Breaking News

Tran Chi Thien Tran Chi Thien

Home , � Tình cảm của gia đình luật sư Lô-dơ-bi với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tình cảm của gia đình luật sư Lô-dơ-bi với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chiến thắng vĩ đại 30/4/1975 mãi mãi gắn liền với lịch sử dân tộc. Mỗi lần nhớ lại thời khắc vinh quang ấy của đất nước, mọi người Việt Nam lại nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân ta, là người tổ chức và rèn luyện Đảng ta, Quân đội ta từ những ngày trứng nước, dần dần tiến lên giành thắng lợi quyết định Mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhân dịp này, Quốc Tế giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Gia Nùng, gợi lại những kỷ niệm về Luật sư Anh Loseby, khi ông nhận lời mời của Hồ Chủ tịch thăm Việt Nam.

Vào dịp đầu năm 1960, theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông bà Luật sư Loseby cùng cô con gái duy nhất, Luật sư Patricia sang thăm Việt Nam. Cũng vào dịp ấy, tôi có may mắn khi đang là sinh viên năm thứ ba khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội, được "trưng dụng" cùng 3 sinh viên khác đi dự lớp tập huấn ngắn ngày rồi tham gia hướng dẫn, thuyết minh cho các đoàn khách tới tham quan Bảo tàng Cách mạng Việt Nam trong dịp Tết của một năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn của đất nước như năm 1960.

Đúng vào dịp này, ông bà Loseby đã đến thăm, nói chuyện và tặng Viện Bảo tàng một số kỷ vật quý về Bác trong thời gian Người ở Hương Cảng. Về vụ án Hương Cảng và câu chuyện Luật sư Loseby đã can thiệp, buộc chính quyền Hương Cảng phải tuyên bố trắng án, bồi thường danh dự cho Tống Văn Sơ - tên Bác dùng để hoạt động ở Trung Quốc lúc ấy - đã được nhiều sách báo nói đến khá tỉ mỉ. Người viết bài này chỉ xin nêu thêm vài chi tiết mà bản thân đã may mắn ghi nhận được qua buổi gia đình Luật sư Loseby đến thăm Viện Bảo tàng. Trong buổi tiếp xúc, trò chuyện với cán bộ, nhân viên Bảo tàng, Luật sư Loseby có dành thời gian trả lời một số câu hỏi mọi người muốn biết thêm. Tôi nhớ có một câu hỏi dành cho bà Loseby và đã được bà trả lời hết sức bất ngờ, thú vị. Đó là câu hỏi: Bà đã nghĩ như thế nào khi bà cùng Luật sư Loseby đều rất nhiệt tình, quyết tâm cứu bằng được Tống Văn Sơ ra khỏi nhà tù Hương Cảng? Bà Loseby trả lời đại ý: Tôi không rõ ông nhà tôi nghĩ như thế nào. Còn tôi, dù chỉ tiếp xúc, gặp gỡ với Tống Văn Sơ trong nhà giam rất ngắn ngủi nhưng ngoài sự cảm tình, mến phục rất đặc biệt, tôi còn có một động cơ rất riêng. Đó là tôi muốn khi chú Tống được ra tù, chúng tôi sẽ tìm cách lưu chú Tống lại nhà một thời gian để dạy cho con gái tôi. Vì khi gặp, cháu cũng tỏ ra rất quý mến chú Tống. Mà chú Tống thì có kiến thức rất rộng, am hiểu nhiều và nói tiếng Anh rất hay! Bà còn cho biết thêm: sau khi toà án Hương Cảng xử 9 phiên rồi phải tuyên bố trắng án, Tống Văn Sơ được trả tự do nhưng do sức khoẻ của chú Tống sút kém và phải tìm cơ hội tốt để rời Hương Cảng, tránh mạng lưới của mật thám Pháp đã được dăng sẵn, ông bà đã giấu chú Tống tại nhà để chăm sóc sức khoẻ cho chú Tống. Trong thời gian ấy, cô bé Patricia, lúc ấy mới 8 tuổi rất quyến luyến và yêu mến chú Tống đến mức hôm nào gia đình chưa kịp đón chú Tống từ nơi gửi về nhà thì dù đến giờ ăn, Patricia cũng nhất định chờ bằng được chú Tống về mới chịu ăn cùng chú.

Thật khó tưởng tượng, một gia đình trí thức lớn người Anh lại có cảm tình, mến phục Tống Văn Sơ, một người châu Á, lại còn có ý định muốn lưu giữ để đóng vai trò như một gia sư trong gia đình như thế.

