Mấy ngày cuối tháng 12 này tiết trời khó hiểu đến lạ, những cơn mưa đầy chất nghệ sĩ, ngẫu hứng thích đến thì đến mà muốn đi lại chẳng chịu đi, dai gì đâu. Mưa, lắc rắc vài hạt giữa trưa nắng, ào ào như thác đổ tầm chiều xuống…toàn nhè lúc đầu và cuối giờ học…khi người ta cuốc bộ ra trạm xe buýt…ức!
…
Thứ 7, ngày 27/12/2008
12 giờ trưa
Nắng chang,
mừng.
Thầm nghĩ hôm nay nhất định phải là một ngày tốt lành, tính chung cho cả sức khỏe lẫn tinh thần.
Cuộc hành trình từ trái tim đến trái tim - mà nhân tố trung gian là chuyến xe buýt không trợ giá - bắt đầu với vô kể những háo hức, mong chờ - lần đầu tiên tôi đến thăm nhà Mở. Ngồi trên xe, nhìn qua khung sổ cửa khép hờ, những ý nghĩ cứ dập dìu lướt đến, chồng chéo lên nhau, từ “cái cây này sao bé quá”, “cái logo kia trông quen quen”,” đường phố ở đây sao mà ít xe”… những ý nghĩ của tôi lúc ấy, đơn giản chỉ là những ý nghĩ trong lúc nhàn rỗi của một chuyến đi chơi xa, đúng đơn giản!
…
Cuối cùng rồi tất cả mọi người trong đoàn đều có mặt đầy đủ ở sân trước trung tâm. Nhìn quanh, khuôn viên bé xíu, dăm ba cái cầu tuột, đu quay, xích đu, bập bênh … nghĩ cũng giống giống mấy cái…nhà trẻ mẫu giáo trên thành phố. Vậy mà ở đây lại có cái khác, đó là những gương mặt ngây ngô, những cái cười không rõ tiếng, những cử chỉ vụng về…khẽ chạnh lòng…như bất kì ai…
“Mấy bé ở đây bị bại não, chỉ có vài đứa là nói được, cha mẹ bỏ không nuôi, bỏ ở công viên, nhà vệ sinh, công an…được đưa về đây. Có khi sáng, bảo vệ mở cửa thì thấy…ở đây lúc nào cũng chuẩn bị tinh thần. Cũng có cha mẹ thỉnh thoảng tới thăm, nhưng thăm thôi chứ không bao giờ đưa về... đây chỉ nuôi tụi nhỏ đến 18 tuổi thôi, sau đó sẽ được đưa đi nơi khác, có Nhà Nước nuôi...” - một cô bảo mẫu trẻ vừa gấp khăn cho các bé vừa tâm sự, giọng nhạt dần đi, bất chợt tôi nhận ra trong mắt cô chứa quá nhiều xót xa so với tuổi đời của mình, và tôi bị ám ảnh bởi cái da diết sâu khuất ấy.
Căn phòng cỡ trung chia thành 2 gian, mỗi gian hơn chục chiếc giường sắt đặt kề nhau, các bé nằm trên giường, có bé chừng 4-5 tuổi, cũng có bé lớn chừng mười mấy tuổi. Một chút bối rối, vốn dĩ tôi không có nhiều cảm hứng với bọn con nít, cũng chẳng mấy khi chơi đùa cùng chúng. Nhìn mọi người đến bên từng chiếc giường, hỏi han, chọc cười mấy bé, tôi thấy mình lạc lõng quá đỗi. Còn may, chiếc máy ảnh đã trở thành vị cứu tinh thật đúng lúc, ánh flash chớp lên nhay nháy, vội vàng nuốt lấy những khoảnh khắc thật đẹp thật cảm động như một lời biện hộ cho sự “bận rộn” không cố ý của tôi.
Có lẽ mọi chuyện cũng chỉ có thế, tôi cũng chỉ mãi là thợ chụp ảnh cho đoàn nếu như tôi không vô tình nắm lấy tay em. Bàn tay em bé lắm, nhưng nó siết chặt ngón tay tôi một cách kì lạ, tôi dừng lại, không dám giựt tay ra vì sợ…có người thấy. Rồi tôi gọi tên em ghi trên áo “Dậu”, em cười, tôi bất ngờ, em cười đáng yêu quá, tôi bắt đầu hỏi em, cũng không nhiều vì khả năng giao tiếp với con nít của tôi rất hạn chế, em không trả lời, em không biết nói, nhưng em nghe hiểu được, bằng chứng là em đã cười đấy thôi…và em vẫn nắm tay tôi…bàn tay nhỏ quá…
Thời gian dần trôi qua, hết tầng trệt rồi lên lầu, bé nào cũng nhỏ xíu, 5-6 tuổi mà cơ thể chỉ như 1-2 tuổi…Tôi vẫn tiếp tục chụp hình, nhưng kèm theo đó tôi đã nhìn ra xung quanh bằng đôi mắt của mình chứ không phải bằng lens máy ảnh, tôi nhìn và tôi nhận ra, bàn tay các em, bàn tay nào cũng nhỏ bé, bàn tay nào cũng xinh đẹp. Nhưng tôi cũng không làm được nhiều như mọi người, tôi chỉ có thể để ngón tay mình nằm yên trong lòng bàn tay các em, nhìn vào đôi mắt trong sáng của các em và mỉm cười, chỉ có thế thôi, nhưng tôi tự hiểu, đôi khi chỉ có thế là đủ…
Hơn 4 giờ, đoàn xin phép được ra về cho mấy cô và các bé nghỉ ngơi. Ngồi trên xe, tôi lại tiếp tục với những ý nghĩ.
Thế nào là nỗi đau? Nỗi đau là khi một người thấy mình nhận được một điều gì đó không tốt. Vậy thế nào là không tốt? Có phải chỉ khi có cái tốt người ta mới biết được thế nào là không tốt, nghĩa là phải có sự so sánh? Nỗi đau, có lẽ cũng vậy? Thế thì các em ở đây, các em bị bại não, các em không nhận thức được, vậy các em có biết mình đang đau? Liệu giữa nỗi đau và đau mà không biết mình đau, thì cái nào đáng sợ hơn?
Tôi không biết câu trả lời, nhưng tôi biết khi tôi cảm thấy yêu mến các em, là tôi đang yêu mến những đứa trẻ như mọi đứa trẻ khác, khi tôi nhìn vào mắt các em, là tôi đang nhìn vào sự hồn nhiên trong sáng, khi tôi nắm tay các em, là tôi đang muốn nói: “Bé ơi, ăn khỏe chóng lớn nhé!”. Nghĩ về các em, tôi mong nhiều điều lắm, nhưng hơn hết, tôi mong mọi người, hãy dành cho các em tình yêu thương chứ không phải sự thương hại, và khi nói chuyện với các em, hãy khen “em ngoan quá” hay “em xinh quá”… chứ đừng nói “tội nghiệp em quá!” . Các em là những thiên thần, vì vậy đừng nhen vào lòng các em sự tự ti mặc cảm, hãy cho các em niềm vui, sự kiêu hãnh…Các em xứng đáng được như vậy.
Một chuyến đi nhiều ý nghĩa…hi vọng sẽ gặp lại cái em một ngày không xa.
Quan Bảo Quyên- K34 ( Yore)
nghe,thấy,xúc động... muốn giúp đỡ các em í .Nhưng...có thể giúp j` đcj đây,bùn