Breaking News

Tran Chi Thien Tran Chi Thien

Home � Bonjour Việt Nam - lời của hồn thiêng đất Việt

Bonjour Việt Nam - lời của hồn thiêng đất Việt

Tuổi thơ trôi qua trong chiến tranh, thuở cắp sách đến trường tôi không biết đến thơ ca nhạc họa. Có chăng chỉ là những vần thơ kháng chiến được minh họa trong “trích giảng văn học”, và những làn điệu dân ca xứ sở thấm đẫm vào máu qua lời ru của mẹ. Thế nhưng, khi được nghe bài Bonjour Việt Nam, vượt qua sự xúc động thông thường, tôi đã không cầm nổi nước mắt.

Theo giới thiệu của bạn bè, qua Google, tôi đã được nghe "Bonjour Việt Nam" trên mạng Internet. Và, cảm giác thật lạ lùng... Tôi nghe đi nghe lại, và lần nào cũng thấy xúc động đến nao lòng, dù không biết một nốt nhạc, không hề hiểu đến một câu tiếng Pháp. Và rồi, tôi phải cấp tốc lùng tìm bản dịch tiếng Việt, để có thể hiểu được những lời hát đã làm tôi xốn xang. Trong mỗi lời ca, mỗi làn điệu như thấm cả hồn cốt của nhiều thế hệ.





Dường như, Bonjour Việt Nam không còn đơn thuần là một bản nhạc, một bài thơ mà là một "công trình nghệ thuật", qua đó người nghe có thể cảm nhận được lịch sử, được văn hoá, được âm hưởng từ ngàn năm hồn thiêng sông núi vọng về. Mỗi lẫn nghe lại thấy hồi hộp như người đang yêu, lại thấy rung động trong tiếng hát của người con nước Việt xa Tổ quốc, vẳng về những âm thanh sâu lắng và thảng thốt. “Chào hỏi giùm những bà mẹ của tôi, những phụ nữ đang cong lưng trên ruộng lúa; Trong lời nguyện cầu, trong ánh sáng, tôi thấy lại những người anh. Tôi về với tiếng lòng, với cội nguồn, với đất mẹ quê cha...” Tiếng hát như một làn gió mỏng tang, trong suốt và mềm mại, cuốn vào đó những tình cảm quê hương thiết tha.


Người thể hiện bài hát là Phạm Quỳnh Anh, một cô gái người Bỉ gốc Việt, có khuôn mặt dễ thương như một nữ sinh thuần Việt, trong veo và sâu lắng như những làn điệu dân ca tự thuở nào. Bonjour Việt Nam với sự thể hiện của Quỳnh Anh có sức truyền cảm kỳ lạ. Nghe giọng hát, ngắm nhìn khuôn mặt cô, người ta thấy sự trong sáng của trẻ thơ; để quên hết thù hận, chỉ thấy một tình thương bao la, một nỗi khắc khoải, tấm lòng của những người con xa xứ.

Qua bản dịch của Đào Hùng, lời của bài hát như hiện lên cái mộc mạc, cái chân quê của đất mẹ thân yêu: “Hãy kể tôi nghe về cái tên xa lạ và khó gọi; mà tôi đã đeo mang tự thuở chào đời; Hãy kể tôi nghe về vương triều cũ và đôi mắt xếch của tôi; Ai nói rõ hơn tôi về những gì người không dám thốt...”

Hình ảnh đất nước hiện lên với quá khứ đau thương như một phần của đời sống nhân loại, một tất yếu của lịch sử, không còn những sự cay cú ăn thua như cách nghĩ còn vương vấn đâu đó trong đầu một số người cố chấp. “Tôi chỉ biết về người qua những hình ảnh của chiến tranh; Một cuốn phim của Coppola và những chiếc trực thăng trong cơn thịnh nộ... ; Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn người; Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam “

Lời của bài hát với những âm hưởng da diết đã diễn tả nỗi khắc khoải của lớp trẻ muốn tìm về cội nguồn để cảm nhận được màu da rám nắng, để ngửi mùi của đất, của núi rừng và biển mặn trong đó có vị mồ hôi. Từ đó hiểu được nỗi cơ cực của cha ông đã có công mở mang bờ cõi, gìn giữ không chỉ bằng mồ hôi mà còn cả bằng xương, bằng máu và cả những nỗi khắc khoải để vươn lên bằng người. Hãy kể tôi nghe về màu da, mái tóc và đôi bàn chân đã cưu mang tôi tự thuở chào đời. Hãy kể tôi nghe về căn nhà, con đường, hãy kể tôi nghe những điều chưa biết; Về những phiên chợ nổi trên sông và những con thuyền tam bản bằng gỗ.

