Blog cảm xúc: Tam Kỳ ngày trở về.
Tam Kỳ ngày trở về
“Đường xa không sao ngăn những bước chân trở về
…Để bữa tối ấm áp bên mẹ hiền”
Giọng hát trầm trầm của The Wall vẫn vang vang nơi góc phòng trọ. Thằng sinh viên xa nhà cứ đi tới đi lui, lòng mừng vui khấp khởi, nhắm mắt nhẩm tính xem còn bao nhiêu tiếng nữa được về nhà. Thỉnh thoảng ngước nhìn đồng hồ, cười toét miệng khi thấy thời gian mình trở về lại ngắn thêm được một tí. Nhớ, mong lắm.
Sài Gòn một buổi tối cuối năm. Đã se se những cơn gió đầu mùa vừa chớm, như nhắc ta rằng: “Ở đó, ở Tam Kỳ bé bé của mình, bây giờ lạnh lắm”. Ừ, ngày này năm ngoái ở quê đang mặc áo ấm to xụ, vừa đi chơi hội hoa vừa hít hà cái lạnh miền Trung. Giờ ngồi giữa Sài Gòn mà thèm được mặc áo ấm, thèm được lang thang giữa một một góc quảng trường rực vàng màu quất Hội An, thèm được đi dạo những con đường Tam Kỳ bỗng đông vui hơn mỗi độ sắp tết. Thèm, phát cuồng lên được.
Có những cảm giác mà ai xa nhà mới hiểu được. Là cảm giác như muốn điên lên, như muốn chạy tới phồng má thổi phù phù vào kim đồng hồ để thời gian trôi qua nhanh hơn một tí. Bật cười vì chính cái suy nghĩ kiểu trẻ nít của mình, rồi lại muốn nhảy lên thật cao và ngẫu hứng một câu hát không nhớ rõ lời: “Một sáng sớm, trở về quê hương…"
Tam Kỳ ngày trở về. |
Tam Kỳ tết nào cũng rực rỡ, cả quảng trường như tươi lên nhờ đủ màu sắc: đỏ thược dược, hồng phớt hoa ly, mai vàng với hoa hồng rực nắng đầu năm… Lựa một bụi hồng thật đẹp, mang về nhà xoay xoay tìm thế đẹp nhất. Rồi thì mua xong vẫn muốn dạo hội hoa thêm vài vòng nữa, ngắm người, ngắm hoa, ngắm quê mình lúi húi chuẩn bị đón năm mới. Nghe trong lòng chộn rộn.
Tam Kỳ tết nào cũng tấp nập những con phố ẩm thực lung linh ánh đèn lồng. Dắt tay nhau đi dạo từ đầu đường tới cuối đường, thấy quán nào hay hay cứ ghé vào một cách đầy ngẫu hứng, kiểu gì tối đó cũng vác bụng no kềnh về nhà, nào bánh chập, bún mắm , bánh xèo, chè chuối… Toàn những món mang đậm vị quê hương.
Tam Kỳ đó, Tam Kỳ ngào ngạt hương trầm sáng mồng 1. Nén hương nghi ngút trên bàn thờ tổ tiên, mời ông bà về đón tết với con cháu. Một cái bánh chưng được cắt ra, rồi loay hoay không biết làm sao để chia đều cho chín, mười đứa nhỏ. Nhà nội, nhà ngoại, tết nào cũng rộn lên bởi tiếng trẻ con. Chín, mười đứa lóc nhóc vây quanh bà ngoại, chờ bà xoa đầu rồi hí hửng nhận những phong bao đỏ đỏ. Gập đầu thật thấp, lí nhí : “Con cảm ơn ạ” bằng cái giọng con nít mới bi bô tập nói. Một lũ nhặng xị chạy long nhong quanh nhà, cứ chốc chốc lại khóc ré lên bắt đền nhau. Thấy yêu quá chừng...
Tam Kỳ của mình đó, bình yên của mình đó, vẫn năm yên đấy, chờ ngày mình trở về.
MINH ĐỨC ekip Săn tin
"Được thực hiện bởi STSV - www.sangtacsv.com"
Trở thành friend của chúng tôi trên Facebook http://www.facebook.com/sangtacsv
Bài viết cộng tác gửi về sangtacsv@gmail.com
Tags:
Cảm xúc
,
Góc nhìn SV
Mùa mẹ chờ con
Mùa xuân, Mẹ Chờ con! |
Mẹ chờ con ( Ảnh minh họa) |
Cơn gió ngoài kia vẫn thổi, hạt mưa vẫn rơi. Trái tim tôi dường như chậm lại, nó đã bị những nỗi buồn vây kín, trái tim lại càng đau đớn hơn khi biết cơn gió đầu xuân sắp đến và những hạt mưa sẽ giống như những màn sương bao quanh con đường, phủ lên cánh đồng trong cái se se lạnh của tiết trời vào xuân, ngày Tết ấy. Và trái tim sắp ngừng đập khi biết rằng Tết này con lại xa quê, xa cái miền quê thân thương, có chú gà trống cất tiếng lúc bình minh, có tiếng chim kêu,tiếng nói cười của ba tôi, của mẹ tôi và của em tôi.
