Tết đến, đó là khi ta thấy những cành đào, cành mai khoe sắc như rạng rỡ hơn dưới ánh nắng ngày xuân.
Tết đến là khi ta vô tình bắt gặp ở đâu đó một bài hát quen thuộc, những âm điệu rộn ràng báo hiệu mùa xuân đã về.
Tết đến là khi ta nhận điện thoại từ quê gọi ra. Là bà, vẫn một câu hỏi quen thuộc “khi nào cháu gái của bà về quê ăn tết?” Ta cười hiền như thay cho câu trả lời với bà, cũng là thay cho một lời xin lỗi nữa.
Mấy ngày nay trời Sài Gòn trở lạnh, nhưng đâu thể giá buốt bằng cái rét quê tôi. Nhớ quê da diết. Đã 5 năm rồi chưa về thăm quê, thế nhưng kí ức về nó khiến tôi cảm tửơng như mới ngày hôm qua. Thả hồn cùng với kí ức, cứ tưởng như đang nằm trên võng ở một góc vườn giữa một buổi trưa yên tĩnh. Như ngửi thấy mùi thơm thơm của ngày mùa, mùi nước chè xanh ông hay pha bằng nước giếng khơi, hơi ấm của tách trà như làm ấm lòng người trong những ngày đông giá rét.
Có câu “đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết” . Tết đối với mỗi người dân Việt Nam là một cái gì đó hết sức thiêng liêng. Và đối với những người dân quê thì nó lại là một dịp hết sức trọng đại. Theo hồi tưởng của bố tôi, Tết là dịp mà mỗi đứa trẻ hồi đó rất thích. Ba ngày Tết là những ngày duy nhất trong năm mà bố được ăn những chén cơm đúng nghĩa, nói là đúng nghĩa vì nó không độn thêm khoai hay bobo. Bố nói, đối với cuộc sống thiếu thốn như hồi ấy, thì như vậy đã là một hạnh phúc.
Tết của bố ngày xưa với cái Tết của tôi thật khác. Cái tết của tôi không đến nỗi thiếu thốn như cái Tết của bố, thế nhưng cảm giác háo hức khi Tết đến thì sao giống nhau đến vậy. Từ nhỏ, những đứa bé như tôi đều mong Tết. Đơn giản, Tết là dịp chúng tôi không phải đi học, luôn được đi chơi và nhất là được nhận những phong bao lì xì từ tay ông bà, bố mẹ. Những phong bao đỏ may mắn vẫn là điều không thể thiếu được đối với mọi đứa bé trong những ngày Tết. Lớn rồi mà lúc nào được nhận lì xì, chẳng hiểu sao thấy vẫn thích.Mẹ bảo “con gái lớn rồi không được nhận lì xì nữa đâu, mai mốt lại phải lì xì lại cho các em đấy”. Tôi tiu nghỉu khi nghĩ đến một cái tết nào đó không nhận dược phong bao lì xì đỏ, như thế thì còn gì là Tết nhỉ? Thế nhưng bà tôi lại nói, đối với quê mình chỉ khi nào tôi lập gia đình thì mới hết được nhận lì xì thôi. Tự nhiên con bé trong tôi lúc đó có những ý nghĩ ngộ nghĩnh là sẽ không bao giờ lấy chồng để luôn được bà lì xì mỗi khi tết đến. Giờ nghĩ lại mới thấy buồn cười, hồi xưa mình trẻ con thật.
