Breaking News

Tran Chi Thien Tran Chi Thien

Home , � Đàn ông mất nhiều thời gian để chuẩn bị cho ngày 8-3 còn phụ nữ nghĩ gì về ngày của mình?

Đàn ông mất nhiều thời gian để chuẩn bị cho ngày 8-3 còn phụ nữ nghĩ gì về ngày của mình?

Khi nói về 8-3 chúng ta thường quan tâm đến suy nghĩ của xã hội về người phụ nữ? Vậy các bạn có muốn nghe những thổ lộ mà người phụ nữ nói về chính mình? Bước chân của phóng viên nhóm STSV sẽ đưa chúng ta đến gặp gỡ những gương mặt hết sức quen thuộc - những phụ nữ duyên dáng của trường Đại Học Kinh Tế mến yêu.

Vài phút khởi động sau khi được phân công nhiệm vụ, hành trình bắt đầu với một gương mặt xinh xắn đang nép mình dưới chân cầu thang cổng chính cơ sở B. Chị cho biết mình đang học lớp Kế Toán 2 – K31. Chị có nụ cười tươi tắn và thân thiện đến mức chúng tôi phải choáng ngợp mất vài giây khi bắt đầu làm quen bằng một vài câu hỏi chân thành. Chị Anh Thư cho biết điều đầu tiên chị nghĩ đến khi ai đó nhắc về 8-3 là những người mẹ; cả những bà mẹ Việt Nam anh hùng trong quá khứ và những người phụ nữ hiện đại của ngày hôm nay. Mà điển hình là mẹ mình. Mắt chị ánh lên niềm vui khi kể về kế hoạch tặng hoa cho mẹ vào ngày 8 – 3 khiến chúng tôi tự nhiên xúc động. Phải rồi, ai cũng có mẹ, nhưng không phải ai cũng có cơ hội thể hiện tình cảm đó với mẹ mình, có những người đến suốt đời cũng chỉ có mơ ước gặp được mẹ thêm một lần nữa thôi…

Chia tay với chị Thư sau cuộc nói chuyện nhiều dư âm ấy, chúng tôi bước dọc theo hành lang mà chưa rõ điểm đến kế tiếp sẽ là đâu. Buổi chiều ở cơ sở B cũng có khoảnh khắc buồn lắm, lúc học sinh giờ trước ra về mà học sinh giờ sau vẫn chưa đến…Cuộc trò chuyện lại bắt đầu khi chúng tôi gặp gỡ một cô bạn dễ thương đang loay hoay dắt xe trong nắng chiều buông vội. Người bạn có gương mặt nhỏ nhắn đáng yêu này là bạn Trương Thị Huyền, đang học lớp 47 – K34. Một suy nghĩ thật đơn giản và trẻ trung, cũng là suy nghĩ chung của rất nhiều teen bây giờ, 8 – 3 tất nhiên phải có quà và hoa rồi. Nhưng Huyền còn có một giấc mơ đẹp hơn, bạn ấy hình dung ra nụ cười của mẹ khi nhận được quà gửi từ đứa con gái đi học xa nhà. Huyền tâm sự : “Trong nhà, Huyền thương mẹ nhất, vì…mẹ thương Huyền nhất”. Đây là cái 8 – 3 đầu tiên bạn ấy không được ăn cơm cùng mẹ mình…Hầu hết sinh viên ai cũng gắn với nỗi buồn sống một mình nơi phương xa xứ lạ, là sinh viên năm nhất thì lại càng khó tránh khỏi cảm giác bấp bênh vì lần đầu bước ra cuộc sống sau 18 năm hoàn toàn dựa dẫm bố mẹ. Những bật mí nho nhỏ về tính cách mình khi được hỏi về đặc điểm bản thân khiến bạn hài lòng nhất, Huyền chia sẻ : “Mình là người im lặng, không thích bon chen”. Đó cũng là một nét tinh tế trong mỗi một người phụ nữ Việt Nam âm thầm chịu đựng, hi sinh cao cả, giàu lòng vị tha – nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

