Breaking News

Tran Chi Thien Tran Chi Thien

Home , , � Thầy Tám

Thầy Tám


Mẹ nhắn tin cho tôi kêu đừng về, ở trên đó lo mà học đi, nước lên rồi, về nhà chi, cực lắm con ơi.Bây giờ là cuối tháng mười,quê tôi đang là mùa nước nổi.Thì đó do ông Hùng Vương thứ mười tám thiên vị gả con gái cho Sơn Tinh nên quê tôi hàng năm phải gánh chịu những mùa lũ như thế này.Những ngày đi học trên Sài Gòn,trời mưa mà đi đừơng Ba Tháng Hai,nước ngập nửa bánh xe đạp làm tôi nhớ quê tôi tợn.Nhưng quê tôi nước không hôi như nước trên Sài Gòn.

Nghe thằng bạn đi xe máy một mình về quê,tôi mừng quýnh,cho tao về với.Tám giờ tối,hai đứa mắc mưa ướt như chuột lột,ngồi trên cầu đợi em tôi mang xuồng ra rước.Nhìn xuống con kênh,thấy cái gì đó đen đen,trôi dật dờ,hình như là lục bình.Tôi đoán vậy vì trời tối thui,tôi lại bị cận,chẳng thấy gì hết.

Gió thổi thông thốc vô mặt,vô người,nghe mùi gì đó mang tên quê hương.Tôi hít hít như lục lọi trong mớ hỗn tạp gió những thứ hương quen thuộc.Nhìn ra xa con kênh Dương Văn Dương,ngay ngã ba trước mặt,quẹo tay phải đi vô một chút là nhà thầy Tám.

Thầy Tám là ông già lẩm cẩm,tôi ghét ổng vô cùng.Ông tên thật là gì,năm nay bao nhiêu tuổi,quê quán ở đâu,tôi cũng không biết,chỉ biết mọi người gọi ổng là ông Tám nên bọn học trò tụi tôi gọi ổng là thầy Tám.Riêng tôi đôi khi gọi ổng là ông Thầy Hắc ám.

Tôi thật sự chẳng ưa thầy ở điểm nào cả.Tôi đã học thêm thầy môn toán suốt ba năm cấp ba.Từ nhỏ tôi đã có thói quen tiếp xúc và chơi thân với những người không thích,còn những người mà mình yêu thương thì càng tránh xa càng tốt.Có lẽ tôi nói về tôi quá nhiều khi đang viết về thầy Tám.

Thầy Tám lùn có khúc,mập,xã xệ,lưng tôm.Mắt mũi miệng chẳng có chi tiết nào hợp với nhau,có thể nó hợp với nhau theo cái cách nào đó mà tôi chưa nhận ra.Mặt thầy là tàn tích của những lỗ mụn bọc bị lấy nhân.Đỏ,đen,và lỗ thủng của thịt da chằng chịt.

Tôi ngày bé,ăn nói huyên thuyên,mọi người gọi tôi là “còi lắm mồm”,cho đến năm lớp chín thi rớt trường chuyên Lê Qúy Đôn của tỉnh,bị sốc một thời gian,chán ngán mọi thứ kể cả cóc ổi.Sau khi hết sốc cũng là lúc quên cái cách nói một câu dài mấy chục chữ có đủ chủ ngữ,vị ngữ,trạng từ mà chia thành nhiều câu đơn lẻ để nói.Ý định nói mười câu thì rút lại chỉ nói chừng câu rưỡi.Với thầy thì càng ít hơn,chừng ba phần tư câu.

Nhớ cái lần đầu tiên đến xin thầy học,nghe theo lời chỉ dẫn của con bạn,từ cầu Cà Nhíp có con lộ nhỏ,quẹo vô chừng mươi thước,tìm cái nhà lầu ba tầng,đẹp ơi là đẹp,kế bên cái nhà lầu đó có căn chòi lá rách bươm,hở toang toác từ sau ra trước,thì cái nhà lá rách bươm đó là nhà thầy.Tốt lắm con kia.

Tôi chẳng có gì sợ sệt mà không dám bước vô cái chòi vịt cửa mở toang đó(em thành thật xin lỗi thầy).Nói cái cửa mở toang cho sang vậy chứ nếu không có cái bản lề,tôi cung không biết trong bốn bên vách đâu mới là cửa ra vào.Thật tình là tôi thấy mình quá khéo léo vì không làm đổ mấy chồng sách cao ngất ngưởng xếp vô tổ chức trên mấy cái bàn trong nhà.

