lạnh của tháng ngày mùa đông. Ta như cảm nhận được không gian, thời gian dần chuyển mình, sự vật tràn trề nhựa sống, và trong lòng người cũng dâng lên cái cảm giác bồi hồi.

Sau một năm dài miệt mài trên giảng đường, không chỉ những sinh viên ở tỉnh xa mà ngay cả sinh viên nội thành cũng cảm thấy mình cần có một không khí sum họp của gia đình, để gặp mặt, để trao cho nhau những tình cảm chân thành. Gặp gỡ với bạn Trà My – sinh viên lớp 4 chuyên ngành Marketing, khóa 33, được sinh ra trên mảnh đất của xứ dừa – là quê hương Bến Tre, đã tạo nên một ký ức thật đẹp trong tâm hồn bạn: “Tết là dịp đoàn tụ đông đủ của gia đình, về với gia đình cho mình một cảm giác yên bình, cảm thấy được tình thương, nhất là người ngoại kính yêu của mình. Ngoại hiền lành, dạt dào tình thương cháu, khi mình có lỗi lầm gì thì ngoại chỉ ôm mình vào lòng rồi chỉ bảo, không la rầy, đánh đập gì hết, ở bên ngoại, mình cảm thấy được tình thương ấm áp của ngoại. Còn ở nội cũng thế, cũng rất thương con, thương cháu, tết nào nội cũng lì xì cho hết, từ đứa lớn đến đứa nhỏ, tuy có lớn bao nhiêu, đi xa bao lâu không biết, hay giàu bao nhiêu đi chăng nữa thì ở bên nội thì tất cả vẫn là những đứa cháu bé bỏng, không thể nào thay đổi được. Nhưng tết thì mình cũng không tránh khỏi cảm giác lo lắng, vì cha mẹ còn phải buôn bán vất vả, nhất là trong những ngày cuối năm để có thể có một cái tết đủ đầy cho cả gia đình. Nghĩ đến giờ này chắc ba mẹ còn tất bật với công việc, nghĩ đến mà mình thấy thương, thấy nhớ quá.” Trong ánh mắt, trong giọng nói của một người con gái miền Tây chân chất, tôi cảm nhận được rằng, không chỉ riêng về bạn, mà còn biết bao sinh viên sống xa nhà vẫn mong tết này về được bên gia đình. Cho dù gia đình mình có nghèo khó, không đủ ăn, đủ mặc, tự bản thân phải lo lấy cho tương lai của mình, có bao đêm thức trắng rồi phải ngã gục trong giờ lên lớp, rồi đến lúc vui sướng khi nhận được những đồng tiền tuy ít ỏi nhưng mang đầy ý nghĩa, họ chỉ mong tết này về với gia đình mình. “Tết này mình không đi làm nữa, quyết định về nhà ăn tết. Hai năm rồi còn gì, lo đi làm suốt, nghỉ hè cũng không về được, kỳ này nhất định phải về thôi.”- một bạn gái có biệt danh “phù thủy dễ thương” đã tâm sự về mình.

Tết, mọi người tất bật, nhộn nhịp với công việc làm ăn, buôn bán. Có con đi học là một điều vui sướng của bậc làm cha, làm mẹ, nhất là những gia đình hơi khó khăn. Ai cũng cố gắng làm nhiều, thật nhiều để ngày tết có cái gì đó làm cho con của mình được vui. Trong nhà có một vài cành hoa nhỏ, có bánh mứt là niềm vui của ngày tết. Bạn Hòa Hưng nói trong tiếng nấc của lòng mình: “Em là một con trai út trong gia đình. Mẹ thương hai anh em nhiều lắm. Những ngày đi học trên này, ngoại em kể, mỗi lần nhớ em, mẹ chỉ đứng trước cổng nhà, nhìn theo tụi học trò đi học về cho đỡ nhớ con, hoặc chỉ gọi điện thoại hỏi thăm đủ điều. Ngày tết, mẹ trồng hoa trong vườn chỉ mong ngày tết “thằng út về cho nó thấy vui!”. Đơn giản chỉ là vậy thôi, nhưng sao biết được những tình cảm mà một người mẹ dành cho con mình lớn biết dường nào!”. Ngày tết, không đơn giản chỉ là một ngày để vui chơi, họp mặt, mà nó còn mang một ý nghĩa lớn lao hơn thế - ngày tìm về với cội nguồn, với tình thương yêu vô bờ bến của người thân, của gia đình, tìm lại một điều gì đó ẩn sâu trong tâm tưởng của mỗi con người.

