Breaking News

Tran Chi Thien Tran Chi Thien

Home , � Chuyện vệ sinh ...

Chuyện vệ sinh ...

Muốn thay đổi bất cứ thói quen nào cũng cần một khoảng thời gian nhất định. Thói quen giữ gìn vệ sinh nơi công cộng và bảo vệ môi trường của chúng ta chắc chắn cũng phải cần một khoảng thời gian và nỗ lực không nhỏ.


Tình trạng xả rác bừa bãi là chuyện hết sức thường tình ở Việt Nam. Ai cũng nghĩ rằng vài mảnh rác nhỏ chẳng phải là chuyện lớn nhưng xả rác thực sự có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Đơn cử như trường hợp sau đây, người viết bài này đã từng một lần suýt gặp tai nạn trên phố khi một em nhỏ uống xong sữa và ngay lập tức vứt hộp ra đằng sau. Hộp sữa va vào người một cách bất ngờ nên người viết bài này loạng choạng tay lái và gần như quẹt vào xe bên cạnh. Rất may là không có gì nghiêm trọng xảy ra nhưng những tình huống như vậy quả thực là nguy hiểm. Và đây chỉ mới là một ví dụ nho nhỏ trong hàng ngàn hậu quả khôn lường mà việc xả rác bừa bãi có thể gây ra. Chắc chắn sẽ có nhiều người tự hỏi: “ Tại sao vậy? Tại sao chúng ta không thể giữ gìn vệ sinh nơi công cộng?” Tình trạng này có thể được lý giải bởi rất nhiều nguyên nhân.

Những nguyên nhân “biết rồi, nói mãi”

Đã là tâm lý chung, những cái gì là của công thì thường ít được quan tâm và giữ gìn. Chúng ta hay quan niệm rằng, đó không phải là thứ ta sở hữu, không việc gì phải nhọc công vì nó; hoặc là ta tạm yên tâm, đã có người được trả lương để làm việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng rồi, ta không cần phải bận tâm. Phải biết rằng đây là những suy nghĩ bình thường và vô cùng phổ biến, không chỉ là của người Việt Nam mà là của tất cả mọi người trên thế giới. Nhưng tại sao hành vi của một người Việt Nam và một người nước ngoài đối với vấn đề này lại vô cùng khác nhau??

Hãy bàn một chút về người hàng xóm của chúng ta, Singapore, một đảo quốc nổi tiếng sạch sẽ nhất trên thế giới. Đất nước này có những hình phạt rất nghiêm khắc bao gồm các chế tài hình sự, dân sự và hành chính đối với vấn đề vệ sinh môi trường. Bản chất con người là giống nhau, không ai tốt đẹp hơn ai nên chỉ cần một khung hình phạt đủ nặng là tự khắc người ta sẽ tuân thủ, lâu dần sẽ trở thành thói quen. Ví dụ trường hợp đổ rác nơi công cộng, nếu bị Toà án kết tội thì người vi phạm sẽ bị phạt đến 10.000$ với vi phạm lần đầu và nếu tái phạm sẽ bị phạt tới 20.000$. Trong khi đó, ở nước ta, việc xả rác, tiểu tiện, phóng uế chỉ bị phạt từ 60.000 đ đến 100.000 đ. Như vậy, những chế tài đặt ra là rất quan trọng trong việc hình thành thói quen bảo vệ môi trường của dân chúng. Mức phạt nhẹ sẽ không đủ răn đe. Tuy nhiên, việc đảm bảo cho những điều luật đó được thực thi một cách nghiêm túc cũng quan trọng không kém. Lực lượng chịu trách nhiệm về vấn đề này ở nước ta vẫn còn thiếu nên hình ảnh đường phố ngổn ngang rác vẫn còn đó.

Một nguyên nhân nữa là vấn đề giáo dục. Những học sinh lớp nhỏ ngày đầu tiên đi học đều được dạy không được xả rác trong sân trường, phải giữ vệ sinh chung nhưng những người lớn xung quanh lại không gương mẫu nên những điều các em được học xem ra chẳng mấy ý nghĩa. Thế rồi lớn lên các em lại tiếp tục xả rác giống như những gì các em nhìn thấy nên mọi chuyện “đâu về lại đấy”.

