Breaking News

Tran Chi Thien Tran Chi Thien

Home , , � Nhật ký mùa hè xanh 2009

Nhật ký mùa hè xanh 2009


Đây là năm đầu tiên tôi tham gia chiến dịch mùa hè xanh. Cảm giác ban đầu của tôi chỉ là chút gì đó bỡ ngỡ và hơn hết là sự tò mò. Nhưng thật sự sau hai mươi ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm tôi mới đã phần nào hiểu được thế nào là mùa hè xanh.

Là sinh viên năm nhất của trường Kinh tế – một trường đại học dẫn đầu cả nước trong phong trào sinh viên, hoạt động thanh niên với hơn hai mươi ngàn sinh viên hệ chính quy vậy mà chỉ chọn hơn ba trăm chiến sĩ tình nguyện trong số đó, điều này làm tôi lo lắng. Mấy anh chị trong khoa cũng nói: “Muốn được đi mùa hè xanh thì em phải năng hoạt động, điểm học tập trên 7.0…”. Lo là vậy nhưng khi điền đơn đăng ký tôi vẫn quyết tâm năm nay mình nhất định phải đi mùa hè xanh không chỉ vì tò mò mà còn vì tôi được biết địa bàn chiến dịch năm nay ở huyện Bù Đốp, Bình Phước – nơi mà cách đây sáu năm tôi đã từng theo cha mẹ lên làm ăn và đi học, không biết giờ đã đổi thay đến nhường nào. Tôi thuộc khoa Kinh tế phát triển, khoa tôi tuyển chọn chiến sĩ mùa hè xanh rất công bằng vì muốn trở thành chiến sĩ tình nguyện năm 2009 bạn phải trải qua hai vòng phỏng vấn, một buổi là vòng phỏng vấn về xử lý tình huống do các anh chị đã từng đi mùa hè xanh đưa ra, một buổi là kiểm tra kỹ năng (khéo tay, sơ cấp cứu, nghệ thuật…) rất bài bản. Tôi hồi hộp chờ đợi kết quả, và khi biết mình lọt vào danh sách ba mươi hai chiến sĩ đưa lên trường duyệt chọn, tôi như mở cờ trong bụng dù không biết mình có là một trong hai ngươi bị loại sắp tới không. Rồi cũng tới ngày phỏng vấn của trường, và tôi đã trở thành một trong ba mươi bạn chiến sĩ may mắn trong khoa được tham gia chiến dịch năm nay. Dù đang trong những ngày thi học kỳ nhưng công việc tập huấn, hợp điểm, chạy tài trợ,… vẫn diễn ra vô cùng sôi nổi, nhất là mấy anh chị đội trưởng, đội phó,… nhiều khi bỏ cả học bài thi để chạy cho chiến dịch được suôn sẻ. Và trong lúc đó tôi biết được thế nào là sức trẻ, là nhiệt huyết thanh niên và cả đam mê với công tác sinh viên.

Và ngày đó đã tới, ngày 25/07/2009, ngày ra quân chiến dịch tình nguyện 2009 ở A116. Đồ đạc nhanh chóng được chuyển lên xe và những chuyến xe đầu tiên xuất phát, ngồi trên xe tôi đang hình dung ra những cảnh tượng thân quen năm nào nơi đất đỏ xa xôi, nơi mà không lâu nữa chúng tôi sẽ tới.

Đường đi nay sao khác xưa nhiều quá, đẹp hơn, rộng hơn và mới hơn, có những khúc đường còn đang rải đá, đi ngang qua nhà cũ mà xém chút là tôi đã không nhận ra, đúng là cảnh vật nơi đây thay đổi thật nhiều. Xe chạy trên con đường đôi dẫn vào Ủy ban xã Thanh Hòa, nơi khoa tôi đóng quân. Đúng 11 giờ 30 phút chúng tôi có mặt tại Ủy ban xã Thanh Hòa, khang trang và rộng rãi, thật bất ngờ vì chúng tôi được tiếp đón thật nồng hậu, chưa kể đến những bàn ăn đã được dọn sẵn – một cảm giác thân thiện đầu tiên. Sau phần làm lễ đón quân trong hội trường, chúng tôi được mời ra bàn ăn, các bác tiếp đón rất nhiệt tình với đại diện của từng ấp trong tay đã sẵn sàng chai rượu. Các bác cứ mời các chiến sĩ uống, không thì nhắp môi cũng được nhưng kỷ luật là không được uống bất kể thế nào trừ đội trưởng. Thế là kỹ năng xử lý tình huống đã có đất dụng võ, chúng tôi cố đẩy qua cho điểm trưởng, mỗi người đều có cách xử lý riêng nhưng đa số là tranh thủ ăn để rời khỏi bàn tiệc. Ăn xong cả đội tranh thủ xếp đồ mỗi ấp ra riêng, và ở mỗi điểm ở đều có thanh niên địa phương ra đón chúng tôi về – cảm giác thân thiện thứ hai.