Cuộc hành trình lại tiếp tục lê gót qua những nẻo đường phù sa, người lữ khách mệt mỏi quyết định dừng lại ở một bến đỗ gần đó xin chén nước ấm bụng, địa điểm không may được chọn ấy chính là nhà sách Kinh Tế giờ này đã vắng khách…Hai chị bán hàng xinh đẹp rất vui vẻ tiếp chuyện người khách lạ lạc lối đến từ nhóm Sáng tác sinh viên. Chúng tôi xin phép phỏng vấn và ngồi nghỉ chân chờ các chị làm nốt những công việc cuối ngày. Nhìn các chị thoăn thoắt đi lại xếp sách dọc theo các hàng kệ, chúng tôi nghĩ rằng công việc này rất vui, hoặc ít nhất là các chị ấy rất yêu thích nó. Đối với công việc mà mình có lòng say mê thì dù vất vả đến đâu cũng cảm thấy được làm việc là một điều hạnh phúc. Suy nghĩ ấy tiếp nối cho một câu chuyện giữa chúng tôi. Chị Bích Loan là nhân viên thu ngân trực tiếp đứng ở quầy, chị đã có gia đình và sẵn lòng chia xẻ niềm vui, niềm hạnh phúc ấy với chúng tôi qua từng lời nói, cử động khuôn mặt khi nhắc về điều này. “Chị đã có một kế hoạch đi chơi với gia đình vào ngày 8 – 3 và về thăm má chị.”. Gương mặt chị bừng lên rạng rỡ và hồn nhiên như trẻ thơ khi nhắc lại chuyện ngày xưa : “Hồi nhỏ má hay la chị lắm, tới giờ cũng cứ la hoài. Chị thương má quá…”. Thật là cảm động bởi một câu nói của một người phụ nữ 29 tuổi vẫn cứ thấy mình còn là nỗi lo, là gánh nặng trong suy nghĩ của má. Càng cảm động hơn cho tình cảm của má luôn mong muốn được bảo bọc con mình và sẵn sàng hứng chịu mọi sóng gió cuộc đời, chỉ mong đánh đổi được hạnh phúc cho con. Cuộc trao đổi với chị Thanh Hoài cho chúng tôi cảm tưởng như đang nói chuyện với quá khứ của chị Bích Loan. Chắc hẳn chị ấy cũng từng trải qua một giai đoạn đẹp đẽ như chị Hoài bây giờ. Khi người phụ nữ vừa bước vào tuổi yêu, đang tận hưởng một tình cảm lứa đôi vừa mới bắt đầu, nguyên vẹn và nhiều mộng mơ như trong tiểu thuyết. Chị Hoài là một cô gái trẻ đầy tự tin năng động - một người chỉ vừa bước vào mùa xuân thứ 23 của cuộc đời. Suy nghĩ và hành động của chị hồn nhiên như vẫn ở lứa tuổi học trò, điều đầu tiên chị nghĩ đến trong ngày 8 – 3 là quà, “Chị thích được nhận quà! Tất nhiên là từ người yêu của mình”. Điều khiến chị hài lòng ở bản thân là tình cảm chung thủy của mình, chị nói với chúng tôi như một lời hứa, lời khẳng định về sự bền vững trong tình yêu mai sau. Chúng tôi rất mừng và chúc cho hai chị sẽ hạnh phúc mãi mãi trước khi nói lời chào tạm biệt. Cảm ơn hai chị đã tiếp đãi chúng tôi!

Đoàn người thám hiểm lại tiếp tục chơi vơi giữa biển khơi trong mấy ngày liền, mãi mới thấy được một hòn đảo phía xa xa, con thuyền theo hướng đất liền thẳng tiến và dừng chân đỗ lại ở một làng chài nhỏ - cơ sở D. Chờ đến giờ ra về của buổi học cuối tuần, nhóm sáng tác đến gặp một cô giáo đang trong bộ ves chỉnh tề ngồi ở phòng nghỉ giáo viên. Cô nở một nụ cười thật tươi chào chúng tôi. Cô cho biết mình giảng dạy bộ môn Xác suất thống kê và vừa rời khỏi giảng đường 46-48 sau 4 tiết học. Cô trò chuyện thân mật và thật bình dị khiến chúng tôi bớt nỗi e dè lo ngại vì đã làm phiền cô. “Ngày 8-3 hay bất cứ dịp lễ nào cũng khiến cô suy nghĩ về mùa xuân, những điều tốt đẹp, những nụ cười vui vẻ và những gì thật tươi sáng”. Cô tâm sự về niềm hạnh phúc của người mẹ luôn được nhận những tấm thiệp từ con trong ngày 8-3. Cô rất hài lòng về các con mình. Mẹ của cô đã mất lâu nên cô không còn cơ hội bày tỏ tình cảm với bà nữa. Kể từ ngày đó, cô đã dành hết tình yêu thương cho gia đình và quý trọng hơn những gì mình đang có. “Cuộc sống nên nghĩ nhiều về niềm vui”, cô từ tốn kể cho chúng tôi nghe về bữa cơm đầm ấm sẽ có sự xuất hiện của nhiều chiếc bánh ngọt trong ngày 8-3 sắp tới. Nghĩ về người phụ nữ, cô luôn đề cao ở họ đức tính cần cù, chịu khó, thương chồng con, hi sinh cho gia đình. Điều khiến cô tự hào là bản thân chưa từng từ bỏ điều gì vì khó khăn trở ngại. Thật là một người phụ nữ kiên cường khiến cho chúng ta phải học tập.