Tôi đứng không lâu thì có một người đàn ông chừng bốn mấy tuổi từ dưới sông bước lên bờ(ý tôi nói không phải ổng là Hà Bá mà trưa nắng,ổng ra cầu ao sau nhà tắm,tắm xong tất nhiên là bước lên rồi).Tôi gật đầu chào và…lóng nga lóng ngóng.Vấn đề là ổng không thể đứng nói chuyện với tôi trong tư thế ướt nhẹp nên…ổng liền tròng đại cái quần dài máng trên vách bên ngoài cái quần xà lỏn chưa rỏ hết nước.

-Tôi là Tám đây,em tìm tôi có chuyện gì không?

Đến giờ tôi vẫn không thể quên được cái cảnh chiếc quần dài ướt nhẹp tính từ cái mép quần xà lỏn cho đến thắt lưng.Choáng và nản.

À,thật là thiếu sót khi nãy giờ nói linh tinh mà chưa cho mọi người biết tôi đến nhà thầy làm gì.Chúng tôi tìm thầy để thực hiện ước mơ đậu đại học,một ước mơ gần như xa vời đối với bọn học trò quê tôi. Một buổi hoc của chúng tôi với thầy Tám là một nồi cháo thập cẩm,thập cẩm về học trò,thập cẩm về bài vở.Tôi ghét vụ này nhất.Thầy không có giáo án ,cho nên thầy sẽ không đi lên đi xuống,giảng khúc nào quên lại nhìn vô giáo án như mấy thầy cô khác.Thầy cũng không dạy theo trình tự gì cả,tất cả là sự tuỳ hứng.Thầy sẽ dạy những gì thầy thích,có khi là những gì thầy ghét.Đố ai biết được hôm nay thầy dạy chúng tôi phần nào.Chương trình lớp mười,mười một hay mười hai.Chúng tôi không có thời khoá biểu,ai rảnh giờ nào vô học giờ đó.Đôi lúc tôi tự hỏi mình có điên thì mới theo thầy học cái kiểu vô trật tự này.Thật sự có ba phần tư học sinh bỏ học sau một tháng học thầy,đến tháng thứ hai thì còn loe ngoe vài đứa,nhưng những đứa đó thường sẽ học tiếp ít nhất là một năm.Còn tôi hả,mỗi ngày càng ghét thầy thêm một ít.Thật là bực bội khi nghĩ về thầy.

Thầy ăn mặc “cá tính” lắm,quần tây ống lò xo,nhăn như đèn lồng xếp,áo thì tẹc túi,bị chuột nhá hai lỗ sau lưng,suốt ngày lái chiếc charly lạch bạch chạy nghêu ngao từ nhà ra chợ,rồi lại chạy từ chợ về nhà,có đôi khi ghé quán ông Đàn chuyên bán thịt chó,nhậu rồi quăng chiếc xe ở đó luôn.Thật tình là tôi cũng chưa bao giờ thấy chiếc xe nào vừa xấu mà vừa chậm như chiếc xe đó.


Mùa nước,thầy bắc cái sàn để sách vở lên đó.Có hôm đi nhậu quắc cần câu,lạng quạng sao rớt hết sách vở xuống nước.Sáng hôm sau tụi học trò thấy thầy trải ni lông ở chân cầu Cà Nhíp phơi sách vì chỉ còn ở đó là khô thôi.


Hải huých mạnh vô sườn tôi làm tôi giật cả mình.Gương mặt thầy trong đầu tôi vốn đã mờ nhạt lại bị cú huých của Hải càng trở nên méo mó.Mà biết đâu gương mặt đó lại đẹp hơn gương mặt thật của thầy.Tôi đang cố nắn lại cho giống như ban đầu nhưng Hải đã lôi tôi xềnh xệch.


-Xuống xuồng nhanh đi,tao lạnh quá rồi


Ừ,lạnh thật,nước mưa ngấm vào người rít rít,ngứa ngứa,khó chịu ghê hồn.Tôi ngồi giữa cho em tôi và Hải,đứa chống đứa chèo.


-Em đố anh Hải với chị hai,có một người muốn hái dừa,sao người đó leo lên ngọn cây rồi trở xuống.


Em tôi là cái thằng hay đố những câu hỏi ngớ ngẩn như vậy.Nó còn chép cẩn thận vào một quyển sổ để “nghiên cứu”.Nó làm tôi nhớ đến những câu thách đố của thầy Tám.Thầy thách tôi:


-Tôi viết đề,em làm.Ở đây có ba tấm bảng…


-Đâu,tấm bảng nào đâu?


-Sao nhiều chuyện quá vậy.Thì ba tấm vách,nếu em làm hết một tấm rưỡi trong hai tiếng đồng hồ,coi như em thắng.


-Thắng có quyền lợi gì vậy thầy?


