Breaking News

Tran Chi Thien Tran Chi Thien

Home � � Anh văn-Làm sao lựa chọn đây?

Anh văn-Làm sao lựa chọn đây?

Trong xu thế toàn cầu hóa, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, ngoại ngữ đã trở thành một công cụ, một phương tiện của cuộc sống hiện đại.

Học ngoại ngữ, đó là một nhu cầu thiết yếu để thành công. Các trường học, trung tâm ngoại ngữ trong nước và quốc tế tại Việt Nam hiện đang phát triển khá mạnh. Và vấn đề được đặt ra: lựa chọn điều gì ?


Trung tâm nào?
Để nắm bắt được cơ hội trong thời điểm phát triển và hội nhập hiện nay, mỗi người đều phải trang bị cho mình một trình độ ngoại ngữ nhất định. Sự ra đời ồ ạt của các trường, các cơ sở ngoại ngữ quốc tế là hoàn toàn hợp lý.
Điểm dễ thấy nhất ở các trung tâm ngoại ngữ là đối tượng học rất đa dạng, từ học sinh phổ thông đến những người đang làm việc trong các cơ quan, công ty, xí nghiệp hoặc những người mà công việc của họ thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài. Chương trình giảng dạy vì thế cũng đa dạng như: Anh văn dành cho lứa tuổi mẫu giáo, thiếu nhi, thiếu niên, giao tiếp, thương mại, TOEFL, IELTS...
Trường ngoại ngữ Hoàng Gia đã giới thiệu: Trường có đủ các lớp từ Anh văn thiếu nhi- thiếu niên đến các lớp Anh văn giao tiếp. Đặc biệt, trường đảm bảo học viên sẽ đạt trên 900 điểm Toeic, 100 điểm Toefl và 7.0 điểm Ielts. Nhà trường cam kết nếu không lên lớp hoặc không lấy được chứng chỉ quốc tế thì học viên được học lại hoàn toàn miễn phí. Trung tâm Thắng Lợi thì “có một đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, sử dụng giáo trình mới nhất hiện nay, và chương trình cập nhật thường xuyên... Đặc biệt, khi nói về chương trình TOEIC, trường quả quyết rằng học viên sẽ đạt trên 700 điểm khi thi tốt nghiệp. Tại đây, mỗi khoá học 3 tháng có học phí từ 850.000 - 1.2000.000 đồng. Còn những lớp học đặc biệt thì có giá cao hơn, một lớp chỉ nhận 4-5 học viên mà thôi" - một nhân viên trung tâm cho biết. Và trường Ngoại ngữ Đông Âu “Chất lượng đào tạo đạt tiêu chuẩn ISO, cơ sở vật chất hiện đại, chương trình giảng dạy đa dạng và chất lượng. Giáo viên của trường là những giảng viên giàu kinh nghiệm, có chuyên môn cao về giảng dạy Anh văn trẻ em. Hằng tháng nhà trường sẽ gửi sổ đánh giá tình hình học tập của học sinh cho phụ huynh...”.
Biết bao nhiêu là trung tâm cứ quảng bá hình ảnh của họ trước cái nhìn của mọi người. Còn kết quả: người học như lạc vào mê hồn trận khi muốn tìm hiểu về các khóa học.
Một bạn kể rằng: “Thật tình mà nói việc lựa chọn trung tâm ngoại ngữ thích hợp để theo học cũng là việc khá đau đầu. Mình nghe nói : luyện TOEFL thì đến VATC, IES, SEAMEO, AUSP...khá nổi tiếng, IELTS thì một số trung tâm đảm bảo chất lượng như AUSP, ACET, British council, ILA...,còn TOEIC thì không đòi hỏi nhiều kỹ năng lắm và cũng không khó nuốt như hai "đại gia" kia nên cũng không kén chọn trung tâm: Đại học Sư Phạm, VATC, VUS... TOEF và IELTS chỉ thích hợp cho những ai có nhu cầu đi ra nước ngoài sinh sống và học tập, hoặc đi dạy ....Còn nếu xin vệc làm sau này thì các bạn tốt nhất là đi học TOEIC, theo mình thì thích hợp hơn.”
Khi trời vừa chạng vạng tối và vào ngày thứ bảy, chủ nhật là lúc các trung tâm bắt đầu tấp nập, nhộn nhịp. Chị Phương Dung (ĐH Dân lập Văn Hiến) cho biết: “Bây giờ có nhiều địa chỉ để lựa chọn học ngoại ngữ lắm. Trước khi học chị đã nghiên cứu kỹ từng trường, rồi từ chương trình học, đến cơ sở vật chất, giáo viên giảng dạy và điều quan trọng là mức học phí nữa. Đã học ở trung tâm tốt, chắc chắn sẽ cải thiện được trình độ nhưng phải chấp nhận mức học phí …không hề dễ chịu chút nào. Đi học thì chỉ vào buổi tối thôi, mà kẹt xe thì … khỏi phải nói..”
Chất lượng đặt lên hàng đầu
Bạn Hồng Trâm, học viên của Trường Ngoại ngữ Đông Âu đã tâm sự: “Nếu may mắn thì học được giáo viên giỏi và có phương pháp sáng tạo, còn không thì tìm cách chuyển lớp hoặc đổi giáo viên. Như chị đây, khóa trước chị đã phải xin chuyển lớp, không phải vì thầy giáo dạy dở, mà vì thầy dạy … quá dở (cười) ". Bạn Phúc cũng học tại Đông Âu than phiền: “ Lỡ đóng học phí rồi thì phải theo học thôi. Dạy cũng không có gì cả, lâu lắm mới có giáo viên bản ngữ đứng lớp được một lần.”
