Breaking News

Tran Chi Thien Tran Chi Thien

Home , , � Càng cháy càng phát

Càng cháy càng phát

Đêm qua, ở buồng tôi, cha vô ý làm cháy toàn bộ số phim mới chụp. Lúc đó đang tối đen, cha lấy phim khỏi máy rồi mà không hiểu sao lại đưa tay ấn công tắc điện. Bóng đèn bật sáng, cha nhận ngay ra là đã muộn, khi đó chân tay cha tê cóng, mồ hôi nhỏ từng giọt lớn. Mười mấy giờ làm việc, chỉ trong giây lát đã đi tong.

Cha về phòng vẽ, bắt giá vào máy ảnh, cố chụp lại để tới sáng còn kịp rửa phim, lúc đó đã ba giờ rồi. Muốn có cuốn sách ảnh đẹp, không thể chụp cẩu thả.

Rất nôn nóng, song cha phải luôn tự nhủ mình không được nôn nóng vì chỉ lại một sai lầm nhỏ cũng ảnh hưởng tới chất lượng sách.

Cha đã rất mệt, nhưng trước ống kính không dám thở mạnh, vì hơi nước hay mồ hôi tay đều làm hại ảnh.

Cha như robot, giữ tốc độ máy ổn định, bật đèn, lấy góc, điều chỉnh tiêu cự, sắp đặt lại tranh. Nhờ đã làm một lần, mà quan trọng nhất là quyết tâm không để hỏng, cha không còn phải chụp chụp, chỉnh chỉnh như hồi sáng nữa mà làm được liền một mạch.

Tất nhiên giờ cha vẫn tiếc số ảnh bị hỏng, thế nhưng hỏng thì đã hỏng rồi, chữa thì đã chữa rồi, vậy thì lấy thất bại hôm nay để làm kinh nghiệm cho hôm sau liệu có được không?

Vẫn muốn biết phim bắt đèn thì thế nào? Cha đem rửa tất cả số phim hỏng. Con biết không, khi đem ảnh đến cho nhóm người làm nhiếp ảnh xem, họ đều cười: “cháy cả rồi!”.

“Vì sao anh biết đó là phim hỏng mà không phải chụp hỏng?”

“Bởi vì chúng tôi đều từng bị như vậy”- tất cả cùng cười to.

Họ đều là nghệ sĩ nhiếp ảnh, cũng từng vò đầu bứt tai, ngồi trong buồng tối mà mồ hôi vã ra, chân tay tê cứng.

Hầu hết những người thành đạt đều từng chịu thất bại: dường như đằng sau mỗi nụ cười chiến thắng rạng rỡ bao giờ cũng là giọt nước mắt cay đắng. Nhưng cuối cùng họ biết gạt nước mắt đứng dậy, tiếp tục cuộc đua tranh, nếu không họ là kẻ thất bại thực sự.

Hồi bé, nhà cha ở bị cháy rụi, rất nhiều người đến an ủi: “Không sao! càng cháy càng phát!” từ đó cha hay nghĩ về câu nói đó, không hiểu vì sao nhà cửa cháy sạch mà lại phát đạt được?

Lớn lên, cha được thấy hiều người “thu nhặt tro tàn, dựng lại giang san”. Cha từng gặp một người họ Lưu là kiều dân ở Nhật, khi ông ta chạy khỏi Nhật thì gia sản đã mất hết. Ông ta phải bán cơm bình dân để nuôi vợ và con. Gom góp mãi mới mua được một cái quạt máy, nhưng chỉ để cho khách dùng, còn ông ta chịu nóng trong căn bếp chật chội khiến hai nách mọc đầy nhọt, hai khuỷu tay thì trầy xước vì va vào tường.

Thế nhưng hơn hai mươn năm sau, ông ta có trong tay một dãy nhà hàng liên hoàn, doanh thu mỗi năm hàng triệu đô-la. So với tài sản ngày trước mất đi, ngày nay không chỉ phục hồi, mà còn hơn gấp bội.

Cha cũng quen một người từng táng gia bại sản, phải đi làm nhân viên quèn, thế nhưng ở công ty mới, ông ta đã tỏ rõ năng lực, được cất nhắc lên vị trí rất cao.

Hai nước Nhật và Đức, từ sau chiến tranh bị tàn phá tan hoang, đã vươn lên thành quốc gia có nền kinh tế phồn thịnh, khiến có người phải thản thốt lên:

“Rốt cuộc ai là kẻ chiến bại?”

Cuối cùng cha hiểu được: thất bại không thể hủy hoại ý chí của kẻ thua cuộc cũng như kỹ thuật của nhà công nghiệp hay kinh nghiệm của nhà quản lý.

Một người trắng tay càng có điều kiện bắt đầu lại từ đầu, anh ta không còn vương vấn với quá khứ. Hiện tại rất nghiệt ngã, song nó lại kích thích tiềm năng, đề ra kế hoạch mới. Thất bại tuy đau đớn, nhưng nó cho thêm kinh nghiệm tránh vết xe đổ. Nó cũng như mười mấy giờ chụp ảnh đi tong của cha, đến lúc làm lại chỉ cần hơn hai giờ là hoàn thành, thậm chí còn tốt hơn!

Như thế, thất bại ê chề có thực là thất bại không? hay nó chỉ là bắt đầu của thành công mới?

Con sau này cũng có thể phải chịu thất bại như vậy, thì xin con trong lúc chân tay tê cóng, mồ hôi đổ giọt lớn hãy nhớ đến lời cha dặn!

theo Sáng tạo bản thân

0 comments to "Càng cháy càng phát"

Leave a comment