-Cho em kêu tui bằng mày xưng tao.


-Vậy mà là quyền lợi sao,nghe muốn nổi da gà.


-Vậy có chơi không?


-Có!


Đó là lí do vì sao bọn học trò về hết,thầy thì cưỡi con charly xập xình ra chợ chơi mà tôi vẫn cặm cụi ngồi một mình trong cái chuồng…à trong nhà thầy cắn nát đầu cây bút Thiên Long.


Mặc dù đã vắt nát cả óc nhưng tôi vẫn thua.Nhờ ơn trời cho tôi thua nếu không chẳng biết thầy trò ra thể thống gì nữa.Thầy bằng tuổi ba tôi còn gì.


-Sao,hai người đã có câu trả lời chưa,sao lâu quá vậy?


Thằng em tôi vừa bơi vừa ngoái đầu lại hỏi.


-Xời ơi,dễ ẹc,thì hái dừa xong phải leo trở xuống chứ hổng lẽ ở trên đó hoài mày.


-Nhà ngươi khá lắm.


-Chị Hai mày mà mày cũng đòi đố nữa hả.Tao giải được rồi mày cho tao cái gì đi chứ.


-Cho chị Hai gọi em bằng mày xưng tao…


Chúng tôi mỗi đứa được thầy phát một cái ghế nhựa nhỏ để mà kê tập lên viết,còn ngồi thì tự kê dép.Vậy mà có đứa còn không có ghế,phải trèo lên giường thầy,kê vở vào đầu gối mà viết.Nóc nhà thầy lủng lố nhố.Ngày nắng ,bọn con trai nhường cho bọn con gái ngồi chỗ mát.Ngày mưa,thầy đưa mấy cái thau giặt đồ ra hứng nước.Thầy quay xuống giảng thì chúng tôi ngồi im ghi ghi chép chép.Thầy vừa quay lên là tụi tôi lại búng nước vào nhau.Thầy hay nhéo má tôi mỗi khi tôi làm bài không ra.Khi ấy phấn dính trên mặt tôi trắng bệch,rất ngứa và khó chịu.Rồi tôi tự hỏi thầy đã dạy học bao nhiêu năm rồi,đã xài hết bao nhiêu hộp phấn,và hít bao nhiêu phấn vào phổi rồi nhỉ!!!Học với thầy ba năm tôi mới thuộc hết cái chuôi nào dùng để cắm quạt hay bóng đèn,hoặc là những thứ khác dùng điện trong nhà thầy,ví dụ như cái bàn ủi(cái này tôi xạo vì thầy có bao giờ ủi đồ đâu) hay cái nồi cơm điện.Lòng vòng quá nhỉ,cứ là tôi nói quá đi hoặc là trí nhớ của tôi kém nhưng thật sự là dây điện trong nhà thầy chằng chịt như mạng nhện.


Trong những lúc tụi tôi cặm cụi làm bài tập (xin đính chính lại là đa số làm bài,có vài kẻ viết viết gì đó nhưng không phải làm bài) thì thầy lại len lén làm chuyện này hay chuyện khác(thật sự thì thầy không sợ ai mà phải len lén nhưng tôi nói vậy đó):bơi xuồng đi gỡ lưới kiếm ít cá lòng tong về kho me,cho mùi nước mắm xông lên mũi hoc trò chơi,hoặc là lái con charly ra ngoài chợ nhiều chuyện,khi về thế nào cũng xách bị ổi hay cóc,thảy vô cho bọn con gái reo mừng.Có hôm hết giờ,học trò thì đã về hết mà thầy vẫn chưa về,chỉ còn tôi ngồi đó nghiên cứu xem tại sao mà thầy lại mắc cái công tắc đèn ngủ đằng sau nhà tắm.Cuối cùng tôi chưa nghiên cứu ra thì thầy đã về,thảy mấy cuốn sách mới tinh còn thơm mùi giấy xuống bàn:


-“Nãy ra bến xe đứng hóng gió,thằng lơ tưởng tui đón xe nó kéo tôi lên,sẵn dịp đi thị xã mua sách luôn,em thích cuốn nào cứ lấy về mà xem.”


Thầy Tám,thầy đã làm tan biến trong tôi hình ảnh người thầy áo sơ mi đóng thùng,xách cặp táp trong tay,trang nghiêm và kính cẩn.Đây cũng là một trong hàng vạn điều làm tôi ghét thầy vô cùng vì tôi không muốn thay đổi những suy nghĩ của mình,dù những suy nghĩ ấy có cổ hủ,lạc hậu.


