Breaking News

Tran Chi Thien Tran Chi Thien

Home , , � 20-11

20-11


Ngày nhà giáo Việt Nam – lại sắp đến theo cái chu kỳ xưa nay vốn có của nó. Khi còn là một học sinh của một trường làng, cứ đến thời gian này tôi lại cảm thấy rất vui vẻ và háo hức với những món quà, bó hoa trên tay để dành tặng cho thầy cô của mình. Một nguyên nhân khác khiến tôi vui nhất là vào ngày đó là nhà tôi lại tràn ngập những bó hoa tươi thắm của những đứa học trò của ba mẹ tôi. Ah tôi quên giới thiệu rằng ba mẹ tôi cũng là giáo viên của một trường tiểu học, đó cũng chính là ngôi trường nho nhỏ của tôi. Đó là thời gian tuổi thơ ấu của riêng tôi. Thế nhưng, sao năm nay, cũng ngày 20/11 như mọi năm, cũng cùng một chu kỳ thời gian mang tính kinh điển ấy lại khiến cho tôi cảm thấy xao xuyến thế này. Một niềm cảm xúc bỗng dưng dâng trào trong tim tôi, tưởng chừng như đang nghẹn thở. Đó là một cảm xúc thật thiêng liêng khi tôi nhớ về ba mẹ tôi. Đó không chỉ là những đấng sinh thành mà còn là những người thầy đã và đang dạy tôi từng ngày. Và một điều đặc biệt là chính ba tôi lại thầy giáo dạy tôi trong năm cuối cấp của bậc tiểu học.

Tôi ước gì mình có thể quay ngược thời gian để làm những điều mà trước đây mình đã vô tình lãng quên. Vào lúc đó, khi ngày 20/11 đến tôi chỉ vui vẻ một cách vô tư nhìn những đứa bạn mình đến chúc mừng ba mẹ tôi. Mà tôi đã quên mất một điều tôi cũng chính là học trò của họ. Và đặc biệt là ba tôi, người hàng ngày tôi vẫn gọi là thầy khi ông đứng trên bục giảng. Lúc đó tôi đã không thốt ra nổi một lời cám ơn đến ba mẹ tôi trong cái ngày mà mọi người trên nước Việt Nam đều ca ngợi và tôn vinh nghề của họ. Cho đến bây giờ điều đó tôi cũng chưa một lần nói ra. Không phải vì họ không xứng để nhận những lời cám ơn đó. Chỉ là tôi hơi cứng đầu và không thích biểu lộ quá nhiều tình cảm của mình mà thôi. Mặc dù những năm sau đó họ không còn dạy tôi về văn hóa. Nhưng chính họ là những người đã chăm sóc, thúc giục và động viên tôi trong học tập theo phương pháp giáo dục của những nhà giáo chân chính. Trong mắt tôi họ là những nhà giáo giỏi nhất và yêu quý học trò của mình nhất. Tôi không thể tưởng tượng nổi mình sẽ ra sao nếu như không có ba mẹ đứng sau. Và tôi thầm cảm ơn thượng đế đã cho tôi là con của ba mẹ tôi và cảm ơn sự may mắn đã đặt tôi vào một gia đình làm nghề giáo cao quý.

Tôi còn nhớ rất rõ, thời gian cuối năm 12. Vào những đêm se lạnh mà tôi thức để ôn bài, mẹ tôi - người luôn ngồi làm việc cùng tôi mà tôi biết bà chỉ muốn thức cùng tôi để động viên và coi sóc tôi mà thôi. Bà thường hay biện hộ rằng: “Mẹ soạn giáo án, còn con học. Hai mẹ con mình cùng thức”. Khi thấy tôi mệt, bà lại lẳng lặng pha cho tôi một ly sữa nóng và nhẹ nhàng nhắc nhở tôi giữ gìn sức khỏe, không nên làm việc quá sức. Mà bà quên rằng chính bà cũng là người đang hết sức mệt mỏi. Đúng là lòng mẹ bao la như biển cả và ngọt ngào như dòng sữa nóng kia.

