Breaking News

Tran Chi Thien Tran Chi Thien

Home , � Cơ hội cho sinh viên thời khủng hoảng

Cơ hội cho sinh viên thời khủng hoảng

Hơn ai hết, sinh viên kinh tế sắp tốt nghiệp biết rõ tình thế của mình trước tình hình lao động đang lúc khắc nghiệt. Hàng loạt các tập đoàn, công ty lớn, nhỏ “đua nhau” cắt giảm nhân sự, nhằm giảm thiểu chi phí hoạt động. Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được đầy đủ các điều kiện: tốt nghiệp khá giỏi, bằng Anh văn, vi tính, thậm chí tham gia các khóa huấn luyện kỹ năng mềm…cũng chỉ nhận được cái lắc đầu từ nhà tuyển dụng…



Mỗi người một hướng đi riêng



Có bạn có bằng ĐH Kinh tế chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng nhưng vẫn lấy thêm văn bằng 2 về Quản trị Kinh doanh. “Lúc này, các công ty có xu hướng chọn những người “đa năng” có thể đảm đương nhiều vị trí, công việc khác nhau để giảm thiểu chi phí. Mình có thể làm việc cả ở bộ phận tài chính lẫn kinh doanh. Cơ hội việc làm sẽ mở rộng”.
Nhiều bạn đã tính chuyện “quay trở lại” với xu hướng làm cho cơ quan nhà nước. Vũ Hoàng (Học viện Ngân hàng) cho biết: “Tôi vốn không có ý định làm trong khu vực Nhà nước vì lương thấp. Nhưng tôi đã thay đổi quan điểm. Dù thu nhập không cao thật, nhưng ổn định hơn”. Tuy nhiên, khu vực Nhà nước rất coi trọng bằng cấp, bạn cần phải có bằng Khá trở lên.
Hoặc có người dự định ở Việt Nam làm 1-2 năm rồi du học, “Nhiều người sợ khủng hoảng khiến cho chi phí du học cao hơn. Nhưng bạn biết đấy, chi phí tổng cho cả quá trình thì lại giảm, vì các nước phải ưu đãi để thu hút du học sinh. Mình tranh thủ cơ hội này để nâng cao trình độ, khi nào kinh tế phục hồi, quay về sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn”. Thực tế là khủng hoảng khiến cho lượng du học sinh tại Mỹ, Anh, New Zealand, Nhật… đều giảm. Vì vậy, nhiều trường đã giảm học phí, tặng học bổng, tặng vé máy bay, laptop… để hút học sinh, thậm chí Úc còn cho phép sinh viên ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp, có cơ hội xét định cư.
Hoặc có người lựa chọn cách: “Không ai thuê mình thì tự mình sẽ thuê mình”. Thủy và nhóm bạn góp vốn mở quán cafe cho sinh viên. Với kinh nghiệm và một ít vốn tích lũy được nhờ bán hàng online, nhóm của Thủy rất tự tin.


