Mùa mưa Sài Gòn năm 2004 lũ học trò lớp 9 chúng tôi chuẩn bị hành trang, kiến thức chuẩn bị bước vào một chặng đường mới đầy hấp dẫn, mới lạ, phổ thông trung học, thời gian mà chúng ta vẫn gọi là áo dài đến lớp. Tôi vẫn nhớ, hôm đó Sài Gòn mưa rất lớn, mưa tầm tã, gió thì cứ thổi buốt từng cơn. Như những đứa bạn may mắn đước bố mẹ gửi đến những lớp học thêm buổi tối để chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho mùa thi đến gần, hôm đó tôi đến lớp mà chẳng nói được một lời trong cả buổi học. Chẳng là ngày hôm trước tôi cảm nặng, đầu nặng như đeo đá, người lúc nóng lúc nguội, cổ họng đặc lại, nói không ra hơi, nhưng cũng còn may, không bị sốt cao. Ngồi trong lớp mà mắt tôi cứ ngóng mãi ra cửa :
Quái, nhỏ này sao bữa nay nó đi trễ dữ vậy, nó mà vô sau thầy là chết mình!
Thầy bắt đầu điểm danh mà nó không ở đây để “ dạ có” dùm thì bị đánh vắng mất một hôm, nhỏ này, nghỉ đâu không nghỉ, ngay bữa mình nói không ra tiếng. Mắt thì ngóng mãi ra cửa, đầu thì cứ mải lo rủa thầm nhỏ bạn nghỉ sai ngày.
Mệt chết, đường sá gì mà kẹt cứng ngắc.
Ngước lên, cười tình, nó không nghỉ, may quá. Không chờ nhỏ Ngân ngồi thở. Thò tay lấy mảnh giấy : “Ê mày, tí nữa thầy điểm danh, dạ có dùm tao nha, tao bị tắt tiếng rồi, hihi, cảm ơn mày trước nhé!!!”.
Ừ, nhưng chừng nào tới tên mày nhớ kêu tao, không tao quên.
Viết : “Ừ, tao sẽ hích tay mày.”
Thầy vào lớp, cặp thầy ướt, tóc thầy cũng ướt, thì ra trời vẫn mưa, mải nói chuyện, chẳng để ý, giờ lại nghe tiếng gió lùa những tán lá rào rào. Thầy khoát tay bảo cả lớp ngồi. Như mọi ngày, thầy mở cặp lấy bản danh sách và bắt đầu đọc từ những cái tên chữ A. Thầy tôi có thói quen khi điểm danh thì thầy không ngước lên nhìn nên đứa nào có mặt thì phải nói thật lớn. Còn hai cái tên nữa là đến mình rồi, phải nhắc nó mới được. Vừa định quay sang.
Tao biết rồi, khỏi nhắc.
Nghĩ : “Con khỉ, mới bảo nhắc xong, giờ lại nói biết rồi. Hừ hừ”.
Buổi học hôm ấy bắt đầu bằng sự kiện đáng nhớ về sức khoẻ của tôi như vậy đó. Thầy tôi điểm danh xong là lập tức bắt đầu bài giảng hôm ấy. Thú thực là tôi đã không thể nhớ nổi hôm đó thầy tôi dạy cái gì, chỉ có thể chắc chắn rằng đó là đại số hay hình học gì đó, vì thầy tôi dạy Toán mà. Giảng xong bài mới, thầy cho ngay một bài để chúng tôi vận dụng, còn thấy thì đi một vòng quanh lớp xem học trò có hiểu bài không. Đang ngồi nhìn chăm chăm vào cái đề Toán vừa chép đề, chợt thấy có người đứng trước bàn, khẽ nhìn lên, một hình ảnh mà mãi đến bây giờ tôi không quên. Thầy tôi, tóc còn rối, cặp kính dày cộm, dáng người mảnh khảnh, thầy tôi đang cười khẽ và đang nhìn tôi. Tuy không có cái gương trước mặt, nhưng tôi chắc một điều đó là đằng sau cặp kính 4 diop, mắt tôi đang từ từ tròn lên. Có lẽ thầy cũng không muốn nhìn cái nét mặt kỳ lạ của tôi hơn nữa, thầy tôi hỏi.
Bịnh hả con?
Tôi khẽ gật đầu và môi mấp máy từ “dạ” với cái giọng đặc nghẹn ở cổ.
Thầy tôi lại cười.
Sắp thi rồi, giữ sức khoẻ chứ con. Thôi làm bài tiếp đi.
