Breaking News

Tran Chi Thien Tran Chi Thien

Home , , � Khoảnh khắc quân sự

Khoảnh khắc quân sự

Thời gian một tháng không dài không ngắn, vừa đủ để thích nghi với cuộc sống thiếu vật chất, thừa niềm vui trên khu quân sự. Đời sinh viên dù muốn dù không, ai cũng phải trải qua ít nhất một lần. Tất nhiên khi đặt chân lên đây chúng tôi không mong gì có ngày phải trở lại. Đang chăn ấm nệm êm sung sướng nơi thị thành hào nhoáng không thiếu thứ gì, bỗng chốc lâm vào cảnh màn trời chiếu đất ngày ba bữa làm bạn với lá cây, kiến rừng. Thậm chí có kẻ quẫn trí đến nỗi tự nói với mình “Chuyến này lành ít dữ nhiều, chẳng biết còn ngày về với mẹ không…”. Cảm giác nơm nớp kéo dài hàng tháng trời trước khi “chuông nhà thờ điểm”. Rồi “giờ thiêng” đã đến, đoàn con chiên ngoan đạo lục tục kéo theo những xô, thau, gàu, chậu…tay quai, tay giỏ cùng bộ mặt nặng trịch…căng thẳng lên đường. Đám chiến sĩ chưa xung trận đã nản chí này mang trong lòng mỗi người một “mối hận” nặng hơn cả hận không trả được thù trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. Nguyên nhân cũng là do các cậu ấm, cô chiêu bức xúc vì bị phân công học ở khu quân sự cũ. Nơi mà theo lời đồn của các bậc tiền bối đi trước kể lại là “lắm muỗi nhiều ma”.
Khăn chiếu lên đường từ sớm tinh mơ, lên đến nơi mà mặt đứa nào cũng còn ngáy ngủ, thêm vẻ bí xị mà tụi nó đã bàn bạc chia ra mỗi đứa giữ một ít thì không thể nào không liên tưởng tới mấy cái bánh bao đang di dộng. U ám hơn trời mùa đông trong những ngày có áp thấp nhiệt đới. Dù đã chuẩn bị tinh thần rất kĩ càng nhưng số lượng người sốc tim sau khi nhận phòng ở và quân trang vẫn lên đến con số không kiểm soát được. Bộ phận trấn an tâm lí và cấp cứu giải nhiệt đã rơi vào tình trạng quá tải. Không thể ngăn cản càng không có hi vọng dập tắt phong trào đình công biểu tình của đám dân chúng cuộng nộ, rất có nguy cơ phát triển thành một cuộc bạo loạn lật đổ. Các tiểu thư, công tử nhà mình đã quen với chăn gấm phòng the nên khi nghe có lệnh giải thoát, không bắt buộc ở nội trú vì không có đủ chỗ thì mừng rỡ khăn gói nào vali, balô và hàng trăm vật dụng khác hăm hở ra về. Thà đăng kí ngoại trú rồi chấp nhận ngày hai lượt đi xa chứ không đủ can đảm ở chung trong phòng tập thể 60 người, ăn cơm lính, ngủ chiếu manh. Ban đầu cứ nghĩ sự việc này càng khiến thần dân trong tập thể khó hòa đồng, vốn dĩ mỗi đứa một quê tề tựu về đây và giảng đường đại học cũng chẳng ấm cúng như hồi cấp ba để mọi người quấn quýt nhau thì giờ lại càng nhiều khoảng cách hơn. Mọi hi vọng về một sự thay đổi đều đặt cả vào kì học quân sự, thế mà buổi khởi đầu của nó chẳng có dấu hiệu gì dự báo cho một cơn mưa sẽ về trên mảnh đất khô lâu ngày vì nắng hạn. Những người không có điều kiện đi về vì nhà xa, vì thiếu phương tiện hay nghĩ rằng mình có thể khắc phục những khó khăn trong sinh hoạt ở đây thì lặng lẽ thu xếp hành lý và chọn cho mình một chỗ thích hợp để “xây thành đắp lũy” chờ ngày “lập dựng cơ đồ” trong cái phòng tập thể chẳng lấy gì làm tiện nghi này. Khó khăn này mới được dẹp xuống thì gian nan khác đã thừa cơ nổi lên. Quy định cấm sinh viên ra khỏi khu vực quân sự mua cơm mà phải mua cơm ở căn tin làm nhen nhóm trong lòng mỗi đứa một ngọn lửa