Ba tôi - một người cha gương mẫu, một người thầy suốt đời vì sự nghiệp giáo dục, một người thầy luôn biết cách thu hút học trò của mình vào bài giảng. Luôn tận tuỵ với cái nghề mà ông rất tâm huyết. Không hay biểu lộ quá nhiều xúc cảm. Nhưng tôi biết ông là một con người đầy cảm xúc. Có đôi khi tôi trông ông rất giống một nghệ sỹ. Ông hát rất hay, chơi guitar thì cực kỳ cừ khôi. Vào những buổi tối mát mẻ và cao hứng, khi công việc đã hoàn tất ông thường đàn và hát. Có đôi lần tôi bắt gặp một ánh mắt sâu lắng đầy suy tư của ba tôi. Chắc có lẽ ông đang trăn trở điều gì? Cuộc sống đã đè lên vai ông quá nhiều phiền muộn! Ôi sao tôi cảm thấy thương ba tôi quá. Những lúc đó tôi chỉ muốn ôm chằm lấy ông và thốt lên rằng “ Con yêu ba”. Chỉ có thể, chỉ ba tiếng đơn giản thế, nghe chừng có thể thốt nó ra bất cứ lúc nào cũng được. Nhưng sao cổ tôi cứ nghẹn lại, như có cái gì đó đang đè lên cuống họng của tôi làm tôi không thể thốt lên được lời nào. Tôi đành lẳng lặng ngồi cạnh ông như cùng ông san xẻ những trắc trở trong cuôc sống mà thôi. Chắc có lẽ tôi giống ba tôi ở điểm này nhất, luôn tỏ ra cứng rắn nhưng nội tâm lại tràn trề tình cảm.

Ba mẹ tôi luôn mong tôi có thể nối nghiệp họ. Nhưng khi có dịp để thực hiện điều mong ước đó thì tôi đã vô tình, nhưng cũng có lẽ là đã hữu ý để không thực hiện điều mong ước đó. Đó là khi tôi cùng đậu vào 2 trường đại học trong đó có một trường có thể thực hiện mong ước đó của ba mẹ tôi. Ba mẹ thật sự vui mừng. Họ tôn trọng quyết định của tôi. Dĩ nhiên. Nhưng vẫn mong muốn tôi có thể trở thành một thầy giáo. Còn tôi, tôi phải nói là cả hai ngành nghề tôi đều yêu thích. Nhưng cái tính tôi lại rất ương bướng. Mặc dù biết nghề giáo là một nghề cao quý, là mong ước của ba mẹ tôi. Nhưng lại một lần nữa… Tôi lại sử dụng từ “nhưng” như cái tính ngang ngạnh của tôi. Tôi nhất quyết nộp đơn vào trường thứ hai, bỏ qua mong ước của ba mẹ tôi. Cái sự bồng bột của tuổi 18 đã khiến cho tôi một lần rồi thêm một lần nữa không thể làm vui lòng ba mẹ tôi. Nhưng dù sao đó cũng là lựa chọn của chính bản thân tôi. Tôi quyết chứng minh cho họ thấy rằng quyết định của con trai họ là đúng. Nhưng đó còn là một chuỗi ngày kéo dài trong tương lai. Và thật hạnh phúc, ba mẹ tôi không những không tỏ ra thất vọng vì quyết định đó mà lai ủng hộ tôi hết mình. Và cũng lại một lần nữa tôi thầm cám ơn họ.

Tôi nghĩ rằng mỗi người cha, người mẹ đều là một nhà giáo. Họ ngày từng ngày cùng với những thầy cô giáo đang cặm cụi trên những cánh đồng đầy những mầm cây cho một xã hội tương lai. Là những người xây dựng nền tảng đạo đức, nhân phẩm cho những thế hệ sau. Vậy trong những ngày này, khi ta vui cùng nhưng thầy cô của mình thì đừng tiếc một lời cám ơn đối với cha mẹ mình.

Và một lần nữa, tôi khẳng định rằng mình thật sự may mắn khi đựơc sinh ra trong một gia đình có một nghề giáo truyền thống. Và nhân ngày 20/11 năm nay tôi xin gửi lời chúc sức khoẻ đến mọi thầy cô. Và đặc biệt là gửi đến ba mẹ tôi một lời nhắn mà lâu nay tôi đã giấu kín chưa một lần nói ra: “Con yêu ba mẹ rất nhiều, con yêu nghề giáo vô cùng!”

20/11 – Ngày nhà giáo Việt Nam – một ngày đẹp biết bao!

Bài dự thi viết online 20-11

1 comments to "20-11"

  1. Anonymous says:

    bài của bạn rất hay

Leave a comment