Không chờ tôi tiếp tục dùng cái giọng nói khủng khiếp đó trả lời, thầy tôi rảo bước.
Cuộc đối thoại một bên đầy bất ngờ đó không ngờ đã khiến tôi âm thầm chảy nước mắt. Một phần do cảm động, một phần vì ngạc nhiên, suy nghĩ của đứa học trò lớp 9 như tôi ngày ấy, không nghĩ được rằng một người thầy chứ không phải là một người cô, lại sâu sát, quan tâm học trò như vậy, lại dùng những lời nói dịu dàng như vậy để hỏi han một đứa học trò chẳng có gì là nổi bật trong lớp như tôi. Thầy tôi là người quê gốc ở Miền Nam nên giọng nói cuả thầy rất chất phác, lại rất đặc trưng vì nó ồm ồm chứ không trong trẻo, nhưng sao những câu nói ngày ấy lại quá êm ái, quá dịu dàng để đến mãi hơn 4 năm sau tôi vẫn nhớ mãi từng lời của ngày hôm ấy.
Rồi mùa mưa năm đó cũng lặng lẽ qua, mùa thi cũng theo mùa mưa đến rồi đi như nước chảy âm thầm, khi nó chưa đến thì chúng ta mãi chờ và thấy : “Thời gian, lâu thế nhỉ?”, rồi lúc nó trôi qua lại giật mình nhìn lại : “Nhanh thật, mới đây mà…”. Tôi xa lớp 9A1 năm ấy, xa thầy, xa nhỏ bạn “dạ có dùm tao” ngày đó. Năm ấy tôi cũng giành được một suất vào một trường phổ thông cũng khá nổi tiếng trong thành phố, nhưng lại trượt vỏ chuối vào trường chuyên. Thật ra việc đó chẳng khiến tôi buồn lâu, vì tôi vốn chẳng thích vào đó,và khi đi thi cũng xác định là thử sức thôi, chỉ tức là thiếu có 0.5 điểm. Vì vậy điều đó cũng chỉ khiến tôi xị mặt ra trên quãng đường từ chỗ xem kết quả về đến nhà.
Sau hôm đi xem kết quả khoảng một tuần, một sự kiện không thể quên lại đến. Tôi vẫn còn nhớ rõ, ngày hôm ấy là một ngày Chủ nhật. Như cái thời khoá biểu cố định của mẹ tôi, đó là ngày tổng vệ sinh nhà cửa sau một tuần bận rộn. Thực hện đúng cái thời khoá biểu đó, tôi vừa quỳ gối miết cái giẻ lau đẫm nước lên nền nhà vừa lẩm nhẩm câu nói an ủi những giọt mồ hôi đua nhau chảy xuống má “Lao động là vinh quang!”. Điện thoại reng.
Nghĩ: “Haha, được nghỉ một chút rồi.”
Bật dậy.
Để con nghe cho mẹ.
Phóng hai bước đã cầm cái ống nghe. Alô, alô.
Đầu dây bên kia:
Có phải nhà em B.C không ạ?
Dạ đúng, C nghe đây ạ. Xin hỏi ai đầu dây?
Thầy S nè con.
A, dạ dạ, con chào thầy.
Ừ, có kết quả thi chưa con? Tốt không.
Im lặng vài giây. Giọng tôi bỗng trở nên ngập ngừng và nhỏ lạ.
Dạ có rồi, nhưng con không đậu LHP.
Vậy con học ở đâu?
Dạ con vào BTX.
Ừ, trường đó cũng tốt rồi, đừng buồn nữa con, học trường chuyên chi cực lắm. Chủ yếu là mình cố gắng thì học đâu cũng tốt.
Dạ con cảm ơn thầy.
Thôi được rồi, thầy gọi cho biết vậy thôi. Thầy cúp máy đây.
Dạ vâng ạ. Con chào thầy.