Nhớ lại những ngày ấy, ông Loseby nói như một lời tâm sự:

- Khi ấy, qua những lần tiếp xúc, tôi thật sự cảm phục, quý mến Tống Văn Sơ nên đã nhận lời cãi cho vụ án này. Nhưng thật tình, tôi chưa thể nghĩ rằng Tống Văn Sơ ngày ấy lại là Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này. Tôi rất tự hào là trong cuộc đời luật sư của mình đã làm được một việc có vinh dự lớn lao ấy. Nhưng thật ra trong quá trình diễn biến của vụ án, cuối cùng tôi đã làm theo ý của Tống Văn Sơ. Đó là khi tôi quyết định gửi đơn chống án lên Tối cao pháp viện của Hoàng gia Anh ở London, tôi có nhờ luật sư thân tín của mình là Stafford Crip đang làm việc ở đây quan tâm đến vụ án. Tất nhiên, chính quyền Hương Cảng khi biết việc này, họ cũng phải lo phản bác lại và nhờ cậy một luật sư khác cũng làm việc và rất có uy tín ở Tối cao pháp viện bênh vực họ. Ông này tôi cũng có quen biết và có mối quan hệ tốt. Biết chuyện, Tống Văn Sơ nói với tôi: mình không cần hơn thua làm gì, cốt được việc của mình. Tốt nhất là khi gửi hồ sơ cho ông Crip thì nên gửi thêm một bộ cho ông luật sư mà chính quyền Hương Cảng đang nhờ cậy, kèm theo thư nói có lý, có tình, để bằng lương tâm và trách nhiệm của mình, ông ấy cũng ủng hộ. Tôi đã làm theo và kết quả đúng như Tống Văn Sơ dự đoán. Ông luật sư được nhờ cậy bênh vực cho chính quyền Hương Cảng khi được cung cấp đầy đủ hồ sơ nội vụ, thấy nếu cứ tiếp tục theo đuổi thì chính quyền Hương Cảng chắc chắn sẽ thua kiện nên khuyên họ nhượng bộ và buộc phải làm theo phán quyết của Tối cao pháp viện.

Ông bà Loseby còn kể thêm: ông bà rất tiếc là trong thời gian phát xít Nhật chiếm đóng Hồng Kông trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, gia đình ông bà đã mất hết cả gia sản, trong đó có một thứ quý vô giá gia đình vẫn gìn giữ là cuốn nhật ký, ghi chép của Tống Văn Sơ suốt trong thời gian Người bị giam giữ trong tù. Sau khi Tống Văn Sơ rời Hương Cảng an toàn, ông bà không còn được tin tức gì. Mãi tới năm 1957, ông bà bỗng nhận được một món quà từ Việt Nam. Đó là bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời đề tặng và chữ ký của Người kèm theo một bức thư. Cho đến lúc ấy, ông bà mới biết Chủ tịch Hồ Chí Minh bây giờ chính là Tống Văn Sơ ngày trước.

Nhân dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, Tết Canh Tý 1960, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông bà cùng cô con gái đã trưởng thành sang thăm Việt Nam hai tuần. Bác Hồ đã trực tiếp đưa ông bà đi thăm nhiều nơi. Bác giới thiệu với mọi người: Đây là những vị khách quý, là ân nhân của Bác. Do ông Loseby hơn Bác 8 tuổi nên thời gian Bác ở trong gia đình, cô Patricia và gia đình đều gọi "chú Tống". Được sang thăm Việt Nam lần này, cô Patricia rất phấn khởi, yêu mến đất nước và con người Việt Nam. Cô ngỏ ý với "chú Tống" - Chủ tịch Hồ Chí Minh - xin phép cho cô được ở lại Việt Nam và nếu có thể, cô sẽ lấy chồng Việt Nam. Bác Hồ trả lời: Nếu cháu ở lại thì chú sẽ rất vui. Nhưng bố mẹ cháu già rồi, lại chỉ được có mình cháu là con. Cháu phải luôn luôn ở bên cạnh để chăm sóc bố mẹ. Mấy năm sau, về Hong Kong, Patricia đã xây dựng gia đình. Chồng cô cũng là một luật sư người Anh.

Năm 1967, khi được tin ông Loseby mất, Bác đã gửi vòng hoa và lời chia buồn đến gia đình. Chính vì tình cảm sâu nặng ấy của Người nên tháng 9 năm 1969, khi nghe tin Bác mất, gia đình bà Loseby đã tổ chức tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay tại gia đình. Cô Patricia đã điện cho chồng đang ở Anh phải tức tốc về ngay Hương Cảng, chịu tang Người như một thành viên ruột thịt trong gia đình. Cũng trong dịp này, khi trả lời phỏng vấn của hãng Reuters, bà Loseby còn kể thêm: những tin đồn đại về cái chết của Tống Văn Sơ trong nhà tù Hương Cảng do bị lao phổi nặng là do ông bà truyền đi nhằm đánh lạc hướng bọn mật thám Pháp, góp phần giúp cho Tống Văn Sơ an toàn đến Hạ Môn cũng vào dịp Tết, sau đó tìm đường sang lại Liên Xô.

Kim Ngân sưu tầm

0 comments to "Tình cảm của gia đình luật sư Lô-dơ-bi với Chủ tịch Hồ Chí Minh"

Leave a comment