Nhật ký, ngày…tháng…năm 2009
Ở đây mặt trời lên cao từ rất sớm, mới 5 giờ thôi mà mọi hoạt động của buổi sáng đã diễn ra rất nhộn nhịp. Tại căn nhà của bác Xuân ở ấp Soor rung, tiếng cười đùa nói chuyện râm rang của các chiến sĩ làm không khí buổi sáng ồn ào hẳn lên. Mười người mỗi người một việc, người giặt đồ, người quét sân, người lui
cui trong gian bếp nhỏ chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Mùi khói, mùi củi ẩm, mùi than hòa trộn với nhau cùng tiếng nổ lách bách trong bếp lò nhỏ làm ấm nóng cả một gian bếp. Con người trong khung cảnh ấy bỗng trở nên đẹp đẽ hơn, đôi má hây hây ửng đỏ của những bạn gái, gương mặt ngơ ngác còn ngái ngủ của các bạn trai, những lời chọc ghẹo qua lại, những tiếng cười đùa, tất cả mọi thanh âm của cuộc sống bật ra liên hồi làm khuấy động một ngày mới. Công việc bắt dầu từ sáng sớm, hai chiến sĩ một nam một nữ đèo nhau trên chiếc xe đạp thực hiện chương trình phát thanh buổi sáng, bản tin của một ngày hoạt động cùng những kế hoạch lớn trong tuần vang dội trên loa thông tin đến với mọi nhà. Càng về sáng mọi hoạt động càng diễn ra ráo riết hơn. Công việc ăn sáng nhanh chóng kết thúc, chiến sĩ cũng đã sẵn sàng trong những bộ quần áo chỉnh tề cho một ngày làm việc mới.
Kế hoạch làm việc được phân công cụ thể cho từng người vào mỗi ngày. Người đi dạy học, người đi tuyên truyền hay vận động. Từng tốp người lần lượt rời khỏi nhà bắt tay tực hiện công việc của mình.
Tốp đi dạy học là đông vui nhất, sáng nào cũng vậy, trong cái không khí lành lạnh còn âm ẩm mùi sương, tiếng gọi nhau í ới của các bé thiếu nhi hòa chung với tiếng hát hăng say của các chiến sĩ, cứ thế mà một đoàn rồng rắn nối đuôi nhau cung tới lớp học. Có lẽ không có một lớp học nào đặc biệt và vui như lớp học mùa hè xanh. Lớp học thực chất là hiên nhà của một người dân tốt bụng cho mượn, được các chiến sĩ cùng nhau cải biến, trang trí nó thành một lớp học, buổi sáng đó là lớp nhưng buổi tối bàn ghế lại được kê sát lại biến thành nơi dạy học cho thanh niên hay cho các bé thiếu nhi. Lớp học đặc biệt còn ở chỗ học sinh đủ mọi lứa tuổi, từ mẫu giáo, sắp lên lớp một cho tới lớp tám, lộn xộn vậy nhưng lớp học lúc nào cũng vui, đầy ắp tiếng cười, những tiết học không bao giờ khô cứng mà qua các thầy cô chiến sĩ nó trở nên hấp dẫn, đầy thú vị. Nhớ gương mặt các bé hăng say trong các bài toán sử dụng công thức được thầy đặt tên là “phép toán thần tốc”, nhớ đôi mắt chăm chỉ, đôi tay cặm cụi trong giờ làm văn với đề tài tả lại anh chị chiến sĩ mà em yêu mến. Mấy đứa nhóc thường ngày tinh nghịch vậy nhưng khi làm văn thì tình cảm lắm, nhất nhất bài đứa nào cũng có câu “em rất yêu quý các anh chị chiến sĩ”. Đọc bài mà thấy thương mấy đứa ghê, lời văn ngô nghê, giản dị nhưng đều là thật lòng cả. Bất chợt nghĩ chỉ còn vài ngày nữa là phải xa mấy đứa tự dưng lại thấy muốn rưng rưng nước mắt.