Cuộc đối thoại không thấy mặt đó đã trôi qua hơn 4 năm, nhưng mãi đến bây giờ, khi đã là một sinh viên Đại học năm 2 tôi vẫn không quên được từng lời và từng sắc thái trong lời nói của thầy tôi. Lúc thầy nói với tôi những lời an ủi, giọng thầy buồn hơn hẳn. Khi đó, tôi biết thầy bảo tôi đừng buồn nhưng có lẽ thầy tôi cũng đang thấy buồn. Mà sao không buồn được, học trò thi không đậu thì thầy nào mà vui. Sau cuộc điện thoại ấy, tôi suy nghĩ thật nhiều, một tuần sau khi biết kết quả lại là khi tôi thật sự buồn. Buồn vẫn không phải vì không thi đậu mà vì cuộc điện thoại đó. Tôi không biết trong hơn 60 khuôn mặt trong lóp tôi ngày đó có phải thầy chỉ gọi cho một mình tôi hay không, nhưng tôi vẫn có cảm giác thầy tôi đã dành cho tôi một tình cảm rất đặc biệt, và thứ tình cảm gần như tình thân ấy là của một mình tôi. Bên cạnh cảm giác buồn bã, trong tôi còn dậy lên cảm giác ăn năn, ăn năn vì đáng lẽ ra người gọi điện thoại trước phải là tôi.
Chớp mắt, cuộc điện thoại ngày đó đã là chuyện của quá khứ, đã trở thành một kỷ niệm nằm lại vĩnh viễn trong một góc ký ức không quên của tôi, góc ký ức mà mỗi năm đến ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam lại thức dậy sống động, chân thực như mới hôm qua. Một ngày 20/11 nữa lại đến, ngày 20/11 sau ngày hôm ấy 4 năm, ngồi viết lại câu chuyện hôm nào khi xung quanh tất cả đã chìm vào im lặng, trong lòng con lại nhớ quay quắt ngày đó, thầy ơi! Cho phép con lại xưng con và gọi thầy thân mật như ngày đó. Con nhớ chiều mưa hôm ấy, con nhớ lớp học chiều mưa vẫn đông đủ, con nhớ nhỏ bạn đáng yêu, con nhớ dáng thầy gầy gầy, nhớ mái tóc rối vì nước mưa, nhớ giọng nói trầm ấm, nhớ ánh mắt trìu mến thân thương, nhớ cuộc điện thoại đầy bất ngờ, cảm động. Càng nhớ bao nhiêu,trong lòng con lại dâ ng lên một sự nao nao khó tả. Cho con được gửi lời cảm ơn muộn đến thầy, và cả lời xin lỗi chân thành nhất của đứa học trò ngày nào đến người mà con vẫn hằng kính yêu, trân trọng. Không biết bây giờ thầy của con có còn hằng ngày đứng trên bục giảng của mái trường xưa hay không? Con cũng không chắc bây giờ tình cờ gặp thầy, hình ảnh bây giờ của thầy có còn như những ký ức của con không, hay tóc thầy giờ đây đã điểm thêm vài sợi bạc, trán thầy lại thêm vài nếp nhăn vô tình của thời gian. Con cũng chẳng biết thầy có còn nhận ra đứa học trò ngày nào thầy đã trìu mến gọi bằng con, đã dành sự quan tâm và tình cảm thật đặc biệt, có lẽ là không. Bình thường thôi, nhất là đối với những người làm nghề đưa đò thầm lặng như thầy tôi, mấy ai mà nhớ được nh ũng người đã qua trên chuyến đò của mình. Chỉ những kẻ sang đò còn lưu lại mãi những kỷ niệm đẹp đẽ về người đưa đò tận tụy và thầm lặng. Giờ đây, là kẻ đã sang sông trên chuyến đò ngày nào của thầy, con xin gửi đến thầy của con, người thầy mà bây giờ con không biết đã đến tận nhưng nơi xa xôi nào hay vẫn ngày đêm miệt mài với bảng đen phấn trắng lời tri ân sâu sắc từ tận đáy lòng, và cả sự hối lỗi thành thật vì đã chưa một lần về lại trường xưa, vì chưa từng trực tiếp nói lên lời tạ ơn dù muộn với người thầy mà bấy lâu nay con vẫn ghi nhớ mãi từng hình ảnh, từng lời nói.
Nhân ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam 20/11/2008, xin thay mặt tất cả các thế hệ học trò gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến tất cả những người thầy người cô, những người vẫn miệt mài bên bục giảng, tiếp bước cho những cánh chim non cất cánh bay đến những chân trời mới. Và cả những lời xin lỗi muộn màng vì những gì sai trái đã làm khiến thầy cô lo lắng, phiền lòng.
Thầy ơi, đứa học trò ngày nào của thầy đã lớn, đã là một sinh viên Đại học. Không biết sau này sẽ đi đến những chân trời nào, nhưng hình ảnh thân thương ngày nào, giọng nói ấm áp, chở che của thầy con sẽ mãi không quên.
Nguyễn Đặng Bảo Châu
Lớp 49- K33
baì dài quá đọc chán thật,