thèm cơm ở phía bên kia hàng rào một cách mãnh liệt, dù cơm ngoài đó cũng chưa chắc là ngon hơn. Nhưng khổ nỗi truyền thống xưa nay, cái cấm là cái ngon, cái không cho là cái thèm. Chả thế mà ông bà Adam và Eva chỉ vì trái táo – thứ chẳng thuộc giống cao lương mĩ vị gì cho cam mà để bị đày ra khỏi vườn địa đàng, để con người giờ đây phải khổ, để cho mấy đứa học quân sự phải ngồi làm ràm như mấy cụ già vì tiếc rẻ cái vườn kia. Những đứa chấp nhận đi về ngày hai bận thì tránh khỏi “kiếp nạn mì tôm”, ngày nào cũng phơi phới với camen cơm đầy ắp đồ ăn do mẹ chuẩn bị cho mang theo. Nghĩ cũng thật ganh tị, cũng thật buồn, lắm đứa ở quê, làm gì có mẹ ở đây để chuẩn bị cơm cho mang theo từng bữa như thế. Rồi loanh quanh lẩn quẩn cũng chỉ thấy đời người gắn với hai chuyện cơm, áo. Sau khi nhận quân phục thì không cần lệnh tổng động viên, toàn dân cũng đánh giặc. Mọi người đã tự giác phát động phong trào người người đem giặt, nhà nhà đi giặt. Xà bông, bàn chải, thau nhựa được huy động ở mức độ tối đa, sức người sức của ào ạt xông pha, hết miệt mài, hì hụi chà chà vắt vắt rồi lại kiên trì, nhẫn nại quạt quạt thổi thổi cho đồ mau khô. Trong không khí hăng hái của tập thể thế này mới cảm nhận được hết giá trị câu nói : “Lao động là vinh quang”!
Công tác chuẩn bị cho đợt học thế là quá đầy đủ. Ngày hôm sau, toàn khu quân sự xanh ngợp màu quân phục trong tư thế chỉnh tề của hơn 1000 sinh viên. Khóa học giáo dục quốc phòng đã chính thức bắt đầu. Hứa hẹn rất nhiều gian nan, thử thách. Vì đã được tham khảo kinh nghiệm của “các bậc vĩ nhân” truyền đạt và bị đe dọa với tần số dày đặc các câu chuyện rùng rợn về ách khổ sai của các “vị chân sư đã tu thành chánh quả” nên chúng tôi phần nào có sự chuẩn bị đúng mức. Kỉ luật quân sự không còn là điều bỡ ngỡ hay quá khắt khe đến nỗi không chấp nhận được. Thực ra đợt học này không phải nhàm chán như thiên hạ vẫn đồn đại. Có rất nhiều điều thú vị khiến cả đám đệ tử ngổ ngáo này say mê. Kì lạ nhất lại chính là mấy cái bãi tập sáng chiều lăn, lê, bò, lết này. Quả thực sĩ tử chúng tôi chỉ được học nhiều trong sách vở chứ kinh nghiệm thực tế chẳng có bao nhiêu, đụng đến mấy bài tập thực hành này mới thấy cả mớ hậu đậu, lóng ngóng trong đó. Như thế này thì khi đất nước có biến làm sao giúp gì được. Thật hổ thẹn khi phát hiện ra những lỗ hổng quá lớn của bản thân. Cũng may là còn có cơ hội lấp đầy nó lại, chưa phải là quá muộn để biến mình thành con người chẳng hữu ích gì cho quê hương. Thú vị hơn là cảm giác được coi trọng như người cầm cương cho nền an ninh quốc phòng của Tổ quốc. Được giáo dục và tìm hiểu sâu về những khía cạnh của lĩnh vực quân sự, tinh thần trách nhiệm lại trỗi lên trong mỗi cá nhân. Niềm tự hào vì mình được tin tưởng giao cho nhiệm vụ quan trọng và đầy ý nghĩa này khiến ai ai cũng phấn khởi lên trông thấy. Gió xuân đã manh nha xua đi không khí u ám của những buổi đầu!