Con đã từng hỏi điều gì khiến con trở thành một đứa con bất hiếu như vậy, cả cái Tết mà nó cũng không về thăm gia đình được, nó có biết ba nó, mẹ nó và đứa em bé xíu của nó nhớ nó từng ngày, từng giờ. Nó có biết lúc nửa đêm, mẹ nó vẫn thao thức, mắt cai xé và nước mắt vẫn lăn dài trên má khi tưởng nhớ đến nó ở một góc trời phương xa, nó có biết tiếng trẻ thơ của em nó vẫn gọi anh hai, anh hai… tại sao anh hai không về hả mẹ? Rồi nó có biết mẹ nó sẽ trả lời em nó thế nào, hay lại càng đau khổ thêm.Nó có biết những giọt mồ hôi trên trán của ba nó rơi xuống cánh đồng, mảnh áo vá của ba nó ướt đẫm mồ hôi nhoà trong ánh mắt mờ mờ, và ba nó lặng lẽ ngướt mặt lên trời, tại sao con không về?.Nó cũng có biết chú chó đóm của nó ngày đêm nằm bên góc cửa, canh từng tiếng động, thầm mong từng nhịp chân cậu chủ.Tất cả nó có biết không?
Sống nơi chật chội, bụi bặm, tiếng ồn inh ỏi nơi đất Sài thành này nó đã chán lắm rồi. Nó mong có một cơ hội để thoát ra khỏi vùng đất náo nhiệt và đầy tham vọng này. Nhưng cơ hội đâu dễ đến với nó, khi vòng xoáy của học hành, ăn, ở, tiền bạc, quan hệ… luôn bám theo nó. Nó phải đối mặt với chuyện làm sao để có tiền, rồi có tiền nó phải đối mặt với chuyện ăn, chuyện ở, làm sao để con đường học vấn, công danh của nó không bị lu mờ. Rồi thêm vào đó, nó phải đối mặt với những mối quan hệ chằng chịt, những người bạn, những cuộc đi chơi, những mối giao tiếp xã hội… tất cả dường như ôm chật lấy nó khiến nó không thể nào thoát ra khỏi chốn đô thành này. Và Tết này nó lại không về, sẽ không được gặp ba nó, mẹ nó, em nó và cả chú chó đóm đáng tội nghiệp của nó, biết chứ, điều gì đã khiến nó thành một đứa con bất hiếu, chính vì đồng tiền tất cả!
Khi hỏi một đứa bạn “Tết này mày sẽ làm gì?”, “tao sẽ về quê, tao sẽ….” chỉ nghe tới đây thôi, thì lòng tôi càng đau đớn, tao biết chứ, chính tao cũng muốn về quê nữa, nhưng có lẽ tao không làm được điều đó. Tới đây, mắt tôi đã cai, mài tôi đã nhíu lại, tôi muốn khóc, muốn khóc thật to, tôi muốn hét thật lớn, tôi muốn quỳ xuống, muốn trách, muốn mắn, muốn nguyền rủa những đồng tiền, tôi cũng muốn xin lỗi, lời xin lỗi mà gia đình tôi sẽ không bao giờ nghe được. Ngước mặt lên con đường, vẫn tấp nập, vẫn nhộn nhịp, Sài Gòn vẫn thế. Tết đến người người sẽ đi chơi, sẽ đi chợ hoa, viếng thăm chùa, thăm ông bà, thăm cha mẹ, những em nhỏ ngây thơ sẽ được lì xì, được ăn bánh, ăn mứt, và buổi cơm chiều thật không thể nào quên khi gia đình được đoàn tụ, bữa cơm niềm vui ngan ngát. Nhưng Tết này Sài Gòn sẽ có một người đi làm kiếm tiền, một sinh viên nghèo bôn ba trên từng con phố tấp nập cờ hoa, rồi đêm về thao thức trong căn phòng vắng lạnh, chỉ có mình tôi, nghĩ về nơi miền quê xa ấy, muốn gọi điện cho gia đình, nhưng lại không dám vì nỗi nhớ sẽ càng đau đớn hơn khi nghe tiếng nói của họ, nơi miền quê kia sẽ có một gia đình thiếu vắng đứa con trai trong bữa cơm chiều, sẽ thiếu vắng một tiếng cười, tâm hồn đứa trẻ thơ của em tôi sẽ thiếu đi những bao lì xì xinh xắn, và nơi xa đó có hình bóng người mẹ hiền, đêm đêm vẫn thao thức trong ánh mắt trần trọc, nước mắt nhoè vai, tại sao con không về! Con muốn nói lời xin lỗi, nhưng mẹ không muốn nghe, con muốn về nhưng đồng tiền không cho phép. Con phải làm sao đây mẹ ạ! Mẹ nói đi!
