Breaking News

Tran Chi Thien Tran Chi Thien

Home , , � Thầy xưa

Thầy xưa

-Tùng,20-11 này có về trường không?
-Về sao không..
Lần thứ 2 tôi hứa với nhỏ Trâm,con bạn học chung cấp II và III, cũng như với chính mình: sẽ về, nhất định sẽ về.
…20-11-07 và 20-11-06 y chang nhau.
Tôi bỏ lỡ ngày đó tức là bỏ lỡ một cơ hội được tương phùng “cố nhân”.
Biết sao được,tôi hay đổ thừa, tại ý trời thôi…
... Mà ý trời thiệt,20-11-06, mẹ tôi bị bệnh nặng nhấc người không nổi. Nhà có ba người,mẹ đảm tất cả mọi việc bếp núc, buôn bán, chị thì phải làm việc theo giờ hành chính-đi từ tám giờ sáng, rời công ty năm giờ chiều.Công việc quan trọng trong ngày quan trọng đối với tôi là : giúp mẹ trông quán,thay mẹ việc nhà. Chị tôi về nhà lúc sáu giờ rưỡi tối .Sài Gòn lúc nào cũng kẹt xe vào giờ người ta hối hả muốn về với gia đình nhất ,dù có thể về để lại tiếp tục đi đâu đó.
-Mẹ sao rồi em?Đỡ chưa?
-Mẹ ăn cháo,uống thuốc và ngủ rồi.
-Ừ,ngủ để lấy lại sức. Mấy bữa nay đủ thứ chuyện nên mẹ mệt quá mà.
-…
-Em ở nhà canh quán nghen.Chị đi đây, phải qua nhà Thầy Hùng và Cô Ngọc. Tụi bạn chị đang đợi nè.
-…
Đi toi một ngày Hiến Chương Nhà Giáo.
…20-11-07
Kế hoạch lần này, tôi sẽ đạp xe với nó để về trường cấp III, sẵn tranh thủ thăm lại ngôi trường nhỏ bé cấp II yêu dấu. Còn trường tiểu học và cả “ngôi nhà” mẫu giáo đều đã bị di dời đi xa từ lâu rồi, từ ngay sau khi tôi “tốt nghiệp” ra trường, nên biết đường đâu mà thăm với hỏi.
Buổi tối, chỉ việc ở nhà để nói chuyện…qua điện thoại với Thầy Chương.
Nhưng tối đó tôi không đủ hơi để thưa thốt với thầy, vì tôi sốt.
Sáng đó, Trâm tranh thủ qua nhà tôi lúc tám giờ.Tội nghiệp nó ghê,thay vì ngủ nướng cả buổi sáng vì được nghỉ học cả ngày,nó lại hy sinh đến nhà tôi sớm vậy. Cũng tội nghiệp tôi ghê,nằm sốt mê man…mà lòng cứ chộn rộn tính chuyện, như vầy làm sao mà gặp thầy cô, rồi bạn bè, để còn làm vài “tăng” ăn uống, dạo phố phường nữa chớ.
-Mày vầy thì tao đi một mình nhe.
Con này,…không âm thầm lặng lẽ mà đi ,mặc xác tôi. Nó làm tôi tủi.
Tủi sao không. Nhớ trường quá. Nhớ thầy Tuấn,cô Thanh,nhớ Thầy Sơn,thầy Hùng, cô Lý-những người ám ảnh đời tôi qua lăng kính màu xám ngoét,màu của những lúc da mặt biến dạng do vã mồ hôi quá chừng!
Nhớ tụi bạn trong tổ cấp III bon chen thống nhất ý kiến chung,đứa nào không về trường đứa đó….bị mất phần quà sinh nhật của cả nhóm. Tụi này thiệt ác,sao tụi nó không nới rộng lời giao ước đó thêm vài chữ:trừ trường hợp ý trời không thuận chứ!
Nhớ nhiều quá.Nhiều như một mớ bòng bong trong tôi lúc này. Những kỷ niệm thường vẫn không theo một trình tự nhất định,không sắp xếp ngăn nắp và có trật tự như những cuốn sách ở thư viện. Nó chạy lung tung từ cấp III xuống cấp I ,rồi lên đứng lại thiệt lâu ở cấp II và ngoái nhìn thời mẫu giáo sún răng. Nó hệt như tôi,lung ta lung tăng chẳng có quy củ, nguyên tắc gì.
Hồi tôi gặp thầy Chương là hồi lớp Bảy. Nhưng hồi tôi nhớ nhất là hồi sáu tuổi.Chuỗi thời gian này không liên tục mà bị đứt quãng ở khúc giữa, bởi một khoảng không đen ngòm,u ám. Tuy vậy, hai chuỗi rời rạc này có liên quan mật thiết,nó kết nối tôi từ chỗ tối bước ra vùng sáng.
…Con Phương nói-tao năm tuổi vẫn không thèm học thêm, lớp lá lớp chồi gì hết, vô thẳng lớp Một làm lớp trưởng gương mẫu hẳn hòi. Buổi đầu đi học vầy cũng hoành tráng hen. -Con này nói quá, không học thêm vì ba nó là thầy giáo cấp II. Không lẽ, không rèn được nó sao?
Tôi không thèm phản biện lại nó, mắc công nó quay lại chê thành tích lớp Một của tôi. Mắc công tôi là trò hề của nó.
Phải nói thêm, tiểu học không ngày nào mặt tôi không dính mực.Trừ lớp Năm ,nặng nhất lớp Một .Thường thì tay đứa nào chả lem hem mực,nhưng thói quen gãi mặt làm hại tôi hoài. Tụi bạn cười hô hố. Con nít sún răng,cười xấu hoắc.Tui đi một mạch tới chỗ ba. Định méc ba. -Ừ,phải rồi. Tại ba mà con bị ghẻ miết hồi ba,bốn tuổi gì đó,trong lúc mẹ bận đi trên những chuyến tàu buôn hàng, rồi miết tới giờ con thành tật nè. Chắc tại lúc đó nghĩ vậy nên tôi nín luôn,hậm hực trèo lên xe.