Niềm vui đầu năm mới


Tết ở vùng quê thì không khí nhộn nhịp, những con đường luôn tấp nập người qua lại. Hoa tết là một điểm đặc biệt, một niềm vui của gia đình. Nhà nào có khoảng sân rộng thì trồng nhiều hoa, cây cảnh. Một số nhà khác không trồng được thì có thể đến chợ, chọn cho mình một vài chậu hoa ưng ý, về để trước cửa nhà cho đẹp. Còn ở thị thành, nơi mà nhà cửa san sát nhau thì họ đón tết ra sao? Bạn Nguyệt Ánh – sinh viên năm 3- trong niềm vui sướng, đã nói về ngày tết của mình: “Những người đàn ông trong cùng một con hẻm sẽ tụ họp lại với nhau và cùng đến gõ cửa từng nhà để dành tặng những lời tốt đẹp đầu tiên trong ngày tết kèm theo những món quà tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng nhiều tình cảm trong đó. Mình rất thích khi được nấu bánh chưng cùng gia đình. Vào khoảng 27, 28 tết là nhà cửa lại nhộn nhịp hẳn. Trước khoảng sân rộng, cả nhà quây quần gói bánh, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui ngày tết, tối đến lại nhóm lửa, nấu bánh, thức chờ đến sáng cho bánh chín. Bánh chưng là món làm truyền thống của gia đình, và đó còn là một món quà đầy ý nghĩa để biếu, tặng cho họ hàng mỗi khi xuân về.” Bánh chưng là một trong số rất ít những loại bánh trong ẩm thực truyền thống Việt Nam còn được sử sách nhắc lại và có vị trí đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng người Việt. Và điểm đáng nhớ trong truyền thống này là: chiếc bánh chưng làm tại làng nghề bánh chưng truyền thống Ước Lễ, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Ngọ (2002) đã được Sách Kỷ lục Guinness và tổ chức Ripley's Believe It or Not! công nhận là chiếc bánh chưng lớn nhất thế giới. Bánh nặng 1,4 tấn do 50 nghệ nhân làng Ước Lễ làm ra từ 330 kg gạo nếp, 100 kg đậu xanh, 100 kg thịt lợn, gói bằng 1.500 chiếc lá dong và nấu trong một nồi thép cao trên 2 m trong hơn 72 giờ. Còn bạn Huyền Trang – sinh viên năm hai – bảo rằng: “Em rất thích tết. Mỗi dịp tết là dịp được cùng cha mẹ ra phố, hòa vào dòng người tấp nập để mua sắm trong dịp tết, còn phụ mẹ làm mâm ngũ quả cúng gia tiên. Và em còn thích quây quần cùng gia đình đón giao thừa, sau đó lại được cùng mẹ đi chùa cầu may mắn đầu năm.” Ở thành phố, vào đêm giao thừa, mọi người tấp nập ra đường để xem pháo bông, và khi pháo bông được bắn lên thì mọi người cùng nhắm mắt lại và cầu nguyện những điều tốt đẹp trong năm mới cho bản thân, cho gia đình, bạn bè và những người thân thuộc của mình. Sau đó về nhà thì có nghi thức song đất đầu năm. Người được chọn phải hợp tuổi để làm việc này, song đất để cho những gì không may mắn sẽ tan biến đi và những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình.
Đến với một vùng đất xa xôi hơn, quê hương Quảng Ngãi với lễ hội cầu ngư, đua thuyền của ngư dân vùng biển đến những món ăn đặc biệt như cá Bống sông Trà, chim Mía và đường Phổi, bạn Phương Hoa đã tâm sự về ngày tết của mình bằng một lối nhìn trong sáng của một tân sinh viên của trường: “Ngày tết ở quê em, em rất thích được cùng mẹ nấu bánh chưng, ngoài ra thì còn làm bánh in hay bánh thửng. Hôm làm bánh, cả nhà tụ họp, quây quần cùng nhau và hát cho nhau nghe những bài hát cổ truyền, không khí rất vui, mọi người làm cùng nhau và thấy không có mệt mỏi gì cả. Tuy sống ở vùng quê nghèo nhưng không khí tết cũng rất sôi động với những trò chơi dân gian bổ ích, em nghĩ điều đó cũng góp phần tô đậm văn hóa của quê hương mình.” Hay tết cũng chỉ là một niềm vui đơn giản giống như bạn Minh Ngọc đến từ Cần Thơ – miền đất với gạo trắng, nước trong: “Mỗi lần tết đến, em thích nghĩ đến việc đi mua gì đó cho em gái bé bỏng thân yêu, cho ba mẹ và cho bà của mình. Em thích treo đèn cù vào ngày tết, ngoài ra thì còn thích đi chợ với mẹ để mua sắm cho ngày tết.”