Và trong giấc ngủ đêm đêm, tôi vẫn thường gọi mẹ, nghe đâu đó phương xa vọng lại tiếng của mẹ tôi “con hãy cố gắng học tập tốt”, chỉ bấy nhiêu thôi, tôi cũng cảm thấy rằng, cuộc đời này thật hạnh phúc, và tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc, không một phút giây nào tôi bỏ cuộc!
Lê Anh Khoa -ekip Săn tin
Thực hiện bởi STSV- www.sangtacsv.com
Tags:
Cảm xúc
,
Góc nhìn SV
Tớ đã tập yêu cuộc sống mới
Từ một đứa con gái luôn được bảo bọc trong sự chăm sóc của ba mẹ, tớ phải rời xa vòng tay yêu thương gia đình để vào Sài Gòn, bước vào cuộc sống của một tân sinh viên. Điều đó đồng nghĩa với việc bắt đầu một cuộc sống tự lập, bắt đầu phải tự tay làm mọi việc mà không còn nhõng nhẽo “Mẹ ơi!” như ngày xưa nữa. Sài Gòn cho tớ nhiều niềm vui và cũng lắm nước mắt, nhưng đối với tớ, cuộc sống muôn màu mới là một cuộc sống đẹp.
Lạ mà quen!
Ngày đầu tiên đặt chân đến đây, Sài Gòn đón tớ bằng một trận mưa sáng, và rất nhiều ngày sau đó là một chuỗi những cơn mưa dầm dề và dai dẳng. Những cơn mưa- từ lâu lắm rồi đã được gán với nỗi buồn, nỗi nhớ, nhất là với sinh viên năm nhất sống xa nhà như tớ, nỗi nhớ quê cũng đong đầy thế. Quê tớ bây giờ cũng đang là mùa mưa. Mưa trùm lên thu, mưa trùm lên đông. Đó là lý do người ta gọi quê tớ là “hai mùa mưa nắng”. Mỗi lần nhắm mắt nghe mưa, bao kỉ niệm lại ùa về, nhớ chi lạ, thương chi lạ miền Trung oằn mình gánh hai đầu Tổ quốc, gánh hết mọi thiên tai để Nam Bắc được yên bình… Cứ mỗi lần xem TV hay đọc báo hay tin ở quê đang lũ lụt dữ dội, bao nhiêu người mất tích, bị chìm trong dòng nước dữ là tim tớ như thót lại, xót hết cả ruột gan. Nhớ ngày còn ở nhà, cứ đến mùa lụt là nhà tớ như cửa hàng thực phẩm thu nhỏ, tích trữ đồ ăn cho mấy ngày liền (vì lụt là nước dâng rất cao, cả khu nhà tớ bị cô lập luôn ấy). Bây giờ cách nhà đến cả nghìn cây số, tớ chẳng biết làm gì ngoài việc hằng ngày theo dõi thông tin về những trận lũ trên báo, trên Tivi, rồi điện thoại về nhà suốt, cầu mong thiên tai đừng đến với quê tớ nữa…
Mây trời thì lạ, nhưng mưa thì quen quá!
Thời gian đầu bỡ ngỡ
Rất nhiều ngày liền thời gian biểu của tớ chỉ có đi học- về nhà- đi học… lặp đi lặp lại như thế. Tớ không tìm thấy được sự hứng thú trong học hành, những người bạn mới quá lạ lẫm, tụi bạn cạ cứng thì lại ở cách xa nhau dù vẫn trong thành phố khiến tớ càng ngày càng trở nên lạc lõng, cô đơn. Tớ quên hết những kế hoạch, dự định hay ho đã vẽ ra từ lúc còn ở nhà, thay vào đó là sự chán nản, ủ rũ, đi học về là nằm lì ở nhà, chẳng muốn đi đâu.
Thế nhưng, một người bạn Hà Nội lại khiến tớ nhận ra vẻ đẹp của Sài Gòn, vẻ đẹp của cuộc sống. Không nơi đâu là lạ lẫm nếu ta không tập làm quen với nó.
Cô bạn của tớ là một cô gái Hà Nội gốc mới chuyển vào đây được 3 tháng vì công việc làm ăn của bố mẹ. Hai trái tim đồng cảnh nên đồng cảm, tụi tớ cùng đèo nhau đi vòng quanh thành phố, hàn huyên đủ thứ, phát hiện ra bao nhiêu là điểm chung, sở thích và quan trọng nhất là tụi tớ đã trao nhau rất nhiều niềm vui, nụ cười. Cô bạn ấy dù khó khăn, khủng hoảng còn hơn tớ gấp mấy lần nhưng thay vì buồn phiền, bạn ấy đi tìm niềm vui ở công việc làm thêm là bán sách ngoại văn. Sau lần gặp gỡ cùng câu nói lúc chia tay của cô bạn “Khi cậu không có được thứ mà mình yêu thương thì hãy tập yêu những thứ mà cậu đang có” đã khiến tớ suy nghĩ rất nhiều, và cũng thay đổi rất nhiều.
