Breaking News

Tran Chi Thien Tran Chi Thien

Home , � Giá trị từ một món quà

Giá trị từ một món quà

Đi bất kì đâu tại TP.Hồ Chí Minh vào thời điểm này chúng ta cũng sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh, sắc màu báo hiệu một mùa giáng sinh nữa lại về. Đây là dịp để mọi người gặp gỡ, cùng quây quần bên nhau, trao nhau những món quà cùng những câu nói yêu thương. Vậy bạn đã tìm được cho mình món quà nào ưng ý chưa hay bạn vẫn đang băn khoăn không biết nên chọn cái gì trong vô số những món quà xuất hiện tràn lan trên các con đường thành phố?

Nhìn lại quá khứ
Ai cũng thích được nhận quà vào đêm Giáng Sinh. Món quà thể hiện tình cảm của mình đối với gia đình và bạn bè. Không những thế, quà tặng còn mang một ý nghĩa tôn giáo sâu sắc, nó giúp cho mọi người nhớ đến ngày sinh của Chúa Jesus Christ vào ngày 25/12 hàng năm. Theo truyền thuyết kể lại, khi Chúa ra đời tại Bethlehem, ba vị vua đã thờ phụng Chúa ngay trên nôi. Ba vị vua này tặng Chúa vàng bạc châu báu, hương trầm và chất nhựa thơm. Những món quà này thể hiện lòng tôn kính của họ đối với Chúa. Vàng là biểu tượng cho vương quốc của Chúa, hương trầm tượng trưng cho sự hiện hình của Chúa và chất nhựa thơm biểu thị cho Chúa bị đóng đinh trên thánh giá. Nhưng không chỉ những vị vua giàu có mà ngay cả những người dân nghèo khổ cũng tỏ rõ lòng tôn kính của mình bằng cách dâng lên Chúa tất cả những gì mà họ có. Những người chăn cừu mang tặng Chúa trái cây và các đồ chơi xinh xắn do chính tay họ làm. Và cũng như nhiều phong tục Giáng Sinh khác, tặng quà là một hình thức được biết đến từ rất lâu đời. Trong buổi lễ thờ cúng Thần Nông, ngày hội mùa màng của người La Mã cổ, người ta đã mang đến các ngọn nến nhỏ và các vật làm bằng đất sét. Vào ngày đầu năm mới của người La Mã, mọi người tặng nhau nhiều món quà rất đẹp. Người La Mã tin rằng những món quà đẹp sẽ mang tới một năm mới tốt lành. Người ta thường tặng nhau hoa quả, mật ong và bánh. Các cành cây được mọi người tặng nhau để tượng trưng cho sức mạnh và sức khoẻ dồi dào. Những người La Mã giàu có tặng nhau các đồng tiền vàng để chúc may mắn. Mọi người đều tặng quà, trẻ con tặng quà cho thầy giáo, người nô lệ tặng quà cho chủ nô và người dân tặng quà cho hoàng đế. Thế nhưng mãi cho đến vài thế kỉ sau khi Chúa ra đời, tặng quà mới trở thành một nghi lễ bắt buộc và tồn tại cho đến ngày nay.
Từ thế giới….
Phải nói rằng tặng quà là một trong những phong tục tuyệt vời nhất trong đêm Giáng Sinh. Và ở mỗi nơi, người ta lại có cách thức thể hiện khác nhau. Như ở Bắc Mỹ, mọi người thường đặt các món quà dưới gốc cây và mở chúng ra vào ngày Giáng Sinh. Trẻ con treo những đôi tất đỏ của mình trên lò sưởi ngay chỗ ống khói. Họ tin rằng ông già Noel sẽ cưỡi chiếc xe tuần lộc từ trên trời xuống trần gian và bí mật bỏ quà vào những chiếc tất đó qua ống khói mỗi nhà. Trong bữa tiệc Giáng Sinh, mọi người cũng có thể có "grab bag" một cái túi lớn hoặc một cái rổ chứa đầy quà tặng. Mọi người lấy quà từ những cái túi đó mà không cần biết ai là người tặng quà. Còn ở phía Bắc Ðức và các nước Scanđinavơ có một tục lệ rất cổ xưa. Vào đêm Giáng Sinh các cánh cửa vào nhà đều được mở, và một cái túi lớn được ném vào trong nhà dành cho một thành viên trong gia đình. Khi cái túi lớn được mở ra, mọi người sẽ thấy có một cái túi nhỏ hơn ở bên trong cái túi lớn. Chiếc túi nhỏ hơn này là để dành tặng cho một thành viên khác trong gia đình. Một người tiếp theo mở cái túi đó và sẽ thấy cái túi nhỏ hơn dành cho một thành viên nữa trong gia đình. Các cái túi nhỏ hơn và nhỏ hơn nữa dần dần được mở ra cho tới khi món quà tặng thật sự xuất hiện ở trong cái túi nhỏ nhất. Ngược lại, ở Thụy Ðiển, mỗi cái túi chỉ dành tặng cho một người. Các món quà nhỏ bé đắt tiền được gói trong hết lớp giấy này đến lớp giấy khác. Người ta kể rằng có một cô gái trẻ đã nhận được túi quà khổng lồ mà bên trong túi là người đàn ông đang cầu hôn cô, được gói cẩn thận trông như một túi quà thực sự. Các món quà luôn luôn gây bất ngờ !
Người Hà Lan yêu thích rất nhiều trò chơi tặng quà. Trò chơi được ưa thích là săn tìm. Một tờ giấy ghi chú được nhét vào trong một cái bắp cải và cái bắp cải được gói lại như một món quà. Tờ giấy ghi chú hướng dẫn mọi người tìm đến nơi nào đó giấu quà trong nhà, chẳng hạn như ở trong bếp. Một tờ giấy ghi chú khác ở trong bếp đưa thêm một số thông tin và dẫn tới các tờ giấy ghi chú khác nữa. Cuối cùng, sau khi đã tìm kiếm khắp quanh nhà, mọi người sẽ tìm được món quà của họ. Một phong tục được người Hà Lan ưa thích là mỗi thành viên trong gia đình nhận được một thanh sô cô la có hình chữ cái đầu tiên tên của người nhận quà.
Các món bánh là món quà phổ biến vào ngày lễ Giáng sinh. Ở nhiều nước còn có phong tục bỏ các món quà hoặc giải thưởng vào trong ruột bánh mỳ hoặc các loại bánh khác. Ở Peru, một loại bánh đặc biệt đã được làm riêng cho ngày lễ hiển linh. Mỗi lát bánh đều chứa một món quà nhỏ. Ở Hy Lạp, một đồng xu được bỏ vào trong chiếc bánh mỳ Giáng Sinh và mọi người nói rằng ai có được đồng xu kia sẽ được may mắn trong suốt năm mới. Một phong tục cổ của người Canada nói tiếng Pháp là bỏ một hạt đậu thường và một hạt đậu Hà Lan vào trong chiếc bánh. Người nào tìm được sẽ trở thành vua và hoàng hậu của buổi liên hoan. Quả thật, dạo quanh các nước mới thấy phong tục tặng quà mùa Giáng Sinh thật phong phú và đa dạng. Tất cả đều đang góp phần thắp sáng truyền thống văn hóa nơi mình đang sinh sống.
Đến Việt Nam…
Cùng với đạo Thiên Chúa, lễ Giáng Sinh du nhập vào Việt Nam và ngày càng được phổ biến rộng rãi. Cũng chính vì vậy mà giờ đây, Noel không chỉ là ngày lễ riêng của người theo Đạo mà còn là ngày lễ quen thuộc của nhiều người. Có phần đơn giản hơn so với nhiều nước khác, nhưng không phải vì thế mà Noel ở Việt Nam lại trở nên đơn điệu. Điều đó có thể nhận thấy rõ ràng trên các con đường những ngày cận Noel, đặc biệt là tại các khu trung tâm mua sắm.Theo kết quả khảo sát về quà Giáng Sinh thì có đến 95% bạn nghĩ ngay đến việc tặng những tấm thiệp dễ thương cho đối phương. Có cung thì ắt phải có cầu, tại TP Hồ Chí Minh phải kể đến các khu bán thiệp nổi tiếng như nhà thờ Đức Bà, phố Hàn Thuyên…Tại đây luôn tấp nập, đông đúc người, và hầu hết vẫn là các bạn trẻ. Ngoài những tấm thiệp in, thiệp treo có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nhãn hiệu trong nước như Kiến Vàng, Lĩnh Nam…còn có sự góp mặt của những tấm thiệp “có 1 không 2”. Nói như thế bởi đây là những sản phẩm thủ công, phụ thuộc vào óc sáng tạo và chủ yếu xuất phát từ láng giềng của chúng ta: sinh viên kiến trúc, mĩ thuật. Loại thiệp này được giới trẻ săn lùng vì không có cái nào giống cái nào. Nếu may mắn còn có thể bắt được hàng “độc” với giá cực…sinh