Công cuộc giáo dục có lẽ chưa dừng lại ở đó. Một tháng đi về, học tập, sinh hoạt ở đây với đủ các hoạt động ngoại khóa, thể thao đã khiến chúng tôi thu dần khoảng cách giữa những con người vốn chưa có xu hướng xích lại gần nhau, ngay cả khi bắt đầu bước vào khóa học này. Nàng tiểu thư chê mảnh chiếu lúc nhận phòng giờ năn nỉ ở lại ngủ chung giường với mấy chị em cho vui, mẹ kêu mãi cũng chẳng về. Nằm chung tuy chật chội và cái màn thủng năm bảy chỗ chẳng thể ngăn ngừa lũ muỗi luôn trong tình trạng đói khát, nhưng đánh đổi cho tình cảm ấm áp đó thì mất ít máu cũng chẳng là gì, thậm chí có thể vui vẻ coi như là ủng hộ tinh thần “yêu thương động vật”. Những camen cơm ăm ắp thức ăn không còn là niềm ao ước của những đứa con xa quê nữa mà nó đã được bày chung với bát mì tôm để đôi bên cùng thưởng thức “đặc sản quê nhà”. Cái gì cũng chia được. Một cái chuối, một con cá, một bịch bánh snack có khi cả phòng cùng ăn, cả đại đội cùng thưởng thức. Chia cho nhiều người ăn mà lại thấy mình như được ăn nhiều hơn, mọi người ăn ngon mình lại thấy có cảm giác như được ăn ngon hơn. Sự chia miếng ăn, nhân cảm xúc này tuy đã được nghe đề cập bởi không biết bao nhiêu giấy mực nhưng đây mới là lần đầu tiên được kiểm nghiệm. Rất khác lạ nhưng phi thường đến mức tuyệt vời không tả nổi. Rồi những cuộc vượt rào do thèm khát quá độ, học theo thuật phi thân trong phim kiếm hiệp của Hồng Kông, phi ra phi vào là vừa tiêu hết dĩa cơm mới nạp, báo hại quay vào làm mì ăn bù lại năng lượng tiêu hao. Cuộc vượt ngục đem lại toàn tổn thất đã khuất phục tinh thần “bay lượn” của những hiệp khách tha phương, sau đợt “làm ăn” thua lỗ đó họ quyết định “rửa tay gác kiếm”, trở về “quy ẩn giang hồ”, tiếp tục ăn cơm căn tin tuy đạm bạc nhưng tâm hồn luôn được thanh thản. Rồi những buổi trưa không ngủ, hi sinh vì sự nghiệp cao cả, sẵn sàng xa thân quên mình cho nghệ thuật. Ngòi bút tài hoa nghệ sĩ đã ưu ái lướt qua khắp các dãy phòng, để lại những tuyệt tác muôn đời trên những gương mặt thanh tú, đáng yêu đang hồn nhiên say ngủ. Tạo nên những đường nét uyển chuyển, uốn lượn dịu dàng mà sau khi ngủ dậy, cả đại đội đổ xô đi tìm một người để “cảm ơn và biểu dương” tinh thần “say mê nghệ thuật”. Những kỉ niệm đó sẽ chẳng bao giờ có thể quên được. Những giờ phút cả đại đội đứng bên nhau để cổ vũ cho các bạn mình đại diện đi thi với các đại đội khác. Rồi niềm vui chiến thắng không chỉ của một người mà được nhân đều lên cho hơn 130 con người, cả đại đội ôm nhau với niềm tự hào ngất trời, niềm vui sướng tột độ. Chúng tôi đã làm điều đó cùng nhau…Cả những đêm không ngủ thức khuya trò chuyện, những lúc cùng học bài, cùng chia cơm sẻ áo…Mọi thứ dường như vừa đi vào quỹ đạo của nó thì đã đến lúc phải chia tay. Kì thi cuối khóa căng thẳng trong một vài ngày cuối cùng ở khu quân sự. Tất cả đều thi đậu và được lệnh chuẩn bị trở về. Khu quân sự ngày nào vừa lên đã ghét, vậy mà bây giờ lại chẳng nỡ xa. Ở nơi heo hút chẳng có gì cả này lại tìm được một gia đình. Có lẽ không điều kiện vật chất, không giải trí hiện đại, không phương tiện vui chơi, con người ta lại sống với nhau bằng những gì thật nhất, chia sẻ cho nhau từng câu nói, tiếng cười và cả tình cảm của mình. Thứ quý giá nhất trong kì học ở đây đã tìm thấy rồi. Vấn đề còn lại là giữ gìn nó trong tim như thế nào thôi. Một tháng ở đây thật có giá trị hơn bất cứ thời gian nào trong suốt quãng đời đi học. Gần như không có gì mà lại có tất cả...
Hẹn gặp lại nhé các bạn của tôi, giữa trường ĐH Kinh Tế và ở giảng đường của chúng ta!