Bình tĩnh và lạc quan


Đó là tâm trạng của những sinh viên năm nhất. Có một thực tế là: sau mỗi cuộc khủng hoảng, nền kinh tế sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực chủ chốt của một nền kinh tế hiện đại như Tài chính, Chứng khoán… sẽ tăng cao. Vì thế, có thể coi đây là sự “chuẩn bị trước” cho sự phục hồi và tăng trưởng trở lại của nền kinh tế (nhiều dự báo là năm 2010).
Tuấn Anh – một du học sinh tại Ohio - Mỹ chia sẻ: “Apply vào đại học, tôi sẽ chọn ngành Kinh doanh Bất động sản. Ở Việt Nam hiện nay, kinh doanh Bất động sản chủ yếu vẫn mang tính tự phát chứ chưa có bài bản và chuyên nghiệp. Trong tương lai, ngành này ở Việt Nam sẽ phát triển ổn định và chuyên nghiệp hơn. Mình cứ chuẩn bị trước thì sau này học xong quay về, dù khủng hoảng hay không thì đều đã ở tư thế sẵn sàng”.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố khách quan, thì có một vấn đề mà dù cho có khủng hoảng hay không cũng sẽ gây khó khăn cho sinh viên khi tìm việc. Đó là việc xác định được mục tiêu, ngành nghề yêu thích để theo đuổi. Vì thực tế hiện nay, "Ra trường không biết làm gì” là thực trạng chung của nhiều sinh viên. Tại Hội thảo "Hành trang nghề nghiệp" được tổ chức tại trường ĐH Bách Khoa năm 2008, Tập đoàn Navigos tiến hành khảo sát 1.000 sinh viên, thì có đến 98% cho biết, họ còn mơ hồ về nghề nghiệp, không biết làm gì và sẽ như thế nào trong tương lai. Trong tình hình khó khăn hiện nay, đại bộ phận sinh viên phải chạy đua để kiếm cho được một vị trí làm việc theo đúng ngành nghề yêu thích đã là rất khó khăn, gian khổ, trong khi đó nhiều người vẫn còn lơ mơ không biết mình sẽ làm gì. Thiết nghĩ, đây quả thực là một vấn đề rất nghiêm trọng, cần phải tỉnh táo mà nhận thức cho đúng. Hơn nữa, theo thống kê hiện nay thì thị trường lao động Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhân sự cao cấp của các công ty trong nước cũng như ngoài nước. Việc thu hút nguồn nhân lực cao cấp từ nước ngoài về là một vấn đề rất được Nhà nước Việt Nam và các đơn vị kinh tế quan tâm. Chính vì vậy chính sách về lao động của Nhà nước và các công ty đã ngày càng thông thoáng và có sức thu hút rõ ràng hơn. Chính sách tiền lương, phúc lợi và đãi ngộ được nâng lên rõ rệt và có tính cạnh tranh cao. Các công ty, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đang “dang tay” chào đón du học sinh làm việc chính thức cũng như thực tập tại Việt Nam trong điều kiện tốt nhất, nhằm thu hút ngày càng nhiều lực lượng lao động cấp cao này về nước làm việc sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Điều này cũng một phần gây hoang mang trong một bộ phận không nhỏ sinh viên trong nước, vì xét về nhiều mặt, sinh viên du học có nhiều mặt thuận lợi hơn sinh viên trong nước.
Tuy mỗi người có một hướng đi, lựa chọn riêng nhưng việc tìm việc làm ngay từ khi còn đi học sẽ giúp sinh viên biết mình còn yếu và thiếu những gì, nghề nào mình thích…để khi muốn thay đổi thì vẫn còn kịp, không nên để 4- 5 năm mới … “ngộ ra” và “chuyển hướng”.
Thầy Nguyễn Tấn Hùng - Trưởng Trung tâm phục vụ sinh viên và doanh nghiệp, trường ĐH Hoa Sen cho biết: "Thực tập chính là cơ hội để sinh viên thử thách khả năng của mình. Đừng thực tập cho có, mà hãy coi đó là cơ hội tiếp cận với thực tế. Nếu bạn bị sai bảo làm những việc lặt vặt như đứng máy photo, bưng nước... thì cũng đừng từ chối, vì đây là lúc bạn được giao việc và được "hội nhập" vào công ty. Khi bạn hoàn thành được việc nhỏ thì sẽ được giao việc lớn hơn”.
Các chuyên gia tư vấn lao động cho rằng, khi mới ra trường, không có kinh nghiệm cũng không nên ngần ngại nộp hồ sơ vào các công ty lớn. Thực tế, cách ứng xử khi phỏng vấn, thái độ lao động mới là yếu tố quyết định việc tuyển dụng của doanh nghiệp. Thiếu tự tin là điều mà đa phần sinh viên mắc phải khi đối mặt với nhà tuyển dụng. Nên nhớ rằng, các bạn phải học cách "quảng cáo" mình trước các nhà tuyển dụng, chủ động tìm kiếm cơ hội chứ đừng thụ động.



Võ Hồng Nhung
“Được thực hiện bởi STSV- www.sangtacsv.com”

0 comments to "Cơ hội cho sinh viên thời khủng hoảng"

Leave a comment