Breaking News

Tran Chi Thien Tran Chi Thien

Home , , � Nhìn lại Đất Nước và Hồ Chí Minh

Nhìn lại Đất Nước và Hồ Chí Minh

Tuổi 20, nó bước vào đời với niềm khát khao cháy bỏng như cây non đang tràn trề nhựa sống. Tuổi thơ đã qua đi nhưng ký ức một thời sống đẹp mãi.

Thuở lên ba, nó vẫn ê a bài hát mà người cha yêu dấu đã dạy và vẫn thường hát cho nó nghe vào mỗi buổi chiều mưa rả rích, bên bếp lửa ánh sắc hồng ấm áp: “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng.” Và rồi “ A! có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng, ba mươi năm đấu tranh giành trọn vẹn non sông, ba mươi năm huy hoàng chiến thắng đã thành công! Việt Nam - Hồ Chí Minh muôn năm muôn năm, Việt Nam Hồ Chí Minh muôn năm muôn năm...” Nó không biết Bác Hồ là ai, cứ ngờ ngợ và cứ hát theo bài hát mà không cần nghĩ ngợi nhiều, vì tuổi thơ là thế,và nó thích chí mỗi khi hát bài này vì cha mẹ luôn khen nó hát hay nhất, và nó càng cười hả hê khi anh nó không thuộc lời... Cái tuổi còn chạy rong ngoài ruộng đồng, mò cua, bắt ốc, thả diều, cái thời mà người lớn vẫn thích gọi là “con nít” ấy cứ còn đâu đây. Kim đồng hồ vẫn tíc tắc quay, quay mãi, người ta không thể tắm được hai lần trên một dòng sông là thế. Và những bài hát ngây ngô một thời cũng theo đó mà lớn lên. Giờ đây, nó không hát đơn thuần như ngày xưa nữa mà trong từng lời hát, trong cái nhìn của nó, Bác Hồ dần dần hiện ra, và nó bắt đầu biết thế nào là “nhận thức”.

Nó thích bài thơ “Đất Nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, trong đó có đoạn:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi,
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa”...mẹ thường hay kể,
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn,
Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.

Sinh ra trong thời bình nên sự tàn khốc của chiến tranh giờ đây nó chỉ hình dung trong từng câu chuyện mà lúc sinh thời, bà nó vẫn kể cho nó và bọn trẻ trong xóm nghe. Ngày đó, vào mỗi buổi chiều là chúng nó lại tất bật chạy sang nhà bà năm để nghe bà kể chuyện đời xưa. Cây xoài già đã cùng bọn trẻ nghe biết bao nhiêu câu chuyện, về chiến tranh, về làng xóm, rồi đến lính Tây, và hình tượng của Bác Hồ cũng xuất hiện trong tâm trí của bọn trẻ. Có đứa hỏi ngây ngô “Chừng nào mới gặp Bác Hồ hở bà?”. “ Tụi con ráng ăn nhiều mau lớn, học giỏi để thành cháu ngoan Bác Hồ rồi Bác Hồ sẽ đến thăm tụi con !”... Những câu chuyện ngày xưa ấy vẫn còn đọng lại, gốc xoài giờ cũng lớn thêm, cành lá um tùm nhưng đã vắng bóng một người ...

Xa rời tuổi thơ, nhưng nó vẫn còn nhớ những lời của thầy:

Thầy đã giảng cho con về đất nước nhân dân,
Để khi mặc lành không quên người áo vá,
Ăn miếng ngon nhớ bàn tay trồng khoai, dỡ củ,
Câu ca dao đau đáu một đời.

Nguyễn Bùi Vợi

Khi nó đi học, thầy cô bảo rằng học trò phải biết đến năm điều Bác Hồ dạy. Cái bảng to tướng màu xám đen đã cũ nhưng vẫn còn nhìn thấy dòng chữ in “ Năm điều Bác Hồ dạy”. Nó không hiểu sao lại phải học thuộc và phải trả bài cho cô, cho thầy vào mỗi sáng thứ hai, và đơn thuần, nó chỉ biết thầy cô bảo sao thì lũ học trò chúng nó làm giống như thế. Vẫn mãi là tuổi thơ...