Buổi trưa, tầm 10 giờ30 phút, lớp học mùa hè xanh kết thúc bằng một bài hát, cô trò lại cùng nhau nối đuôi ra về. Con đường quen thuộc lại vang lên những lời ca hát líu lo.Thích nhất là mỗi lần đưa các bé về nhà, mỗi lần đi như vậy được bà con thương gọi vào người cho thịt, người cho cá, nhớ nhất là ao cá nhà chị Hường với nhà bé Sương, ao rộng, nhưng cá thì ít, vậy mà chị lúc nào cũng nhiệt tình bảo với chiến sĩ: “Khi nào thích thì cứ qua nhà chị mà câu cá, cá bên này nhiều lắm!”. Vậy là mấy buổi trưa có thêm món canh chua cá cùng với món cá chiên. Ở đây, trái cây thì nhiều vô kể, ngày nào cũng được cho bao nhiêu là đu đủ, ổi, khế, mía, chuối… còn rau thì bát ngát, lúc rau ngót, khi rau đay, bạc hà còn có thêm rau càng cua làm gỏi nữa. Bữa trưa toàn là thức ăn dân dã cả nhưng qua sự chế biến của bộ phận hậu cần món ăn nào cũng trở nên ngon tuyệt, đứa nào cũng tranh nhau ăn, thịt cá thì ít thôi, nhưng rau quả thì nhiều, mọi người hay đùa nhau đặt những cái tên ngộ nghĩnh cho món rau như “Rồng xanh vượt đại dương” (thực chất là rau muống xào), “Rồng đất” (là khoai mì luộc) hay như món “Gà heo xào tôm” (là những trái bắp vàng, rất cứng, người dân thường dùng cho gà ăn, bắp này luộc hay nướng lên thì cũng ngon tuyệt), nhờ vậy mà trong bữa ăn lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười.
Sau một tiếng nghỉ ngơi cả đoàn lại tiếp tục với công việc buổi chiều. Chiều nay mọi người cùng nhau đi sửa đường cho ấp. Con đường ở trước nhà mình lầy lội và khó đi, mỗi lần trời mưa chỉ có cách duy nhất vén quần mà lội qua. Chiều nay trời mưa, mưa như muốn thách thức chiến sĩ, mưa thật to một lúc rồi tạnh, chiến sĩ kéo nhau đẩy xe rùa đi nhặt đá, nhặt chưa đầy hai xe thì ông trời không biết nóng giận gì mà lại mưa tiếp, mưa như trút nước. Mặc kệ, mưa làm sao sánh lại được với sức trẻ, mưa làm sao quật ngã được những chàng trai cô gái đầy nhựa sống ở cái lứa tuổi đôi mươi xinh đẹp. Mưa cứ rơi nhưng trong màn mưa ấy những cô gái đầu cột tóc cao đội nón tai bèo, quần xăn dưới gối vẫn cùng nhau miệng cất lên những bài ca tình nguyện, vẫn thoăn thoắt nhặt đá ong, đẩy xe rùa, bàn chân trần đạp trên đất đỏ, ai có thể nghĩ rằng những đôi tay ấy thường ngày chỉ quen với cán bút hay lóc cóc trên bàn phím máy tính, nhìn vậy ai còn dám nói con gái chân yếu tay mềm.
Bọn con trai thường ngày cứ hay nhí nha nhí nhố vậy nhưng đụng việc lại làm rất giỏi. Lấy sức mình ra mà đua với sức thiên nhiên, ba chàng trai duy nhất của điểm ở tay cầm búa đập từng hồi mạnh mẽ san bằng những tảng đá ong, nước mưa hòa cùng mồ hôi, ướt đẫm quần áo và mặt mày, môi đứa nào cũng tím tái cả, nhiều lúc tay dính bùn quệt ngang làm lọ lem gương mặt, miệng vẫn cứ cười rạng rỡ và hăng say với công việc, bàn tay cứ đều đều nện xuống đất đá, nhìn mà thấy thương mấy chàng quá đỗi.