Điểm ở của tôi chỉ có sáu chiến sĩ và tình hình là ấp này chưa có điện và không biết bao giờ sẽ có điện, đây cũng là điều đầu tiên làm tôi cảm thấy thú vị từ lúc ở thành phố, tôi chưa tưởng tượng được cái cảnh sống hai mươi ngày mà không có điện, không sạc điện thoại, không đèn là như thế nào. Nhưng phải nói một điều rằng nếu bạn có từng kinh qua trường hợp này thì bạn mới thấy cuộc sống rất muôn màu và thú vị làm sao. Gia đình nhận nuôi sáu chiến sĩ chúng tôi thuộc hàng khá trong ấp, nhà có máy phát điện, vườn cây, ao cá,… và chính ở đây chúng tôi đã có một bố và một má, rất ân cần và luôn giúp đỡ chúng tôi trong sinh hoạt lẫn công tác – cảm giác thân thiện thứ ba.

Ngay tối hôm ấy anh Bí thư ấp và vài người bạn thanh niên đầu tiên đã vào thăm và nói chuyện với chúng tôi. Thật may mắn vì chúng tôi có một anh Bí thư thật nhiệt tình, hát hay mà vui tính nữa, luôn đi theo hỗ trợ chúng tôi trong suốt chiến dịch dù hoàn cảnh gia đình anh cũng vất vả không kém, đó là điều đầu tiên làm chúng tôi cảm động và cảm phục tinh thần trách nhiệm ở nơi anh – một đại diện thanh niên của ấp. Buổi nói chuyện thật vui và ấm cúng dù có những lúc nhìn nhau chẳng biết nói gì, và trong số đó có một nhóc rất ngộ mà sau này tôi với nó đã kết nghĩa anh em.

Hoạt động chủ yếu của chúng tôi là tổ chức sinh hoạt cho thanh niên, thiếu nhi, dạy học, giúp đỡ gia đình chính sách,… Vì chỉ có sáu chiến sĩ nên công việc gì chúng tôi cũng chia buổi rồi cả sáu người cùng làm, đỡ mệt và rất vui, được cái thanh niên địa phương rất hợp tác nên công tác không mấy khó khăn. Tôi nắm chính phần sinh hoạt thanh niên vào mỗi tối, lúc đầu tôi rất sợ đến tối phải ra sinh hoạt vì chẳng biết cho chơi cái gì, nói gì, làm gì nhưng mấy bữa sau thì khác hẳn, tôi thấy thích những buổi sinh hoạt thanh niên hơn, đó là môi trường rất tốt để tôi rèn luyện cách xử lý, khả năng quản trò, và nói chuyện trước đám đông. Đây cũng là lần đầu tiên tôi trở thành thầy giáo, mới đầu tưởng là dễ nhưng dạy rồi mới biết không phải vậy, nhiều khi giảng hoài mà mấy em không hiểu, cũng tức lắm chứ nhưng tôi cố trấn tĩnh rằng: “Khả năng sư phạm của mình còn kém, cố lên!”. Vậy là những bữa sau tôi rất thích ra nhà cộng đồng dạy các bé, tôi cũng có được một số học trò ruột nữa, thật vui. Mà thật ra tôi có một điều băn khoăn… càng nghĩ càng thương các bạn ở đây quá, không biết chừng nào mới có điện, ngoài nhà cộng đồng đèn, quạt đã lắp sẵn mà chẳng biết bao giờ đèn mới sáng, quạt mới chạy nữa. Thử hỏi nếu bạn sống trong hoàn cảnh đó, khi mà ban ngày thì phụ gia đình làm hột điều, mần cỏ, chăm vườn, ban đêm thì tối thui thì tâm trí đâu mà học, mà sinh hoạt nữa chứ, phải em nào có chí lắm thì mới chịu khó thắp đèn dầu mà học thôi. Nói vậy chứ có đấy bạn ạ, cô bé con chú ấp trưởng năm nay lên lớp mười một đã nhiều năm liền là học sinh giỏi, mới hôm nọ tôi còn được tin bé xuống thành phố lãnh học bổng “Chung một ước mơ” sau khi chúng tôi về được vài ngày. Và còn nhiều cảnh nhà đáng thương khác, nhà lá, mái dột, cột xiêu,… khoa tôi có hỗ trợ hai mái nhà lá cho hai gia đình khó khăn trong ấp. Đây là lần đầu tiên tôi được leo lên mái nhà để lợp lá, cảm giác thật khó tả, thấy như mình lớn hơn, khỏe mạnh hơn. Tôi càng thấy đúng hơn câu nói mà tôi đã từng được nghe: “Đi mùa hè xanh không phải là đi giúp dân làm kinh tế mà là cho họ thấy rằng họ được quan tâm.”. Và dường như chúng tôi đã làm được điều đó, những buổi sinh hoạt đêm rất đông thanh niên, những buổi sinh hoạt thiếu nhi luôn rộn tiếng cười…