Là học viên của Dương Minh, bạn Ngọc Dung nhận xét: "Theo mình thấy, học ở đây cũng được, nhưng không phải lớp nào cũng ngon lành vì còn tuỳ thuộc vào trình độ và phương pháp giảng dạy của thầy cô. Không phải giáo viên nào của các trung tâm ngoại ngữ cũng giỏi. Theo mình biết, số lượng giáo viên thật sự có tay nghề ở các trung tâm ngoại ngữ thì không nhiều. Thường thì những giáo viên giỏi sẽ phụ trách các lớp đặc biệt của trường.”
Tất nhiên học và sử dụng thành thạo ngoại ngữ không hề đơn giản chút nào. Nó phụ thuộc chủ yếu vào ba nhân tố: giáo viên, giáo trình và chính bản thân người học. Bây giờ các trung tâm lớn thường giới thiệu có người bản xứ trực tiếp giảng dạy. Nhưng không phải một người bản xứ nào cũng có thể dạy tốt, nếu không có khả năng sư phạm. Điều chắc chắn nhất mà họ có thể đem đến chỉ là cơ hội thực tập ngôn ngữ.
Không ít trường dạy tiếng Anh vẫn còn theo phương pháp cũ: giáo viên viết những từ khó lên bảng, học viên cặm cụi viết vào vở. Học viên học từ vựng xong, được hướng dẫn đọc qua vài lần, làm bài tập, rồi mang lên cho giáo viên chấm điểm. Với cách học này, không ít học viên làm bài trên giấy thì được, nhưng khi gặp người nước ngoài, thì không nghe, nói được tiếng Anh, hoặc phát âm sai. Theo cô Trần Xuân Thu Hương – giáo viên của Trung tâm Language Link, có khoảng 40% sinh viên của chúng ta khi tốt nghiệp đại học không thể nói và viết tiếng Anh được. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là trong suốt từng ấy năm trời, chúng ta triền miên chỉ dạy ngữ pháp và ngữ pháp, cách chia các thì của động từ, các cấu trúc câu, bị động chủ động, trực tiếp gián tiếp... chỉ để đối phó với những bài kiểm tra, những bài thi học kỳ và tốt nghiệp.
Trong phương pháp giảng dạy truyền thống, người dạy đưa ra nội dung bài học và người học tiếp thu một cách bị động, kỹ năng nghe và nói không được phát triển một cách hoàn chỉnh, người học không học được cách vận dụng những cấu trúc câu vào ngữ cảnh cụ thể. Ngoài ra, sự trao đổi và giao tiếp giữa người dạy và người học còn rất hạn chế. Hiện nay, phương pháp giao tiếp đã được một số trung tâm giáo dục lớn, hiện đại áp dụng. Với phương pháp này, người dạy sẽ đưa ra ngữ cảnh thực tế và giúp người học tự nhận ra những cấu trúc câu được sử dụng trong ngữ cảnh đó. Người học được tham gia bài học một cách chủ động, luyện tập những cấu trúc câu trong những ngữ cảnh diễn ra trên thực tế, tạo sự trao đổi sôi nổi trong lớp học.
Theo nhiều chuyên gia dạy Anh ngữ: “Cần đảm bảo nguyên tắc 4L (Learn – Live – Love - Laugh): Học - Sống – Yêu - Cười thì việc học Anh ngữ mới đạt hiệu quả.
Dạy và học ngoại ngữ cần được xem như một lĩnh vực khoa học và thực hành sư phạm đặc thù, là cơ sở cho việc hình thành các phương pháp và nguyên tắc có hiệu quả.. Vấn đề đặt ra là phải hoàn thiện các kĩ năng kĩ xảo mà học viên chưa có hoặc thiếu. Ở đây, phương tiện kĩ thuật được sử dụng hợp lí đóng vai trò hết sức quan trọng, sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy và học ngoại ngữ trong tất cả các lĩnh vực hoạt động nghe, nói, đọc, viết.
Anh Bảo Lâm - đang công tác tại trường ĐH Huế - nhận xét, hiện nay sinh viên cũng đã rất ý thức được tầm quan trọng của tiếng Anh trong hành trang vào đời của các bạn. Điều quan trọng là cách giáo viên đưa kiến thức từ giáo trình vào giờ học như thế nào để tạo sự hấp dẫn cho môn học và việc tạo cho học sinh khả năng giao tiếp tốt là tối cần thiết.
Vấn đề được đặt ra đối với giảng dạy tiếng Anh là mỗi giáo viên phải ý thức đổi mới phương pháp giảng dạy liên tục. Bản thân kinh nghiệm ở một số nước, đôi khi người ta không cần giáo trình tiên tiến nhưng giáo viên luôn tự tìm hiểu một cách tiếp cận mới, một cách học mới và đem vào áp dụng cho học sinh, điều đó cũng đủ tạo ra sự hấp dẫn cho môn học.
Trước thềm hội nhập khi Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của WTO, các chuyên gia giảng dạy tiếng Anh cho rằng, môn ngoại ngữ không chỉ còn là môn học chính thức mà là môn học bắt buộc được quan tâm hàng đầu. Việc dạy và học ngoại ngữ không chỉ trang bị cho học sinh những kiến thức ngữ pháp chắc chắn mà còn tạo cho học sinh khả năng nghe nói tốt… Đưa nghe, nói, đọc, viết trở thành một trong bốn môn thi chính thức trong kiểm tra ngoại ngữ ở tất cả các trường đại học, cao đẳng. Thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khoá, các câu lạc bộ để thu hút đông đảo học sinh - sinh viên tham gia. Giáo viên cần chủ động tạo điều kiện cho học sinh - sinh viên giao tiếp với nhau bằng ngoại ngữ.