Mặc dù bản nhạc mới chỉ là một sự phác thảo, chưa được phát hành chính thức, nhưng chừng đó thôi cũng đủ cho những người bình thường như tôi cảm nhận được hồn cốt dân tộc. Cám ơn Phạm Quỳnh Anh, một nữ sinh gốc Việt, đại diện cho thế hệ trẻ lớn lên tại hải ngoại, đã cất lên lời hoài vọng quê hương. Cám ơn bà Trần Thị Minh Huệ, một bà mẹ Việt Nam dẫu đã xa Tổ Quốc hàng chục năm nay nhưng vẫn thường xuyên chuyển tải những tình cảm quê hương đất Việt vào cô con gái. Nếu không có sự rung động từ đáy lòng, Quỳnh Anh không thể thể hiện bài hát thành công đến thế.

Tôi muốn nói lời cám ơn ngàn lần đến tác giả của bản nhạc, ông Marc Lavoine, một người bạn Pháp, chỉ vì yêu Việt Nam đã viết nên ca từ tuyệt vời, thêm vào đó là những làn điệu tha thiết như được thốt lên bởi một tình yêu vô bờ với Việt Nam. Rất tiếc là tôi chưa có nhiều thông tin về ông. Tôi chỉ mới biết, sau khi sáng tác xong bản nhạc, ông đã đi rất nhiều nơi để tìm người thể hiện. Và ông đã gặp Quỳnh Anh Khi đên Bruxelles. Cô được ông lựa chọn không chỉ vì chất giọng mà còn vì cả khuôn mặt diễn tả được niềm hy vọng. Chợt nghĩ, một người Pháp còn có thể yêu Việt Nam đến như vậy, không có lý do gì để những người Việt lại không yêu nhau, dẫu đó là những người con hiện đang sống trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Bằng sức sống mãnh liệt của mình, Bonjour Việt Nam không chỉ chuyển tải tình cảm, tâm hồn của dân tộc mà còn chuyển tải hình ảnh của đất nước trong công cuộc hội nhập. Hai tiếng Việt nam, Quốc hiệu Việt Nam sẽ được bạn bè biết đến nhiều hơn khi chúng ta sử dụng “con tàu” âm nhạc Bonjour Việt Nam của Nhạc sỹ, người bạn Pháp Marc Lavoine với sự thể hiện không chỉ của Quỳnh Anh mà còn là của hàng triệu thanh niên trên mọi châu lục không phân biệt màu da, ngôn ngữ.
Phan Thế Hải

Lời bài hát: Mến chào Việt Nam
Hãy kể tôi nghe về cái tên xa lạ và khó gọi mà tôi đã đeo mang tự thuở chào đời Hãy kể tôi nghe về vương triều cũ và đôi mắt xếch của tôi Ai nói rõ hơn tôi về những gì người không dám thốt.
Tôi chỉ biết về người qua những hình ảnh của chiến tranh, Một cuốn phim của Coppola, những chiếc trực thăng trong cơn thịnh nộ... Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn người Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam Hãy kể tôi nghe về màu da, mái tóc và đôi bàn chân đã cưu mang tôi tự thuở chào đời.
Hãy kể tôi nghe về căn nhà, con đường, hãy kể tôi nghe những điều chưa biết, Về những phiên chợ nổi trên sông và những con thuyền tam bản bằng gỗ. Tôi chỉ biết quê hương qua những hình ảnh của chiến tranh, Một cuốn phim của Coppola, và những chiếc trực thăng trong cơn thịnh nộ...
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn tôi Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam Chào hỏi giùm những người cha của tôi, những ngôi chùa và những tượng Phật bằng đá, Chào hỏi giùm những bà mẹ của tôi, những phụ nữ đang cong lưng trên ruộng lúa, Trong lời nguyện cầu, trong ánh sáng, tôi thấy lại những người anh, tôi về với tiếng lòng, với cội nguồn, với đất mẹ quê cha... Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn tôi Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam (2 lần) (Lời dịch của Đào Hùng)

theo Vietnamnet

Tags:

3 comments to "Bonjour Việt Nam - lời của hồn thiêng đất Việt"

  1. Vinc says:

    tôi yêu Việt Nam nhiều lắm!

  2. Anonymous says:

    mac du ko hieu dc tieng phap, ko hieu dc tung tu, chi thong wa loi dich, nhung trong loi hat, no co cai j do, buon, sau lang lam sao, nhu mot noi niem dai dut mai...

  3. panhpao says:

    Tôi cũng ít khi nghe nhạc lắm, nhưng thật sự là bài hát này có âm điệu rất hay, vừa nghe vừa đọc lời dịch, chỉ nghe được 1 câu Bonjour Việt Nam mà sao thấy hay lạ kỳ. Cám ơn tác giả.

Leave a comment