viên. Theo đánh giá thì năm nay quà Giáng Sinh ít có sản phẩm mới, không tăng giá nhiều. Thật vậy, dạo quanh một vòng tại các nhà sách, trung tâm như Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Fahasa, chúng ta cũng thấy…gần như năm ngoái. Ngoài những biểu tượng của Noel như cây thông, chuông, hạt châu, nến thơm…với giá chỉ khoảng 15000 đổ lại, thì tại những shop lưu niệm, các bạn cũng có thể tìm cho mình những món hàng quen thuộc như gấu bông, chuông gió, hoa, cốc, túi xách, giày dép, móc khóa, gốm sứ, thủy tinh hình ông già Noel, thiên thần, dây kim tuyến với giá 7000-10000/bộ…Với các mặt hàng trang trí riêng biệt, năm nay xuất hiện nhiều mặt hàng nhập từ Đài Loan có mẫu mã khá sang trọng và độc đáo, thiết kế khác lạ như vòng nguyệt quế với tông màu vàng, tím dát bạc, giá khá cao, từ 200.000-500.000đ/vòng. Một số mặt hàng phổ biến khác cũng bán khá chạy như: Xịt tuyết 10.000đ/lọ, áo ông già Noel cho trẻ nhỏ 60.000-100.000đ. Thị trường bánh ngọt cũng đến mùa làm ăn khấm khá, đặc biệt là bánh kem với mẫu mã khá bắt mắt. Chỉ còn vài ngày nữa là đến Gíang Sinh, nhưng trước đó nhiều tháng các trung tâm mua sắm, dịch vụ đã bắt đầu “hành động” bằng nhiều hoạt động khuyến mãi rất thu hút. Theo như lịch trình, năm nay các ông già Noel của thành phố chúng ta cũng cần phải “ra tay” sớm để tránh…kẹt xe.
Với vô số những món quà trên đây, hy vọng các bạn đã nghĩ ra một món quà cho riêng mình. Nhưng phải nói rằng trước thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay, chúng ta không thiếu gì cách để bày tỏ tình cảm của mình với người khác. Đâu cần chi những món quà quá sang trọng, một lời nói chân thành, một tin nhắn với dòng chữ “Merry Christmas” hay một bài hát qua “Thay lời muốn nói” cũng đủ “làm ấm” trái tim một con người. Vì vậy đừng ngần ngại thể hiện nó bạn nhé.
Vòng tay nhân ái
Một mùa Giáng Sinh lại sắp về nhưng hình ảnh một “cô bé bán diêm” vẫn còn đọng lại đâu đó. Những ngày vui vẻ của một nhóm người có thể là những ngày tồi tệ của nhiều người khác. Nhưng cũng phải công nhận rằng trong xã hội chưa bao giờ thiếu vắng những tấm lòng nhân ái. Ngày 26/12 (Boxing Day), sau Giáng Sinh một ngày, là ngày tặng quà ở Anh có nguồn gốc từ thời Trung Cổ. Các vị thầy tu có nhiệm vụ phải lấy hết số đồ bố thí trong hộp đựng ở nhà thờ và phân phát cho người nghèo. Những người giàu vui thú với những bữa yến tiệc cũng không quên gói lại thức ăn cho những đầy tớ trong nhà. Ngay trong chính mái trường Kinh Tế, nhiều chương trình cũng đang được tiến hành nhằm đem lại niềm vui cho nhiều người, đặc biệt là trẻ thơ bất hạnh. Cụ thể như khoa QTKD đang phát động phong trào thu gom thiệp handmade, hay hoạt động trao quà tại một nhà mở của nhóm STSV…đáng quý là đây luôn là hoạt động được duy trì thường niên của trường chúng ta, tuy giá trị vật chất là không lớn lắm nhưng giá trị tinh thần ở đây mang lại thật là đáng trân trọng.
Kết
Một món quà ý nghĩa luôn được đổi lại bằng một niềm vui. Đừng bao giờ cân đo đong đếm giá trị ấy bằng tiền bạc. Tình yêu và sự gắn kết từ những món quà mới là điều quan trọng. Không khí của một mùa Giáng Sinh nữa đang tràn về, chúc tất cả mọi người nói chung và đại thành viên Kinh Tế nói riêng “Merry Christmas and Happy New Year”.

T.Quỳnh – stsv
“Được thực hiện bởi stsv – www.sangtacsv.com”

0 comments to "Giá trị từ một món quà"

Leave a comment