Tết khắc sâu trong tâm trí của mỗi đứa trẻ quê là một bức tranh đầy màu sắc, với “bánh chưng xanh”, với “câu đối đỏ”, với “cành mai vàng”. Nói là như vậy thôi, chứ quê tôi ở miền Bắc, làm gì có cành mai vàng rực rỡ, có chăng chỉ có những cành đào với sắc hồng dìu dịu, sắc hồng như đôi má ửng hồng của cô thiếu nữ mừơi tám. Những ngày gần giáp tết thật nhộn nhịp, bà và mẹ hối hả chạy lên chợ, nào là mua chậu quất cành đào về chưng ba ngày tết, nào là mua ít thịt, ít đậu gói bánh.Thích nhất là khi tôi đựơc bà ưu tiên làm cho cái bánh chưng nhỏ xíu có buộc chỉ đỏ xung quanh rất dễ thương mà năm nào bà cũng làm cho tôi. Nói theo lời của bà, đó là chiếc bánh chưng có một không hai, chỉ có nếp (không hề có miếng thịt nào cả vì ngày xưa tôi là con bé kén ăn lắm. Tôi chả bao giờ ăn được hết dù chỉ là một nửa cái bánh bình thường và đặc biệt luôn chừa phần thịt ra. Mẹ lúc nào cũng la nhưng tôi không bao giờ bỏ được cái thói quen ấy). Cái bánh không nhân ấy năm nào bà cũng làm cho tôi,như một món quà may mắn, lấy lộc đầu năm..Tôi nhớ, lúc nào tôi cũng đòi thức ngồi canh bánh chưng cùng bà. Chả biết có canh được cho bà nồi bánh chưng không, chỉ biết là một lúc sau là tôi đã ngủ khì, khi tỉnh dậy thì thấy trời đã sáng và đã nằm trên giường của bà mất rồi. Cái bánh chưng của bà thật giản đơn mà sao đối với tôi nó ngon đến vậy. Những chiếc bánh chưng thành phố tuy lúc nào cũng nhiều chất, đầy thịt và đậu nhưng sao vẫn cảm thấy không bằng chiếc bánh quê, vì dường như nó vẫn thiếu một cái gì đó…
…………………………………………..
Miên man suy nghĩ về cái tết ngày xưa, thấy không ngờ mình nhớ quê nhiều đến vậy. Năm năm rồi tôi chưa về quê, phần vì tôi bận học thi, phần vì ba mẹ tôi bận việc quá không thu xếp được. Thế nhưng chắc chắn năm nay tôi sẽ về. Về với quê tôi, quê hương của những cánh đồng lúa, về với con trâu,mái rạ. Về với chiếc bánh chưng nhỏ xíu của bà. Về với cái tết quê, tuy thiếu thốn hơn thành phố nhưng đầy ắp tình yêu. Về để biết không đâu bằng quê hương mình. Về để thấm thía tình cảm của những người dân quê chân chất, để thêm yêu tấm lòng quê mộc mạc nghĩa tình .
…..Bà ơi… Tết này…cháu sẽ về…
Lời ngỏ
Lại một cái Tết nữa sắp đến, bài viết này xin gởi đến cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những đứa con xa quê, những đứa con lớn lên từ cây lúa củ khoai, từ đồng quê mái rạ, luôn trông ngóng một ngày trở về với đất mẹ. Dẫu biết bài viết này có thể không hay, thậm chí đôi lúc tôi cảm thấy rằng nó như một dòng kí ức xáo trộn không theo trật tự nào. Nhưng thật lòng, tôi vẫn muốn chia sẻ với tất cả mọi người, coi như đây là món quà của đứa con ở thành phố gửi đến cho những người dân quê mình.
Cảm ơn và hi vọng rằng một cái Tết thật nhiều niềm vui và hạnh phúc sẽ đến với tất cả mọi người.
******************
VŨ THỊ MINH HÀ_LỚP 32_K35
"Được thực hiện bởi STSV-www.sangtacsv.com"
...hay mà em!...
Pe Hà viết hay wa!
Bạn đang yêu!! Người ấy của bạn đang giận bạn!!! Bạn có thắc mắc về tình yêu. Bạn đang có tâm sự về công việc, học tập, nghề nghiệp, con cái, sức khỏe…Hãy gọi số: 1900 599 953 để được tư vấn . 1900 599 953 chúng tôi luôn lắng nghe tâm sự của bạn.