"Tôi tự hào là Sinh viên Việt Nam"
Bạn đã từng đi nước ngoài chưa? Bạn bè quốc tế cảm nhận về sinh viên Việt Nam như thế nào? Cần làm gì để mọi người hiểu và quý mến khi bạn là một sinh viên Việt Nam?... (*)
Đây là những câu hỏi, cảm nhận mà tôi đã có được sau khi tôi tham gia chương trình giao lưu văn hóa và thực tập tại Ấn Độ cùng hơn 200 sinh viên trên toàn thế giới.
Ước mơ ra biển lớn
Khi còn bé ước mơ lớn nhất của tôi là được đi du học, muốn được ra nước ngoài tìm hiểu về nền văn hóa các nước, đem những gì có ở Việt Nam chia sẻ cho bạn bè quốc tế.
Anh Dũng và một người bạn quốc tế tại Ấn Độ.
Cho đến một ngày, tôi được đến giao lưu văn hóa và cùng làm việc với hơn 200 sinh viên trên toàn thế giới tại Ấn Độ. Tôi đã rất hồ hởi chuẩn bị nào cờ , búp bê Việt Nam, áo dài, món ăn Việt, sách báo… để "khoe" về văn hóa nước nhà
Tuy nhiên, một số bạn là du học sinh nước ngoài của tôi lại nói rằng “Đừng hồ hởi quá, người Việt Nam khi qua nước ngoài không được coi trọng lắm đâu, có khi còn bị cho là lạc hậu nữa”. Thoáng buồn qua câu nói nhưng tôi tin rằng người Việt mình rất giỏi, sao ai dám chê. Những bạn trẻ nước ngoài qua đây, tiếp xúc với họ tôi thấy rất vui vẻ và tôn trọng mình lắm cơ mà. Chính vì thế tôi đã lên đường với hừng hực khí thế nhưng rồi…
Ngày đầu tiên ở nước bạn, tôi cảm thấy thật lạc lõng, những ánh mắt đổi khác khi nghe tôi giới thiệu là người Việt Nam. Hầu như rất ít sinh viên quốc tế muốn nói chuyện và giao lưu với anh chàng đến từ Việt Nam như tôi.
Hòa đồng và sống hết mình là phương châm của Dũng.
Phải sống và khẳng định
Ở Ấn Độ 3 tháng, tôi rất buồn, đã định ra về, bỏ lại tất cả. Nhưng không, tôi không thể về được, phải ở lại chứng tỏ khả năng của sinh viên Việt Nam không hề thua kém một ai.
Tôi đã rất cố gắng và kiên trì làm việc, hoàn thành tốt các việc được giao, hòa mình vào công việc, vui và chia sẻ hết lòng với tất cả mọi người. Tôi luôn xem tất cả đều là một gia đình, cùng làm, cùng sinh hoạt và vui chơi.
Nhớ lại trong tôi và nhóm làm việc của mình đến nghỉ tại khách sạn. Một bạn Trung Quốc không mạng theo passport nên đành phải ở dưới. Quy định tại nơi đây, phải có passport thì mới được nhận phòng để nghỉ lại.
Trước tình thế này, tôi mạnh dạn đứng lên nói: “Chúng ta tuy không cùng màu da, chủng tộc, đất nước nhưng đã đến đây, đi chung với nhau thì là một gia đình, không thể bỏ mặc bất cứ ai. Tôi sẽ ở lại cùng bạn ấy”. Sau khi nói xong, 16 bạn trong nhóm đều ở lại. Đêm đó chúng tôi đã cùng nhau ca hát, thưởng thức một đêm “ngủ ngoài đường”.
Các bạn trẻ cần làm sao để cờ Việt Nam và các nước luôn sánh ngang nhau.
Tự hào là sinh viên Việt Nam
Bên cạnh những niềm vui đó, đôi lúc tôi lại cảm thấy tủi thân. Trong một lần tôi đến văn phòng chào đón sinh viên thế giới, cờ nước nào cũng có riêng chỉ có cờ Việt Nam không thấy. Buồn, nhưng tôi nghĩ cần phải làm gì để sinh viên thế giới hiểu hơn về người Việt Nam, các thế hệ sau qua đây sẽ không bị thế này.
Nghĩ vậy nên tôi quyết định tự tay vẽ hình cờ Việt Nam rồi dán lên vị trí chính giữa của văn phòng. Thấy vậy, mới đầu các bạn Quốc tế nhìn lạ lắm nhưng khi hiểu ra mọi người lại rất vui và cảm phục. Tôi nhìn lá cờ và lòng đầy tự hào.
Chuyến đi tuy có nhiều kỷ niệm, buồn, vui… nhưng đối với tôi điều đặc biệt nhất là các bạn trong đoàn sau khi về nước đều nhắn tin nói rằng “Cảm ơn Dũng, nhờ bạn mà chúng tôi có một trải nghiệm không thể nào quên trong cuộc đời”.
Giờ đây không ai còn nhìn tôi như lần đầu tiên xuất hiện. Tôi đã có rất nhiều bạn ở khắp thế giới. Vậy đó chúng ta hãy chủ động chứng tỏ cho mọi người hiểu rằng sinh viên Việt Nam rất giỏi và không thua kém bất cứ đất nước nào.
(*): Ghi theo lời kể của Võ Duy Anh Dũng, sinh viên năm 4, chuyên ngành Kinh doanh quốc tế, ĐH Kinh tế TP.HCM, nhà vô địch cuộc thi "Tìm kiếm CEO tương lai" lần 3- năm 2010
Theo dòng sự kiện:
* Tường thuật đêm Chung kết cuộc thi "Tìm kiếm CEO tương lai" lần 3- năm 2010
* Làm quen với Võ Duy Anh Dũng: quán quân CEO2010
theo Hoài Lương - Dân trí
0 comments to "Võ Duy Anh Dũng: "Tự hào là Sinh viên Việt Nam""