GiaLinh
“Được thực hiện bởi stsv - www.sangtacsv.com”

6 comments to "Khoảnh khắc quân sự"

  1. Anonymous says:

    hai năm đã trôi, kĩ niệm đi học quân sự ngày nào mình đã gần như quên mất. bài viết chân thực của bạn đã giúp mình nhớ lại khoảng thời gian đầy niềm vui ấy. giữa đời thực hôm nay, đôi khi cũng cần những điều gợi nhớ. mong rằng bạn sẽ có thêm những bài viết cảm động như bài này

  2. Bài viết hay quá.Nó làm cho mình nhớ lại những kỉ niệm đẹp đẽ của một tháng học Quân sự.Ôi sao mà giờ đây mình mún trở lại những ngày tháng đó quá vậy ta......hic.......Những ngày ấy thật đẹp đẽ biết bao, Ở nơi ấy thật hạnh phúc biết bao.......Một nơi mà những lo toan bộn bề của cuộc sống dường như tan biến nhường chỗ cho tình bạn,tình đồng chí và những tình cảm đẹp đẽ nhất của con người.......Có chăn đó là những ngày hạnh phúc nhất của đời sinh viên......?

  3. Anonymous says:

    tìm đâu trong dĩ vãng
    chút lá vàng rơi rơi
    ngày nắng mùa thu vơi
    còn nhớ về hôm đó
    hôm anh em tề tựu
    cùng chiếc áo màu xanh
    ngồi trên chiếc chiếu manh
    khắc nên tình bằng hữu.
    dọc lại dòng hồi kí
    bỗng thấy lòng bân khuân
    ôi kỉ niệm ngày xưa
    khóc nên dòng nước mắt.
    cảm ơn bài viếc rất dễ thương của bạn gia linh đã đưa mình về kỉ niệm rất đẹp khi còn học quân sự ... chúc bạn sẽ có nhiều bài viết hay hơn nữa.
    LIOS

  4. cgngo says:

    Your writing skills is very impressive! Let me know when your next story come. Charlie

  5. Anonymous says:

    bí thư viết hay wa...đầy xúc cảm...Minh Trang 47

  6. a member of 17 says:

    wow, I admire you-Gia Linh.when I can write like you do? every one can feel but no all body can write, that is difference

Leave a comment