Thầy hình như chưa bao giờ có kế hoạch cho cuộc đời nên cũng chưa bao giờ có kế hoạch cho bài giảng của mình.Có bữa tôi phát nôn vì phải nghe lải nhải đến lần thứ mười ba bài số năm chương hai của sách đại số lớp mười một.Thầy ghét nhất là đang giảng mà có đứa xen vô,thầy sẽ nổi giận đuổi lũ chúng mày về hết vì chúng mày không tôn trọng tao,cho nên thà chúng tôi buồn nôn một chút chứ không ai nhắc thầy cả.Thế mà không hiểu sao cái lũ thập cẩm bát nháo chúng tôi lại thi đậu vào Đại Học.Tôi nghi là thầy có bùa trong cái phi vụ này.Ai mà biết được ổng đang suy nghĩ cái gì trong đầu.Mà tôi cần quái gì phải quan tâm là thầy suy nghĩ trong đầu cơ chứ.


Tôi và mấy đứa khác hay được thầy dẫn đi ăn tiệc,ăn no nê cả tháng chứ chẳng chơi-tiệc mừng mấy anh chị vào đại học.Riết rồi thành thói quen.Nếu gia đình nào muốn mời thầy phải dự trù thêm hai ba mâm nữa.Thầy nói dắt tụi tôi đi để tụi tôi hưởng lộc,mai mốt tụi tôi thi đậu lại để lộc hên cho mấy đứa lớp sau.Còn tụi tôi được đi ăn chùa,lại mang danh khách mời danh dự,có ngu mới không đi.


Thầy không phải là giáo viên trong trường nên chẳng có luật lệ nào ràng buộc thầy.Cái cách cà tàng của thầy làm nhiều người không ưa,họ nói trước mặt hay sau lưng thì cũng vậy thôi,thầy cứ nhơn nhơn như không có gì xảy ra.Có người còn táo tợn tung tin là thầy dê học sinh nữ,kêu tui thấy rõ ràng đêm hôm khuya khoắt đi ra từ phòng trọ học sinh nữ,còn thấy con bé đó lau nước mắt nữa,không có gì sao con nhỏ lau nước mắt,chắc sợ ổng nên không dám la chứ gì.Thầy gì đâu mà.

Vậy đó,người ta đồn khắp chợ,khắp thị trấn trên dưới lao xao.Tôi vẫn bị nhéo má mỗi khi làm bài hổng ra,sau đó lại lấy tay chùi vết phấn trên má vì nó ngứa lắm nhưng trong lòng không đặt câu hỏi như hôm nào,mà nhớ tới lời má nói,không có lửa sao có khói con ơi.


-Gì kì vậy,liên quan gì đến con.


Tôi bực bội kinh khủng,cái mặt tôi đã xấu cau có lại trông càng khó ưa.Cho đến một hôm thầy kêu tôi ở lại có việc này nhờ tôi giúp.Thầy đưa tôi cái bao gì đó nặng nặng kêu tôi mang giùm cho chị Thương.


-Đây là phụ huynh cho tôi,mình tôi ăn không hết,để mốc lên cũng uổng,em mang giùm tôi qua nhà con Thương,má nó bệnh mấy tháng nay,đâu có tiền đâu mà gửi ra cho nó,tôi chắc là khạp gạo nhà nó không còn một hột.


-Sao thầy không tự mang đi,sai em chi?


-Nó sắp thi rồi,tui không muốn người ta nói ra nói vào,tui thì không sao,chỉ tội nghiệp nó là con gái.


-Em được lợi gì trong chuyện này


-Cho em gọi tôi bằng mày xưng tao…


-Lại nữa rồi.


Tôi về nhà xách thêm con cá lóc mẹ rọng trong xong,cùng với bao gạo,lò dò qua nhà chị Thương.Chị đỏ heo con mắt nói với tôi:


-Mấy tháng nay chị đâu có đóng đồng nào cho thầy đâu,ngược lại hổm rày thầy cho chị bao nhiêu là thứ.Nếu không có thầy,không biết mấy tháng nay chị sống sao nữa.


-Thôi chị đừng có sụt sùi nữa,em thấy mệt quá.


Sau này vô tình gặp chị trên Sài Gòn,tôi rủ chị về quê thăm thầy thì chị lẽo tẽo bảo rằng công việc của chị lúc này bận dữ lắm,em có về cho chị gửi lời thăm thầy với,nói với thầy là chị không quên ơn thầy.Tôi lắc đầu,chẳng hơi đâu mà làm ba cái chuyện tào lao,chị nhớ hay quên thì liên quan gì đến tôi.