“Bắt đầu một bắt đầu”.
Và tớ bắt đầu cuộc hành trình tìm lại cái tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn xa lạ này: Tìm tình yêu ở một cuộc sống mới! Tớ khởi động bằng việc tham gia vào CLB Sáng tác sinh viên để được thỏa niềm đam mê viết lách. Tham gia nhiều hơn các hoạt động ở trường, cởi mở và hòa nhập hơn với bạn bè….
“Find love in this new life”
“Find love in this new life” là tên album ảnh trong Facebook của tớ, ở đó tớ sẽ lưu lại những khoảnh khắc, kỉ niệm tớ có được ở nơi đây. Không nghĩ nhiều về Hà Nội, không còn cảm giác ghen tị khi thấy chúng bạn hẹn hò gặp gỡ nhau, hay trước những status như “Trời se lạnh rồi…”, “Thời tiết này ăn hạt dẻ nóng là thích nhất”…Vì tớ biết, nếu tớ cứ nghĩ suốt ngày về những gì không thuộc về mình thì mãi mãi tớ sẽ không thể nào “find love in this new life” được.
Tớ đã bắt đầu yêu Hàn Thuyên, con đường có cái tên tuyệt đẹp và là nơi tụ họp bạn bè vừa hợp với túi tiền sinh viên mà lại có một không gian đẹp như mơ mà không một quán cà phê nào có thể có được. Tớ đã nhận ra rằng teen Sài thành cũng giản dị chứ không hề cao ngoại như tớ đã tường tưởng tượng về “tụi thành phố”. Teen Sài Gòn cũng yêu Hàn Thuyên, cũng yêu những gì giản dị và chân thành.
Và tớ cũng đã nhận ra rằng con đường từ nhà tớ đến giảng đường không hề có sỏi như bao lâu nay tớ vẫn nghĩ. Tớ đã có bạn trên lớp, tớ đã tham gia Nhóm sáng tác sinh viên của trường, tớ cảm thấy cuộc sống đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Và tớ đã mỉm cười với Sài Gòn mỗi sáng thức dậy: một thành phố trẻ xinh đẹp, năng động và vô cùng quyến rũ. Tớ tin rằng tớ có đủ yêu thương để Sài Gòn sẽ là quê hương thứ hai của tớ.
“Sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn”- slogan này như là lời khuyên dành cho tớ vậy :)
HÀ MY- ekip Săn tin
Thực hiện bởi STSV- www.sangtacsv.com
Tạp văn: Người gánh từng góc quê
Người gánh từng góc quê.
Thành phố. Hiện đại và náo nhiệt. Đôi khi trở nên xô bồ và cỏ vẻ rất lộn xộn. Những biển chặn ngang đường “Công trình 100m”, những lô cốt án ngữ nơi ngã tư đông người, những lần kẹt xe tha hồ hít khói bụi khiến người ta cứ thấy ngại ngùng mỗi lần nghĩ tới việc dắt xe ra khỏi nhà làm vài vòng loanh quanh thành phố. Nhưng, những điều đó không hề làm cho thú vui dạo phố phường của tôi bị giảm đi phần nào. Bởi đơn giản, chỉ cần đi quanh một con phố, kiểu gì cũng gặp được những… gánh hàng rong.
Trong tình yêu đối với thành phố mới, có một phần rất lớn tôi dành riêng cho những gánh hàng.
Là những gánh hàng bán đủ thứ trái cây hay những loại bánh bình dân. Tôi có thói quen cứ thấy bóng dáng của những quảy hàng nặng oằn hai vai, hay những xe đẩy chất đầy những món lặt vặt là lại tức tốc đạp xe tới, tấp vào lề đuờng và thảnh thơi ngồi thưởng thức. Không giống như kiểu đang thưởng thức thú vui ẩm thực, không phải vì những món quà vặt, tôi ngồi đó, và mỉm cười bên những câu chuyện…
Gọi một ly chè, có khi là một dĩa xôi mặn, hay tô mỳ Quảng chỉ để có cớ ngồi lại, tôi ở đó trong vai “kẻ hóng chuyện”, lắng nghe mấy người bán hàng chuyện trò cùng nhau. Rằng thằng út của cô bán xôi hôm nay được điểm 10, rằng chú bán mỳ Quảng vừa mới gửi tiền về đóng tiền học phí cho 3 anh em ngoài quê, hay chuyện mấy hôm nay bán đắt hàng, cô bánh cuốn đủ tiền sắm quần áo cho mấy đứa nhỏ ở nhà. Mỉm cười, vui cùng những niềm vui giản dị của người khác. Chợt thấy những giây phút thực sự bình yên giữa Sài Gòn náo nhiệt hóa ra ở ngay đây, bên những gánh hàng rong vẫn lầm lũi đi về mỗi sớm tối.
