Breaking News

Tran Chi Thien Tran Chi Thien

Home � Chàng trai không may mắn

Chàng trai không may mắn


Chúng tôi đến Bình Phước giữa một ngày nắng đẹp. Bình Phước đón chúng tôi như đón những con người xa quê cũ lâu ngày gặp lại. Vẫn ánh mắt ấy, lời nói ấy, con người Bình Phước kéo chúng tôi lại gần họ hơn.

Kỳ lạ thay, trên mảnh đất cao nguyên hùng dũng ấy lại hiện lên cái xanh ngút ngàn của cây lúa, rặng dừa, của ruộng bắp, hàng tiêu điều, của sự sống bất diệt, tươi vui của con người Bình Phước. Ít ai biết rằng chiến tranh đã qua đi rất lâu rồi nhưng vẫn để lại nơi đây nhiều dấu tích, là hố bom, là mảnh đạn, là vết thương cũ ăn sâu vào máu thịt nhức nhối mỗi lần trái gió trở trời. Nhưng có lẽ cái ấn tượng sâu sắc nhất với chúng tôi đó là sự sống vĩnh hằng, là khát khao sống, là những gì bất diệt của tâm hồn mảnh đất gian lao Bù Đốp.

Gặp Vũ trong một buổi tối ướt nhẹp đầy bùn đất, chúng tôi khá ngạc nhiên khi tiếp xúc với em. Gọi là em thôi chứ thực ra Vũ hơn chúng tôi một tuổi lận, hiện nay em đang mắc căn bệnh mà khó có thuốc nào có thể chữa khỏi, bởi đó là di chứng của một thứ chất độc chết người mà nhân loại lên án về tội lỗi của nó gây ra - chứng bệnh động kinh, di chúng của chất độc đioxin còn nằm lại trên cơ thể ba mẹ Vũ. Dù vậy được tin chiến sĩ mùa hè xanh ở tại ấp Vũ, em rất vui mừng, không quản gió mưa qua tìm gặp. Em đón chúng tôi trong nụ cười rạng rỡ nhất.

Trong buổi tuyên truyền vận động người dân cho các em tham gia lớp ôn tập hè do đoàn thanh niên tình nguyện tổ chức, chúng tôi có dịp đến nhà em. Vũ sống bình lặng trong căn nhà nhỏ ba gian lợp bằng lá dừa vững chãi. Ba mẹ Vũ là những người dân lam lũ bình thường, không quản nắng mưa nuôi đứa con tật nguyền mong cho con lớn lên trong tình yêu thương trọn vẹn.

Cuộc đời Vũ không may mắn như các bạn cùng trang lứa, tuổi thơ Vũ không được rong chơi vô tư với những cánh diều, con đu, con quay, trò đánh khăng, đánh đáo. Thay vào đó là những cơn đau, cơn co giật không bình thường và ánh mắt sợ hãi, kỳ thị của bà con lối xóm. Vũ lớn lên bằng tình yêu của ba mẹ, bù đắp phần nào cho những mất mát cuộc đời em. Dù vậy, Vũ lại tỏ ra là một người có ý chí và đầy nghị lực. Mỗi ngày, dù nắng dù mưa, bệnh hay mệt mỏi, Vũ cũng cố gắng đến nhà chúng tôi học viết. Nhìn những nét chữ vụng về, thô cứng của anh chàng lớn tuổi hơn mình mà chúng tôi lòng đầy khâm phục và xấu hổ. Nếu là Vũ liệu chúng tôi có đủ lòng can đảm như thế.

Tâm sự với tôi, Việt - thầy giáo dạy riêng cho Vũ chia sẻ: "Tuy sinh ra đã mắc căn bệnh nan y và tự biết mình không thể bình thường như bao bạn khác, nhưng em luôn tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng sống, vượt lên mọi mặc cảm, mọi lời đàm tiếu của xã hội. Em ước mơ mình biết đọc biết viết để người ta không khinh, để ba mẹ nở mày nở mặt với bà con chòm xóm. Thử hỏi nếu chúng ta ở trường hợp đó, liệu chúng ta có thể suy nghĩ được như em hay không?". Không chỉ thế Việt còn tâm sự: "Vũ qua học rất đều đặn, em thường tranh thủ giờ nghỉ trưa để nhờ tôi chỉ bài, sửa lỗi sai và cho em bài tập về nhà. Mặc dù em rất chậm và ít tiếp thu song chính sự ham học hỏi của em lại là động lực cho người thầy như tôi giúp em cố gắng hơn.".

Quả thật khi hai mươi ngày gian lao vất vả của chúng tôi dần trôi qua, hai mươi ngày sống ở đây và hằng ngày nhìn thấy nụ cười vô tư của Vũ, tôi mới nhận ra nhiều điều giá trị trong cuộc sống. Mới thấy mình thật may mắn bởi có nhiều thứ hơn một số người, và phải sống sao cho xứng đáng với những gì cuộc đời trao tặng.

Trước ngày lên đường về thành phố, chúng tôi dành ít thời gian đi chào hỏi bà con cô bác trong ấp, cũng như qua đó thuyết phục mọi người có cách ứng xử văn minh hơn với chàng trai không may mắn của chúng tôi. Hầu như mọi người đều vui vẻ nhận lời. "Trước đây quả thật bà con không nên đối xử với Vũ như vậy, nay được sự giải thích của các anh chị tình nguyện, bà con cũng đã hiểu ra nhiều điều và xin hứa sẽ cố gắng tạo cho em Vũ không khí thân mật nhất khi sống giữa tình bà con chòm xóm, tạo cho em động lực tốt nhất để em sống tốt, sống vui và sống khỏe hơn nữa." - bà Liên - hàng xóm của Vũ chân thành bộc bạch.

Chia tay Vũ trong niềm quyến luyến, nhìn bóng dáng nhỏ nhắn, bàn tay gầy guộc cầm quyển sổ mới và cây bút, nước mắt ngắn dài, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Vẫy tay chào em, chúng tôi ra đi để lại em với guồng quay cuộc sống thường ngày, để lại trong mỗi chiến sĩ chúng tôi một niềm day dứt… sau khi chúng tôi đi rồi ai sẽ tiếp tục chỉ dạy cho em?! Chỉ biết hy vọng vào sự giúp đỡ của người dân địa phương, vào tấm lòng của người dân Phước Thiện. Mong rằng cuộc sống sẽ mỉm cười với em - con người không đầu hàng số phận, trước hết là trong tư tưởng.

… "Mai mốt mẹ mày chết rồi mày cũng chết thôi."
"Không mẹ tau chết thì tau còn ba, còn bà con, còn nhà nước, tau sẽ học cái chữ để sau này có thể tự nuôi sống bản thân mình."

Đâu đó, với chúng tôi là dư âm, là những gì tốt đẹp nhất của mảnh đất, của con người, của Bình Phước thương yêu.


Nguyễn Thị Hương Giang
Chiến sĩ đội hình thông tin
Bài viết từ xã Phước Thiện

Tags:

1 comments to "Chàng trai không may mắn"

  1. Anonymous says:

    uhm đi mùa hè xanh có nhiều trải nghiệm thật quý báo...

Leave a comment