Thuở bé, cái thời con ngốc ngếch, mộng mơ, con hay nằm trong vòng tay cha, hỏi ngô nghê: “Mẹ đi đâu, sao chẳng về với cha con mình vậy nhỉ”. Rồi vùi đầu vào ngực cha, nghe giọt nước mắt trên má cha rơi xuống. Cha luôn cười: “Mẹ đi làm ăn xa nuôi cha con mình mà, còn lâu mới về con ngoan ạ”. Ừ, cái ngày đó, con tin cha, nên con cứ hồn nhiên như thế.
Lớn lên một chút, bạn bè xì xào, hàng xóm nói to nói nhỏ, con đủ để nhận ra rằng mẹ sẽ mãi chẳng về với con, hiểu một điều đớn đau rằng, những ngày tháng tới của cuộc đời con sẽ không còn có mẹ. Vì mẹ đã bỏ cha và con thật rồi, chẳng xa như ngày xưa nữa.
Nghe đâu, mẹ đã lấy một người chồng mới sau
bao năm phiêu bạt bên xứ người, mẹ chẳng gọi điện về nói với cha một tiếng. Khi sự đã thành, mẹ ghé về làm giấy ly hôn và nhét vội vào túi cha một cọc tiền, ôm tôi thật nhanh rồi lên xe đi với người đàn ông đó.
Năm ấy, 10 tuổi, tôi mất mẹ!
Từ khi mẹ buông tay ra khỏi bàn tay tôi, tôi hiểu, tất cả với tôi, đã hết rồi, hết gia đình, hết bữa cơm đoàn viên tôi mong chờ, hết món quà tôi vẫn mơ ngày mẹ về mang theo cho con gái. Năm ấy, tôi còn rất bé, chỉ mơ hồ đón nhận nỗi đau và để nỗi đau đó thành vết cắt trong tim, lâu ngày quên đi, chỉ con vết sẹo là ở lại mãi.
Cha, ngườiđã thực sự là mẹ tôi từ ngày ấy. Ngày mẹ đi, cha không nói gì, lặng lẽ ngồi thu mình trước hiên, nhả vài đợt khói phả nặc mùi thuốc lào, đôi mắt hướng nhìn xa xăm, vô định. Cha lại ôm tôi vào lòng, vỗ về, vuốt tóc, lau những giọt nước còn đọng lại trên hốc mắt tôi, xoa đầu tôi cười lớn: “Nhóc ạ, cuộc sống là những chuỗi ngày vui buồn, nhận giọt nước mắt đau đớn này thì sẽ được đáp lại bằng niềm hạnh phúc khác. Nhìn cha nè, con gái, cha mất đi mẹ của con, nhưng cha còn con, và con là niềm hi vọng lớn lao nhất của cha, là tất cả của cha,vì thế nếu con buồn, cha cũng sẽ buồn lắm đó!”
Vì câu nói ấy của cha, tôi trở nên mạnh mẽ hẳn. Tôi trở thành một cô gái gan lì, vô cùng bướng bỉnh, tôi tự tập cho mình một cách sống hờ hững với chuyện thiên hạ đàm tiếu, quyết tâm học hành tới nơi tới chốn, sống theo mục đích cha đã hướng cho tôi.
Cha, cũng dạo từ ngày đó, cha đảm đang hơn hẳn. Ngày trước mẹ đi làm ăn, cha cũng từng làm những việc như thế, cũng nấu nướng, giặt đồ, lâu lâu chở tôi về nhà ngoại. Nhưng với tôi, cha đơn giản cũng chỉ là cha, với một tình yêu hoang sơ như thế. Vậy mà, mẹ đi, cha trở thành chỗ dựa của tôi, là cây cột trụ vững vàng cho những niềm yêu thương mong manh sắp tan đi ùa vào. Tôi lớn lên bên tình yêu vô bờ của cha, bên sự quan tâm ngọt ngào, bên bàn tay chăm sóc thô cứng đầy chai sạn với những nỗi buồn sâu kín nhất của cha.
Lớn lên, cha vẫn lo cho tôi từng bữa cơm giấc ngủ, ngày vào trường huyện, tôi lỉnh kỉnh xách đồ đến ở khu nhà nội trú trường. Cha tôi im lặng, nỗi buồn sâu trong khóe mắt, lặng lẽ giúp tôi đem đồ lên xe, lui cui chuẩn bị mấy hũ ruốc bong, hũ cà muối tôi thích ăn gói gém cẩn thận, mang ra cho tôi, dặn dò từng li từng tí, nước mắt tôi ngắn dài, tôi ôm cha như ôm một người mẹ vậy.
Những năm tháng đầu đại học, cha tôi đau ốm triền miên, tôi gọi về nhà, cha chỉ ho sùi sụi rồi lại dặn dò tôi vài bài thuốc trong nhà, cách chăm sóc bản thân, cách đối nhân xử thế, dạy tôi thích ứng môi trường, lâu nhớ cha thì gọi về cho cha là được, ở ngoài này cha tự lo, hết tiền thì cứ gọi về, bảo cha, cha sẽ cố gắng gửi liền cho con, đừng bỏ bữa, luôn phải vững vàng, như cha vậy. Ừ, cha tôi vốn là vậy.