Càng vui hơn nếu gặp người bán gốc miền Trung, chỉ sau mấy câu hỏi thăm ban đầu, thấy âm hưởng giọng nói quê mình mà tự nhiên mừng quýnh. “Chú người Quảng phải không, trời ơi cùng quê với con nè”. Và cứ thế là bao nhiêu “rứa, hỉ, mô…” cứ tuôn ra như suối. Cái giọng miền Trung, đi đâu cũng không thể lẫn được. Mừng hỉ hả. Giống như kiểu thèm được nói giọng nhà quê mà lâu nay cứ phải chỉnh giọng để người thành phố dễ hiểu, giờ “túm” được đồng hương nên cứ thế mà bao cảm xúc dồn nén lâu nay như thể được dịp mà tuôn trào hết cỡ. Rồi thấy lòng bình yên lạ! Mới thấy, những người con tha hương nơi đất khách quý những gánh hàng rong đến mức nào.
Một cách không hề ngờ tới, những gánh hàng đã cho tôi thật nhiều cảm xúc đặc biệt như thế. Như trong một buổi chiều cuối năm, Sài Gòn vắng người đến lạ, lại quyết định làm một vòng “lượn” quanh thành phố trước lúc lên tàu về quê cũ. Phơi phới đi trong gió cuối năm của chiều Sài Gòn, tha hồ tận hưởng cái không khí lạ lẫm của thành phố vốn náo nhiệt quanh năm bỗng một ngày yên ắng, lòng mừng vui hí hửng nghĩ tới cảm giác sắp được hít hà trong cái lạnh cuối năm của quê nhà. Bỗng dừng lại, lặng người nhìn theo bóng bà cụ đang chầm chậm gánh đủ món quà Tết đi ngang qua. Bà cụ đã đi qua mùa xuân của đời mình từ rất lâu, nhưng vẫn miệt mài gánh mùa xuân của cuộc đời đi khắp nẻo. Chợt thấy chạnh lòng, gần Tết mà cụ vẫn chưa được mang quà về quê cho cháu. Vẫn phải một mình đón tết nơi đất khách với những nhọc nhằn, với những gánh hàng tất tả ngược xuôi.
Tôi yêu, và thầm cám ơn những con người vẫn ngày ngày thầm lặng gánh từng góc quê như thế đi qua từng ngóc ngách, từng con phố tấp nập của Sài thành.
MINH ĐỨC- ekip Săn tin
Được thực hiện bởi Sangtacsv.com
[I ♥ VN] Huế- thành phố của tôi
Một chuyên mục của Sáng tác sinh viên, mời bạn cùng lên con tàu mang tên STSV để lần lượt đi qua từng vùng đất của tổ quốc, khám phá vẻ đẹp muôn màu sắc của dải đất hình chữ S. [I ♥ VN] hẹn gặp các bạn vào thứ tư hàng tuần để cùng nhau đến thăm một vùng đất mới, và tuần này chúng ta sẽ đến với Huế qua bài viết:
Huế - Thành phố của tôi
“Con sông dùng dằng con sông không chảy, sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”, câu thơ của cố thi sĩ Thu Bồn dường như đã lắng đọng tất cả những gì sâu kín và đẹp nhất của mảnh đất Cố đô.
Nằm ở khúc ruột miền Trung thân yêu, phía tây giáp với nước bạn Lào, phía đông hướng ra biên Đông bao la, phía bắc là tỉnh Quảng Trị, mặt nam ngăn cách với Đà Nẵng bởi dãy Bạch Mã. Tỉnh Thừa Thiên Huế được biết đến nhiều với thành phố Huế, Cố đô của đất nước với sự trị vì của Nhà Nguyễn, có dòng sông Hương thơ mộng chảy ngang cùng vẻ đẹp nên thơ ít nơi nào có được.
Không biết bao nhiêu bài ca dao, lời thơ được dùng để miêu tả vẻ đẹp của xứ sở cùng con người nơi đây:
“Đường vô xứ Huế quanh quanh,Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.”Hay “ Học trò trong Quảng ra thi,Thấy cô gái Huế chân đi không đành.”
Dòng sông Hương, êm đềm chia thành phố ra hai bờ nam bắc. Không ào ạt, dồn dập, con sông như cô gái Huế e ấp và nhẹ nhàng cuốn theo tâm tư, nỗi niềm. Người Huế sâu lắng và tĩnh lặng như dòng chảy ấy, không bị cuốn đi bởi sự ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống xô bồ. Đi khắp mọi miền đất nước, khó có nơi nào thanh bình như nơi đây, mỗi khi chiều về, những con đò xuôi dòng về phía những làn khói mờ bay lên nơi cồn Hến. Nhìn ngược dòng, cả mảng trời chuyển từ sắc cam sang màu tím dịu rồi nhường lại cho những ánh sao tỏa sáng khi mặt trời đã khuất sau những dãy núi. Thành phố về đêm tựa hồ như chất chứa không biết bao nhiêu nỗi niềm.
