Breaking News

Tran Chi Thien Tran Chi Thien

Home , � The Ballad of Ho Chi Minh và tình cảm của Ewan MacColl với Bác

The Ballad of Ho Chi Minh và tình cảm của Ewan MacColl với Bác

Từ 14 giờ đến 22 giờ ngày 7 tháng 5 năm 1954, tại lòng chảo Điện Biên Phủ ở tây bắc Việt Nam, quân ta dốc toàn lực tổng công kích vào trung tâm Mường Thanh, bắt sống tướng Đờ Cát cùng ban tham mưu tập đoàn cứ điểm, buộc trên 10.000 quân địch còn lại phải ra hàng; truy kích, bắt gọn địch ở phân khu nam (Hồng Cúm). Đây “là chiến dịch đánh tiêu diệt lớn nhất, điển hình nhất của quân và dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp”. Hồ Chủ tịch đã đưa ra một phép so sánh rất thuyết phục: “Tháng 10 năm 1950, trong trận giải phóng biên giới. Trận ấy đã làm cho cả nước Pháp xôn xao. Các báo Pháp đã nói: Đó là thất bại to nhất trong lịch sử thực dân Pháp.

Đến Điện Biên Phủ thì làm cho cả thế giới xôn xao. Bạn ta và nhân dân cả châu Á thì vui mừng. Phe đế quốc, nhất là Pháp – Mỹ thì ngơ ngác”.

Ngày trong đêm 7 tháng 5 năm 1954, tại Câu lạc bộ Lao động thành phố Kentơ (nam thủ đô Luân Đôn của nước Anh), đại biểu của tổ chức “Phong trào đòi tự do cho các thuộc địa” đã tổ chức một cuộc mitting lớn, chào mừng thắng lợi huy hoàng của chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sau khi tiếng nhạc bài Quốc tế ca vừa dứt, nhạc sĩ E-oan Mắc-cơn ôm đàn, bước lên sân khấu, hồ hởi báo tin:

-“Thưa các ngài và các bạn, chiều nay, đài BBC đã miễn cưỡng dè dặt đưa tin: Điện Biên Phủ mất rồi! Nhưng đối với chúng ta, ngày Điện Biên Phủ chiến thắng lại là ngày hội lớn của tất cả những người lao động bị áp bức trên toàn thế giới Thưa các bạn! Tại sao chiến thắng đặc biệt có ý nghĩa này lại xảy ra ở Việt Nam mà không ở một mảnh đất thuộc địa nào khác? Gần đây, tôi đã được đọc cuốn sách quý, gồm nhiều bài của một số giáo sư Sử học phương Đông và Pháp, Ý... ca ngợi một nhân vật vĩ đại của thế kỷ XX. Đó là Cụ Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo vừa dẫn dắt nhân dân Việt Nam làm nên chiến thắng kiệt xuất Điện Biên Phủ. Cuốn sách có đoạn viết: Cụ Hồ Chí Minh không chỉ xót thương nhân dân mình, dân tộc mình mà ngay khi còn sống, lưu lạc nơi đất khách quê người, Cụ đã thấu hiểu mọi nỗi đau khổ của những người nô lệ Châu Phi, Châu Mỹ...

Thưa các bạn, vừa gấp cuốn sách lại thì lập tức những cảm hứng nghệ thuật đã tràn ngập tâm hồn tôi. Giúp tôi nhanh chóng sáng tác một khúc ca về Cụ Hồ Chí Minh, Người đang nhen lên ngọn lửa giải phóng bừng sáng ở Việt Nam và từ đây sẽ lan nhanh tới mọi lục địa để thiêu cháy mọi áp bức, bất công. Vì bài hát này nhằm nói lên tình cảm của nhân dân Anh dành cho Người, tôi chủ tâm sử dụng và phát triển làn điệu dân ca cổ Xắc-xông, với giai điệu thiết tha, sôi nổi”.

Nói đoạn, E-oan Mắc-cơn nâng cây đàn dân tộc lên trước ngực, cất cao tiếng hát. Giai điệu Xắc-xông của xứ sở sương mù huyền hoặc như dẫn dắt người nghe, từ trời tây băng qua đại dương sang trời đông, với ngàn lời tự sự sâu lắng thiêng liêng:

Miền biển Đông xa tắp nơi chân trời

Người dân ở đó lầm than đói nghèo

Từ đau thương Người đi khắp năm châu

Lòng tin mặt trời chân lý sáng soi

Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!

... Người đã về với rừng núi

Tổ chức nên một đạo quân, tất cả đều trở thành anh hùng.

Thề giải phóng cho nhân dân

Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!

... Người đã chỉ huy đánh tan quân ngoại xâm

Lập nước Việt Nam chiến thắng vinh quang

Người là ngôi sao dẫn đường

Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!

Cả khán phòng lắng đọng trong âm hưởng Bài ca Hồ Chí Minh. Trên các hàng ghế chật ních những thủy thủ, binh sĩ, công nhân, sinh viên và cả một số nghị sĩ Quốc hội Hoàng gia Anh – Họ là những hội viên của Phong trào đòi tự do cho các thuộc địa. Mỗi kihi E-oan Mắc-cơn hát xong một đoạn, lập tức cả khán phòng đồng thanh hò vang: “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!”.