Như vậy, có thể thấy rằng, để đảm bảo chất lượng giảng dạy và thu hút được nhiều học viên, các trung tâm ngoại ngữ cần phải quan tâm đến nhiều mặt. Thứ nhất, đội ngũ giáo viên có trình độ cao, có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, bao gồm cả các giáo viên bản ngữ. Thứ hai, hệ thống trang thiết bị giảng dạy, cơ sở vật chất cần được đầu tư theo tiêu chuẩn, cần mang tính hiện đại, chuyên nghiệp, từ phòng học, bàn ghế, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, lọc âm đến bài trí không gian của lớp học… phải đáp ứng nhu cầu giảng - dạy và học một cách thuận lợi và hiệu quả nhất. Thứ ba, giáo trình phải phù hợp với từng cấp độ học, kết hợp giữa việc thực hành và lý thuyết, phát huy được tính sáng tạo và khả năng phán đoán của học viên, cần làm cho các học viên thấy được rằng, nơi đây luôn là nhịp cầu nối liền tri thức cho những ai muốn được học ngoại ngữ và những kỹ năng thiết yếu cho nghề nghiệp tương lai.
Phương pháp học
Lẽ đương nhiên, để đạt được hiệu quả cao trong học tập, quan trọng hơn cả và quyết định chính vẫn là ở bản thân người học. Học ngoại ngữ cũng như học bất kỳ một môn học nào, đều đòi hỏi người học sự nỗ lực không ngừng. Bản thân phải xác định mục tiêu rõ ràng và dành thời gian học tập nghiêm túc. Hãy biến những kiến thức của giáo viên truyền đạt cho mình thành những kiến thức thực sự của mình.
“Học chỗ nào cũng được, nơi học không bằng cách học. Tuy nhiên cũng phải căn cứ vào điều kiện và khả năng của mình để chọn nơi học thích hợp nhất và tốt nhất. Kinh nghiệm của mình là nơi nào có điều kiện giao tiếp tốt thì sẽ nhanh tiếp thu và nhanh tiến bộ hơn. Với nữa phải cố gắng vượt qua "rào cản tâm lý" của người học ngoại ngữ là e dè, sợ sai, sợ người nghe không hiểu. Một khi đã tự tin và cố gắng thỉ việc học trở nên dễ dàng hơn nhiều.”- Quốc Minh (ĐH Kinh tế) cho biết.
Phương Trang (ĐH Kinh tế TP.HCM): “Phải thấy được ngoại ngữ là bàn tay trái và tấm bằng tốt nghiệp là bàn tay phải, đôi khi chúng còn có vai trò ngang nhau. Đó cũng thể hiện sự “đa năng”, tài giỏi và hội nhập của sinh viên ra trường. Và một khi đã bỏ tiền ra để học ngoại ngữ thì dại gì mà không học đàng hoàng, không được ngại khó để cuối khoá có thể rạng ngời tấm bằng loại khá giỏi, rồi với khả năng Anh ngữ được rèn luyện, thế nào tương lai nghề nghiệp cũng sáng sủa. Đời người đâu có nhiều cái bốn, năm năm học đại học, thì phải tận dụng thời gian để sau này không phải vừa làm, vừa học ngoại ngữ ở cái tuổi “sau 22”!”
Kinh nghiệm của một giảng viên ĐH Kinh tế khi học tiếng Anh là: trước khi đi ngủ, bạn hãy học thuộc lòng một số từ, và sáng thức dậy, khi còn nằm trên giường thì bạn hãy nhớ lại những từ mà bạn đã học tối qua, nếu quên thì bạn xem lại và học thuộc nó, bạn đừng bao giờ sợ mình nói sai hay viết sai. Những vật dụng trong nhà, nếu có thể, bạn nên dán một mảnh giấy nhỏ vào chúng và ghi tên của chúng (bằng các ngoại ngữ mà bạn biết) vào đó. Học phải đi đôi với hành, nếu muốn thu được kết quả tốt nhất.
Học ngoại ngữ là có thể học mọi lúc, mọi nơi. Kĩ năng nghe và ghi nên bắt đầu từ những bài tập mà ta không những nghe được, mà còn nhìn thấy được người nói. Cần phải chú ý đến tất cả những gì có liên quan tới tâm lí tiếp nhận trong quá trình học ngoại ngữ. Nghe - ghi giúp bản thân quen dần với những bài tập nghe ghi trên máy, làm giảm bớt những khó khăn về từ vựng, lỗi chính tả. Cần chú ý nhiều hơn tới việc đưa các cụm từ mới và câu mới vào quá trình học tập một cách tự nhiên. Phải giải quyết được ở mức tối đa mâu thuẫn giữa tính giao tiếp và tính hệ thống trong bài học và trong cả quá trình dạy-học.
Cuối cùng, theo các chuyên gia, để quyết định thành công của việc học tốt ngoại ngữ chính là sự quyết tâm nỗ lực của bản thân người sinh viên. Tương lai đang nằm trong tầm tay của chúng ta. Vậy thì ngay từ bây giờ chúng ta phải học tập, lao động chăm chỉ hết mình để khi ra trường không chỉ có khả năng giao tiếp ngoại ngữ thành thạo mà có cả một vốn kiến thức vững vàng để bắt tay vào xây dựng tương lai.