Nhắc tới Huế, ta không thể không nhắc tới hệ thống hoàng thành cổ kính cùng những lăng mộ của các đời vua chúa Nguyễn và hàng ngàn ngôi chùa tạo thành một quần thể di tích đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Được bắt đầu khởi công từ năm 1804 theo lệnh của Vua Gia Long, người lập ra triều Nguyễn và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Trải qua gần 140 năm cai trị của nhà Nguyễn, chứng tích lịch sử của thời kì chống Thực dân Pháp, Đế quốc Mĩ, hoàng thành vẫn đứng sừng sững hiên ngang theo thời gian.
“Thành quách vây lối nền rêu cũ
Sắc nước im trời ngọn gió ru
Mắt em trong xanh vương quốc ngọc
Em vội nghĩ gì trên lối mơ”
Sắc nước im trời ngọn gió ru
Mắt em trong xanh vương quốc ngọc
Em vội nghĩ gì trên lối mơ”
Mang đậm lối kiến trúc của thời kì phong kiến Việt Nam, với những họa tiết được chạm trổ công phu bởi những nghệ nhân tài năng lúc bấy giờ, kinh thành Huế là một tòa thành nguy nga tráng lệ ngự bên bờ sông Hương, chứng kiến bao thăng trầm biến cố lịch sử của đất nước. Ngày nay tuy mang trên mình những dấu tích của thời gian, nhưng không vì thế mà kinh thành Huế mất đi vẻ đẹp rất riêng của mình. Giữa bồn bề của cuộc sống hiện đại, tòa thành như một người già am hiểu mọi điều đứng lặng yên nhìn những thế hệ sau này sinh ra, lớn lên, ra đi, rồi quay về, bao bọc tất cả như đó là điều bình thường nhất.
Du khách đến Huế, không chỉ ấn tượng bởi vẻ đẹp cổ kính nơi đây mà chắc hẳn sẽ nhớ mãi hương vị của những món ăn nơi đây. Không biết bạn phải mất bao nhiêu thời gian mới có thể nếm thử hết những món ăn Huế. Ngay cả tôi, lúc viết bài này cũng không dám nói rằng mình đã ăn tất cả những thứ đã nuôi dưỡng hàng bao thế hệ người Huế. Món ăn ở Huế vô cùng phong phú và đa dạng từ các loại bánh, các loại chè, cho tới các loại bún, những món ăn cung đình, những món ăn vặt v.v… Xa phía hạ lưu của sông Hương, nơi có cồn Hền nổi tiếng với món cơm Hến, bún Hến, ốc hút, ốc luộc và chè Bắp.
Ngược lên gần chùa Thiên Mụ thì có bánh cuốn Kim Long, phía trong hoàng thành thì có chè Cung đình, những quán bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc gia truyền. Rải khắp thành phố những quán ăn từ cao cấp đến bình dân. Tất cả tạo cho Huế một hương vị rất riêng. Mỗi quán đều có những bí quyết để tạo cho mình sự khác biệt để khách đến ăn một lần sẽ nhớ mãi. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận một điểm chung của món ăn Huế đó là rất đậm đà, món chè ngọt dịu, món bún cay tê lưỡi, món bánh mặn bùi. Hương vị Huế không lẫn bất kì đâu được, tôi dù có xa Huế cách mấy cũng vẫn luôn giữ mãi chúng trong lòng, không thể quên.
“Mưa từ giọng nói mưa ra
Rứa mà ướt hết hồn ta một thời
Mười năm về lại Huế ơi
Mưa giờ ửng nắng khớp lời ngựa ô”
Những cơn mưa dai dẳng, kéo dài có khi cả tháng, đôi lúc kèm theo những con gió mùa Đông Bắc càng làm gia tăng thêm cái lạnh đến tái tê. Bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 1 năm sau, mùa mưa ở Huế làm cho khung cảnh nơi đây càng đượm một nỗi buồn miên man.
“Tôi về xứ Huế mưa sa
Em ơi Đồng Khánh đã là ngày xưa
Tôi về xứ Huế chiều mưa
Em ơi áo trắng bây giờ ở đâu”
Em ơi Đồng Khánh đã là ngày xưa
Tôi về xứ Huế chiều mưa
Em ơi áo trắng bây giờ ở đâu”
Cuối cùng, điều tôi tự hào về Huế đó là ngôi trường mà tôi đã theo học suốt những năm Trung học Phổ thông, ngôi trường hồng bên sông Hương – Quốc Học. Được thành lập vào ngày 23 tháng 10 năm 1896 theo chỉ dụ của vua Thành Thái mang đậm phong cách kiến trúc phong kiến với màu đỏ chủ đạo. Trường là nơi đào tạo không biết bao thế hệ thanh niên ưu tú cho đất nước trong đó có: Nguyễn Sinh Cung (Chủ tích Hồ Chí Minh), Tổng bí thư Trần Phú, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận và không biết bao nhiêu lớp học trò sau này đạt những thành tích cao trong học tập.