Từ khán phòng câu lạc bộ Lao động phố Ken-tơ ấy, Bài ca Hồ Chí Minh, xuất hiện ngay trong đêm chiến thắng Điện Biên Phủ đã nhanh chóng lưu truyền khắp nước Anh; vượt đại dương tới Châu âu, Châu Á, Châu Phi, Mỹ Latinh và Châu Úc... Bài ca Hồ Chí Minh với sự lan tỏa kỳ diệu đã nhanh chóng được dịch sang nhiều thứ tiếng: Tây Ban Nha, Thụy Điển, nước Nga Xô Viết, Nhật, CuBa... khi xuất hiện ở Pháp, bài hát đã nghiễm nhiên trở thành bản cáo trạng đanh thép, tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Angiêri. Ở Đức, Ý, Bài ca Hồ Chí Minh được dùng như một phương tiện lên án âm mưu phục hồi các thế lực phát-xít ở trong nước mình. Khi xuất hiện ở Mỹ, Bài ca Hồ Chí Minh được đón nhận như một vũ khí tinh thần hết sức quý báu, mà các nghệ sĩ tiến bộ Mỹ sử dụng để chống chiến tranh, tố cáo những hành động xâm lược, cùng những thủ đoạn diệt chủng của đế quốc Mỹ ở Việt Nam – Lào – Campuchia. Đặc biệt có ba nhạc sĩ, ca sĩ Mỹ là Pitơxigơ, Babơrơ và Tôm Hâyđơn đã viết thư cho tác giả Bài ca Hồ Chí Minh – nhạc sĩ E-oan Mác-cơn, trong đó có đoạn viết: “... Mỗi khi chúng tôi gặp những đối tượng nghe rộng rãi, không cùng chung chính kiến, tôn giáo, chủng tộc, ở mọi nơi, mọi lúc, bao giờ Bài ca Hồ Chí Minh cũng có sức thuyết phục lạ lùng. Bởi vì Việt Nam, Hồ Chí Minh đã làm quang vinh cho tất cả. Ca ngợi Việt Nam là ca ngợi chính mình. Bài hát đó được in thành nhạc bướm, phổ biến khắp nước Mỹ, kêu gọi mọi lực lượng phản chiến cùng hành động với nhân dân Việt Nam. Chúng tôi biết nói sao để bạn rõ, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân Mỹ quan trọng đến nhường nào!”.

Sau này chính nữ ca sĩ Pécghi Xigơ (em gái của ca sĩ – nhạc sĩ Pitơxigơ) đã trở thành bạn đời của E-oan Mắc-cơn.

Năm 1967, tại Đại hội liên hoan quốc tế ca hát phản kháng (chống chiến tranh), tổ chức ở La Habana (CuBa), hai vợ chồng E-oan Mắc – cơn đã say sưa biểu diễn Bài ca Hồ Chí Minh. Khi bài hát vừa dứt, hàng vạn người nghe đã đứng dậy vỗ tay như sấm, yêu cầu hát lại. Những ai đứng ở hàng đầu đều thấy rõ những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má của hai vợ chồng nhạc sĩ – chiến sĩ hòa bình E-oan Mắc-cơn. Một lần nữa khi bài ca vừa kết thúc, không gian tràn ngập tiếng hô: “Hồ Chí Minh, Hô xê Mácti, Tổ quốc hay là chết!”.

Hai vợ chồng E-oan Mắc-cơn cùng quay người cúi chào rất lâu tấm áp phích làm phông nền cho sân khấu, mà trên đó vẽ hình chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam khổng lồ, đang cầm súng lao lên phía trước. Dưới chân áp phích ghi hàng chữ: “Việt Nam, bài học cho thế giới”.

Khi Đại hội liên hoan quốc tế ca hát chống chiến tranh kết thúc thắng lợi, giữa hàng quân nhạc hòa tấu bài hát Giải phóng miền Nam, cặp vợ chồng nhạc sĩ – chiến sĩ quốc tế E-oan Mắc-cơn chạy như bay trên đường băng sân bay La Habana tới ôm chầm lấy các nghệ sĩ đoàn Việt Nam trao tận tay bản nhạc Bài ca Hồ Chí Minh với lời đề tặng trích từ một bài thờ của thi sĩ Mỹ:

Trên đời có những vật không bao giờ đổi thay

Có những loài chim không khuất phục bao giờ

Có những tên người sống mãi với thời gian

Hồ Chí Minh...

Có một bài ca ra đời ngay trong đêm chiến thắng Điện Biên Phủ – Bài ca Hồ Chí Minh – bài ca đi cùng năm tháng – bài ca đấu tranh vì hòa bình thế giới, nay tròn 50 năm tuổi – Bài ca gắn liền tên tuổi Điện Biên Phủ – Hồ Chí Minh.

Kim Ngân (STSV) sưu tầm

0 comments to "The Ballad of Ho Chi Minh và tình cảm của Ewan MacColl với Bác"

Leave a comment