Có những lúc tôi nản,có đôi khi lại nghĩ vẩn vơ cái này cái kia,nghĩ lôi thôi về người này người nọ,không sâu nhưng cũng không cạn.Hình như là một thằng con trai,là những chiều nhìn khói bếp nhà ai bay lên trời.Thầy khi ấy,giống như cái cọc buộc con thuyền đang trôi hững hờ.Nhưng tôi là con thuyền không dây,lại bị sóng đánh chòng chành.Thầy có cách để kéo tôi về,cũng có thể đó chỉ là trò chơi mà thầy thích,nói chung là gì cũng được.Phần lớn kẻ thua cuộc là tôi và tôi mừng vì điều đó.Chỉ trừ một lần chơi sudoku,tôi làm nhanh hơn thầy vài giây.Điều kiện của tôi là thầy làm ơn đừng có đốt đời mình vào rượu và thuốc lá nữa.Thầy cười,nụ cười xấu chưa từng có,nụ cười của hàm răng xỉn màu vì thuốc lá,chắc vậy.


Trên trán thầy Tám có một vết sẹo(không phải vết sẹo hình tia chớp như Harry Poter đâu),đó là một kỉ niệm.Ở bên kia sông đối diện nhà thầy là nhà con Diễm Hà.Ba con Hà bị bệnh,mất đâu từ khi hai chị em Diễm Hà,Diễm Ngọc còn nhỏ xíu,còn chạy lông nhông kêu “đám ma ba sướng quá,được ăn bánh kẹo phủ phê luôn,vái trời ba chết nữa…”. Má con Hà chiều chiều hay ra bờ sông vo gạo,giặt đồ,có khi cong lưng quét cái sân đầy lá gáo rụng.Thầy Tám ngồi bên này,giảng bài cho học trò mà mắt cứ liếc hờ qua kia sông,thấy dáng ai căm cụi,thấp thoáng sau bờ tràm.Một lần hội chợ về,Diễm Hà,Diễm Ngọc năn nỉ mẹ dắt tụi con đi chơi.Thấy thầy Tám đằng xa Diễm Hà kêu “thầy Tám,thầy Tám” làm thầy run gần chết.Tối về Diễm Ngọc thủ thỉ với mẹ,thầy của chị hai tốt ghê,hiền khô hà,không hay la hét học trò như mấy thầy cô ở trường,lại còn dắt tụi con chơi hết trò này đến trò kia,ước gì bữa nào đi hội chợ cũng gặp thầy Tám.Còn thầy Tám thì bữa nào cũng ra đứng ngẩn ngơ ngay cổng hội chợ,chờ mãi mà không thấy hai chị em Diễm Hà,Diễm Ngọc đâu,buồn quá lủi vô quán thịt chó ông Đàn làm vài li cho cơn say lâng lâng một ước mơ,một nỗi nhớ bời bợi.


Từ đó,mỗi lần nhà bên kia sông hư điện,dột nóc hay cái cầu ao cần đóng lại đinh,chỉ cần Diễm Hà hay Diễm Ngọc ới một tiếng là thầy Tám tháo dây bụôc xuồng,bơi qua ngay(trong khi mái nhà thầy dột gần hết).Để cảm ơn mẹ con Hà cũng hay sai nó,khi thì viên chè xôi nước,khi thì gói trà,mang qua biếu thầy ăn lấy thảo.Lúc đó thầy sẽ nói cho tui gửi lời cảm ơn tới mẹ em nha.Thầy nói mà cặp môi run run,tay chân líu quýu.Mỗi lần thấy Diễm Ngọc đi đâu đó,thế nào thầy cũng ngoắc lại,hỏi thăm bâng quơ,má con có khoẻ không,nhà con có hư điện hay dột mưa nữa không.Ừ chỉ là vô tình hỏi thăm vậy thôi,hàng xóm láng giềng với nhau không hà.Thầy chỉ dám hỏi Diễm Ngọc vì nó vô tư,cười tít con mắt khi gặp thầy chứ Diễm Hà khó lắm.Nó lớn rồi,thầy sợ…Có khi thầy gặp mẹ hai đứa nhỏ ngoài chợ,nói chuyện bâng quơ một hồi.Dạo này Diễm Hà học siêng lắm chị Tư đừng có lo,có gì là tôi la nó liền,tội nghiệp…con nhỏ ba mất sớm.Mẹ Diễm Hà cũng muốn đứng thêm chút nữa nhưng phải lo về,lo cơm nước cho hai đứa nhỏ kịp đi học.