Ngô Văn Hậu – STSV
“Được thực hiện bởi STSV – www.sangtacsv.com”

Tags:

5 comments to "Anh văn-Làm sao lựa chọn đây?"

  1. Anonymous says:

    bài viết thật đáng kinh ngạc! cũng là một "hot topic"!

  2. rukawa says:

    đi hỏi thăm 1 vài trung tâm ngoại ngữ,mém xỉu vì giá $-)...có lời khuyên nào về việc chọn nơi học ko ta? Mình đang phân vân :ĐH sư phạm,bộ ngoại giao và VUS...???

  3. Anonymous says:

    đh sư phạm thì học cũng giống như học ở trường mình thôi. còn bộ ngoại giao và VUS tốt hơn nhưng bộ ngoại giao thì giá ngất ngưởng hơn...VUS có thể thích hợp! quan trọng là còn ở phương pháp học nữa bạn ạ! internet, sách, phần mềm, tự học...

  4. Anonymous says:

    tui cung di du trung tam rui, ma cha co trung nao nao vua y...... nghe moi nguoi don hoi viet my day ngon nen cung rang vao do hoc xem sao (gia cao ngat nguong 160$ tro len 1khoa 9tuan). ai de hoc cung giong nhu viet uc hay seameo... trang thiet bi thi thua ca seameo... o seameo con duoc nghe nhac dien tu, xem film bang phu de tieng anh... con giao vien hoi viet my chi cau thoi gian, di day vao lop thi tre 5p, cuoi gio day som 15p thi cau thoi gian cho het gio,... thi cuoi ki thi cho may cau hoc san roi len tra loi.... hoc the thi chi doi pho thoi... lam sao ma co chat luong thuc su dc.... ma noi that bi gio hoc trung tam nao cung vay thoi... chu yeu la tu minh hoc thoi...

  5. Lysa says:

    loi` khuyen tot nhat la toi danh cho cac ban la tu hoc, dung di hoc dau ca, vi` hoc o nhung~ trung tam anh van tien hoc rat mac' nhung nhung~ kien thuc ma minh` thu lai chang~ bao nhieu. vua` phi thoi gian, vua phi tien. Doc sach nhieu`, coi film My~ nhieu`, tiep xuc voi nguoi My~ nhieu` va tu hoc la tot hon ca~... Noi ma de~ gap nguoi My~ de~ noi chuyen la cac cong vien o~ Quan 1....good luck!

Leave a comment