Breaking News

Tran Chi Thien Tran Chi Thien

Home , , � Bà ngoại - cô giáo

Bà ngoại - cô giáo


Ngày tôi được 5 tuổi, mẹ đưa tôi vô nhà Ngoại vào buổi sáng nắng vàng. Mẹ bỏ vào túi ni lông cho tôi đem theo một cuốn vở kẻ ô ly và một cây bút chì được vót nhọn - trên đầu có gắn cục tẩy màu hồng có mùi thơm thơm. Tôi vô nhà Ngoại không phải chơi như thường ngày. Hôm đó tôi học “vỡ lòng ” ngày đầu tiên.
Ngoại tôi là một cô giáo cấp I đã về hưu. Ngày trước, khi các cậu, các dì và mẹ tôi còn nhỏ, Ngoại là cô giáo dạy chữ cho con mình từ nét chữ đầu tiên. Bây giờ càng nghĩ càng thấy thấm thía cái chữ “vỡ lòng” nghe sao mà thương. Con người ta từ ngày lọt lòng mẹ sinh ra, thế giới xung quanh hết thảy đều mới mẻ. Từng ngày từng ngày ta lớn lên, khám phá mọi việc quanh ta bằng tất cả các giác quan nhưng kiến thức thì phải được khám phá bằng trí tuệ. Cái ngày mà Ngoại cầm tay tôi nắn nót nét chữ đầu tiên, trí tuệ bắt đầu được khai thông và ánh sáng tri thức chiếu rọi vào, soi sáng tất cả mọi suy nghĩ. Kể từ ngày học vỡ lòng tôi bắt đầu lớn lên, khôn lên …
Đến bây giờ mẹ tôi vẫn giữ những cuốn vở của ngày đầu tiên tôi đi học với cô giáo - bà Ngoại. Những chữ O méo mó thấy thương với nét chì đã nhòa theo năm tháng. Những chữ B chữ K viết theo kiểu chân phương, ngày ấy tôi phải vã mồi hôi mới điều khiển được bàn tay non nớt đồ theo mẫu chữ của bà Ngoại … Những trang vở đã mềm đi vì bị tẩy xóa , đã úa màu thời gian thời thơ bé xa lắc xa lơ! Mỗi lần tôi mở ra xem lại nghe kỷ niệm ùa về tràn ngập tâm hồn. Tưởng như chỉ mới đây thôi, Ngoại ngồi một bên, tôi một bên gần như nằm xoài ra mặt bàn đánh vật với những nét cong nét uốn của bài tập viết …
Một đời Ngoại làm cô giáo, dạy cho bao lớp học trò, dạy cho các con mình , bây giờ còn dạy cho cả lũ cháu. Mẹ tôi thường kể những năm học lớp Một, lớp Hai, Ngoại thường làm cô giáo, vô lớp là phải “ Dạ thưa cô ” chứ không được “Mẹ ơi” như ở nhà. Mỗi lần vô ý quên là cả lớp cười ầm lên, mất thì giờ cô giáo giảng bài !?
Có một giai thoại mà cái thị xã Tam Kỳ nhỏ bé quê tôi (nay đã lên thành phố Tam Kỳ) không ai không biết. Năm đó Ngoại tôi dạy lớp Hai, trong lớp có một cậu trò rất nghịch, một hôm bị Ngoại tôi lấy thước kẻ đánh vào mông. Cậu trò về nhà lu loa khóc với cha, người cha cười khà khà: “Đưa đây cha xem cô giáo đánh đau thế nào. Ôi, tội nghiệp con tôi. Nhưng mà cha nói con nghe, con nghịch giống cha khi trước, lúc nhỏ cha cũng bị cô giáo đó tét vào mông, và cả ông nội con khi xưa cũng đã từng ôm vở đi học cô giáo đó … ”
Hóa ra thời trẻ Ngoại tôi từng đi dạy Bình Dân Học Vụ thời kháng chiến chống Pháp, ông nội của cậu trò đó đã tới lớp Ngoại tôi để học xóa mù chữ, rồi đến đời cha, đời cậu cũng được Ngoại tôi dạy dỗ …
Tôi ngồi nhớ miên man những ký ức đan xen về Ngoại, một đời phấn bảng cực nhọc đến khi về già vẫn còn ham cặm cụi với lũ cháu … Người ta thường nói Thiên Chức Nhà Giáo thật cũng đúng . Nghề dạy học không phải ai cũng có thể theo được. Nó là khả năng thiên phú trời ch . Phải yêu thương lắm người trò của mình mới tận tụy gắn bò được với nghề, mới truyền đạt trọn vẹn được kiến thức cho người trò, mới là “người đưa đò” đưa qua dòng sông tri thức hết lớp trò này đến lớp trò khác với niềm đam mê chân thành và vô hạn.
Ngoại ơi , những ngày này con ước được về bên Ngoại , ôm đôi gò má nhăn nheo của Ngoại và được thốt lên hai tiếng “Thưa cô!”

Trần Hoàng Ánh Nguyệt
Lớp 31 K34

0 comments to "Bà ngoại - cô giáo"

Leave a comment