Thầy Tám hay cười một dạo,có khi lảm nhảm gì đó một mình.Con Charly tự nhiên cũng được lau chùi kĩ lưỡng,vô nhớt,chạy đỡ kêu tạch tạch hơn trước.Con Diễm Hà giống mẹ xinh đáo để.Ngồi học ở nhà thầy mà cứ bị mấy anh lớp lớn ghẹo hoài.Thầy không nghe được thì thôi,nghe được là thầy la xối xả,nói mấy thằng quỷ này,thi cử tới nơi mà không lo,tụi bay không học thì để con người ta học chứ. Mấy anh xầm xì nhưng ai cũng nghe thấy,con gái thầy Tám đó,léng phéng là chết với thầy nhe tụi bay.Lúc ấy tôi thấy mặt con Diễm Hà hầm hầm còn thầy thì cười cười,nhìn con Hà với đôi mắt lé kim nhưng hiền từ biết mấy.Tự nhiên tôi nghĩ đến đám cưới,chú rể là thầy Tám đi bên cô dâu.Hi…hi…hi…Chưa cười xong thì đã bị thầy béo má một cái đau điếng.


-Nhung,làm bài đi!


Diễm Hà thấy mẹ mình dạo này kì lắm,mỗi lần ra cầu ao rửa chén hay giặt đồ đều ngồi thật lâu,nhìn qua bên kia sông cũng thấy thầy Tám lục cục gì bên ấy.Ban đêm mẹ cũng không ngủ liền mà cứ trằn qua trằn lại,có khi là tiếng thở dài,chắc là mẹ đang lo cho vụ lúa năm nay,mẹ là hay lo vậy đó.Nửa đêm bị muỗi chích,nó định dậy bật đèn bắt muỗi thì thấy mẹ lò dò mở cửa bước ra,rồi lại nghe tiếng dầm khua nước lao xao.Nó không muốn đứng dậy coi mẹ đi đâu,cố nhắm mắt để tìm lại giấc ngủ mà nước mắt trào ra ướt cả gối,trong lòng không quên nguyền rủa mấy con muỗi chết tiệt.

Diễm Hà không trả lời tôi một câu mặc dù tôi hỏi nó cả chục lần.Tôi không phải là đứa có khả năng thuyết phục mọi ngừơi nên đành bó tay.Thầy Tám buồn,con Charly lại kêu tạch tạch như trước và khạc ra thứ khói đen sì lì.Một buổi khuya đi nhậu về,thấy mấy thằng choai choai đang vây tròn chung quanh cái gì đó,lại nghe tiếng ai quen quen la hét.Thầy quăng xe,nhảy vô cho tụi nó một trận.Đứa con gái vì thế mà không bị làm sao.Hôm sau tụi hoc trò đến học thấy một thầy Tám mặt mày tím bầm,sưng húp,cái môi thì phều ra và chảy nước vàng,tay chân cũng bị trầy trụa.Ai biểu già mà láo.Tôi về kho biếu thầy nồi cá mặn chát,bỏ thêm mấy muỗng ớt bột,sung sướng nghĩ tới cảnh thầy chảy nước mắt vì xót khi cho một miếng cá vào miệng.Thấy Diễm Hà bơi xuồng qua,mang theo bông băng thuốc đỏ,thầy mừng lắm,đắp chăn rên hừ hừ mặc dù bấy giờ ở Tân Thạnh nóng như cái lò thiêu.Diễm Hà băng vết thương cho thầy mà mặt lạnh tanh.Lúc về nó nói,con với thầy coi như huề,không ai nợ ai,thầy cũng đừng dính dáng tới gia đình con nữa,tụi con trả nợ không nổi đâu.Thầy không nói gì,đi lục nồi cá kho của tôi biếu ăn với cơm nguội,quất hai tô rồi ngủ khì.Không biết có phải nhờ bông băng thuốc đỏ của Diễm Hà hay không mà vết thương nhanh chóng kéo da non,liền thịt lại như cũ.Vết thẹo trên trán thầy mà nãy tôi có nói,nguyên nhân là vụ này đây.Thêm một vết theo trên mặt không làm thầy xấu thêm(vì thầy hết mức để xấu rồi).Vết thẹo ấy nhắc tôi rằng,cũng có khi nó nhắc thầy,có những thứ sẽ tan biến theo thời gian nhưng có những cái thì không.Và cũng từ đó tôi đặt cho thầy thêm một biệt danh nữa,Tám thẹo.


Tới nhà rồi,tôi nhìn quanh mà không thấy thằng Hải đâu.Thằng em tôi vừa buộc xuồng vô cái cọc vừa nói:


-Chị Hai khùng hả,anh Hải về nhà ảnh rồi.Anh nói tao vô nhe chị Hai còn cười nữa mà.


-Ua vậy hả?Chắc tao quên.