Bác Hồ xuất hiện trong từng câu chuyện kể, từ những câu hát vu vơ đến từng bài học trên lớp, cho đến hôm nay chúng ta vẫn còn cảm nhận được hơi ấm của tình người của Bác:

Thay vì nghìn trang giấy bao la, Bác để lại tấm lòng,
Một màu lộc, màu cây xanh mát mắt,
Một Điện Biên. Một thành đồng Tổ quốc,
Giữa đục của đời, một ngọn suối trong.

Chế Lan Viên

Giấy trắng rồi cũng sẽ ngả màu, nét mực rồi cũng sẽ phai dần theo năm tháng. Chỉ có tấm lòng của Bác sẽ còn là mãi mãi. Yêu thương đồng bào, hy sinh vì đất nước nhân dân và còn biết bao điều nữa mà ta không thể nào nói hết về Người. Và nhà thơ Tố Hữu đã lột tả hình tượng của Bác trong hai câu thơ:

Bác ơi, tim Bác mênh mông thế,
Ôm cả non sông, mọi kiếp người.

Tâm hồn rộng lớn và một trái tim bao la như ôm trọn đất nước này, xứ sở này, để hôm nay, hồn Đất đã hòa vào lòng Nước để tạo hình cho một Đất Nước hòa bình, thịnh vượng. Việt Nam – Hồ Chí Minh, một hình tượng – một con người như hòa vào nhau, đan vào nhau, không thể chia cắt, không thể tách rời. Bởi thế, hình tượng ấy đã, đang và sẽ mãi mãi được người đời nhắc đến, ca ngợi.
Nó không hình dung được “ chiến tranh” là như thế nào, đến khi lớn lên, nó đã nghe nhiều, thấy nhiều và nó cũng hiểu thêm, một bức tranh đã được vẽ ra trong tâm tưởng của nó. Chiến tranh là tàn khốc, là đau thương, là “những cánh đồng quê chảy máu, dây thép gai đâm nát trời chiều”, mang đến một lời thở than về một sự thật, một sự thật phũ phàng:

Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên,
Bão thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng.

Trần Đăng Khoa

Đến cảnh tang thương:

Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu.

Hoàng Cầm

Đó là một nỗi đau xé lòng, một nỗi đau đến tột cùng. “Chưa bao giờ bình yên” như mở ra một chân trời mang đầy bóng tối, và những con người phía sau vùng trời ấy, không thể nào tìm được lối thoát. Sự đan xen giữa ảo và thực gợi lên một nỗi xót xa. “Bây giờ tan tác về đâu” vừa là trạng thái bàng hoàng, ngơ ngác, vừa là nỗi nghẹn ngào, vừa là niềm hoài vọng trước cảnh hủy hoại, tan vỡ, cách chia của quê hương.

Người nông dân đã quen với ruộng đồng một nắng hai sương, giờ cũng trở thành chiến sĩ. Họ- những đứa con của xứ sở này, từ bốn phương trời không hẹn mà gặp nhau:

Quê hương anh nước mặn đồng chua,
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá,
Tôi với anh đôi người xa lạ,
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.

Chính Hữu

Và sát cánh bên nhau:

Đêm nay rừng hoang sương muối,
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới,
Đầu súng trăng treo.

Chính Hữu

Họ ra đi vì nghĩa lớn, vì nước quên mình, tất cả đều được gửi lại: “Ruộng nương anh để bạn thân cày, Gian nhà không mặc kệ gió lung lay”. Và hai hình ảnh súng và trăng, tuy gần mà xa; súng và trăng, tuy cứng rắn nhưng vẫn dịu hiền; súng và trăng, vừa là chiến sĩ vừa là thi sĩ, là súng... là trăng...là tình “đồng chí”.

Đất nước còn chìm trong mù mịt, nhân dân còn chịu cảnh lầm than, là một đứa con của quê hương này, Bác sao có thể yên lòng:

Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước,
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà,
Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc,
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa.

Chế Lan Viên

Mơ về một đất nước tươi đẹp rạng ngời, không có đau thương, con người luôn ngập tràn hạnh phúc, nhưng thực tại thì không như thế. Ví như đám mây đen dày đã che phủ cả một vùng rộng lớn khiến cho ánh mặt trời không xuyên thủng nổi. Và, ta đang trông chờ một cơn gió lạ, thổi mây bay đi, để cho xứ sở này được ngập tràn trong ánh nắng chói chang, và, có một người, chỉ có một người làm được điều lớn lao ấy….