Đó là một ngày hiếm hoi, ngày cuối ba đến đón tôi,rồi thả tôi ở ngã tư gần nhà -đi bộ chục bước về nhà nghen con. Ba đi hen,mai ba bận rồi..chắc mốt gặp con nữa. Ngày mốt đó hơn chục năm sau mới tới, tức năm lớp Mười Hai, ba có về thăm tôi, dắm dúi một ít tiền, chưa kịp chia cho ba tiếng nghẹn, thì ba đi.
Đi bộ là chuyện nhỏ, nhờ kinh nghiệm bị lạc lúc Ba tuổi rưỡi ở ngã tư,do chạy theo một cô dám ôm ba tôi, nên từ đó tôi có tiến bộ trong việc đi bộ lắm.
Tôi không ưa cô đó,nhưng tôi chả nhớ nổi mặt cô đẹp hay xấu,chỉ biết có cô thì ba không về với mẹ nữa.Cũng không thèm về với tôi,ngày ông xách vali đi một mạch ra cửa, lúc đó sáu tuổi, tôi đưa con mắt ngu ngơ rồi buột miệng-ba đi chơi hả ba, về nhớ mua con tắc kè hoa nha ba. Ừ,ba quay lại thiệt nhanh nhìn tôi, rồi thiệt nhanh đi lên xe của ba,như sợ tôi đòi theo ông vậy.
Tôi đâu thèm theo ba, tôi có mẹ. Mẹ dạo ấy kiệm lời với mọi người,với tôi.Mẹ hay khóc mỗi ngày một lần (chắc vậy).Nên tôi phải ở lại để cho mẹ ôm mỗi khi khóc.Thường sau đó mẹ dắt tôi đi sở thú.
Nên tôi nhớ cái buổi ra đi chóng vánh của ba,suốt đời.
Sau đó,ba về vài lần để đón tôi từ trường tiểu học về nhà,ít ỏi đến nỗi chẳng có dấu ấn gì cắm vào trí nhớ nhỏ bé của tôi.Và những câu hỏi như, ba đi lâu vậy, sao không về ngủ với con, vân vân và vân vân, đều không có câu trả lời.
Một lần thằng Nguyên ở hẻm gần nhà tôi,học chung lớp nên nó léo nhéo với tụi trong lớp-con Tùng bị ba bỏ,lêu lêu. A ha,tôi méc mẹ nó chuyện nó ăn cắp kẹo,bị một phát vào mông rồi giờ chơi xỏ tôi.
-Ba tui đi làm đó nghen.(nói dóc đó,có biết gì đâu)
-Bị ba bỏ,lêu lêu.
-…
Tình huống này lặp lại thường xuyên vào năm đó,rồi thưa thớt và rơi rụng vào năm lớp Hai.
Nhưng nó đeo tôi như con đĩa khát người vậy.
Sở dĩ tôi dài dòng kể vì thấy nó có tầm ảnh hưởng đến những năm sau này khi tôi lên lớp Hai,lớp Ba, đi qua lớp Bốn và kết thúc lớp Năm.Tôi luôn thuộc khúc cuối của lớp,học lực trung bình,hạnh kiểm trung bình. Bị phạt hoài vì điều gì không nhớ ,chỉ nhớ cô chủ nhiệm xếp tôi với thằng Nguyên thuộc tốp “hiếu động”,tôi ghét thằng đó, nên tôi không thích cô và tên cô cũng trôi tuột ở miền đen ngòm nào rồi,có ba trong đó nữa. Trong trí nhớ chắp ghép cẩu thả của mình, năm cô chủ nhiệm tiểu học đều na ná như vầy. Duy có mỗi thầy Thanh Tùng dạy Toán lớp Năm,tôi nhớ thầy vì thầy tên giống tôi, và thầy hay xoa đầu tôi như thể-con gái mà tên giống thầy ghê.Và tôi loại thầy ra miền đen ngòm,vì tôi muốn giữ hình ảnh ông xoa đầu tôi. Ba tôi ngày xưa hay làm vậy.
May mắn,tôi đậu vô trường công cấp II và dư hai điểm ngon ơ.Chắc trước hôm thi mẹ cho tôi ăn chè đậu đỏ,món khoái khẩu,nên hôm sau tôi đỏ dữ vậy.Hay tại được cô chủ nhiệm “chiếu cố” cho học phụ đạo cả ngày chủ nhật? Hoặc do mẹ tôi cũng là cô giáo ở “trường tiểu học” Hẻm Mười, nhờ học “ké” hoài nên tôi được vậy?- Đến giờ tôi vẫn hoài nghi, nhưng chưa cất công nghĩ ra lý do nào cho hợp lý. -Học sinh trung bình mà ngộ thiệt ta..Tôi thấy bình thường,có thằng Nguyên thắc mắc thôi. Nó bị vô trường dân lập,hơn nó tôi hả dạ quá chừng.
Tôi thích được thu mình trong thế giới của riêng tôi,thế giới không niềm tin,không lung linh màu sắc.Thi thoảng rùng mình khi thấy ba từ trong khoảng đen ngòm,lù lù hiện ra và dắt tôi coi con tắc kè trong sở thú, nó biến màu nhiều lần, y như ông vậy, không giữ được một màu ban sơ cho riêng mình,qua năm tháng.
Mọi cảm giác sau đó trở về vị trí của nó,rơi tõm vào mớ om tối.
Lên lớp Bảy, tôi vẫn chả biết sao mình phải đi học.Sao mẹ phải bòn từng đồng tiền bán quán cóc, sáng chiều trưng mấy chai nước ngọt,tối tối đem hũ rượu đế cộng vài chai Bia Chương Dương ra bán mấy ông quắc cần câu chi vậy, rồi phải còng lưng tuần năm bữa dạy chữ tụi trong xóm ngày ba tiếng,lúc chiều ế ẩm,để có tiền cho hai chị em đi học. Lớp có gần mười đứa thì có gần bảy đứa tiền phí không trả.Nhưng nhờ vậy,lễ gì nhà tôi cũng có lộc,mấy món đó đem bán hay xài cũng tận dụng được nho nhỏ khoản tiền.
Cái nghèo đóng thành mạng nhện,giăng kín cuộc sống ba mẹ con.Sau những chuyến buôn dài ngày,mẹ tôi mất tất cả. Nhưng mất mát lớn nhất,là ba xách cái vali chứa quá trời đồ,ra khỏi ngôi nhà cấp bốn.
…Phương chỉ học chung với tôi tiểu học,lên cấp II nó vô trường điểm.Một năm sau,tức lớp Bảy,nó ào ạt chạy qua nhà,hí hửng hỏi:
-Học Anh Văn với tao nghen mày?
Tôi học tiếng đó ở trường đã thấy ná thở rồi,học chi nữa cho mệt xác.
-Học đi,môn này quan trọng thấy mồ, tao nghe ba tao nói tương lai mình cần có Anh Văn nhiều lắm đó.
Tương lai,xì,tôi chả thèm quan tâm.Tới đâu hay tới đó.Nó nói chuyện giống bà cụ lo xa quá. Tôi chỉ thích đi học chung với nó, vì ngày nào cũng có kẹo bánh ăn.Vậy mới là nó, Phương sún mà.
-Thầy Chương,bạn ba tao,sẽ dạy tụi mình tuần ba buổi,ở nhà tao.
Nhưng,tiền đâu mà học thêm?..Phương tiu nghỉu…
Tôi không biết nó đã nói gì với thầy Chương, nhưng chỉ tuần sau,nó háo hức chạy qua lần nữa,kêu - mày đi học đi,thầy nói khi nào có tiền đóng cũng được.
…Tôi thường có thói quen lòng vòng,vì dở nói,vụng văn, thành thử nhân vật chính đến nửa câu chuyện chưa thấy dạng. Xuất hiện trong trường hợp này,đúng là không thể đặc biệt hơn được.Nhưng hễ nghĩ tới thầy,tôi nghĩ một mạch chuyện hồi bé tí. Kì quá. Hay tôi không bỏ được cách so sánh giữa hai cuộc đời của thầy và mẹ tôi,hoặc tôi tưởng thầy là miếng bông gòn tẩm thuốc đỏ, xác vào vết thương lớn ba lỡ làm trầy tôi, nên nhớ tới thầy, là nhớ thêm một sự chia cắt không nguôi?
Thôi,dù gì nỗi nhớ chỉ để nhớ,lôi những thứ thuộc thì quá khứ đơn mà day dứt, trăn trở hỏi tại sao hoài,nó đâu có trả lời lại được.
…Ngày đầu,khi tôi lết thết vào “lớp”-tức nhà con Phương, ập vào mắt là nụ cười ấm áp rộng mở của thầy. Lạ quá, sao thầy có nụ cười giống mẹ tôi ghê. Có phải những người cười đẹp như vầy thường tốt bụng,hay cho học trò ký sổ nợ vô thời hạn?-Nghĩ vậy thôi,chứ tôi không ham học Anh văn chút nào.Bài tập thầy cho mười câu,tôi không làm một câu.Bữa nào cũng vậy.Thành ra một tháng sau,khi thấy tôi tỉnh queo với đống bài tập miết, thêm thói quen ngày nghỉ ngày học xen kẽ,thầy kêu để thầy chở con về nhà nha.-Dạ…được chở vẫn sướng hơn đi bộ…nhưng đường thầy đi về với đường về nhà tôi ngược nhau mà.
Té ra,thầy muốn qua nhà tôi.Chắc thầy muốn coi gia cảnh tôi ra sao mà khiến tôi lười nhác như vầy.
Hình ảnh thầy thấy đầu tiên,là một bà mẹ ngoài tứ tuần, da bọc lấy xương, lăng xăng dạ dạ rót rượu đế bán theo yêu cầu của mấy ông nhậu- khi đó là buổi tối. Vài ba cái áo cũ mèm đang để trên cái ghế gỗ lóc chóc,chờ mẹ tôi khâu khâu vá vá cho lành lặn.
Tôi nhớ hình ảnh ấy,nó có ấn tượng lạ lắm, theo tôi đến bây giờ như một phần của máu thịt.Trên gương mặt thầy thoáng một nỗi buồn. Lúc đó,quay lại nhìn,phát hiện ra thầy đứng im. Định thưa thầy con vô nhà,rồi đứng im luôn, đứng im để nhìn thấy một đôi mắt sâu thẳm,nhìn thấy một người giống mẹ quá, cũng có đầy những nét khắc khổ trên gương mặt đen sạm.
Sau đó thầy không vào nhà,mà âm thầm quay xe về,không chào mẹ tôi-chắc thầy nghĩ giọng thầy không lớn bằng giọng mấy ông đang say túy lúy kia.
Sau đó nữa,tôi khám phá ra thầy còn nhiều điểm rất tương đồng với mẹ tôi.Chẳng hạn như, một hôm con Phương bị cảm,lăn ra ngủ khì ở cái giường cuối nhà, đang dạy tiếp thì quá khứ đơn,thầy xoay qua kể chuyện “ngày xửa ngày xưa”.
Chuyện ngày xưa,ngày Sài Gòn giải phóng,ngày thầy ba lô mũ nón trở về nhà sau những ngày :”Rộn bước hành quân,xẻ rừng đạp núi./Thiếu muối đói cơm đời vui đánh giặc”-(đang đà hào hứng nên tôi nhớ được hai câu trong bài “Đón các anh về” của nhà thơ Lê Ngọc Nam).Ngày đó, thầy tưởng tượng ra đủ niềm vui khi về với vợ trẻ con thơ, từ đây thôi chia ly đoạn trường.
Nhiều khi, thực tế dội những gáo nước lạnh vào mặt người ta những cơn buốt thấu xương,giật mình mới hay mình đang ngủ mớ, mơ toàn chuyện hoang đường.
Ngày đó,khi vừa đến nhà,sau vài lần gõ cửa không nghe, chuyển qua đập cửa thình thình, thì cô ra.Cô đứng trước mặt thầy .Nhưng cô không mừng rỡ mà ngạc nhiên,không cười reo mà ngượng nghịu,chắc cô ái ngại vì sau lưng cô,ở đằng kia,trên cái giường gỗ hồi xưa thầy hay nằm,giờ là người đàn ông lạ hoắc,đang ngáy khò khò.
Trời,phát hiện thêm một tình huống ly kỳ không kém tình huống của mẹ tôi, một người chờ đợi một người lãng quên.Nhiều lúc nghĩ tới chuyện đó,tôi vẫn đem câu thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa trong bài “Thơ tình người lính biển” ra mà so sánh:

Phút chia tay,anh dạo trên bến cảng
Biển một bên và em một bên

Vòm trời kia có thể sẽ không em
Không hiểu nữa chỉ còn anh với cỏ
Cho dù thế thì anh vẫn nhớ
Biển một bên và em một bên.
Lúc đi thì bịn rịn,quyến luyến…mà sao lúc về xa cách vầy chứ.Lúc này chắc là, thầy một bên còn cô và ông kia một bên,tuy ở gần trong gang tấc đó,nhưng xa vời vợi.Người lính biển kia hóa ra lại hạnh phúc,có thể sẽ không trở về,nhưng anh không đơn độc với những giấc mơ:”biển một bên và em một bên”.Còn thầy, thầy không thể trọn vẹn một giấc mơ xưa hoài.
Tôi không nghe thầy kể lúc lên đường,tình huống nó có lãng mạn kiểu vậy không,nhưng tôi chắc lúc đoàn tụ thì nhức nhối hơn rồi.
Thầy ngó cũng lãng mạn ghê. Đó là bài thơ tôi thấy trong cuốn từ điển to đùng thầy cho.Chắc thầy vừa tra từ điển vừa dịch thơ,dịch xong vui quá nên bỏ quên ở đó luôn.-Tôi đoán vậy.
Câu chuyện ngày xưa đang kể,giọng thầy giống mắc nghẹn cái xương cá vậy. -Rồi thì lặng lẽ ra đi,đem theo mình cái ba lô,con ngựa sắt cũ kĩ,qua nhà thằng bạn chí cốt. Đi lính về,không dễ làm nghề giáo như mong đợi,đành tìm mọi việc để làm,để có miếng cơm hai bữa, để nữa không ở đậu người ta hoài.
-Thầy đạp xe giao bia cho một đại lý.
-Bia gì vậy thầy?
-Bia Chương Dương.
-À, nhà con có mấy chai đó…giống nhau ghê.-Tôi chép miệng
-Giống sao?
-Ba con cũng có người khác,từ hồi con mọc răng sữa lận.
Thầy phì cười. Giọng cười nghe chua nghét, nụ cười thoang thoảng nét buồn.
-Mọc răng sữa mà rành vậy à?
-Vì con nhớ hao hao hồi mẫu giáo đã thấy ba đi theo người ta rồi.Suy ra là ông đã quen họ trước đó rồi.
-Suy luận hay quá vậy.
-Chớ sao thầy.
Thầy lại cười, giọng cười bớt chát rồi.
-Vậy giờ không kể nữa,học tiếp
Tôi chưng hửng-đang kể hay mà.
Đang muốn nghe tiếp những sự kiện sau đó,như thì hiện tại hoàn thành, từ quá khứ kéo đến hiện tại, biết đâu lại chưa chấm dứt thì sao.Tuy nhiên, lúc đó tôi chỉ hiểu thì quá khứ thầy vừa dạy thôi.Nhờ đó mấy ngày sau tôi làm được hết những câu bài tập quá khứ đơn thầy giao.
Không hiểu sao, tôi luôn bị ám ảnh, một ánh mắt sâu thẳm, và một nụ cười,” có ai cười hiền hậu như vầy không,chỉ tao coi”.Tôi khen câu đó với con Phương, nó nhe răng giễu cợt, mày mê thầy dữ vậy.Tao mê thầy thiệt, ước gì…thầy chịu làm ba dượng tao. Nhưng tôi không dám mở miệng với Phương câu sau.
Thầy không thấu nỗi lòng tôi. Ngày nào cũng giao một đống bài chia thì. Thầy hứa- chăm chỉ đi, kể con nghe nhiều chuyện vui.Tôi không thích học anh văn, cũng không thích chuyện vui, tôi thích chuyện buồn,chuyện ngày xưa,chuyện hợp tan. -Thì kể, nhưng khi nào có tiến bộ, chẳng hạn, không còn điểm dưới bảy.-Chẳng hạn, con không thể?.Thầy cười bí hiểm, mà khiến tôi xao xác, y chang cái xoa đầu của thầy Thanh Tùng.
Đó là một ngày mưa tầm tã,thầy ghé qua nhà, hỏi con Tùng đâu rồi chị.-Con nhỏ dầm mưa nên nhừ người cả ra,xin phép thầy cho nó nghỉ.Sau đó, tôi nghe tiếng đẩy xe,tiếng kéo ghế, tiếng rót nước cộng thêm tiếng mưa, hòa trong giấc ngủ mê mệt.Trong giấc mơ, tôi thấy thầy đi lấy vợ.
Trong thời gian dài thườn thượt của một ngày nghỉ học, nằm trên cái giường gỗ ọp ẹp, tôi chỉ mơ mỗi sự kiện đó. Nên tỉnh dậy, thấy não nuột quá, hết muốn đi học anh văn. Nói là nói vậy, chứ mẹ tôi hôm trước nghe thầy bàn gì đó, hôm sau bắt đầu điệp khúc hoài, con ráng học nghen con ; nào là, thầy đã dạy không,học không thành, tội lắm nghen ; rồi, cỡ gì cũng phải đi học đều nghen. Mẹ không hiểu tôi nản giấc mơ kia một,chứ nản điệp khúc này mười.
Nên tôi đi học chăm, học hăm hở hơn tôi bình thường, tuần đủ ba bữa, đều đặn như ngày ba bữa ăn cơm (chủ yếu với hột vịt sắm nước mắm) vậy.