Mẹ tôi đã nấu sẵn cho tôi ấm nước,trong lúc tôi đi tắm,mẹ dọn đồ hâm lại nồi cá kho và canh ổ qua cho tôi.Xối một ca nước nóng lên người,thật là dễ chịu.Mấy con cá rô đang nằm ngủ,nghe tiếng nước xối,giật bắn mình,bơi đi mất tiêu.


-Trường mày lại có thầy cô mới về hả cu?


-Ừ,có hai người cũ đi,ba người mới về.


Tôi nhìn thẳng vào mắt nó,tuy tôi bị cận thị nhưng vẫn thấy được trong mắt nó có cái gì đục đục như là nước vo gạo.Nhưng tôi không nhìn lâu,vỗ vai nó.Tôi thì đã qua cái thời ướt mắt kiểu như vậy.Lại nhớ cái ngày tụi tôi tiễn cô Phượng rời trường về thị xã,tàn cuộc, tôi bơi xuồng một mình về hướng nhà ngoại,thấy thầy Tám hút thuốc một mình nơi cầu ao.Tôi buộc dây trèo lên ngồi bên cạnh thầy,bắt chước châm điếu thuốc hít một hơi,ho sặc sụa chảy cả nước mắt.


-Chừng nào thầy bỏ Tân Thạnh đi?


Và hôm đó tôi được nghe thầy Tám “kể chuyện giữa trưa”.Thầy bị thất lạc mẹ từ hồi nhỏ xíu,được gia đình nhà nọ mang về nuôi,cho ăn học đến nơi đến chốn.Những hình ảnh về người mẹ,về quê hương trong trí nhớ của một đứa trẻ năm tuổi tuy chỉ là những mảnh vụn,những chắp nối nhưng hình như chưa bao giờ trong lòng thầy không nguôi nghĩ tới.Mảnh kí ức nhỏ nhoi đó đã là đứa trẻ,chủ nhân của nó phải suy nghĩ,tìm kiếm,hoang hoải,lo sợ và nhớ nhà khủng khiếp.Lại thấy không thể hoà nhập với những đứa trẻ cùng trang lứa.Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm,dạy được hai năm thì bị đuổi việc vì không tuân theo bất cứ quy tắc của nhà trường(lúc nhỏ đi học vẫn thường bị hạ đạo đức vì cái tội đó).Ba mẹ nuôi của thầy cũng lần lượt qua đời,thầy quyết đinh làm một chuyến “du hành theo trí nhớ”.Trí nhớ của thầy bảo là mẹ thầy có mái tóc rất dài,đen nhánh,bà hay đưa thầy đi đây đi đó bằng xuồng.


-Chính vì vậy mà thầy về Tân Thạnh?


Mọi người biết không các thầy cô về quê tôi dạy chỉ vì mới ra trường bị phân công mà thôi.Sau hai ba năm,họ sẽ xin về thị xã dạy,tiếp tục những thầy cô mới ra trường lại về quê tôi dạy,vài năm và lại đi.Người thứ nhất tôi đã khóc,bạn bè cũng khóc.Người thứ hai tôi thấy buồn ghê gớm và người thứ ba thì tôi thấy “ừ,cũng buồn”.


Tôi ăn cơm xong,quá mệt mỏi,leo tót lên giường quấn chăn,thò mỗi cái đầu ra ngoài,cảm giác ấm áp,êm êm(mọi người cứ thử đi xa nhà mấy tháng,lúc về gặp một cơn mưa ướt sũng thì sẽ hiểu cái cảm giác của tôi).Tấm bằng khen treo trên tường ghi tên tôi,Nguyễn Thảo Nhung,học sinh giỏi toán cấp tỉnh.Bụi,mạng nhện bám lên chằng chịt nhìn tấm bằng khen phát tởm.Mẹ tôi kêu treo ở đó cho em tôi lấy đó mà phấn đấu cho bằng chị Hai.Tôi tháo xuống lau lau,chùi chùi.


- Nếu em thi đậu học sinh giỏi tỉnh…


- Sẽ cho kêu thầy bằng mày và xưng bằng tao chứ gì?


- Không muốn hả?


- Chán phèo có gì hay đâu.


- Vậy thì… tui sẽ đi khỏi cái huyện này.


- Thật chứ?


- Có bao giờ tôi thua mà không giữ lời đâu.


- Được,thầy nhớ giữ lời đó.


- Tôi đậu!


- Mừng và sợ!


Mấy đứa bạn nhao nhao,khao đi Nhung,khao đi,nhưng trong lỗ tai tôi lùng bùng những tiếng gì đó như là vịt kêu.Tôi không biết,không muốn suy nghĩ gì nữa.Buổi tối ngồi vô bàn học nhìn những quyển sách toán vứt lung tung trên bàn,tôi không thể nào chịu đựng nổi nữa.Xuống xuồng,tháo dây,bỏ lại tiếng mẹ the thé đằng sau


-Con qua nhà ngoại chút.