“Kiêu hùng nằm bên sông Hương, Quốc Học trường tôi yêu thương.”. Dưới mái trường thân yêu ấy, tôi cùng bao thế hệ cùng trang lứa đã được trang bị bao nhiêu kiến thức, bồi đắp những giá trị tinh thần về lòng yêu quê hương đất nước, nơi lưu giữ quãng đời đẹp nhất của thời phổ thông hồn nhiên, nghịch ngợm.
Những dòng trên đây chắc hẳn sẽ không làm thỏa mãn những bạn yêu mến và mong muốn tìm hiểu nhiều hơn về đất Huế, nhưng tôi mong muốn gửi gắm để các bạn những điều đã ghi lại trong tôi và sẽ theo mãi dù tôi có đi đến đâu chăng nữa. Giữa thành phố Hồ Chí Minh tấp nập này, đôi lúc tôi muốn tìm về lại với Huế, như để giữ cho tâm hồn được thảnh thơi hơn, để được sống chậm hơn. Mỗi chúng ta đều tự hào và yêu quý về mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên. Tôi biết rằng dù có điều gì xảy ra đi chăng nữa, Huế vẫn luôn giang rộng vòng tay đón chào những người con quay về.
Kafka
Đội Cộng tác viên trường
STSV: Còn rất nhiều vẻ đẹp ở những vùng đất khác mà chúng ta chưa kịp khám phá hết, đó là quê hương của bạn, hay chỉ đơn giản là một vẻ đẹp hồn hậu của một nơi nào đó bạn đã có dịp ghé chân qua. Bạn sẽ chia sẻ điều đó với mọi người chứ? Thư cộng tác gửi về sangtacsv@gmail.com. Tiêu đề nhớ ghi rõ: Bài gửi chuyên mục I love VN nha ^^
Thứ 4 hàng tuần, cùng [I ♥ VN] thêm yêu đất nước ...
Tags:
Điểm đến SV
,
Nhịp sống trẻ
[I ♥ VN] Hội An của tớ
Một chuyên mục của Sáng tác sinh viên, mời bạn cùng lên con tàu mang tên STSV để lần lượt đi qua từng vùng đất của tổ quốc, khám phá vẻ đẹp muôn màu sắc của dải đất hình chữ S. [I ♥ VN] hẹn gặp các bạn vào thứ tư hàng tuần để cùng nhau đến thăm một vùng đất mới, và tuần này chúng ta sẽ đến với Hội An qua bài viết:
Ở thành phố không có ánh đèn...
Nghe thì hơi có vẻ phi lý teen nhỉ, nhưng mà là 100% sự thật nhé, vì cứ vào mùng 14 âm lịch hằng tháng là Hội An quê tớ lại “tắt điện, “bật” đèn lồng”!
Phố cổ lung linh
Ra đời cách đây hơn 10 năm, cứ vào đêm 14âm lịch hằng tháng cuộc sống ở Hội An lại như quay về mấy trăm năm trước, đồng loạt những con phố như Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Bạch Đằng tắt đèn, treo trước hiên những ngọn đèn lồng với đủ màu sắc , hình dạng như: đèn tròn, lục lăng, đèn quả trám, ống dài kiểu Nhật..., , trông Hội An lung linh, huyền ảo vô cùng và chính điều này đã khiến nơi đây trở thành một nét hấp dẫn, độc đáo riêng mà không nơi nào có được. “Đêm phố cổ” là niềm tự hào của mỗi teen Hội An khi giới thiệu với mọi người, “cả tháng tớ chỉ mong mau đến tối 14 âm lịch để lại được sống trong không gian huyền ảo, lãng mạn của phố cổ. Và không gì thích bằng khi được treo trong nhà chiếc đèn lồng do chính tay mình làm ra”- T. Hùng 1 teen boy hào hứng khoe.
Đặc biệt vào ngày này thì các cung đường thuộc khu vực phố cổ sẽ cấm xe hết nhé, chỉ dành cho người đi bộ thôi thế nên khung cảnh Hội An càng như quay trở về ngày xưa, không như thành phố khác lúc nào cũng đèn điện sáng choang, xe cộ ồn ào, thành phố của tụi tớ rất tĩnh lặng và rất xưa. Nào là hát bài chòi, thi bịt mắt đập nồi, biểu diễn võ, viết thư pháp, ngâm thơ, đánh cờ tướng... đủ cả mà không phải chỉ có du khách và những người đứng tuổi mới tham gia các trò chơi này đâu, điểm mặt thấy toàn teen mình không thôi :D. Phương Vỹ (cựu học sinh trường Trần Quý Cáp) kể: “Teen Hội An tụi tớ nổi tiếng là hát dân ca hay đó, cứ vào những ngày này, đi loanh quanh trong phố cổ là các bạn sẽ thấy ngay tụi tớ tụ tập lại, cùng nhau hát, mà nhiều nhất là ở công viên Kazik ấy”,
Earth Hour đã trở nên quá quen thuộc với người dân nơi đây vì tháng nào cũng đều đặn 1 ngày là cả phố cổ đồng loạt tắt đèn mà. “Chúng tớ cùng tắt điện một tiếng, bán hoa đăng quyên tiền và cùng hát vang bài hát của EH”- Vỹ tâm sự về lần EH gần đây nhất mà cô bạn tham gia.