Một nguyên do nữa, thằng lớp trưởng đẹp trai hôm trước, khen tôi sao “trùm” quá vậy, chín điểm anh văn luôn.Nó nói tiếng Việt, tôi nghe giống tiếng Anh quá chừng, xa lạ và lùng bùng lỗ tai.
Tôi làm mặt tỉnh-con chín điểm rồi.Thầy cũng tỉnh rụi,ừ,vậy hôm nay chúng ta học một nửa, một nửa giờ sau thầy thưởng con, thích gì?Thích nghe chuyện ngày xưa.- Trong trí nhớ bị sứt mẻ lỗ chỗ,do thời gian, cộng thêm tuổi tác, tôi chỉ nhớ thầy kể rất trình tự,rất nhiều,nó làm tôi mất nhiều công sức để thu nhận những vụn vặt, vào bộ não khá teo tóp của mình- đại khái, thầy đi bỏ bia Chương Dương cho người ta rồi đạp xích lô, rồi có tiền đi trọ ở một cái chuồng bồ cu bên quận sáu,rồi tiếp tục rong ruổi xích lô, sắm được chiếp cup tám mươi cũ rích do người bạn để rẻ ê hề, và, sau đó đổi nghề.-Thầy đi dạy học phải không?-Ừ.-Rồi sao nữa thầy?-Thì hết rồi.-Vậy là hết à?Kỳ dậy?-Ừ,có gì hay đâu.Muốn buồn rơi nước mắt mới không kỳ à?-Trời ơi,hôm trước con nghe thầy kể, buồn não nùng luôn, sao bây giờ..?-Bữa nay con chín điểm, sao buồn nổi. Hóa ra vầy, thầy giấu chi nỗi buồn kĩ quá, làm tôi quên mất niềm vui của thì hiện tại tiếp diễn.-Qúa khứ là những việc đã qua rồi, sao phải day dứt miết?-Thầy nói vầy,chứ ai chắc thầy thôi không da diết về câu chuyện kia?
Dạo nọ, sau thành tích chín điểm ngoài mong đợi, thầy Chương tới nhà tôi thường xuyên hơn. Cái này nghe hơi ngược đời một tí, thay vì học dốt hơn, mới phải tới nhà, như là để phụ đạo, là nhắn nhủ, đốc thúc phụ huynh chú ý con em hơn. Thầy tới vì lý do đơn giản,thầy thích nước trà nhà con,uống một lần hôm ghé qua hỏi thăm, tới nay còn vị trong họng.Thầy nói ai tin, tôi mừng húm khi nghĩ,thầy cảm mẹ con rồi bày biện lý do này nọ,chứ vị đâu ra mà ở miết trong họng?Công nhận,hết năm lớp Bảy,tôi tiến bộ ra phết, biết dò mạch tim của người khác.Mà trúng thì không thấy,chứ lên lớp Chín,giấc mơ tan tác.Tuy nhiên,đó là chuyện sau này.
Cũng khoảng đó, sau mấy lần chở tôi về và tiện thể làm một ly trà nóng-có lúc là trà đá, thầy không còn là khách đặc biệt nữa, mà là “ông Bụt” cho nhà tôi mỗi khi có ít trục trặc, như làm thợ mộc ,kiêm thợ điện,kiêm luôn thợ sửa…vòi nước nếu có thể. Thấy cái bàn xiêu xiêu vẹo vẹo thầy đóng đóng gõ gõ mấy phát,nó trở lại dáng đứng hùng dũng ngày đầu; thấy vòi nước chảy rỉ rả,như đứa nhóc vừa khóc vừa nhãy nước mũi tèm hem, thầy tháo ra vặn vặn rồi lắp vô, vẫn ngon lành như xưa ; thấy con chuột bóng đèn rờ hoài mà cứ đơ đơ, không chịu sáng, sau một hồi mày mò sáng tạo, đèn qua tay thầy như sáng hơn mọi ngày.
Thầy như vầy, hèn chi lúc đầu,hàng xóm không ai nhận ra là thầy giáo,hỏi mẹ tôi,bạn bà hồi xưa hả?hay người yêu cũ?có ruột rà gì không sao nhiệt tình,chu toàn quá vậy?ông này làm ăn gì sao nhìn tướng giống mần ruộng quá vầy?...đợi cho thắc mắc dồn lại thành một chuỗi dài, mẹ cười méo xẹo,thầy giáo con Nị (tức tôi) đó, nói lạng quạng thầy nghe,thầy hoảng chết.Hàng xóm cười hơ hơ, thầy giáo gì dễ thương, tốt bụng quá hén.
Tôi không thấy thầy dễ thương,nếu loại trừ nụ cười quá ư phúc hậu,khuôn mặt chỉ còn lại một màu khét của nắng cháy và nét khắc khổ với những nếp gắp, lăm le phô diễn vẻ ngoài xấu xí của nó.Tôi không thấy thầy dễ thương,từ cái dáng đi đến điệu ngồi khòm khòm đôi vai rộng,dáng thầy hợp với mần ruộng, làm rẫy hơn.Năm tháng xưa đã làm thầy ra vầy,hay ý trời đã an bài cái cực là cái dành cho thầy,nên dù có làm thầy giáo đáng kính,thì nhìn thầy cũng giống ông Hai dưới miệt nào.Cuối cùng,tôi vẫn không thấy thầy dễ thương tí nào theo cái nhìn “chuẩn” của thẩm mỹ ,và tôi giữ cách nhìn ấy trong miền nhớ cũng được đến giờ.