Còn những chàng trai Kinh tế, họ làm gì trong dịp này? “Việc chọn hoa chưng, đi chợ mua sắm tết thì mẹ và em gái của em đi rồi. Nếu có đi theo thì cũng để chở đồ về nhà thôi. Em cùng ba thì lo chặt tre để dựng cây nêu vào ngày 23 tháng chạp rồi treo trầu cau, ống sáo, thêm những miếng kim loại. Người lớn nói là những vật treo ở cây nêu và tiếng động của những kháng đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu, nhất là vào ngày 23, khi ông Táo về trời, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà. Hoặc là mé cây, dọn đường, hay sơn lại nhà cửa, nhiều lắm. Năm nay đi học xa nhà rồi, hông biết ở nhà có ai phụ ba làm mấy cái này không nữa.”-bạn Đăng Long – một tân sinh viên của trường đã kể về bản thân mình. Sẽ cảm thấy hơi khó chịu trong người khi phải đi học xa nhà vì tết đến thì có biết bao công việc phải phụ giúp gia đình. Những sinh viên ở tỉnh, và nhất là những bạn ở nhà làm nghề nông thì phải tất bật chuẩn bị cho vụ mùa cuối năm, thu hoạch rồi chuyển hàng ra chợ bán. Những năm được mùa thì cả nhà cũng có được một cái tết đầy đủ nhưng nếu mất mùa thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chi tiêu cho ngày tết. Sinh ra tại miền đất An Giang – một tỉnh miền Tây sông nước và bạt ngàn cánh đồng xanh, bạn Thanh Hải vốn là sinh viên khóa 34 của trường, đã nói về sự tất bật trong công việc của gia đình mình: “Niềm vui vào ngày tết của em là được phụ giúp cha mẹ trong việc trông nom, chăm sóc mấy công dưa. Đến gần những phiên chợ, em và mấy anh cùng chở dưa ra chợ cho mẹ bán, vất vả luôn là thế nhưng đó là quãng thời gian còn sum vầy bên mái ấm gia đình. Kể từ khi lên thành phố học thì công việc lại đè nặng lên đôi vai của cha, của mẹ. Điều mà mình có thể làm tốt nhất hiện tại là phải gắng hết sức mình trong việc học hành, ở nhà nói là nếu không học hành đến nơi đến chốn thì mai mốt làm sao mà có cuộc sống tốt hơn được, một đời làm nông đã khổ rồi, cha mẹ cũng không muốn cái nghèo cứ đeo bám từ thế hệ này đến thế hệ khác.”

Ta có thể bắt gặp được niềm vui ngày tết chỉ trong những câu chuyện bình dị, từ những cái nhìn lạc quan, yêu đời. Tết dù không đủ đầy vật chất nhưng lại không thiếu về tình cảm của mọi người đối với nhau. Giá trị cao nhất của ngày tết không phải là sự phong phú về của cải, về tiền bạc, không phải chỉ đến từ những gia đình giàu có, tuy không thể phủ nhận rằng: nếu tết mà trong nhà đủ đầy thì có thể sẽ có một cái tết trọn vẹn. Nhưng, điều quan trọng là, những giá trị tinh thần còn chiếm một vị trí cao hơn thế. Tết đến, trong nhà đủ đầy, không thiếu gì cả, nhưng con cháu mỗi người một ngã, tha hương cách biệt thì sao cảm nhận được hết tình thương ấm áp của sự đoàn tụ gia đình? Quê hương là gì hở mẹ, mà cô giáo dạy phải yêu…là thế đó, sự đoàn viên, họp mặt đông đủ để tìm lại những giá trị cuộc sống, điều đó mang một ý nghĩa lớn lao hơn.

Miền đất Gia Lai – miền đất của núi rừng, vốn là quê hương của bạn Thư Sinh – cô sinh viên năm 3 chuyên ngành Marketing, trong tiếng nói đậm chất Tây Nguyên, câu chuyện của bạn tái hiện lại một nét rất riêng về ngày tết nơi đây: “Có thể nói, nét đặc biệt của vùng đất Tây Nguyên là cách ăn tết của người dân tộc. Vào những ngày này, họ thường ăn mặc rất sặc sỡ và trang điểm rất đẹp. Họ cùng nhau đi dạo chơi khắp các con đường, tay cầm hoa, bong bóng và trao cho nhau những lời nói tốt đẹp trong ngày tết. Một điểm khác nữa là tục “ăn nhà mả” của người Ba Na. Tục này cũng giống như tục Bỏ mả của đồng bào Gia Rai ở Gia Lai. Đến ngày lễ, họ cùng nhau kéo đến mộ người thân cùng ăn uống, nhảy múa, chia vui cùng người thân. Điệu múa thường xuyên sử dụng là nhảy xoan, và trong dịp này, những đôi trai gái có thể tìm được tình yêu của riêng mình.”