Con người và sự bình yên
Nếu ai có dịp được một lần đến Hội An thì tớ cá chắc rằng mọi người sẽ rất muốn quay lại lần thứ 2, thứ 3…và nhiều lần hơn nữa, không phải bởi những Hội quán, chùa chiền hay cảnh đẹp nổi tiếng, mà chính bởi con người nơi đây và sự bình yên mà nó mang lại. Hội An có đủ không gian để mọi người đến tham quan và trải nghiệm (từ những điều đơn sơ nhất, dù vẫn có những lúc náo nhiệt, đông đúc nhưng trong sự náo nhiệt, đông đúc đó mọi người vẫn tìm được cảm giác bình yên đến lạ lùng. Bao nhiêu câu hỏi đặt ra cho sự kì diệu này của Hội An thế nhưng vẫn không ai có thể trả lời được, chắc vì Hội An vốn dĩ đã rất bí ẩn rồi :)
Người dân ở đây thì siêu thân thiện nhé, họ rất chất phác, mộc mạc với “mô, tê, răng, rứa” (cộng thêm giọng Quảng Nam đặc sệt thì tớ đảm bảo bạn mới đến đây sẽ không hiểu mọi người nói gì hết đâu ^^). Dù là du khách nước ngoài hay người Việt Nam, dù bạn mới tới đây lần đầu hay đã “lượn” Hội An nhiều lần đến quen thuộc từng ngõ hẻm thì mọi người vẫn đối đãi với bạn như những người dân phố Hội chính gốc, đầy tình cảm và sự thân thiện. Tớ đã thử làm một cuộc “khảo sát” nho nhỏ với các teen đã có dịp đến Hội An với câu hỏi là điều gì làm bạn nhớ nhất và khiến bạn yêu Hội An, câu trả lời nhận được không khác chính là “con người và sự bình yên” đấy.
Những điều khác biệt làm nên Hội An rất riêng
Tớ- dù rất thân thuộc với Hội An, đi đến đây rất nhiều lần rồi nhưng thỉnh thoảng vẫn bị lạc trong những con hẻm ấy. Hẻm ở đây nhỏ xíu, quanh co, có nhiều con hẻm chỉ 1 người đi xe đạp là hết lối rồi, đi mà cứ sợ bị lạc tuy nhiên cảm giác tớ lại rất vui, giống như được chui vào mê cung nhỏ vậy hihi. “Những ngõ hẻm không sâu như Hà Nội, ngoằn ngèo, bí ẩn như chính là một phần tính cách của người dân phố Hội”- mọi người đã nói về ngõ hẻm Hội An như thế đấy.
“Hội An của tớ người nước ngoài nhiều hơn người Việt”- Sơn (17t) đã khoe như vậy, vì đến đây đi đâu cũng gặp phải du khách nước ngoài cả, có cô bạn còn ví von “Vừa ra khỏi cổng nhà là đụng ngay” ^^. Và đây đã trở thành lợi thế cho teen Hội An có cơ hội được trau dồi ngoại ngữ (mà không chỉ cả teen đâu, từ em bé đến người lớn tuổi hầu như ai cũng nói được tiếng Anh ấy). “Đến giờ thuyết trình tiếng Anh, mấy đứa bạn ở lớp Đại học đều thắc mắc hỏi tớ tại sao ở quê mà lại có thể nói chuẩn và nhanh như người nước ngoài vậy”- Vỹ tâm sự, bạn ấy cũng tiếc hùi hụi vì vào đây chẳng còn được “túm” lấy một người nước ngoài và nói liên tù tì như ngày xưa.
Thế nhưng dù nhận rất nhiều luồng văn hóa khác nhau từ mọi nơi nhưng Hội An vẫn luôn giữ được màu sắc riêng, rất đặc trưng. Hãy cho mình một cơ hội để đến và cảm nhận vùng đất “chưa mưa đã nắng” này ngay thôi teen ạ, vì dù tớ có nói bao nhiêu chăng nữa cũng không thể diễn tả được hết cái hay, cái thần của Hội An đâu!
( Ảnh: Dudu)
HÀ MY- ekip Săn tin
Thực hiện bởi STSV- www.sangtacsv.com
STSV: Còn rất nhiều vẻ đẹp ở những vùng đất khác mà chúng ta chưa kịp khám phá hết, đó là quê hương của bạn, hay chỉ đơn giản là một vẻ đẹp hồn hậu của một nơi nào đó bạn đã có dịp ghé chân qua. Bạn sẽ chia sẻ điều đó với mọi người chứ? Thư cộng tác gửi về sangtacsv@gmail.com. Tiêu đề nhớ ghi rõ: Bài gửi chuyên mục I love VN nha ^^
Thứ 4 hàng tuần, cùng [I ♥ VN] thêm yêu đất nước ...