Nhận định đó chỉ dành cho khía cạnh “nhan sắc”, những gì còn lại thuộc “phi nhan sắc”, xin được gói ghém vào chữ bình dị và tận tụy. Sự bình dị dễ thấy nhất chính là những ngày thầy đến và giúp đỡ mẹ con tôi, gần gũi, và đơn giản là cho đi, không cầu nhận lại. Dù không đứng trên bục giảng với bụi phấn rơi lã tã, bên bảng xanh hay đen gì đó,không ngày ngày đến trường, được lũ học trò lố nhố chạy theo chào nịnh “thầy ơi, thầy, con chào thầy”, thầy chỉ dạy vài nhóm học lẻ tẻ chừng hai ba đứa, chủ yếu qua giới thiệu, người quen mà thành thầy giáo từ đó.Sự tận tâm không do vầy mà giảm vốn ý nghĩa của nó. Tôi lơ là không lo học,cúp cua thường xuyên,rồi thầy kể chuyện ngày xưa bôn ba, cực khổ, dần hồi mới ngấm, thầy kể chuyện thầy, mà như kể chuyện mẹ tôi, hóa ra tôi tệ mà tôi không hay. Còn chuyện tôi sợ từ vựng hơn sợ con…gián, thầy kêu gián hiền khô, sợ không căn cứ, từ vựng biết học, thành ra dễ chịu…như con gián vầy. Tôi không biết so sánh vầy có kỳ không, chứ học theo cách thầy chỉ, tôi hết sợ từ vựng…dù còn sợ con gián.
Ở đời, có hợp sẽ tan, có gần sẽ xa.Thành ra tôi chỉ được làm trò của thầy đến hết hè lớp Chín. Mốc cuối này có hai sự kiện khó quên,đánh dấu hai ngã rẽ khác nhau,thuộc hai cuộc đời khác nhau, hai con đường khác nhau, tôi vẫn tin, sẽ có ngày giao nhau tại điểm chung thôi.Trước tiên, thầy chọn đi trên con đường với một người phụ nữ trạc thầy, hoàn cảnh cũng dễ đồng cảm cho nhau, cuộc sống tuy không lãng mạn kiểu một túp lều tranh với hai trái tim vàng vì cô muốn thầy về nhà cô ở Long An, nơi đó có một mái nhà xinh, chắc chắn sẽ ấm hơn rất nhiều căn phòng thầy trọ, nơi đó cô muốn gắn bó cả đời mình. Thảng thốt nhớ lại giấc mơ năm xưa, thì ra, tôi có khả năng đặc biệt :nhìn thấu tương lai. Chưa kịp mừng với phát hiện mới này, đã nghe tao tác trong lòng, như một sự kỳ vọng không thành về cái ước mơ tào lao năm xưa ,rồi băn khoăn tự hỏi, sẽ về đâu nếu tuần ba bữa không gặp thầy?
Sự kiện thứ hai sau đó, tôi hay tin mình “rớt” vô trường điểm có tiếng ở sài thành này. Lúc cầm viết viết ra nguyện vọng một, tôi nghĩ đơn thuần mình thử chơi một trò đánh cược, thua thì tại người, mà thắng thì do…ý trời thôi. Ai ngờ, tôi thắng lớn.Trường cấp III đáng tự hào biết mấy, khi nổi tiếng với đầu vào cao ngất ngưởng,dĩ nhiên là thua trường chuyên, nhưng lại là trường điểm nhất nhì thành phố.
Khỏi phải nói mẹ tôi vui cỡ nào, trước khi đi thi cho ăn đậu đỏ, sau khi hay kết quả thi cũng làm một nồi…đậu đỏ cho tôi. Thầy mừng tôi kiểu khác, âm thầm đi coi điểm thi, âm thầm tậu…một chiếc xe đạp hiệu martin mới cóong, đạp xe về dựng ngay trước nhà, bên cạnh mấy cái bàn để bán nước ngọt,bán rượu đế. Tôi nhác thấy bóng người, chạy ra, mắt tròn mắt dẹt hỏi, sao thầy đổi xe lẹ dữ vậy,từ chiếc cup tám mươi cà tàng xuống còn xe đạp. Thầy nói sao không khoe điểm thi mà lanh chanh chuyện xe cộ chi, thì, đậu rồi nên từ từ khoe cũng được mà thầy, hì hì. Thầy kiên nhẫn vô nhà, uống một ly trà nóng, trong khi tôi vừa đi tới đi lui pha trà, bán hàng, tiện thể liệt kê điểm thi luôn, toán mười, văn chín, hóa mười, anh văn…chín. Đó, con chín anh văn lại xẹt qua cuộc đời tôi mang theo nhiều ấn tượng khó quên. -Đến đoạn khoe điểm anh văn, tôi thoáng thấy nụ cười hiền lành thoắt ẩn thoắt hiện trên đôi mắt sâu ấy, nụ cười hạnh phúc của người trồng cây khi nhìn thấy hoa vừa chớm nở chăng? Có khi nào, thầy còn vui hơn cả bản thân tôi - có thể lắm. Vì chính tôi không tha thiết trường điểm. Do nghe lời thầy sau những lần bàn vô, tính ra, thầy nói, nếu con chịu học, không quá khó để vào những trường như vầy,thầy tin con rất nhiều. Nghĩ cũng thấy đời mình học ngu hoài rồi,thử một lần phấn đấu coi sức tới đâu, với lại, phụ lòng tin của người mình “ái mộ” là một hành động dại dột nhất.
