Breaking News

Tran Chi Thien Tran Chi Thien

Home , , � Nghề giáo

Nghề giáo

Trước đến nay tôi vẫn xem nghề giáo là một nghề bạc bẽo. Bạn có thể hỏi tôi – một sinh viên trẻ măng chưa thực sự dạy dỗ ai – tại sao lại nghĩ thế. Thì đây, tôi xin trả lời bạn.

Suốt 12 năm phổ thông đèn sách và thêm cả 3 năm học đại học của tôi, tôi đã được học qua bao nhiêu là thầy cô giáo. Trong số các thầy cô, tôi còn nhớ được những ai? Trong số các thầy cô, tôi thực sự kính yêu và tôn trọng những ai? Con số đó rất ít, ít hơn số ngón tay trên một bàn tay. Một số thầy cô tuy một thời truyền đạt kiến thức cho tôi nhưng tôi đã hoàn toàn quên lãng. Vì sao tôi nhớ mãi một số và quên lãng một số, tất nhiên phải có lý do nhưng hãy khoan bàn đến khía cạnh này. Bạn hãy tưởng tượng xem, mình đã dạy dỗ ai đó và nay người ta không còn nhớ về mình, điều này có buồn không? Chắc chắn một giáo viên sẽ phải thở dài.

Tôi cũng hay đọc báo thường xuyên. Tôi thấy báo viết nhiều chuyện khiến tôi bất bình quá. Cách đây mấy năm có một cô giáo ở Hà Tĩnh bắt học trò mình lè lưỡi liếm sạch ghế chỉ vì trò nào đó nghịch ngợm lấy phấn vẽ bậy trên ghế của cô. Rồi có chuyện thầy cô đánh học trò hay tra hỏi học trò như một tên tội phạm khiến trò hoảng loạn tinh thần. Những chuyện như vậy tuy thỉnh thoảng mới xảy ra nhưng tần suất dường như đang ngày một lớn hơn. Những người thầy cô đó là con sâu làm rầu nồi canh. Tôi với tư cách là học trò, tôi thấy nghề giáo sao chẳng còn cao quý. Tôi giả sử đặt mình là một giáo viên đứng đắn, tôi thấy uy tín của nghề giáo đang suy giảm, xã hội đang phẫn nộ, tôi thấy mình phải mang cả tiếng xấu của đồng nghiệp, nghề giáo bạc bẽo không?

Tôi cũng được hay một số bạn bè tôi, những người trẻ như tôi nhiều khi chẳng kính trọng thầy cô giáo. Tôi biết một số người thẳng thừng: “thầy chẳng là gì đối với tôi. Tôi không sợ thầy.” Một số khác chặn đánh thầy cô, một số khác tìm cách để hạ thấp hay phá vụn uy tín của người dạy mình. Sự tình những chuyện này như thế nào tôi không biết, nhưng tôi thấy nghề giáo cũng chua chát chứ chẳng phải giản đơn.

Ngày lễ của thầy cô và các dịp lễ tết khác, tôi thấy học trò nô nức đến thăm người dạy mình, mang theo bao nhiêu là hoa, là quà. Trong số rất nhiều học trò đó, có bao nhiêu trò đến vì tình nghĩa, vì yêu thương và bao nhiêu trò đến vì nghĩa vụ, vì những mục đích khác? Tôi nghĩ giáo viên được chúc tụng, được quan tâm nhiều chứ chắc gì đã vui?

Tôi cũng thấy lương bổng của thầy cô phần đông sao ít quá, mức lương thế chẳng đủ nuôi gia đình. Chính vì thế mà tôi thấy các thầy cô phải dạy hết lớp này đến lớp khác, dạy giờ hành chính và dạy thêm, dạy ngoài giờ để tăng thêm thu nhập. Lúc trước có khái niệm ca sĩ chạy sô, sau lại có học sinh chạy sô rồi thầy cô cũng chạy sô. Thế nên tôi thấy nghề giáo thời buổi kinh tế thị trường cũng khác rồi, mang màu sắc thương mại, cơm áo gạo tiền nhiều hơn và ít…đẹp hơn.

Tôi biết công việc dạy dỗ con người là một việc thiêng liêng. Một người thầy có thể thay đổi tâm trí hàng ngàn lớp học trò. Nghề giáo chẳng phải uy lực lắm sao? Vậy mà nhiều khi một số thầy cô làm tôi thất vọng, nhiều chuyện động trời xoay quanh nghề giáo khiến tôi hoang mang.

Nhưng mà bạn biết không, 20-11 hằng năm, tôi vẫn về thăm những người thầy mà tôi yêu quý. Mỗi ngày trong đời, tôi vẫn nhớ đến và luôn tôn trọng những người thầy đáng kính đã từng dạy dỗ tôi.

Tôi nhớ đến vẻ mặt tự hào của thầy dạy tôi ngày xưa khi tôi báo tôi dành được học bổng kỳ này. Lên giảng đường, tôi cũng thấy những ánh mắt vui mừng, những vẻ mặt mãn nguyện của các giảng viên mỗi khi sinh viên trình bày những ý tưởng mới, mỗi khi sinh viên đầy tự tin và ham thích tiếp thu kiến thức mới.

Tôi cũng đỡ hoài nghi hơn khi một số bạn bè khác của tôi thật sự khâm phục, yêu mến và khen không tiếc lời nhiều thầy cô của mình, khi những em nhỏ của tôi ở nhà tíu tít khoe: “Chị ơi, cô dạy em môn Hóa học tuyệt vời lắm!” Vài người bạn thân của tôi, ánh mắt sáng ngời, tâm sự rằng muốn được ở lại trường, làm giảng viên sau khi tốt nghiệp.

Và tôi cũng được an ủi rất nhiều khi may mắn được tiếp xúc với nhiều thầy cô tài giỏi, có tâm hồn sáng trong và có trách nhiệm với những kiến thức mình truyền đạt.

Mẹ tôi có lần bảo, muốn thực sự là một người thầy thì ngoài kiến thức, đạo đức còn phải có cái nghiệp, cái duyên với nghề. Điều này thật đúng lắm. Nghề giáo đối với tôi vẫn còn là một nghề bạc bẽo nhưng tôi biết chắc nghề giáo sẽ không bao giờ hết đi hy vọng với rất nhiều người thầy vượt qua những cay đắng của nghề nghiệp mà gieo trồng nhân cách, đạo đức cho những lớp học trò thân yêu.

Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, tôi cầu chúc cho các thầy cô được mạnh khỏe để làm tròn công việc cao cả của mình. Cuộc đời có thăng có trầm, hình ảnh và vai trò của người thầy tuy có những đổi thay nhưng phần lớn luôn được kính trọng và chưa bao giờ bị quên lãng.

Khánh Linh

“ Được thực hiện bởi Nhóm Sáng tác sinh viên – www.sangtacsv.com”

1 comments to "Nghề giáo"

  1. Anonymous says:

    Chị viết rất hay

Leave a comment