Những lời chúc tốt đẹp

Tết là dịp để gia đình sum họp, quây quần bên nhau và bảy tỏ sự yêu thương nồng ấm dành cho nhau. Năm mới, mỗi người lại tăng thêm một tuổi. Bởi thế, ngày mồng một là ngày con cháu chúc thọ ông bà, cha mẹ và những người lớn tuổi, và người lớn thì “chúc lại” bằng những lời yêu thương ân cần kèm theo những phong bao lì xì màu đỏ tươi tắn. Ngoài ra, chúc Tết thầy cô cũng là một phong tục nói lên tư cách đạo đức của một con người. Bạn bè, anh em họ hàng cũng dành cho nhau những lời tốt đẹp nhất. Và sinh viên Kinh tế, trong những câu chúc có mang sắc thái gì đặc biệt?

Quang Thái (khóa 32): “Là sinh viên sắp ra trường, mình xin chúc các bạn khóa 32 cũng như mình sẽ được vạn sự như ý, trong đó sẽ bao gồm 4 ý chính: có việc làm như ý tại một công ty như ý, tiền bạc như ý và sự thăng tiến như ý!”

Nguyệt Ánh ( khóa 33): “Năm mới xin chúc mọi người vạn sự như ý, may mắn phát tài, sức khỏe dồi dào, năm sau tốt hơn năm trước, tiền vô như nước tiền ra như giọt cafe phin, tiền vào cửa trước, vàng vào cửa sau…” và “tui hy vọng được đi Mỹ nè, đi Mỹ và bình an trở về với nhiều tiền hơn!” (cười).

Tấn Phước ( khóa 33) cười và nói: “Mình chỉ có một mong ước nhỏ nhoi là kinh tế sẽ tăng trưởng dồi dào để cho mình có tiền vào như nước hoặc nếu khiêm tốn hơn thì kinh tế chỉ cần vững vàng để mình có vàng đeo đỏ tay thôi, không cần gì nhiều đâu!!!”

Huỳnh Như (khóa 34): “Vào tết là khóa tụi em sẽ vào chuyên ngành, bởi vậy em xin chúc các bạn sẽ bị đau đầu vì đậu chuyên ngành, mệt mỏi vì học giỏi, buồn hiu vì có tình yêu, và sẽ hốc hác khi được đi … du học!”

Thanh Hiếu (khóa 35): “Em là tân sinh viên của trường nên em chỉ chúc các anh chị khóa trước sẽ học tập thật tốt, và khi ra trường sẽ có được việc làm như ý, năm mới sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa. Còn các bạn khóa 35 tụi em, hi vọng rằng các bạn sẽ quen dần với hoàn cảnh mới khi mới trở thành sinh viên, nhất là những bạn năm nay không về nhà vào dịp tết, hi vọng các bạn cũng sẽ không buồn, không cảm thấy lẻ loi khi phải đón tết một mình trên này. Bởi vì, em tin rằng, bên cạnh các bạn luôn có sự hiện diện của gia đình, của bạn bè, của tất cả mọi người. Các bạn chỉ cần có cách nhìn lạc quan, tin yêu vào cuộc sống thì mọi điều may mắn trong năm mới cũng sẽ đến thôi!”

Những điều phiền muộn trong năm cũ xin mọi người hãy gác lại và cùng nhau đón chào một năm mới với tâm trạng phấn khởi, vui tươi, những điều không hay cũng sẽ trôi nhanh và cánh cửa may mắn sẽ mở ra chào đón tất cả chúng ta. Kết lời, xin chúc tất cả mọi người có một cái tết an lành, hạnh phúc và gặt hái nhiều thành công hơn trong năm mới này.

Ngô Văn Hậu – stsv

2 comments to "Sinh viên trường ĐH Kinh tế Tp.HCM nói gì về ngày tết của mình"

  1. gacdem says:

    Năm mới Vincent chúc cả đại gia đình Kinh tế sức khỏe và thành công! Chúc bạn bè K32 của tớ thực tập tốt...và vững tiến tới nha.

  2. Anonymous says:

    Bạn đang yêu!! Người ấy của bạn đang giận bạn!!! Bạn có thắc mắc về tình yêu. Bạn đang có tâm sự về công việc, học tập, nghề nghiệp, con cái, sức khỏe…Hãy gọi số: 1900 599 953 để được tư vấn . 1900 599 953 chúng tôi luôn lắng nghe tâm sự của bạn.

Leave a comment