Sự kiện thứ hai cho tôi tới hai bất ngờ, một cái do thiên định đã nói, cái kia do thầy…sắp xếp cho tôi.- Chỉ tay ra chiếc xe đạp màu trắng yêu kiều, thầy hỏi, đẹp không, thấy ưng không? Đẹp, mà…ưng? Ưng tức là ưng nhận nó không hả thầy? Thầy ừ cái rụp, gọn lẹ và tỉnh queo, không hề giống một người ban ơn tí nào, giống một ông già đi phát quà cho học trò nghèo hiếu học thôi. Mà tôi nào có hiếu học, “hay không bằng hên” mà. Ngộ quá hén. Xe đạp Martin mắc thấy ớn, thầy sộp thiệt. - Ngại quá, mẹ tôi nói, mang ơn thầy nhiều rồi, sao dám nhận nữa, biết khi nào đền đáp được. Thầy thiệt tình, chị để tôi tặng con bé như món quà nhỏ, thưởng cho nó ngày sau coi đó mà phấn đấu. Lặp lại vài lần cái sự ngại, sau cùng chốt lại, mẹ tôi cũng ưng luôn, vì thương quá tấm lòng thầy. Bữa đó, thầy về nhà bằng…xích lô.
Nhà tôi mấy năm dạo này đã may mắn không thuộc diện “được xóa đói giảm nghèo” nữa, cố gắng cũng có thể sắm anh xe máy bèo bèo, đi học đỡ cực.Nhưng Martin trắng đi với tôi bao nhiêu con đường rồi, qua bao nhiêu cái ổ gà, “hôn” mặt đường cũng ngấp nghé hơn chục lần, đến giờ thì nó đã biến dạng và giảm năng suất khá nhiều,không ít chuyện để nhớ vầy, hỏi sao tôi xa được.
Sau hai sự kiện long trọng đó, thầy không dạy tôi nữa.Thầy phải về với cô, với gia đình mới, với niềm hạnh phúc mới. Thầy hỏi tôi còn muốn học anh văn với thầy không, trả lời không là xạo, nhưng nói có…không lẽ đòi thầy ở nhà trọ với cô miết bên quận sáu sao? –Con thấy môn này tự học cũng không đến nổi, với lại thầy cho con một đống sách nào ngữ pháp, nào bài tập, nào nâng cao, cộng thêm cuốn từ điển to như chiếc xe tăng, học riết cũng rành à, thầy hén? -Ừ, con nghĩ vầy thầy mừng hết lớn, tưởng không chịu xa thầy chớ…Công nhận đến giờ chia tay, tôi phát hiện thêm đặc tính mới của thầy, quá tự tin luôn…Nói chơi đó- thầy vừa nói vừa nheo nheo mắt cười, mà trò nghe tiếng xót xa trong lòng, còn thầy, thầy có khác trò không? Bữa đó, thầy làm một bữa liên hoan nhỏ bên nhà tôi, có Phương sún, trà do mẹ tôi làm, bánh kẹo do thầy mang đến, và trước nhà, cô bạn Martin dõi nhìn vào, chắc nó rầu lắm, vì chiều nay, có người đi xa…
Hè năm nhất đại học, tôi được thầy ghé qua thăm, mừng mừng tủi tủi, hỏi han chuyện thi cử, học hành, chuyện trên trời dưới ao, chuyện người chuyện ta, rồi ra về, thầy nhắn, mới sắm được cái Nó-kì-à đời cũ do mua lại, khi nào có chuyện gấp thì gọi thầy, không thì cứ gọi số ở nhà cho đỡ tốn ha, mà không có gì…thì khỏi gọi cũng được. Thầy ngộ thiệt, sao không gọi, có điện thoại để làm gì thầy.
Ngày tháng nghèo tuổi thơ đã bớt lạnh,bớt đơn lẻ khi thầy nhen vào nó một nhúm lửa sẻ chia.Tôi giữ nó, phòng có lúc ai đó quẳng vào mình xô nước đá lạnh cóng, mà đem ra hơ ấm,cho bớt run rẩy, tức tưởi. Thầy kêu,thù dai quá chết héo chết hon đó. Chết hồi nào thầy,con thù thằng Nguyên đến giờ mà có chết đâu. Nhưng nói mới nghĩ, hôm bà ngoại nó mất, nhìn mặt nó chảy dài ra mà nhớ lòng mình cũng từng quắt quánh kiểu đó. -Thử gạt đi cái tên từng làm ta khó chịu, ngộ ra đằng sau đó, là góc khuất cô đơn. Cô đơn và chơi vơi.Vậy sao phải đối xử nhau bằng lòng ích kỷ, để cô đơn càng tăng cô đơn?
Nhờ thầy, tôi chớm hiểu ra điều đó từ năm lớp Chín. Nhiều khi thấy mình thành bà cụ non hơi sớm. - Không phải mọi việc đều như ta thấy,phải đặt mình là người khác, mới hiểu, làm người cần phải học bốn chữ:cảm thông, biết ơn. Câu đó tôi mượn của thầy để nói, để nhớ và để học cách yêu cuộc đời.