Đoạn đường hoàn thành lúc trời đã sẩm tối, đứa nào cũng mệt đừ người, tay chân mang đầy thương tích, bị đá cắt, bị gai đâm… Khoác vai nhau nhìn lại đoạn đường mọi người cùng thở phào nhẹ nhõm, đoạn đường thấm cả máu lẫn mồ hôi, công sức của chiến sĩ, nhưng từ nay người dân và các bé thiếu nhi sẽ không còn phải khổ sở chịu đựng cảnh đoạn đường lầy lội và khó đi ấy nữa. Mưa vẫn cứ rơi như để kiểm định thành quả của con người và chắc rằng mưa sẽ phải thua cuộc…
Công việc của ban ngày kết thúc trước 6 giờ chiều. Lúc này tại nhà bác Xuân rộn ràng tiếng trống múa lân của các thanh niên cùng các chiến sĩ. Chiều nào cũng vậy, cứ tầm này là thanh niên trong ấp lại tập trung tại nhà bác Xuân dể nhờ chiến sĩ hướng dẫn múa lân. Tiếng xập xình của trống, tiếng hò tập động tác, tiếng bước chân mạnh mẽ, dứt khoát xuống đất hòa cùng tiếng cười đùa nói chuyện, í ới kể cho nhau nghe công việc trong ngày… Mọi âm thanh náo nhiệt tạo nên cái không khí rất riêng của buổi chiều. Mọi hoạt động chậm dần, không hối hả cũng không gấp gáp nhưng rất liên tục. Phía đằng nhà bếp lại nghi ngút khói của bữa cơm chiều. Cho tới khi mặt trời lặn dần rồi mất hẳn, bầu trời đêm bị bao trùm bởi một màu đen tuyền, nhung thẳm, những ngôi sao lần lượt xuất hiện, bữa cơm chiều được hoàn tất là lúc mọi người lại tiếp tục với công việc của mình. Buổi tối là những buổi sinh hoạt cùng thiếu nhi hay thanh niên, trên con đường làng yên ắng đám người kéo nhau lần lượt đến nhà bác Thạch Năng, con đường đêm thơm nức mùi cây cỏ, thỉnh thoảng lại lấp lánh ánh sáng của đom đóm, mấy đứa mê phim Hàn hay kháo nhau đó là đom đóm mùa hè mang lại may mắn cho người khác. Vậy là mỗi đêm khi đi về chỉ thích đi chậm lại để hưởng cho trọn cái cảm giác yên bình nơi đây.
Công việc của một ngày chỉ kết thúc sau khi đã họp điểm ở để bàn bạc kế hoạch cho một ngày làm việc sắp tới, rút kinh nghiệm cho những hoạt động vừa qua, nhiều đêm cuộc họp kéo dài tới tận tối khuya sau đó mới có thể đi tắm. Lúc đó mắt đứa nào cũng híp cả, đặt mình xuống giường là ngủ ngay lập tức, có đứa mệt quá đi đánh răng vào chỉ kịp cất đi cái bàn chải xong là đổ oạch xuống chiếu ngủ lúc nào không hay. Chỉ thương cho mấy nhóc còn lại dù cũng buồn ngủ lắm nhưng cũng ráng căng mắt ra mắc cho xong tấm mùng để bạn mình khỏi bị muỗi đốt. Vậy đó, chiến dịch mùa hè xanh nó đẹp cũng là ở chỗ đó, không chỉ đẹp ở sự cống hiến hết nình của những trái tim trẻ ngập tràn sức sống, nó còn đẹp bởi ẩn trong nó là những tình cảm thắm thiết giữa người dân địa phương với các chiến sĩ, giữa những người bạn, những người đồng đội với nhau. Nó gắn bó đem mọi người xích lại gần nhau hơn. Vậy nên trong chiến dịch thấy ấm lòng hơn khi bắt gặp một cử chỉ lo lắng dù chỉ nhỏ thôi. Khi một bé năm nhất bệnh, trán nóng bừng và cứ ham hấp sốt suốt từ sáng, thế mà con nhóc cứ im thin thít không nói, đến chiều mệt quá nằm lả đi trên giường làm cả nhà lo sốt vó, đứa thì cạo gió, đứa thì nấu cháo… có lẽ do quá xúc động trước tình cảm của mọi người mà tự dưng ngày hôm sau bệnh tình thuyên giảm luôn, sáng sớm lại tiếp tục tung tăng đi dạy học, đi làm đường. Rồi có nhiều khi mệt quá đang ngồi viết bài mà hai mắt cứ muốn nhắm lại, dù cố thế nào cũng không mở ra nổi, rồi ngủ quên lúc nào không hay, có một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên đầu vỗ về, choàng thức giấc nhận được nu cười quan tâm của đối phương thấy ấm lòng đến lạ… còn nhiều, nhiều lắm những cử chỉ quan tâm ân cần. Nhờ đó mà mỗi người lại có thêm động lực để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Một ngày của chiến dịch mùa hè xanh luôn kết thúc đầy ý nghĩa. Một ngày đối với mình là một trải nghiệm, hôm đó mình đã học và đã làm được những gì. Hai mươi ngày không phải là quá dài và chắc chắn mỗi ngày của chiến dịch là một ngày mình đã cho đi và nhận lại rất nhiều. Tự hào khoác trên vai áo xanh tình nguyện và tự nhủ mình phải sống cho xứng đáng với niềm hy vọng và niềm tin của mọi người cũng như của chính bản thân mình.
Phạm Mỹ Linh
Chiến sĩ đội hình chuyên thông tin
Bài viết từ xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh
0 comments to "Nhật ký một ngày của mùa hè xanh"