Nghề thầy giáo thật cao quý và đáng kính trọng biết bao, nhờ thấy cô mà chúng em nên người, chúng em có kiến thức. Tôi sinh ra trong một gia đình nhà giáo. Ba mẹ và hai chị đều là giáo viên, những con người có lòng nhiệt huyết với nghề, là những người thân thương nhất của tôi. Chị ba của tôi là giáo viên miền núi. Tốt nghiệp xong chị nộp đơn lên dạy ở vùng cao, vùng dân tộc BaNa nơi mà các em không biết chữ. Các em học sinh ở đây ngoài việc học ở trường còn phải đi làm nương để phụ giúp gia đình. Những ngày đầu lên vùng núi cao chị đã gặp rất nhiều khó khăn, khó khăn về cách sinh hoạt về khí hậu, cả ngôn ngữ, và thức ăn. Vì là vùng sâu vùng xa nên ở đây chưa có điện, đêm đêm đốt đèn dầu. Ngoài ra, Canh Liên là vùng núi nên muỗi rất nhiều và con nào con nấy bự chát. Các anh chị đồng nghiệp của chị tôi phải soạn giáo án trong màn để khỏi bị muỗi cắn chuẩn bị bài dạy cho hôm sau để dạy cho các em. Những ngày đầu mới lên chị hay đau, qua nhiều lần đau vì không phù hợp khí hậu, ăn không đủ chất dinh dưỡng vì thế người chị vốn nhỏ nhắn nay càng nhỏ hơn. Không chỉ riêng mình chị mà hầu như các anh chị đồng nghiệp ai cũng bị đau ở trên ấy.
Mỗi ngày chị và các anh chị khác phải trèo đèo để đến lớp, có khi các anh chị vào trong bản để dạy các em. Dạy các em biết đọc, biết viết, và mua sách vở, bút cho các em học. Những khó khăn khi không cùng ngôn ngữ và nhiều em vì hoàn cảnh gia đình mà các em thường hay nghỉ học. Các anh chị đến khuyên nhủ, dạy bảo các em giúp các em đi đến trường. Mệt là thế, khó khăn là thế, nhưng các anh các chị giáo viên trường Canh Liên vẫn vui vẻ nhiệt tình. Những cái tên như Thầy Khá (Hiệu trưởng trường Tiểu học Canh Liên), Thầy Tiên (Hiệu phó), và chị tôi Ngọc Hà cùng các đồng nghiệp khác đã đêm ngày tận tụy vì các em học sinh vì những mầm xanh của đất nước mà không quản khó khăn. Những con người hằng ngày vượt qua bao nhiêu khó khăn về khí hậu ngày nóng rát, đêm rét cóng. Những khó khăn về thức ăn nhiều lúc các anh chị hết thức ăn dự trữ phải hái lá đu đủ luộc ăn với cơm hay ăn củ sắn. Nghe có vẻ khó tin, chính tôi đã từng không tin điều đó, nhưng nó lại được xác thực qua nhiều anh chị tôi mới biết điều đó là sự thật. Không những khó khăn về khí hậu và thức ăn con đường đi dạy mà các anh chị đi cũng lắm gian nan, con dốc cao thật cao được gọi là Cổng Trời cao ngất ngưỡng đã làm cho các anh chị bị té và bị thương ở chân tay và có khi ở cả mặt nữa.
Khó khăn chồng chất là vậy, nhưng các anh chị với lòng nhiệt huyết yêu nghề, yêu các em học sinh, họ đã vượt qua khó khăn. Chị tôi thường ánh lên niềm sung sướng khi nói về những cô cậu học trò giỏi Bana đáng yêu của mình.
Trong muôn vạn nghề tôi biết, với tôi ngành giáo viên làm cho tôi quí trọng nhất, cao quý nhất trong tất cả các nghề. Cái nghề mà thầy tôi thường nói không bao giờ giấu nghề, thầy cô truyền đạt tất cả mọi kiến thức cho chúng em, chỉ cho chúng em những con đường đúng, hướng đi đúng. Sinh ra trong một gia đình nhà giáo và tôi thực sự hãnh diện vì đều đó, và nó từng là ước mơ thưở nhỏ của tôi. Một cô giáo đứng trên bục giảng, giảng bài cho các em học sinh, một nghề trên muôn vạn nghề. Tập thể giáo viên trường Canh Liên là những con người thầm lặng có lẽ ít ai biết đến nhưng lại làm nên những điều tuyệt diệu cho các em học sinh miền núi đem ánh sáng văn hóa đến cho các em. Và tôi hy vọng rằng ánh sáng ấy mãi tỏa sáng trên Cổng Trời- Canh Liên.
myhoa20052000@yahoo.com
(Giải nhì cuộc thi viết online 20/11)
0 comments to "Những người thầy thầm lặng"