20-11-08…
Di động thầy thiệt ngộ, đúng ngày Nhà Giáo mà nhá tới cứ kêu ò í e hoài, kiểu này phải đợi tối về nhà, gọi vô điện thoại bàn thôi, cầm tay với cầm chân gì mà chán quá, chán cái Nó-kì-à của thầy quá đi, thầy à.





Hồ Thụy Bích Tùng
NH04 _ K.32
htbt1804@gmail.com

3 comments to "Thầy xưa"

  1. Anonymous says:

    cuộc sống có nhiều thăng trầm, thay đổi nhưng kí ức sẽ ko bao giờ đổi thay.Bạn đã kể cho tôi những kỉ niệm thật đẹp.

  2. Anonymous says:

    hi`..mình học chung giảng đường với bạn nè. biết tên nhưng không biết mặt. mình chưa đọc hết câu chuyện của bạn (dài quá hihi) nhưng mình cảm nhận được nhiều tình cảm trong ấy, mỗi người có 1 miền ký ức cho mình. chúc bạn vui ^^

  3. Anonymous says:

    Bạn đang yêu!! Người ấy của bạn đang giận bạn!!! Bạn có thắc mắc về tình yêu. Bạn đang có tâm sự về công việc, học tập, nghề nghiệp, con cái, sức khỏe…Hãy gọi số: 1900 599 953 để được tư vấn . 1900 599 953 chúng tôi luôn lắng nghe tâm sự của bạn.

Leave a comment