Bác luôn lạc quan, yêu đời, luôn hướng về một tương lai tốt đẹp. “Nghe tiếng giã gạo”, Người làm thơ như thể tự khuyên mình:

Gạo đem vào giã bao đau đớn,
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông,
Sống ở trên đời người cũng vậy,
Gian nan rèn luyện mới thành công.

Hay khi bị “giải đi sớm”, Người vẫn thấy yêu đời:

... Phương đông màu trắng chuyển sang hồng,
Bóng tối đêm tàn, sớm sạch không,
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,
Người đi thi hứng bỗng thêm nồng.

Dù sống trong ngục tối, Người vẫn có trăng sao làm bạn:

Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ,
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

Ngắm trăng

Hồ Chí Minh bị cầm tù, nhưng người tù này là một một nhà thơ lớn, một chiến sĩ Cộng sản vĩ đại của dân tộc. Những bài thơ của Bác được kết tinh từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống và chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc, mang đậm chất nhân văn và giàu tinh thần lạc quan của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Nhà văn A.Bô-gô-mô-let có một câu nói rất nổi tiếng: “Cuộc sống không phải là tất cả; còn cần biết sống một cuộc đời không phải vì mình, mà vì mọi người, vì Tổ quốc..” Không chỉ riêng về Bác, có biết bao nhiêu chiến sĩ đã ngã xuống, đã hy sinh cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng nước nhà. Họ luôn mong mỏi, luôn chờ đợi, và... chiến đấu, chỉ mong đến ngày nước nhà được độc lập:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,
Áo bào thay chiếu anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Quang Dũng

Họ ra đi rồi phải vùi thây ở vùng đất lạnh. Nhưng tiếc gì xác thân này, vì sự nghiệp lớn lao của cả một dân tộc, xương máu của họ đã đổ xuống trong hôm nay, để mong ngày mai, cuộc sống sẽ lại hồi sinh. Và rồi,triệu triệu con tim sẽ cùng hướng về Tổ quốc, ngọn lửa căm hờn đang sục sôi như muốn quét sạch kẻ thù ra khỏi mảnh đất này:

Quê hương ta núi sông lộng lẫy,
Mỗi lần vùng dậy lại đẹp hơn,
Mỗi tấc đất ngày đêm bỏng giẫy,
Mỗi lòng người như nước suối trong.

Nguyễn Đình Thi

Tất cả những điều ấy như để minh chứng, để khẳng định rằng:

“Nước Việt Nam là một, từ Nam chí Bắc chung một tiếng nói, một lịch sử, một nền văn hóa và một nền kinh tế. Nhân dân Việt Nam đã hy sinh nhiều xương máu đấu tranh cho tự do độc lập, quyết không một lực lượng nào ngăn cản được sự nghiệp thống nhất Tổ quốc của mình”.

Hồ Chí Minh

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ví như một trang sách huyền thoại và đẫm chất sử thi. Từ chủ nghĩa yêu nước Người đến với Chủ nghĩa cộng sản, trở thành vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của Đảng ta và dân tộc ta. Bác vĩnh biệt chúng ta đã gần 40 năm, nhưng hình ảnh của Người luôn gần gũi với chúng ta, sự nghiệp và thơ ca của Người mãi mãi bất diệt. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng toàn dân ta đã tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào mùa Xuân 1975, với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tổ quốc ta độc lập, thống nhất, từng bước tiến lên Chủ nghĩa xã hội.

Sống trong thời đại hôm nay, chúng ta phải gắng sức học hành, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh để xứng đáng với những gì ông cha ta ngày trước đã bỏ ra, để xứng đáng với dòng dõi “con rồng cháu tiên”, “cháu ngoan Bác Hồ”.




Ngô Văn Hậu – stsv
“Được thực hiện bởi stsv – www.sangtacsv.com”

5 comments to "Nhìn lại Đất Nước và Hồ Chí Minh"

  1. Vincent says:

    trời ơi viết hay quá à Hậu ơi! Bởi vậy, ...trưởng bộ phận Chuyên mục mà! GOod

  2. illusion says:

    hix.hoi do anh lam van may diem zay.hix...hix....that nguong mo qua

  3. em thấy hay thật. Câu văn rất mượt mà, từ ngữ cũng chân thật và hoa mỹ. Nhưng giá mà ít ít lại thơ thì chắc sẽ thu hút hơn. hii.

Leave a comment