Thứ nữa là một phần chúng ta, dù rất muốn giữ vệ sinh nơi công cộng nhưng lại không thể làm được. Đường phố dài nhưng quá ít thùng rác. Đôi khi muốn vứt rác nhưng lại không biết làm sao. Một số tặc lưỡi cho vào túi xách mang về nhà vất. Một số nhắm mắt quăng luôn xuống đường cho xong. Và nếu có thùng rác thì một số thùng rác lại rất nhỏ và được thiết kế quá sức bất tiện. Trường Kinh tế của chúng ta chỉ dùng loại thùng rác đã nhỏ lại có nắp hết sức buồn cười. Nếu bạn muốn vứt rác cho đúng cách thì phải dùng tay đẩy nắp vào bên trong rồi mới cho rác vào thùng. Tâm lý nhiều bạn sợ dơ nên phần lớn chỉ để rác hờ hững ngoài miệng thùng. Thành ra thùng rác chưa đầy nhưng rác đã tràn ra ngoài và rơi rớt bừa bãi xung quanh, trông rất mất vệ sinh.

Ngoài ra, những tâm lý và thói quen cố hữu lâu nay của chúng ta cũng là một nguyên nhân rất lớn khiến cho nơi công cộng không thể sạch đẹp ngăn nắp được. Thứ nhất là tâm lý “sợ dơ”. Hầu hết mọi người quan niệm rằng những nơi công cộng như nhà vệ sinh công cộng (NHVSCC) là không sạch sẽ nên ngay cả khi những NVSCC kiểu cũ được cải tạo xây dựng mới thì chúng ta cũng sử dụng không đúng cách. Trường Kinh tế là một ví dụ. Tại cơ sở B, hơn một nửa NVS ở các tầng đều đã được thay mới trong năm học này. Đáng tiếc là những người sử dụng đầu tiên đã không dùng đúng cách. Đây đều là xí ngồi bệt nhưng người ta lại ngồi xổm lên trên như đang dùng xí xổm vì sợ ngồi hẳn xuống lại dơ (đây là nơi công cộng, nhiều người sử dụng). Những người sử dụng sau thấy vết giày dép bẩn lại tiếp tục phải ngồi xổm. Cứ như vậy mà những toa-let kiểu mới toanh nhanh chóng chi chít những dấu giày dép bẩn và dễ dàng xuống cấp.

Thứ hai là tâm lý “làm theo đám đông”. Đến một nơi mà ai cũng vô tư xả rác còn bạn lại cố kiếm cho được một thùng rác để vứt rác đúng chỗ được xem là một hành động khá kỳ cục. Lần thứ nhất thì bạn cố tìm thùng rác, lần thứ hai vẫn cố tìm nhưng bắt đầu thấy khó chịu và lần thứ ba thì bạn sẽ tặc lưỡi và làm theo đám đông luôn.

Sinh viên chúng ta có thay đổi được gì không??

Chúng ta là những sinh viên thế hệ mới, được tiếp cận với nhiều điều văn minh hơn thế hệ trước thì nên chăng, chúng ta cũng cần thay đổi thói quen của mình!?

Với những nguyên nhân nêu trên, chúng ta biết rõ có những điều không thể thay đổi một sớm một chiều như chuyện luật pháp, giáo dục hay hệ thống thùng rác phù hợp…Nhưng rõ ràng có một thứ chúng ta có thể thay đổi được, đó là thói quen của mỗi người. Trước khi trường Kinh tế có thể thay đổi loại thùng rác, chúng ta có thể cố gắng bỏ rác vào thùng đúng cách mặc dù có thể làm bẩn tay. Trước khi đám đông có thể xem hành động vứt rác đúng nơi quy định, chúng ta có thể mặc kệ vài tiếng cười giễu cợt để tìm thùng vứt rác. Ra đường chẳng thấy thùng rác đâu, chúng ta có thể ráng gói rác gọn lại, bỏ vào giỏ xe hay túi xách để về nhà vứt. Và những hành động nhỏ nhưng văn minh đó nếu may mắn sẽ là tấm gương tình cờ cho những em nhỏ chỉ được học ra rả câu lý thuyết: “Không vứt rác ra sân trường” ghi nhớ và làm theo. Chúng ta hoàn toàn có thể than phiền khi nhà chức trách không thể làm hết chức năng trong việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; nhưng chắc chắn với những con người đang nỗ lực để trở nên văn minh ý thức hơn, người ta không thể chậm trễ trong việc hỗ trợ những công dân gương mẫu bảo vệ môi trường của mình.

Khánh Linh

“Được thực hiện bởi nhóm Sáng tác sinh viên – www.sangtacsv.com ”

1 comments to "Chuyện vệ sinh ..."

  1. Vc says:

    ủng hộ 2 tay! hãy là một người có văn hóa

Leave a comment