Công tác là vậy, trong sinh hoạt cũng có nhiều điều rất vui. Hình như từ bữa chúng tôi xuống tới lúc về chỉ đi chợ có hai lần, còn lại không phải đi chợ vì nhà các bé cho bọn tôi đồ ăn rất nhiều, rau quả đủ loại, còn có chia cho mấy ấp khác nữa – cảm giác thân thiện thứ tư. Đặc biệt hơn là có mấy bạn thanh niên gần như là ăn ngủ cùng chúng tôi, lúc nào cũng có mặt hỗ trợ chúng tôi và rất tình cảm, chúng tôi đã thực hiện được tiêu chí cùng ăn, cùng ở, cùng làm theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sáu chiến sĩ cùng sống chung với nhau cũng có nhiều điều thú vị, nhưng cái mà có lẽ cả đời sinh viên này tôi sẽ không bao giờ quên đó chính là tình cảm gắn bó và sự quan tâm mà chúng tôi dành cho nhau. Vừa xuống được gần tuần lễ là tôi bị bệnh, nghi là cúm H1N1 nhưng may mà không phải, tôi vừa bệnh là ai cũng lo, chị điểm phó nấu cháo, nấu nước xông, và mọi người làm những điều khiến tôi thật cảm động mà không phải những con người nào mới gặp gỡ lần đầu đã có thể đối xử với nhau như vậy. Rồi những bữa có công tác chung các điểm ở tập trung ra xã, gặp lại đồng đội lòng vui biết bao.

Mọi việc cứ êm đềm diễn ra, tôi đếm từng ngày, lúc đầu còn thấy mệt, nhiều lúc nghĩ ở nhà chưa chắc mình đã làm những việc này vậy mà giờ lại phải làm, nhưng càng về sau tôi càng muốn được làm nhiều hơn, muốn được đếm ngày lâu hơn, muốn nhiều thứ nữa nhưng thời gian thường tàn nhẫn mà, nó chỉ biết đi mãi mà chằng bao giờ dừng lại cả. Tôi ghét mấy ngày cuối vô cùng, vì nó làm chúng tôi buồn, làm mọi người dân trong ấp buồn, và có ai đó đã khóc, khóc những giọt nước mắt sâu lắng nhất. Cái khóc đầu tiên là ở buổi tổng kết lớp ôn tập hè và phát giải cuộc thi vẽ tranh. Bữa đó tôi đã nghe được những lời chúc những câu nói tình cảm mộc mạc và ngây thơ làm sao từ các em, và một chiến sĩ trong chúng tôi đã bật khóc khi ôm một bé gái vào lòng, giọt nước mắt ấy, tình cảm ấy có tiền cũng không mua được. Rồi mỗi em một vẻ mặt, một cách nghĩ, tay cầm quà là quyển tập trắng, cây bút xanh rồi thì bánh kẹo nhưng nhìn vào ánh mắt các em tôi biết chúng đều có chung một tâm trạng: buồn, buồn rất nhiều. Có bé nói: “Mấy anh chị mùa hè xanh nhớ về chơi với tụi em nha!”, vì mấy anh chị đi rồi sẽ không còn những buổi sinh hoạt nữa, không còn lớp học hè nữa,… Rồi cái khóc thứ hai là ngày trước khi chia tay, ngày sinh hoạt cuối cùng với thanh niên địa phương, bữa nay không khí khác hẳn, tôi không tổ chức chơi gì cả vì tôi biết có tổ chức cũng chẳng ai có tinh thần để chơi, mà đây chính là thời điểm thích hợp cho những xúc cảm, những tâm sự được bộc bạch, mọi người đều nói hết với nhau một cách thẳng thắn như anh em. Rồi bắt đầu anh bí thư khóc, anh đã nói một câu mà có lẽ chúng tôi sẽ nhớ mãi làm hành trang sau này: “Đây là đợt mùa hè xanh thứ tư về ấp này rồi, nhưng không giống những lần trước, mùa hè xanh năm nay có cái gì làm anh lưu luyến quá!”, và anh đã khóc… anh khóc như người anh hai khi nói lời chia tay cùng bầy em. Rồi một hai chiến sĩ đã khóc, cả một vài thanh niên địa phương nữa, tôi không thấy trong giọt nước mắt ấy có sự yếu đuối mà tràn ngập trong nó là tình cảm, là tình thân chẳng muốn lìa xa. Trong buổi hợp mặt của chúng tôi còn có chị đội trưởng nữa, chị cũng sụt sùi và nói: “Các bạn thật may mắn khi được là chiến sĩ, còn chị với vai trò đội trưởng chị đã mất những gì rất đẹp của một chiến sĩ mùa hè xanh bình thường”. Lúc đó tôi thấy thương chị vô cùng và muốn nói với chị rằng: “Chị ơi, có thể chị không có những lúc sinh hoạt bình thường như bao chiến sĩ mà luôn phải tất tả chạy hết điểm ở này đến điểm ở khác, lo lắng mọi thứ… nhưng trong mỗi chúng em và người dân nơi đây chị đã để lại một hình ảnh rất đẹp, rất đáng cảm phục.”. Rồi trong hai ngày cuối cùng không biết đã có bao nhiêu giọt nước mắt của chiến sĩ, của thanh niên, của các em nhỏ đã rơi xuống.