Tiến lên thêm một tầng lầu, chúng tôi gặp văn phòng của Đoàn Thanh Niên và Hội Sinh Viên.Tại đây chúng tôi được trò chuyện với chị Mai Hân. Tuy cuộc nói chuyện diễn ra không lâu nhưng đủ để cảm nhận hết về người con gái hiền lành, dễ mến này. Chị nghĩ rằng mình hạnh phúc hơn rất nhiều người vì được sống ở đây cùng với gia đình. Là một cán bộ Đoàn gương mẫu, chị còn là một đứa con ngoan. “Chị với ba sẽ nấu ăn cho mẹ và làm hết tất cả công việc nhà thường ngày mẹ vẫn làm trong ngày 8-3”. Nếu mẹ chị Hân nghe được những lời nói này từ con gái và chồng của mình, ắt hẳn bà ấy sẽ nghĩ mình là người phụ nữ hạnh phúc nhất thế gian! Chúng tôi chạnh lòng nghĩ đến mẹ và cảm thấy buồn cho mình vì chẳng có cơ hội bày tỏ như chị. Vì chúng tôi đều là học sinh tỉnh lẻ lên trọ học, mơ ước ở bên gia đình dù chỉ trong ngày một 8-3 cũng là quá xa vời.

Qua cuộc trò chuyện với những gương mặt bất ngờ, ngẫu nhiên trong trường Đại Học Kinh Tế. Ta cảm thấy những điều ta biết thật ít ỏi. Mỗi con người là một tính cách, một cuộc đời đầy thú vị mà có lúc ta đã bỏ qua không quan tâm trong cuộc sống. Dù là ai đi chăng nữa thì cũng được mẹ sinh ra. Đó là người phụ nữ quan trọng nhất với ta trong cuộc đời này. Người phụ nữ trẻ suy nghĩ những điều làm cho mẹ vui. Những phụ nữ lớn tuổi thì luôn suy nghĩ điều tốt cho con mình. Dù ở hoàn cảnh, cương vị nào, người phụ nữ cũng luôn nghĩ cho người khác, họ sẵn sàng quên đi bản thân mình để đánh đổi những điều tốt đẹp cho những người thân yêu. Đó phải chăng là phẩm chất đáng quý muôn đời của người phụ nữ, người có vinh dự được Thượng Đế tin tưởng trao cho quyền làm mẹ. Chúng ta hay quên đi thực tại để nuối tiếc quá khứ mà không nghĩ tới rằng một ngày nào đó hiện tại của hôm nay sẽ trở thành quá khứ của ngày mai. Bản tính con người là không trân trọng thứ mình dễ dàng tìm thấy, dễ dàng có được, chỉ khi đánh mất rồi mới ân hân tiếc nuối thì đã chẳng thể có lại một lần nữa. Ai cũng có những con người trong đời để thương yêu và được thương yêu. Hãy trân trọng những phút giây đó, hãy nâng niu những tình cảm tốt đẹp đó để mai này bạn không phải hối tiếc vì đã không sống hết mình. Ai cũng có mẹ, nhưng với mỗi người, mẹ chỉ có một mà thôi. Đó là người xuất hiện trong cuộc sống để cho ta tất cả nhưng chẳng cần đòi lại từ bạn bất cứ thứ gì dù chỉ là một thứ nhỏ nhặt nhất. Hãy cảm thấy bạn hạnh phúc vì còn có mẹ để chia xẻ tình cảm của mình. Hãy nghĩ đến nỗi bất hạnh của những con người đã vĩnh viễn không còn mẹ kề bên, chỉ gặp được mẹ trong giấc mơ và nỗi nhớ khi dòng kí ức chạy ngược về ngày xưa. Ngày 8-3 là một dịp để nhắc lại công ơn to lớn của những người phụ nữ, những người đã sinh ra thế giới này, sinh ra chúng ta. Hãy gửi những thông điệp yêu thương cho những người phụ nữ quan trọng nhất với bạn trong cuộc đời này, con người sinh ra để yêu thương và được yêu thương.

GiaLinh

0 comments to "Đàn ông mất nhiều thời gian để chuẩn bị cho ngày 8-3 còn phụ nữ nghĩ gì về ngày của mình?"

Leave a comment