Tôi lớn lên, trưởng thành từ những điều nho nhỏ cha dạy, tôi luôn hoàn thiện trong mắt mọi người nhưng chỉ duy có mỗi nấu ăn ngon thì tôi chịu. Thực ra, từ bé đến giờ chưa bao giờ phải nấu ăn, những công việc ấy cha đều làm cả, vì thế, nên lớn lên phải tự học, mới biết với tôi cha là một người tuyệt vời sao.
Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ của mình, tôi càng thêm yêu cha biết mấy. Tôi vốn không có nhiều bạn kể từ ngày mẹ đi, mọi người không muốn con họ chơi với một đứa trẻ có mẹ như tôi, và tôi trở nên bơ vơ từ đó. Có lẽ, suốt tuổi thơ, với tôi cha là người bạn chân thành nhất.
Cha đưa tôi đi thả diều, đi ra đồng bắt cua, bắt dế, dạy cho tôi chơi khăng, chơi đánh cờ, chơi ô quan, chơi đồ hang và tất thảy những trò gì lũ bạn tôi chơi, tôi thích. Cha luôn là người bạn tận tụy, theo suốt cuộc hành trình cùng tôi, để mỗi lần thất bại, tôi lại dúi đầu vào cha, và dĩ nhiên lại trở thành người thắng cuộc.
Và, khi tôi trưởng thành hơn một chút, những niềm tâm sự iu đương nhỏ nhoi tôi thường nói với cha trước hết, những người bạn tôi thích, những kỉ niệm của tôi, cha thường lắng nghe một cách chăm chú và đưa ra một vài ý kiến, được hay không, nên hay không nên làm như thế. Cho đến khi tuổi học trò của tôi chấm hết, khi buồn, khi nhớ cha, chiếc điện thoại là cầu nối giữa cha con tôi, câu chuyện giữa 2 người bạn ở 2 vùng trời xa xôi, là tâm sự của mẹ và con gái.
Năm nhất đại học, tôi khóc quá chừng vì nhớ cha. Năm tháng cứ trôi đi, và tôi hiểu với tôi, cha cũng là tất cả.
Ngày 20/10 năm đó, cha gọi cho tôi, giọng cha thều thào yếu ớt, nói cha yêu tôi rất nhiều, và rất buồn vì sau này không thể được nghe những lời tâm sự của tôi nữa, cha nói thật nhanh đủ cho tôi không kịp nghe tiếng nấc. Tôi như bị thôi miên trước mọi việc. Không kịp tắt máy! Tôi gói gém đồ đạc chuẩn bị về quê.
Chuyến xe tốc hành đó không kịp cho tôi nói một vài lời với cha lần cuối. Ngày đưa cha về với đám cỏ xanh nơi hai cha con từng thả diều, đào khoai về nướng ấy, mẹ cũng về. Tôi lặng người trước nỗi đau quá lớn đó, mọi việc tưởng chừng như rất nhanh lại là một quá trình thật dài cha âm thầm chịu đựng bệnh tật một mình. Cha mất, tôi gào lên đau đớn và ngã vào lòng mẹ.
Cha mất rồi, mẹ bảo tôi về ở với mẹ, với những đứa em cùng mẹ khác cha, mẹ đã li dị và sống một mình nuôi các em bên ấy. Nhưng tôi từ chối, tôi trọ học ở Sài Gòn và ngày nghỉ, lễ tết, tôi về bên nhà nội. Có lẽ, vì cái chết của cha, vết sẹo mẹ đã tạo ra cho tôi không còn đau nhói như ngày ấy, như cha nói, một sự đau khổ sẽ được bù đắp bởi một niềm hạnh phúc mới.
Mẹ chu cấp cho tôi học, và lâu lâu ghé thăm tôi, mẹ lại trở về với tôi, như một người mẹ.
Vậy nhưng, trong lòng tôi, có một người mẹ mà mẹ thật sự của tôi không thể nào thay thế được, như quê hương, chỉ có một mà thôi. Như những gì cha đã dạy cho tôi.
Ngày 20/10 bạn trai tôi tặng cho tôi một bó hoa, tôi tặng cho mẹ của anh, mẹ của tôi cũng một đóa hoa to và rực rỡ như thế. Nhưng với một người phụ nữ lớn lao nhất đời tôi, tôi tặng cho người đó một niềm hạnh phúc, nụ cười của tôi, tất cả những gì của tôi là tất cả những gì người đó có. Tôi dành những gì tuyệt vời nhất cho một người mẹ đã đi xa….
Ngày 20/10 năm nay lại về, cha tôi thêm một tuổi mới trong kiếp sống mới bên kia. Ngày phụ nữ Việt Nam, con gửi cho cha tình yêu bất diệt, tình yêu đã nuôi lớn con trong những ngày tháng đẹp đẽ nhất của cuộc đời. Dành cho cha, người phụ nữ của con, lời chào thân ái.
“tieuthulanhchanh”
chia se va cam on cau chuyen cua ban! cam on nhieu lam' day'...
cuộc sống đôi khi méo mó quá phải không,nhưng hoàn hảo lại không hay,có đau mới biết niềm hạnh phúc ngọt ngào đến mấy