Hai mươi ngày - một khoảng thời gian không quá dài mà cũng không quá ngắn nhưng nó đủ để thu ngắn những khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa người với người, giữa được và mất… để khi mà chúng ta đã bắt đầu quen với cái gì đó rồi lại phải chia xa. Đến đêm cuối hội trại ở huyện thì tôi và các bạn chiến sĩ khác đã tham gia được ba đêm lửa trại rồi, và tôi biết đống lửa nào dù cháy sáng tới đâu cũng có lúc tàn, nhưng ngọn lửa của tuổi trẻ, của nhiệt huyết, của tình thân vẫn còn cháy mãi trong lòng mỗi chiến sĩ chúng tôi, trong lòng mỗi người dân nơi đây, để ngày hội trăng rằm này khi chúng tôi trở lại đây nó sẽ được rực sáng thêm lần nữa.

Sáng ngày mười lăm, các chiến sĩ vác ba lô lên xe về lại thành phố, sân C19 đông hơn ngày thường, bà con ra tiễn sụt sùi nước mắt… kẻ ở người đi như cha mẹ tiễn những đứa con đi lính xa nhà – cảm giác thân thiện cuối cùng. Xe chúng tôi về tới thành phố, như truyền thống mọi người rủ nhau vào ăn KFC, chuyện trò rồi bất chợt điện thoại của tôi cũng như các bạn chiến sĩ khác nhận tin nhắn tới tấp, đó là những tin nhắn của các em, các bạn thanh niên hỏi chúng tôi đã về đến nhà chưa, tôi thật sự cảm động, chúng tôi đã làm được “ở dân thương, làm dân tin, đi dân nhớ” rồi. Và tới giờ khi về nhà đã gần một tuần mà ngày nào tôi và những người bạn mới nơi đất đỏ xa xôi vẫn nhắn tin hỏi han đủ thứ, các bé thì mong đếm từng ngày cho đến rằm Trung thu các anh chị mùa hè xanh lại về, và tôi cũng vậy. Phải đi rồi mới biết mùa hè xanh thật tuyệt vời, sau chuyến đi này tôi thấy mình đã cứng cỏi và lớn lên nhiều. Cho tôi mượn một câu hát thay cho lời kết: “Đời sinh viên những chuyến đi xa, lòng càng thêm yêu tha thiết quê nhà, nụ cười trên môi rạng rỡ, từng ngày trong tim vẫn nhớ… mùa hè ghi dấu một đời sinh viên”.

Trần Thái Phương Nam
Lớp 20 - K34
Chiến sĩ xã Thanh Hòa

0 comments to "Nhật ký mùa hè xanh 2009"

Leave a comment