Màn đêm đặc quánh như li cà phê đen thầy uống mỗi sáng bao trùm cả khúc sông.Những hàng tràm vươn cánh tay khẳng khiu mà tôi tưởng là cánh tay người khổng lồ đang tìm cách chộp lấy mình.Khúc sông này,buổi tối,mỗi lần bơi qua đây,tim tôi giật thon thót vì sợ ma da,hà bá.Lần này tôi cũng sợ nhưng tim tôi không giật thon thót,hai tay cứ run run mái chèo.Đến nhà thầy rồi.Im lặng.Có tiếng reng réc của lũ dế trong lùm cỏ.Tôi khẽ bước lên nhìn vào trong.Thầy ngồi bên chiếc bàn nhựa cũ,đang đọc đọc viết viết gì đó,miệng phì phèo điếu thuốc.Phải thầy Tám không?Tôi dụi dụi mắt để biết mình không mơ.Đúng là thầy rồi,chỉ có thầy mới có tướng ngồi bần hàn như vậy.Tôi đưa tay đập mấy con muỗi đang chổng đít chích vào bắp chân tôi.Con Cẩu Xực nghe động sủa ăng ẳng.Tôi sợ quá phóng xuống xuồng bơi cho lẹ,thầy mà thấy thì chết.Lúc về mẹ hỏi tôi bà ngoại có khoẻ không con!


Bây giờ thì tôi khỏi cần núp đằng sau bờ cỏ để nhìn thầy nữa vì thầy đi thật rồi.Đi sau khi tôi biết tin đậu đại học mấy ngày.Thầy là người giữ lời hứa,tôi công nhận như vậy.Thầy phải đi tìm mẹ.Có người nói thầy đã lấy một bà sồn sồn,có người lại nói thầy đã tìm được gia đình nhưng ba mẹ đã đi bán muối hết.Nói chung đó chỉ là tin đồn vì ba năm rồi kể từ ngày thầy cưỡi con Charly xập xình ra đi,chưa một lần thầy quay về.Những kí ức của tôi về thầy bây giờ giống như trò chơi xếp hình của mấy đứa nhỏ.Tôi ít khi lắp ráp chúng lại một phần vì lười,một phần vì thấy ráp lại cũng chẳng biết để làm gì.Hình ảnh thầy Tám cùng với con kênh Dương Văn Dương và những người sống ở thị trấn Tân Thạnh đã xây nên một toà lâu đài,toà lâu đài này không có trong truyện cổ tích,đó là toà lâu đài của kỉ niệm.


Hồi hè vừa rồi,tôi qua nhà bà Bảy Cam ở gần nhà ngoại tôi chơi.Hồi nhỏ tôi hay qua bên đó chơi hoài nhưng sau này lớn,bận học nên không có thời gian qua nữa.Bà Bảy bị mù hai mắt,đi đâu cũng phải réo cháu dẫn đi.Tuy già nhưng bà còn minh mẫn lắm.Tôi qua bóp vai cho bà,bà rất thích,nói trong mấy đứa chỉ có tay tôi là mềm nhất(vì từ nhỏ đến giờ tôi có bao giờ phải đi làm đồng như mấy đứa kia đâu,tay mềm là phải).Bà kể tôi nghe ngày xưa bà có thằng con trai,nuôi nó đến năm tuổi thì hai mẹ con thất lạc nhau.Nếu tính đến giờ chắc nó cũng bốn mấy năm chục tuổi.Bây giờ bà hay mơ thấy nó đang đi kiếm bà,nó nói rất nhớ bà. Tôi nhìn bà kĩ hơn một tí,hình như là giống một ai đó,cũng có thể là do tôi tưởng tượng.Lạy trời.Sao bà không kể tôi nghe sớm hơn.


Thật ra lần này tôi muốn nói về cô Thơ hơn vì cô Thơ là người giáo viên mà tôi yêu thương nhất.Nhưng cô Thơ đã mất vì bệnh hồi hè năm nay.Những gì gần như lắng thì xin hãy để cho nó yên đi.Cho nên lần này tôi viết vế Thầy Tám.

Nguyễn Thảo Nhung - NH8 K31

(giải nhất cuộc thi viết online - 20/11)

2 comments to "Thầy Tám"

  1. Anonymous says:

    dài dữ zậy.thời gian đâu mà đọc.ngắn gọn súc tích thôi.

  2. Anonymous says:

    biết bạn kể về ai rồi, là thầy Lê Văn Tám chứ gì, sốc thiệt

Leave a comment